Chủ tịch Quốc hội Campuchia chiều ngày 20/8 đã bác bỏ những thông tin cho rằng Campuchia xử lý người biểu tình đốt cờ Việt Nam trước Đại sứ quán Việt Nam (ĐSQVN) tại Campuchia và mong chính phủ, nhân dân Việt Nam thông cảm.
Ông Chheang Vun, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, Hợp tác quốc tế, Thông tin và Truyền thông, Đại biểu Quốc hội trả lời báo chí tại sân bay Quốc tế Phnom Penh sau khi tháp tùng Chủ tịch Quốc hội Campuchia Heng Samrin sang thăm chính thức Việt Nam từ ngày 18 đến ngày 20/8 rằng Campuchia và Việt Nam đã đạt được nhiều thỏa thuận về tăng cường hợp tác Quốc hội hai nước.
Hai nước tiếp tục ủng hộ nỗ lực chung trong việc hoạch định và phân giới cắm mốc trên đất liền giữa hai nước. Campuchia tiếp tục ủng hộ việc tìm kiếm, cất bốc, quy tập hơn 5.000 hài cốt quân tình nguyện Việt Nam hy sinh tại Campuchia về nước và sẽ tạo điều kiện, giúp giải quyết địa vị pháp lý cho cộng đồng người Việt đang sinh sống tại nước này, phù hợp với luật pháp sở tại.
Nhưng ông Chheang Vun đã bác bỏ mọi thông tin đăng tải trên các trang báo của Việt Nam liên quan các tổ chức Khmer Kampuchia Krom và người dân Campuchia biểu tình chống Việt Nam tuần qua.
Trả lời câu hỏi phóng viên Quốc Việt của RFA, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, Hợp tác quốc tế, Thông tin và Truyền thông, kiêm phát ngôn nhân Quốc hội Campuchia là ông Chheang Vun cho biết Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ có các biện pháp phù hợp để ngăn chặn, không để hành động biểu tình chống Việt Nam và đốt cờ Việt Nam tái diễn.
Đối với ý kiến và đề nghị trên, ông khẳng định Chủ tịch Quốc hội Heng Samrin chỉ lấy làm tiếc về hành động biểu tình đốt cờ Việt Nam nhưng Campuchia không được gọi người biểu tình là nhóm đối tượng quá khích, bị kích động bởi một số phần tử không hiểu biết về lịch sử hai nước. Theo ông, ông Heng Samrin cũng không hề có hứa với Việt Nam sẽ xử lý người đốt cờ Việt Nam hay có biện pháp ngăn chặn.
Ông Chheang Vun cho biết: "Đối với những thông tin phát đi rằng chính phủ Campuchia sẽ có biện pháp xử lý người biểu tình, nói người biểu tình không hiểu biết về lịch sử và Campuchia mong chính phủ Việt Nam và nhân dân Việt Nam hết sức thông cảm, tôi dám đảm bảo rằng Chủ tịch Quốc hội hoàn toàn không nói như vậy, tôi bác bỏ những tin tức trên.
Campuchia là một nước dân chủ, pháp quyền, đa nguyên đa đảng. Chuyện biểu tình đốt cờ là chuyện bình thường. Nó không thể hiện quan điểm của chính phủ. Campuchia không thể cấm người dân biểu tình, không có biện pháp xử lý… Chính phủ chỉ nói với Việt Nam không chấp nhận biểu tình bạo lực và lấy làm tiếc.”
Trong khi nhiều người trong số người dân Campuchia và người Khmer Krom phẫn nộ quan chức sứ quán, tham tán đối ngoại, phát ngôn nhân ĐSQVN Trần Văn Thông, báo chí Việt Nam đã phát đi nhiều tin, ảnh của Chủ tịch Quốc hội Campuchia đang thăm chính thức Việt Nam và có nội dung khiến nhiều người Campuchia suy nghĩ lãnh đạo của họ, vốn lâu nay thân với Việt Nam là con rối của Việt Nam.
Trong số những nội dung được một số tờ báo tại Việt Nam nêu ra là tức Chủ tịch Quốc hội Campuchia đồng tình với đề nghị của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ có biện pháp ngăn chặn không để biểu tình chống Việt Nam; không để tái diễn biểu tình bài Việt, và đốt cờ Việt Nam.
Còn báo điện tử Chính phủ Việt Nam ngày 18/8 nói Chủ tịch Quốc hội Campuchia cho biết cá nhân ông và Quốc hội Campuchia hết sức bất bình về hành động trên, đồng thời Campuchia đã có các biện pháp mạnh mẽ để xử lý những hành vi và đối tượng đốt quốc kỳ Việt Nam, đồng thời hứa hẹn sẽ cố gắng hết sức, bằng luật pháp để từng bước hạn chế tối đa, ngăn chặn những hành động bạo lực và những hành vi tương tự tái diễn.
Báo điện tử Chính phủ Việt Nam còn trích lời Chủ tịch Quốc hội Campuchia Heng Samrin cho rằng đây là hành động của một nhóm đối tượng quá khích, bị kích động bởi một số phần tử không hiểu biết về lịch sử hai nước và mong Chính phủ và nhân dân Việt Nam thông cảm.
Câu chuyện khởi đi hồi ngày 4/6/2014, sau khi ông Trần Văn Thông phát biểu với RFA tiếng Việt rằng một số người Khmer Krom xuyên tạc lịch sử, kỷ niệm ngày Pháp bàn giao miền Nam cho Việt Nam vào ngày 4/6 là người không biết rõ về lịch sử, bị tuyên truyền, lôi kéo và lợi dụng. Ông nói vùng đất miền Nam đã thuộc về Việt Nam từ lâu.
Tuyên bố này gây phản ứng giận dữ đối với người Khmer Krom và người dân Campuchia sau khi ông Thông lập lại bằng tiếng Khmer với RFA tiếng Khmer vào ngày 6/6/2014.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, Hợp tác quốc tế, Thông tin và Truyền thông là ông Chheang Vun cho biết cá nhân ông đã được trao đổi với ông Trần Văn Hằng, Ủy viên Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Việt Nam về vụ ông Trần Văn Thông lúc đang thăm Việt Nam.
Ông nói cá nhân ông đã yêu cầu phía Việt Nam gọi người phát ngôn này về nước để tránh sự việc leo thang. Về phía Việt Nam, ông Trần Văn Hằng nói người phát ngôn này cũng sắp mãn nhiệm. Việt Nam sẽ xem xét vụ này.
Được biết, Phó Thủ tướng kiêm Ngoại Campuchia Hor Namhong đã có cuộc gặp với lãnh đạo cộng đồng người Khmer Krom và đại diện sinh viên Campuchia vào ngày 19/8 về vụ này. Ngoại trưởng Campuchia hứa sẽ làm việc với ông Thạch Dư, sau khi ông này nhậm chức Đại sứ Việt Nam tại Campuchia sắp tới.
Còn các đại diện người biểu tình đã đồng tình với Ngoại trưởng để chính phủ làm việc. Nhưng phía người biểu tình cho biết họ sẽ tiếp tục xuống đường phản đối nếu phía Việt Nam không xin lỗi công khai trong hết tháng này.