Khó khăn tài chánh của lưu học sinh Campuchia tại VN

Các lưu học sinh Campuchia vào Việt Nam học diện Hiệp định ký kết giữa chính phủ Việt Nam với chính phủ Campuchia đã và đang gặp khó khăn do phần sinh hoạt phí thấp.

0:00 / 0:00

Sinh viên thiếu thốn do lạm phát

Các lưu học sinh Campuchia được cử sang học tập tại các trường Trung học, Đại học của Việt Nam theo diện Hiệp định ký kết giữa chính phủ Việt Nam với chính phủ Campuchia về hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, văn hóa, khoa học và kỹ thuật đang có hoàn cảnh sống khó khăn và thiếu thốn.

Nhiều lưu học sinh cho biết các em phải xin tiền nhà hàng tháng để đóng tiền điện, tiền nước, tiền mạng do phần chi sinh hoạt phí thấp cùng lúc giá cả leo thang và lạm phát tăng.

Các lưu học sinh Campuchia nói một số cơ sở giáo dục vẫn cấp sinh hoạt phí 1.870.000 đồng/tháng, mặc dù Bộ Tài Chính hướng dẫn tăng sinh hoạt phí và hỗ trợ trang cấp ban đầu cho lưu học sinh hệ Đại học lên 2.530.000 đồng/tháng.

Tray Youheng, sinh viên Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết:

Theo quy chế của chính phủ Việt Nam đã quyết định tăng tiền 60% cho các lưu học sinh Campuchia và Lào sang học tại Việt Nam. Nhưng cho đến bây giờ như Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Xây dựng Hà Nội, Đại học Dược Hà Nội, Đại học Kinh tế Quốc dân…vẫn cấp tiền như trước. Họ chưa tăng tiền 60% theo quy định của chính phủ Việt Nam.

Tiền học bổng cũ là 1870.000 đồng/tháng, còn tiền mới 2.530.000 đồng/tháng đã được tăng từ tháng 9/2012 nhưng đến nay vẫn chưa cấp cho lưu học sinh.

Bộ Tài Chính Việt Nam vừa ban hành Thông tư số 120 vào ngày 24/7, hướng dẫn suất chi đào tạo cho lưu học sinh Lào và Campuchia diện Hiệp định đang học tập tại Việt Nam.

Theo Thông tư này, kinh phí đào tạo cấp trực tiếp cho cơ sở đào tạo gồm kinh phí đào tạo được cho các bậc theo mức 2.240.000 đồng/lưu học sinh/tháng đối với các hệ Trung cấp, hệ Đại học, sau Đại học. Đối với các khóa ngắn hạn là 4.770.000 đồng/lưu học sinh/tháng và một số khoản khác như vé máy bay, tiền phiên dịch, hỗ trợ chi phí biên dịch…v.v.

Tiền học bổng cũ là 1870.000 đồng/tháng, còn tiền mới 2.530.000 đồng/tháng đã được tăng từ tháng 9/2012 nhưng đến nay vẫn chưa cấp cho lưu học sinh.<br/>Sinh viên Tray Youheng, HN <br/> <br/>

Ngoài ra, phần chi sinh hoạt phí cho lưu học sinh bao gồm tiền ăn, tiêu vặt, trang phục cá nhân, chí phí đi lại hàng ngày và chi tài liệu phục vụ học tập được cấp theo mức lưu học sinh đào tạo dài hạn hệ Trung học là 2.140.000 đồng/tháng; lưu học sinh đào tạo dài hạn hệ Đại học là 2.530.000 đồng/tháng; lưu học sinh đào tạo hệ sau Đại học là 2.860.000 đồng/tháng; lưu học sinh đào tạo, tập huấn ngắn hạn dưới 12 tháng là 3.350.000 đồng/tháng.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/9/2012 và được áp dụng kể từ năm học 2012-2013.

Một sinh viên Campuchia đang học năm thứ 2 cho RFA biết từ Hà Nội: "Các sinh viên Campuchia đang học tại Hà Nội chưa được tăng học bổng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Chúng em không biết tại sao. Trong khi kinh tế ở Việt Nam, mọi thứ đều tăng giá. Do đó, chúng em đề nghị Bộ GD cấp học bổng cho chúng em kịp thời vì tiền học bổng chỉ vừa đủ ăn. Ngoài ra, còn phải xin tiền bố mẹ."

Khi được hỏi thêm ai là người chịu trách nhiệm học bổng cho các lưu học sinh nước ngoài, sinh viên này cho biết thêm?

