Campuchia bắt nghi phạm giết nhà báo

Một nhà báo Campuchia bị giết và nhét xác trong cốp xe hơi bỏ trong một trang trại trồng điều ở tỉnh Ratanakiri. Cảnh sát đã tìm ra nghi phạm.

0:00 / 0:00

Sau 48 giờ tập trung điều tra, ngày 13/9, cảnh sát Campuchia cho biết đã tìm thấy nghi phạm giết một phóng viên của tờ báo Vorakchun Khmer Daily, người từng phanh phui hoạt động phá rừng liên quan đến các doanh nghiệp và một số quan chức chính phủ đầy quyền lực thường khai thác gỗ trái phép và vận chuyển sang Việt Nam.

Trưởng quân cảnh tỉnh Ratanakiri là ông Kim Reaksmey cho biết quân cảnh của tỉnh đã phối hợp với lực lượng công an huyện Ochum, xác định nghi phạm gây án có tên Eang Bun Heng và vợ, chủ một nhà hàng ở tỉnh Ratanakiri.

Ông Eang Bun Heng và người vợ, đã được công tố viên tòa án sơ thẩm tỉnh kết hợp với cảnh sát ra lệnh bắt giam giữ 48 tiếng và lục soát nhà vào sáng ngày 13/9 sau khi cảnh sát phát hiện một đôi dép của nạn nhân bỏ ở trước nhà.

Ông Kim Reaksmey: "Chúng tôi bắt được nghi phạm về cơ quan cảnh sát để điều tra. Tôi chưa biết kết quả vì đã giao cho cảnh sát và công tố viên thẩm vấn. Cảnh sát đang tiến hành điều tra thêm nên không thể tiết lội nhiều thông tin."

Phóng viên Hang Serei Oudom, 44 tuổi, bị cho là mất tích vào lúc 7 giờ tối ngày 9/9. Sau đó hai ngày, cảnh sát tỉnh Ratanakiri cho biết đã phát hiện ông này bị giết bỏ xác trong khoang chở đồ trên chiếc xe Camry của ông trong một trang trại trồng điều ở xã Cha Ong, huyện Ochum, cách thành phố khoảng 10 cây số.

Xác của phóng viên này, cảnh sát phát hiện rất nhiều vết thương trên đầu do bị đập bằng búa, gậy.

Báo The Cambodia Daily phát hành ra ngày 12/9 dẫn lời Tổng biên tập của báo Vorakchun Khmer Daily là ông Rin Ratanak rằng ông Hang Serei Oudom đã viết một số bài về hoạt động khai thác gỗ bất hợp pháp ở tỉnh Ratanakiri. Phần lớn bài của ông có liên quan tới một số doanh nhân có quan hệ tốt với chính phủ. Bài của Oudom đã có một tác động tiêu cực đến các doanh nhân và quan chức chính trị quyền lực trong tỉnh. Theo ông Ratanak nếu phóng viên của ông đăng tải thông tin sai sự thật thì Oudom phải đối mặt với Luật Báo chí, không bị sát hại như vậy.

Trong khi đó, Câu lạc bộ nhà báo Campuchia cũng ra thông cáo tố cáo hành động sát hại nhà báo trên. Câu lạc bộ nhà báo Campuchia cho rằng hành động giết phóng viên đã và đang đe dọa tinh thần của các phóng viên xứ chùa Tháp, đồng thời có thiện chí ngăn chặn các hoạt động theo đuổi tin tức của nhà báo.

Câu lạc bộ nhà báo Campuchia còn lên án mạnh mẽ hành động trên cũng sẽ tịt ngòi đến sự phát triển lĩnh vực báo chí, tự do bày tỏ ý kiến và nền dân chủ ở xứ chùa Tháp. Câu lạc bộ nhà báo Campuchia còn thúc giục chính phủ Phnom Penh tiến hành điều tra làm rõ trách nhiệm cụ thể và truy tố nghi phạm đúng theo luật pháp.

