Bị chính quyền cô lập
Sau khi ông Phan Ngọc Tuấn bị công an tỉnh Ninh Thuận bắt hồi tháng 8 năm ngoái, bị giam giữ liên tục, bị Toà án Ninh Thuận hôm mùng 6 tháng rồi tuyên phạt 5 năm tù giam và 3 năm quản chế với tội danh vẫn thường gán cho những nhà bất đồng chính kiến là “tuyên truyền chống nhà nước CHXHCNVN” , thì cho đến nay, vợ ông Phan Ngọc Tuấn, bà Nguyễn Thị Ngụ cùng người thân vẫn chưa được gặp ông. Bà Nguyễn Thị Ngụ cho biết:
"Đã gần một năm nay họ không cho tôi gặp chồng tôi, họ biệt giam anh ấy luôn. Hôm kia tôi có xuống toà án hỏi chồng tôi có làm đơn kháng án không thì họ nói là bị cáo Phan Ngọc Tuấn đã làm đơn kháng án rồi, và họ đã gởi lên Toà án Tối cao. Khoảng 2-3 tháng nữa tòa mới bắt đầu đưa ra xử lại."
Nhân chuyện kháng án của Phan Ngọc Tuấn, bà Nguyễn Thị Ngụ không hy vọng có được luật sư nào đứng ra trợ giúp chồng bà, như bà giải thích:
"Không ai dám. Bởi vì ở đây từ trên xuống dưới họ đã bao che cho nhau hết. Theo tôi nghĩ vì ở trong tù chồng tôi bức xúc thì làm đơn kháng án, chứ theo tôi nghĩ, không có ai can thiệp, không có ai giúp đỡ cả."
Họ cô lập gia đình tôi. Họ nói Phan Ngọc Tuấn là ngông cuồng, bệnh hoạn, điên khùng, phản động, gây rối cho nên bây giờ họ ít tiếp xúc với gia đình tôi khiến chúng tôi bị cô lập. <br/>Bà Nguyễn Thị Ngụ <br/>
Khi được hỏi về trường hợp ông Phan Ngọc Tuấn có nhờ tới sự can thiệp của Tổng Lãnh Sự Quán Hoa Kỳ ở Saigòn, bà Nguyễn Thị Ngụ cho biết:
"Từ năm 2006 tới giờ, chúng tôi có làm đơn cầu cứu ở Tổng Lãnh Sự Quán Hoa Kỳ, nhưng hiện nay tôi không liên lạc được, không có cách gì mà liên lạc được. Từ ngày chồng tôi bị bắt tới bây giờ coi như gia đình tôi bị họ canh đằng trước, đằng sau nhà 24/24."
Bà Nguyễn Thị Ngụ, cư trú tại phường Phước Mỹ, TP Phan Rang-Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận, nhân tiện cho biết tình cảnh gia đình bà hiện giờ:
"Hiện tại bây giờ, con tôi xin đi làm ở đâu thì người ta không nhận. Họ nói là vì cha phản động, vì gia đình phản động. Còn tôi thì mỗi tối đi bán vé xố, rồi dọn nhà cầu cho người ta, đi lượm ve chai, lượm từng que củi ở vườn người ta về nấu, nhà thì gần sập rồi.
Gia đình tôi trong thời đại mới này mà không bếp ga, không tủ lạnh, không máy giặt. Rồi không ai giúp đỡ cả. Ba mẹ con sống nhờ vào mấy tờ vé số. Họ cô lập gia đình tôi. Họ nói Phan Ngọc Tuấn là ngông cuồng, bệnh hoạn, điên khùng, phản động, gây rối cho nên bây giờ họ ít tiếp xúc với gia đình tôi khiến chúng tôi bị cô lập.
Hiện họ nhìn gia đình tôi bằng cặp mắt khác, nên tôi không tiếp xúc được với ai. Ban đêm tôi đi bán vé xố, vào những quán nhậu bán cho những người lạ chứ còn những người quen thì họ nhìn tôi bằng cặp mắt khác nên họ cũng chẳng mua."
Bị kết tội phản động
Theo cáo trạng của giới cầm quyền thì ông Phan Ngọc Tuấn đã phát tán các tài liệu ở Phan Rang, Saigòn, Hà Nội nhằm “tuyên truyền, xuyên tạc chế độ”, “vu khống, nói xấu Đảng và Nhà nước”, “móc nối, nhận tiền của một số tổ chức, cá nhân phản động” tại nước ngoài và còn xúi giục con trai Phan Nguyễn Ngọc Tú tung những clip video lên mạng để “bôi nhọ, chống phá chế độ”.
Nhưng theo những cựu tù chính trị trong nước thì nội dung truyền đơn của tù nhân lương tâm Phan Ngọc Tuấn là nhằm tranh đấu cho quyền lợi công nhân cũng như tố cáo những vi phạm pháp luật của chính quyền địa phương trong vấn đề đất đai, tôn giáo. Bà Nguyễn Thị Ngụ cho biết thêm:
"Do hai vợ chồng tôi kiện công ty Nam Thành, nơi tôi đang làm lúc đó, về việc họ bớt xén chế độ của tụi tôi – 500 công nhân. Sau khi kiện cáo thì công ty đó trù dập, cho tôi nghỉ việc. Chồng tôi tức mình, cứ lên khiếu nại trên Trung ương hoài. Trên Trung ương chỉ đạo về nhưng họ không giải quyết mà còn bao che nhau và cho tôi nghỉ việc như vừa nói.
Sau đó chồng tôi vì quá bức xúc nên đi rải truyền đơn mà họ cho là xúc phạm tới cán bộ cấp cao tỉnh Ninh Thuận. Rải truyền đơn thì ban đầu là cứu vớt cho chế độ của tôi – quyền lợi bị công ty Nam Thành xâm hại liên quan tiền lương, tiền thưởng rồi chế độ bảo hộ độc hại. 500 công nhân trong công ty thì chỉ một mình vợ chồng tôi đứng ra đấu tranh.
Sau khi 500 công nhân được hưởng quyền lợi rồi thì bắt đầu tôi bị cho nghỉ việc và chồng tôi bị nạn như vừa nói. Họ kết tội chồng tôi chống phá nhà nước, coi như phản động.Chồng tôi có gặp ông Đoàn Việt Trung từ Úc. Ông có cho chồng tôi được đâu mấy trăm đô để đi làm ăn. Bắt đầu từ đó thì họ kết cho chồng tôi cái tội là móc nối với nước ngoài để chống phá nhà nước XHCNVN."
Giữa lúc chồng bị lâm nạn, gia đình bị giới cầm quyền gây khó khăn trong việc mưu sinh, tuyên truyền cộng đồng cô lập vì cho là “phản động”, bà Nguyễn Thị Ngụ mong mỏi công luận sẽ không quên tình cảnh của bà và người thân:
Bây giờ chúng tôi bị cô lập như vậy không còn biết làm như thế nào. Hai đứa con phải nghỉ học giữa chừng. Xin việc làm thì họ nói cha phản động nên con không được vào làm.<br/>Bà Nguyễn Thị Ngụ
"Bây giờ tôi chỉ mong sao công luận thế giới xem xét về bênh vực cho chồng tôi cùng gia đình, giúp đỡ cho hoàn cảnh chúng tôi hiện không chỗ bám víu, không nơi nương tựa. Bây giờ chúng tôi bị cô lập như vậy không còn biết làm như thế nào. Hai đứa con phải nghỉ học giữa chừng. Xin việc làm thì họ nói cha phản động nên con không được vào làm."
Tình cảnh của tù nhân lương tâm Phan Ngọc Tuấn cùng gia đình diễn ra giữa lúc nhà cầm quyền VN tiếp tục đàn áp những nhà bất đồng chính kiến qua tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” theo điều 79 và 88 của bộ luật Hình Sự, khiến các tổ chức nhân quyền trên thế giới chỉ trích Hà Nội lợi dụng những điều luật mơ hồ để làm im hơi bặt tiếng những người không cùng quan điểm với mình.
Theo dòng thời sự:
- Vụ án blogger Điếu Cày sắp được xét xử
- Dân xã Liên Hiệp nấu cháo biểu tình
- Tin mới nhất về blogger Paulus Lê Sơn
- Người dân nghĩ gì về những cuộc biểu tình chống TQ?
- "Quần chúng tự phát" – Hình thức đàn áp mới?
- Vì sao nói khác làm trong Tự do Tôn giáo?
- Tự do tôn giáo - nói và làm
- Đảng chọn dân hay chọn Trung Quốc?
- Giới trẻ hy vọng về một xã hội tốt đẹp
- Để có một xã hội trung thực và ngay thẳng
- Tính trung thực, ngay thẳng có còn tồn tại?