Phiên tòa xét xử nhà hoạt động Bùi Thị Minh Hằng cùng 2 người khác hôm 26/8/2014 tại Cao Lãnh, Đồng Tháp thu hút sự quan tâm của dư luận trong và ngoài nước. Thế nhưng, người dân địa phương biết gì và nghĩ gì về phiên tòa này?
Một ngày không bình yên
Nhiều người dân ở thủ phủ tỉnh Đồng Tháp mô tả ngày 26/8 là một ngày “không bình yên”. Họ không hiểu vì sao lực lượng mặc sắc phục xuất hiện quá nhiều từ sáng sớm của một ngày bình thường như mọi ngày ở thành phố Cao Lãnh, dọc theo quốc lộ 30, có dòng sông Tiền chảy qua, vốn dĩ rất bình dị và hiền hòa. Ông Hai Bé, 1 cư dân ở phường Mỹ Phú, gần khu vực Tòa án tỉnh Đồng Tháp, nói với đài ACTD về thắc mắc chuyện gì đã xảy ra vào hôm thứ Ba:
“Ngày đó thì công an nhiều lắm, công an giao thông rồi cơ động rồi 113 chạy vòng vòng, kể cả dân quân, dân phòng tùm lum hết. Sao tự nhiên hôm nay công an đông quá như vậy? Đương nhiên không biết vụ gì thì mình muốn tìm hiểu. Rồi ra đi uống cà phê, nghe nói rằng xử án, xử vụ phản động gì đó. Người dân xù xì với nhau, nghe nói nhiều người muốn căng biểu ngữ nhưng công an chặn lại không cho, bị công an giựt hết trơn. Nghe nói công an bắt một số người”.
Ông Hai Bé cho biết đã về hưu, thường xuyên theo dõi tin tức qua báo chí và truyền hình địa phương. Tuy nhiên, không có thông báo nào cho biết sẽ có phiên tòa xét xử diễn ra tại Cao Lãnh và người dân có sự lo lắng, hoang mang vì các lực lượng an ninh ở địa phương bỗng dưng quy tụ đông đảo.
Từ hôm thứ Hai, 1 ngày trước khi phiên xử bà Bùi Thị Minh Hằng, anh Nguyễn Văn Minh và cô Nguyễn Thị Thúy Quỳnh diễn ra, nhiều người quan tâm từ khắp nơi lần lượt tìm về Cao Lãnh để dự phiên tòa công khai đã gặp trở ngại với chính quyền địa phương. Liên tục những chia sẻ ngắn gọn, những hình ảnh được cập nhật trên các trang mạng xã hội đưa tin các đường phố xung quanh khu vực Tòa án Tỉnh Đồng Tháp đã bị phong tỏa, gần cả trăm người bị ngăn chặn, khủng bố, bị bắt đưa lên xe chở đi. Trong khi đó, một số cư dân tại Cao Lãnh bày tỏ qua Facebook không biết chuyện gì đang gây náo động tại quê nhà.
Dân tin theo báo Đảng
Sự tò mò của người dân địa phương cuối cùng được giải đáp vào cuối ngày khi báo điện tử Đồng Tháp Online đăng tin “Xét xử 3 đối tượng về hành vi gây rối trật tự công cộng” vào lúc 19 giờ 10 phút tối thứ Ba, ngày 26/8, ngay sau khi phiên tòa kết thúc, với nội dung 3 bị cáo: Bùi Thị Minh Hằng, 3 năm tù giam; Nguyễn Thị Thúy Quỳnh, 2 năm tù giam và Nguyễn Văn Minh, 2 năm 6 tháng tù giam theo điều luật 245 Bộ Luật hình sự. Bài báo cho biết có 4 luật sư tham gia bào chữa cho 3 bị cáo.
Dù tại phiên tòa 3 bị cáo quanh co chối tội trong vụ việc xảy ra hôm 11/2/2014 ở huyện Lấp Vò nhưng phải thừa nhận phạm tội trước nhiều nhân chứng tố cáo hành vi gây rối trật tự, la hét, nhục mạ lực lượng thi hành nhiệm vụ, làm cản trở ách tắc giao thông đồng thời hành hung 1 chiến sĩ công an đang thi hành nhiệm vụ. Bài báo cũng cho biết thêm có một số người quá khích, gây rối trật tự xung quanh địa điểm xét xử; các lực lượng chức năng vận động, thuyết phục và xử lý ổn định an ninh trật tự.
Mặc dù một phiên tòa xét xử về hành vi gây rối trật tự công cộng có nhiều diễn tiến xảy ra mà người dân Cao Lãnh cho là “khác thường” nhưng qua thông tin từ báo, đài địa phương không ít người trong số họ cứ đơn thuần tin theo, cho rằng làm sai thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Cô Thanh, hiện đang công tác trong cơ quan Nhà nước, cho biết suy nghĩ về phiên xét xử gây nên cảnh tượng “lạ lùng” ở quê mình:
“Chuyện đó cũng bình thường thôi. Người ta làm sai thì tòa án xử. Thông thường mấy vụ đó thì đọc để biết đó thôi chứ không suy nghĩ sâu xa”.
Tuy nhiên cũng có nhiều người sau khi biết kết quả phiên xét xử, tìm hiểu thêm sự tình của vụ việc lại đồn đoán rằng các bản án này là dấu hiệu để răng đe những ai có ý tưởng dù là manh nha phản kháng lại nhà cầm quyền ở địa phương. Câu hỏi đặt ra là các bản án tù giam đối với 3 bị can Bùi Thị Minh Hằng, Nguyễn Thị Thúy Quỳnh, Nguyễn Văn Minh có tác động như thế nào đến những người thường bị quy vào tội “gây rối trật tự công cộng”, điển hình là các dân oan đi khiếu kiện tập thể.
Một dân oan 20 năm quan tâm đến phiên xét xử này lên tiếng:
“Tui không sợ tại vì tui đúng “nó” sai. Vì đâu, do đâu tụi tôi đi biểu tình? Phải tìm ra cái gốc vì lý do gì mà người ta bức xúc, khiến người ta đi như vậy? Giăng nắng dầm mưa có lý thú gì đâu? Ai mà hứng thú? Tại vì mấy người đó không có trình độ hiểu biết mà có cường quyền và bạo lực, cứ đặt ra nói rồi hành hạ người ta. Tôi không bao giờ sợ. Khi nào giải quyết cho tôi mà tôi còn đi nữa thì chừng đó tôi mới phá rối an ninh trật tự. Còn bây giờ ăn cướp mồ hôi nước mắt của tôi thì tôi cứ một đường tôi đi”.
Không bao lâu nữa, những người dân đôn hậu ở thành phố Cao Lãnh, Đồng Tháp sẽ không nhớ đến Bùi Thị Minh Hằng, Nguyễn Thị Thúy Quỳnh, Nguyễn Văn Minh là ai khi được nhắc tới nhưng cảnh tượng diễn ra hôm 26/8/2014 chắc chắn đọng lại trong lòng nhiều người vì đa số những người dân ở đây mà đài RFA tiếp xúc khẳng định họ tiếp tục tìm tòi nguyên nhân vì sao quê nhà của họ lại có một phiên tòa như thế.