Ông Pen Samitthy, Chủ tịch Câu lạc bộ nhà báo Campuchia phát biểu: "Sau vụ giết này, nhiều phóng viên bày tỏ sự lo lắng khi họ viết bài liên quan tội phạm, tham nhũng và nạn chặt gỗ trái phép. Chúng tôi đề nghị chính phủ truy tố nghi phạm ra tòa và điều tra thêm người có quyền lực hay nhóm tội phạm nào đứng sau vụ án này. Vụ giết này có thể do nghi phạm trả thù sau khi phóng viên này phanh phui hoạt động phá rừng của họ."

Còn ông Pen Bonna, điều phối viên của Hiệp hội Nhân quyền và Phát triển Campuchia (ADHOC) cho biết trước khi ông bị sát hại, các phóng viên khác đã cảnh báo ông về việc không nên viết bài tiết lộ danh tính các quan chức cấp cao chặn đường xin tiền từ các doanh nhân khai thác gỗ bất hợp pháp.

Ông Pen Bonna nói:"Chúng tôi thực sự lo lắng cho nạn phá rừng ở tỉnh này nghiêm trọng hơn khi người ta giết phóng viên để bịt miệng. Trước đây, chúng tôi chỉ được nghe lời cảnh cáo, sử dụng tòa án để truy tố phóng viên, cộng đồng, nhà hoạt động nhân quyền. Còn việc sát hại phóng viên này làm người dân trong cộng đồng và nhà bảo vệ môi trường cảm giác sợ hại hơn."

Đang điều tra nguyên nhân

Cảnh sát Campuchia kéo xác nhà báo Hang Serei Oudom từ thùng xe ở tỉnh Ratanakiri, Cambodia hôm 11/9/2012. AFP photo
Cảnh sát Campuchia kéo xác nhà báo Hang Serei Oudom từ thùng xe ở tỉnh Ratanakiri, Cambodia hôm 11/9/2012. AFP photo (Cảnh sát Campuchia kéo xác nhà báo Hang Serei Oudom từ thùng xe ở tỉnh Ratanakiri, Cambodia hôm 11/9/2012. AFP photo)

Tuy nhiên, Phó công tố viên tòa án sơ thẩm tỉnh Ratanakiri là ông Chea Sopheak cho biết ông chưa xác định vụ án này có liên quan đến bài viết về hoạt động phá rừng. Ông nói:

“Với lệnh chỉ đạo của Chủ tòa, tôi là phó công tố viên được lệnh đến lục soát, tìm kiếm bằng chứng tại nhà nghi phạm. Cho đến giờ này, cảnh sát đang tiến hành điều tra làm rõ thêm vụ việc. Chúng tôi không thể cung cấp thông tin nhiều hơn vì đó là bí mật.”

Đây là trường hợp đầu tiên kể từ khi ông Khim Sambo, một nhà báo làm việc cho tờ báo đối lập bị giết trong năm 2008. Ông là một nhà báo mạnh dạn viết rất nhiều bài về tham nhũng và sự chia rẻ trong nội bộ của đảng cầm quyền Nhân dân Campuchia. Ông Khim Sambo và con trai 21 tuổi của ông đã bị bắn chết chỉ hai tuần trước khi cuộc tổng tuyển cử năm 2008. Đến nay, tòa án vẫn chưa tìm công lý cho gia đình ông.

Từ trước đến nay, Campuchia vẫn được xem là quốc gia mất an toàn đối với những phóng viên phanh phui hoạt động khai thác gỗ trái phép có liên quan một quan chức và tham nhũng. Kể từ năm 1994 đến nay, đã có 10 nhà báo bị giết tại xứ này.

Báo cáo tự do báo chí của tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF) năm 2011 – 2012, Campuchia đứng thứ 117 trong tổng số 179 nước về chỉ số tự do báo chí.

Theo dòng thời sự: