Tuy nhiên hiện tượng tiền đồng mất giá liên tục trong suốt gần 1 năm rưỡi qua cùng với chỉ số giá tiêu dùng tăng cao, đang khiến người dân Việt Nam ngày càng quay trở lại với việc găm giữ đô la và vàng, bất chấp quy định hạn chế giao dịch vàng và đô la trên thị trường tự do hiện nay. Liệu Việt Nam có thể tiếp tục thực hiện việc giảm đô la hóa trong nền kinh tế thành công trước tình hình hiện tại?
Không chiếm quá 20% cung tiền
Việt Hà phỏng vấn chuyên gia kinh tế Jay Menon của Ngân hàng phát triển châu Á về vấn đề này. Trước hết nói về tình hình đô la hóa tại Việt Nam hiện nay, ông Jay Menon cho biết:
Việt Nam rõ ràng là đang đi đầu trong việc giảm đô la hóa, nhìn chung thì đô la không chiếm quá 20% cung tiền. Và con số này là đã giảm rất nhiều so với trước kia.
Jay Menon
Jay Menon: Theo tôi, tại Việt Nam chúng ta thấy có nhiều thành công hơn so với hai nước Lào và Campuchia liên quan đến việc giảm đô la hóa. Tất nhiên tại Campuchia thì vấn đề đô la hóa có thể nói là toàn bộ, còn tại Lào thì họ sử dụng cả đồng đô la lẫn bạt Thái. Việt Nam rõ ràng là đang đi đầu trong việc giảm đô la hóa, nhìn chung thì đô la không chiếm quá 20% cung tiền. Và con số này là đã giảm rất nhiều so với trước kia. Tuy nhiên hiện nay đang có lo ngại là tỷ lệ này sẽ tăng lên. Tất nhiên, ngoài đô la thì người dân còn dự trữ cả vàng nữa. Cho nên điều quan trọng ở đây chúng ta cần nghĩ tới đó không phải là phần trăm đô la mà là phần trăm của tất cả các loại không phải tiền đồng mà người dân đang nắm giữ. Và nếu tính như vậy, thì tình hình còn nghiêm trọng hơn.
Việt Hà: Vậy tình trạng đô la hóa tại Việt Nam có mối quan hệ thế nào với lạm phát?
Jay Menon: Nếu nói về sự ảnh hưởng qua lại giữa đô la hóa và lạm phát, thì điều đáng lo ngại hiện nay chính là sự giảm giá của tiền đồng, vì đồng đã bị liên tục hạ giá 4 lần kể từ tháng 11 năm 2009. Và theo tôi nó khoảng 20% giá trị chính thức. Nhưng chúng ta phải tính đến chênh lệch đang tăng giữa tỷ giá chính thức và không chính thức. Và vì như vậy nên sức ép lên giá trị tiền đồng lại càng lớn hơn. Vì thế việc hạ giá tiền đồng bản thân nó đã làm tăng lạm phát. Ngoài ra còn có sự lo lắng về tăng trưởng tín dụng và cung tiền.
Đô la hóa không tham gia vào việc làm tăng lạm phát, vì thực ra đó là cách để đảm bảo sự ổn định, vì đồng đô la không dễ mất giá như tiền đồng, cho nên lạm phát đến từ một nguyên nhân khác, đó là sự thâm hụt đang tăng cao trong nền kinh tế vĩ mô, bao gồm cả thâm hụt thương mại lẫn thâm hụt ngân sách, ngoài ra là việc tăng giá của thực phẩm và các sản phẩm dịch vụ khác cũng ảnh hưởng đến lạm phát. Cho nên ảnh hưởng giữa lạm phát và đô la hóa chỉ có tính gián tiếp. Ngoài ra, vì có hiện tượng đô la hóa cao nên ngân hàng nhà nước Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm sóat cung tiền, tại thị trường tự do, mọi người không sẵn sàng giữ tài sản tính theo giá trị tiền đồng, cho nên ngân hàng nhà nước phải sử dụng cách ví dụ như thay đổi tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Làm như vậy để giảm sự tăng trưởng tín dụng. Các ngân hàng lớn thì ít bị ảnh hưởng bởi quy định này vì họ có khoản dự trữ lớn, nhưng ngân hàng nhỏ thì khác vì dự trữ của họ ít hơn. Cho nên ngân hàng lớn sẽ vẫn tiếp tục cho vay như thường vì họ đã có dự trữ lớn. Việc đô la hóa đã làm giảm khả năng của ngân hàng trung ương trong việc thực hiện có hiệu quả chính sách tiền tệ và do đó có thể dẫn đến hạn chế trong việc kiểm soát lạm phát trong những lúc như giai đoạn hiện nay
Coi trọng kiểm soát lạm phát
Việt Hà: Có những chuyêng gia kinh tế cho rằng với các chính sách mà chính phủ Việt Nam đang áp dụng hiện nay, Việt Nam có thể kiểm soát được tình hình trong vòng 6 đến 9 tháng tới, ông có đồng ý với ý kiến này?
Đô la hóa bản thân nó chỉ là hiện tượng chứ không phải là vấn đề. Nó phản ánh những lo ngại của người dân về sự mất ổn định của kinh tế vĩ mô, quản lý của chính phủ.
