Dịch tay chân miệng đã được phát hiện tại Việt Nam từ vài năm trở lại đây, tại sao dịch bệnh có chiều hướng gia tăng và liệu Việt Nam có thể kiểm soát được bệnh dịch? Việt Hà có bài tường trình.
Hệ thống giám sát dịch bệnh còn nhiều hạn chế
Thống kê mới đây của Bộ Y tế cho thấy mới chỉ 3 tháng đầu năm, Việt Nam đã ghi nhận hơn 24 ngàn trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, đa số là trẻ em. Số ca tử vong là 17 người tính cho đến cuối tháng 3 năm nay. Các chuyên gia y tế cho rằng có khả năng sẽ có nhiều hơn số ca phát hiện bệnh trong năm nay so với năm ngoái.
Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng gia tăng các trường hợp mắc bệnh tay chân miệng trong ba tháng đầu năm dù chưa phải đỉnh điểm mùa dịch bệnh. Bác sĩ Takeshi Kasai, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt nam đưa ra một nguyên nhân:
Chúng tôi cho rằng nguyên nhân của sự gia tăng này là bởi vì một phần là do nhận thức về bệnh đã tăng lên, và việc giám sát phát hiện bệnh cũng đã tốt hơn.
Bác sĩ Takeshi Kasai
Takeshi Kasai: chúng tôi cho rằng nguyên nhân của sự gia tăng này là bởi vì một phần là do nhận thức về bệnh đã tăng lên, và việc giám sát phát hiện bệnh cũng đã tốt hơn.
Mùa bùng phát của căn bệnh tay chân miệng thường rơi vào các tháng 4 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến
tháng 10 hàng năm. Tuy nhiên, trong hội nghị tăng cường các biện pháp giảm tử vong do bệnh tay chân miệng được bộ Y tế tổ chức vào đầu tháng 4 ở thành phố Hồ Chí Minh, các chuyên gia y tế Việt Nam đã không đưa ra được một giải thích cụ thể nào về sự gia tăng các ca bệnh ngay từ trước mùa dịch.
Cũng tại hội nghị này, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng đã có những trường hợp bệnh nhi năm nay bị chết oan do lỗi phụ huynh chủ quan, đưa con đến bệnh viện khi tình trạng bệnh quá nặng. Ngoài ra bà cũng thừa nhận một phần lỗi của các cơ sở y tế, bao gồm việc theo dõi độ nặng của bệnh không được làm kỹ, trẻ bị nhận định nhầm và điều trị không đúng tinh trạng bệnh, và nhiều bệnh viện tuyến dưới thiếu bác sĩ chuyên khoa nhi và điều dưỡng chăm sóc bệnh.
Mình chỉ ca nào vào bệnh viện và triệu chứng khá rõ rồi thì mới làm xét nghiệm, còn người ta làm nhiều hơn nên mức độ xác định của người ta đúng hơn mình. Còn mình thì ca nhẹ, triệu chứng không rõ thì mình không làm xét nghiệm thì mình đâu biết được thực sự có bao nhiêu ca mắc.
Bác sĩ Trần Tịnh Hiền
Mặc dù vậy, các chuyên gia y tế Việt nam tại hội nghị lại trấn an những người quan tâm bằng cách so sánh tỷ lệ người mắc bệnh trong 100,000 dân của Việt Nam thấp hơn rất nhiều so với các nước tiên tiến, điển hình là Singapore. Tỷ lệ của Việt Nam là 23,8 còn của Singapore là 73,5. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng có thể con số người mắc bệnh thực tế tại Việt nam còn cao hơn nhiều bởi hệ thống giám sát dịch bệnh cộng đồng tại Việt Nam không tốt như ở các nước tiên tiến như Singapore. Bác sĩ Trần Tịnh Hiền, nguyên viện phó bệnh viện Nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh cho biết:
Trần Tịnh Hiền: nếu so sánh bằng tỷ số người mắc chưa chắc đã đúng, bởi đúng như người ta nói là vấn đề chẩn đoán của mình thì đôi khi mình đâu có làm xét nghiệm nhiều như Nhật hay Singapore. Mình chỉ ca nào vào bệnh viện và triệu chứng khá rõ rồi thì mới làm xét nghiệm, còn người ta làm nhiều hơn nên mức độ xác định của người ta đúng hơn mình. Còn mình thì ca nhẹ, triệu chứng không rõ thì mình không làm xét nghiệm thì mình đâu biết được thực sự có bao nhiêu ca mắc.
Đòi hỏi nỗ lực của chính phủ, bệnh viện và người dân
Bệnh tay chân miệng không phải mới được phát hiện ở Việt Nam. Năm 2008, Việt Nam đã phát hiện hơn 2000 trường hợp mắc bệnh với 11 ca tử vong. Năm ngoái số trường hợp ca bệnh được phát hiện tại Việt Nam là hơn 100,000 người với số người tử vong là 167 trường hợp. Theo như WHO thì Việt Nam đã có kinh
nghiệm đối phó với bệnh và đã đạt được những tiến bộ nhất định trong việc phòng ngừa giám sát bệnh. Bác sĩ Takeshi Kasai nói:
Takeshi Kasai: WHO đánh giá cao Việt nam đã có những hành động trong nỗ lực ngăn ngừa bệnh dịch, tăng cường công tác giám sát, điều trị. Chúng tôi thấy các tỉnh thành và cơ quan liên quan đều đã được thông báo các biện pháp cần thiết để ngăn ngừa bệnh dịch.
Đây không phải là bệnh dễ ngăn ngừa lây nhiễm, nó đòi hỏi không chỉ nỗ lực của chính phủ mà cả các bệnh viện và người dân. Đây là loại bệnh mà chúng ta cần sự trợ giúp tích cực từ cộng đồng, tức là phải nâng cao các biện pháp vệ sinh thường ngày để ngăn ngừa bệnh lây nhiễm.
Bác sĩ Takeshi Kasai
Nhưng với ca nhiễm bệnh tăng cao đột biến trong đầu năm nay, người ta không khỏi đặt câu hỏi về khả năng kiểm soát bệnh dịch của Việt Nam. Theo bác sĩ Takeshi Kasai thì đây là bệnh dịch rất khó kiểm soát và cần một nỗ lực lớn của cộng đồng.
Takeshi Kasai: đây không phải là bệnh dễ ngăn ngừa lây nhiễm, nó đòi hỏi không chỉ nỗ lực của chính phủ mà cả các bệnh viện và người dân. Đây là loại bệnh mà chúng ta cần sự trợ giúp tích cực từ cộng đồng, tức là phải nâng cao các biện pháp vệ sinh thường ngày để ngăn ngừa bệnh lây nhiễm. Vì vậy các biện pháp ngăn ngừa cần phải được thực hiện trước hết tại nhà và các cơ sở trông trẻ.
Đây cũng chính là một khó khăn mà Việt Nam đang gặp phải. Báo Dân Trí hồi đầu tháng 4 có bài cho biết trong một đợt kiểm tra giám sát bệnh tại 10 trường mầm non ở Sài gòn của trung tâm y tế dự phòng từ ngày 10 tháng 2 đến 23 tháng 3 , trung tâm này đã phát hiện 41 ca bệnh tại 16 lớp học. Báo Dân trí trích lời ông phó giám đốc trung tâm y tế dự phòng cho biết một số trường sợ báo cáo trường hợp mắc bệnh thì sẽ phải đóng cửa trường để xử lý, và do đó gây ảnh hưởng đến hoạt động của trường.
Theo bác sĩ Trần Tịnh Hiền, thì trên thực tế Việt nam còn gặp nhiều khó khăn hơn một vấn đề tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong người dân. Bác sĩ Trần Tịnh Hiền giải thích:
...bệnh tay chân miệng thì chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, mình chỉ theo dõi khi nặng rồi mới đưa vào phòng cấp cứu rồi mới có các biện pháp điều trị nâng đỡ. Hiện tại người ta vẫn sử dụng huyết thanh IVIG khá nhiều, cái này thì rất đắt tiền, đó là khó khăn thứ ba tức là chi phí cao
Bác sĩ Trần Tịnh Hiền
Trần Tịnh Hiền: hiện tại số ca bệnh rất nhiều, thực ra không phải tất cả các bệnh tay chân miệng đều phải nhập viện nhưng bởi tâm lý người dân sợ nên người ta đưa đến các bệnh viện lớn ngay nên con số rất lớn. Thứ hai là cái bệnh tay chân miệng thì chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, mình chỉ theo dõi khi nặng rồi mới đưa vào phòng cấp cứu rồi mới có các biện pháp điều trị nâng đỡ. Hiện tại người ta vẫn sử dụng huyết thanh IVIG khá nhiều, cái này thì rất đắt tiền, đó là khó khăn thứ ba tức là chi phí cao.
Bệnh tay chân miệng không chỉ xuất hiện tại Việt Nam. Trước Việt Nam, nhiều nước trong khu vực cũng phát hiện nhiều ca bệnh và cũng có các ca tử vong. Ngay cả các nước phát triển như Singapore hay Đài Loan cũng đã phải đối phó với tình trạng này. Theo bác sĩ Trần Tịnh Hiền thì tại các nước phát triển, việc theo dõi chăm sóc bệnh nhân nặng tại bệnh viện tốt hơn so với Việt Nam do đó hạn chế được các ca tử vong đáng tiếc. Nguyên nhân là vì các nước phát triển không phải đối mặt với tình trạng quá tải của các bệnh viện tuyến trên như ở Việt Nam.
Trong khi đó, các bệnh viện tuyến dưới của Việt Nam lại thiếu thiết bị và đội ngũ chuyên môn có kinh nghiệm về bệnh. Đây cũng chính là cái vòng lẩn quẩn mà Việt Nam đang phải đối mặt khi tìm cách chống chọi với các dịch bệnh lây nhiễm và có diễn biến phức tạp như dịch tay chân miệng.
Theo dòng thời sự:
- Phát động Chiến Dịch chống bệnh tay-chân-miệng
- Bộ y tế cảnh báo về các dịch bệnh đang bộc phát
- Bộ Y Tế vẫn chưa cho công bố dịch tay-chân-miệng
- Báo động bệnh tay chân miệng ở người lớn
- Dịch tay, chân, miệng làm chết 70 người tại VN
- Bệnh tay chân miệng lan rộng cả nước
- Cloramine B có thể ngừa bệnh tay chân miệng
- Trường học đóng cửa vì dịch bệnh tay chân miệng
- Dịch bệnh tay chân miệng tấn công nặng nề Đồng Nai
- Dịch bệnh tay, chân, miệng đang có diễn biến phức tạp
- Hiện có 60 tỉnh thành bị bệnh tay chân miệng hoành hành