Jay Menon
Jay Menon: Tôi hy vọng là họ có thể làm được như vậy, có những lý do để tin là chính phủ Việt Nam đang rất coi trọng việc kiểm soát lạm phát. Họ coi đây là quan ngại chính. Còn nói về khoảng thời gian mất bao lâu các biện pháp họ áp dụng mới đem lại kết quả thì có 2 điều phải suy nghĩ. Thứ nhất là vấn đề kinh tế vĩ mô, đặc biệt là thâm hụt ngân sách và thương mại, vấn đề này phải mất một thời gian dài hơn mới có thể kiểm soát được. Có thể 6 hay 9 tháng hoặc hơn trước khi thâm hụt được giảm xuống đáng kể. Và đây có thể coi là một quan ngại lớn cho chính phủ.
Thứ hai là sự thiếu lòng tin vào tiền đồng, và điều này đòi hỏi một thời gian dài hơn rất nhiều. Nhưng cách chúng ta nhìn vào đô la hóa là đô la hóa bản thân nó chỉ là hiện tượng chứ không phải là vấn đề. Nó phản ánh những lo ngại của người dân, bao gồm lo ngại về sự mất ổn định của kinh tế vĩ mô, quản lý của chính phủ, rồi quyền với bất động sản, hệ thống pháp lý. Tất cả những điều này đòi hỏi phải có nhiều thời gian để giải quyết. Việt Nam đã có những tiến bộ nhất định trong việc giải quyết các vấn đề vừa nêu, tuy nhiên còn nhiều điều phải làm trong thời gian tới. Nói tóm lại có những biện pháp ngắn hạn cho lạm phát trước mắt, nhưng về dài hạn là nhân tố cơ cấu cần phải xem xét, trong đó bao gồm việc đổi mới doanh nghiệp nhà nước. Việt Nam có cam kết đổi mới các doanh nghiệp này nhưng họ cần phải làm nhanh hơn nữa.
Việt Hà: Việt Nam có thể học được bài học gì từ các nước khác đã giảm đô la hóa thành công trên thế giới thưa ông?
Jay Menon: Bài học mà Việt Nam có thể học từ các nước khác đã thành công trong việc giảm đô la hóa bao gồm Singapore, Malaysia vốn trước kia phụ thuộc tiền bảng Anh. Họ không thể đưa ra các chính sách bắt buộc giảm đô la hóa, không có các biện pháp theo kiểu đi đường tắt với mong muốn mọi sự thay đổi chỉ trong chớp mắt. Những nước đã từng làm theo kiểu như vậy đều không thành công. Không những thế còn làm cho vấn đề thêm nghiêm trọng. Bài học từ các nước thành công là phải cải thiện được tình hình kinh tế vĩ mô, giảm thâm hụt ngân sách và thương mại, đồng thời cố gắng cải cách những vấn đề về thể chế.
Nếu họ có một hệ thống pháp lý đảm bảo quyền sở hữu đất đai, tài sản một cách rõ ràng và hợp lý thì có thể giúp gây dựng lòng tin. Ngoài ra, việc phát triển khu vực tài chính là một phần khác trong ổn định kinh tế vĩ mô. Chính trị Việt Nam hiện ổn định là một điểm tốt. Cuối cùng là một khi người dân tin rằng chính phủ có thể kiểm soát được nền kinh tế vĩ mô và quyền sở hữu, sử dụng tài sản, đất đai được thực hiện nghiêm túc, rõ ràng, thì việc giảm đô la hóa sẽ đến một cách tự nhiên. Và không cần phải làm gì nữa.
Ngoài ra, về trung hạn, Việt nam cũng nên xem xét biện pháp neo cứng vào một đồng tiền mạnh (currency board arrangement), giống như ở Hồng Kông. Làm như vậy thì người dân có thể tin tưởng khi chuyển đồng sang đô la.Vấn đề bây giờ là dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện rất thấp, ước tính gần đây cho thấy là chỉ bằng khoảng 2 tháng nhập khẩu, trong khi đó giới hạn tối thiểu phải là 6 tháng. Trước khi họ có thể áp dụng các biện pháp khác, thì họ cần phải giải quyết việc thiếu hụt trong dự trữ ngoại hối để có thể thực hiện được biện pháp neo cứng theo ngoại tệ khác một cách có hiệu quả. Đó là biện pháp mà họ có thể xem xét trong thời gian trung hạn để thực hiện việc giảm đô la hóa.
Việt Hà: Xin cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn này.
Theo dòng thời sự:
- Việt Nam tăng dự trữ bắt buộc, áp trần lãi suất đô la
- Triển vọng kinh tế Việt Nam 2011
- Việt Nam: Khủng hoảng vì Hồ hởi
- Đô la quay lại thị trường?
- Chống lạm phát phải minh bạch
- Chính sách bình ổn giá ở VN năm 2011
- Thắt chặt tiền tệ đối phó lạm phát
- Việt Nam đầu tư chệch hướng?
- Bất ổn chính trị theo chân bất ổn kinh tế?
- Giá lương thực - ẩn số lớn của lạm phát