Nói chung đây là tiền của Trường chứ không phải tiền của Bộ Giáo Dục. Theo em biết hiện nay các trường đã hết tiền để cấp trước cho lưu học sinh trong khi đến nay vẫn chưa thể cấp được. Bây giờ chúng em phải xin tiền ba mẹ. Vì đến nay vẫn chưa có học bổng thì rất khó chịu. Rất ảnh hưởng đến học tập khi thi cuối kỳ sắp tới. Khi không có tiền, tâm lý khó tập trung. Nhiều lúc quá căng thẳng. Không có tiền trong túi, chỉ ăn mì tôm trong phòng.

Chậm trễ là do thủ tục

Giáo sư Tiến sĩ Sok Touch, Hiệu trưởng Trường Đại học Khemarak trả lời phỏng vấn Quốc Việt ngày 5/12/2012. RFA photo
Giáo sư Tiến sĩ Sok Touch, Hiệu trưởng Trường Đại học Khemarak trả lời phỏng vấn Quốc Việt ngày 5/12/2012. RFA photo (Giáo sư Tiến sĩ Sok Touch, Hiệu trưởng Trường Đại học Khemarak trả lời phỏng vấn Quốc Việt ngày 5/12/2012. RFA photo)

Ông Nguyễn Xuân Vang, Cục trưởng Cục Đào tạo với nước ngoài thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam cho biết vấn đề chậm trễ cấp tiền sinh hoạt phí là do thủ tục. Ông nói:

Bây giờ Bộ Kế hoạch và Đầu tư có ý kiến lên Bộ Tài Chính rồi. Bộ Tài Chính cấp tiền là chúng tôi cấp ngay thôi. Vấn đề là chậm trễ thủ tục thôi mà.

Quốc Việt: Thưa ông, tại sao phải trễ như vây?

Ông Nguyễn Xuân Vang: Các trường vẫn tạm ứng cho các sinh viên rồi. Các trường hiện nay họ có kinh phí, họ tạm ứng cho sinh viên trước. Khi Nhà nước cấp cho thì họ thanh toán lại. Bọn tôi vừa làm việc với Trung tâm sinh viên Quốc tế sáng nay. Họ đã ứng cho sinh viên rồi.

Quốc Việt: Nhưng họ nói chưa nhận được sinh hoạt phí?

Ông Nguyễn Xuân Vang: Chưa có hả? Để tôi kiểm tra lại.

Quốc Việt: Cục trưởng có nghĩ sẽ ảnh hưởng đến tinh thần học tập của các lưu học sinh không, khi kỳ thi đang tiến gần?

Ông Nguyễn Xuân Vang: Hiện nay đã có hai vấn đề. Thứ nhất là học phí. Học phí chậm thì nhà trường lấy lại Nhà nước. Còn vấn đề sinh hoạt phí thì hiện nay các trường đã tạm ứng cho sinh viên. Không có ảnh hưởng gì đến vấn đề học tập đâu.

Trong khuôn khổ hợp tác song phương giữa Campuchia – Việt Nam, một số cơ sở đã tích cực chủ động trong việc tăng cường quan hệ hợp tác về giáo dục, giúp các lưu học sinh Campuchia phát triển nguồn nhân lực, góp phần xây dựng đất nước, tuy nhiên vẫn còn một số cơ sở giáo dục đã không thực hiện tốt Hiệp định của hai chính phủ.

Năm nay, phía Việt Nam tiếp nhận 120 lưu học sinh Campuchia sang học trình độ Đại học, sau Đại học, thực tập và dự bị tiếng Việt vào Đại học.

Còn phía Campuchia đã tiếp nhận 15 lưu học sinh Việt Nam sang học hệ chính quy tập trung trong 2012. Ngoài ra, Campuchia còn tiếp nhận 20 cán bộ Việt Nam sang học tiếng Khmer trong thời gian 2 năm tại các trường Đại học của Campuchia. Cơ cấu suất chi đào tạo gồm kinh phí đào tạo cấp trực tiếp và chi sinh hoạt phí 150$, tương đương 3.000.000 đồng/tháng.

Bây giờ Bộ Kế hoạch và Đầu tư có ý kiến lên Bộ Tài Chính rồi. Bộ Tài Chính cấp tiền là chúng tôi cấp ngay thôi. Vấn đề là chậm trễ thủ tục thôi mà.<br/>Nguyễn Xuân Vang, Bộ GD và ĐT <br/>

Giáo sư Tiến sĩ Sok Touch, Hiệu trưởng trường Đại học Khemarak, nhà phân tích chính trị Campuchia nói nếu vượt qua những khó khăn nói trên, các lưu học sinh sẽ thành công trong tương lai gồm có bằng cấp Tốt nghiệp, hiểu biết về xã hội Việt Nam và kinh nghiệm khó khăn thời sinh viên.

Tuy nhiên, chính phủ hai nước cũng phải có trách nhiệm theo dõi và quan tâm đến các lưu học sinh, khuyến khích các lưu học sinh phấn đấu hơn nữa. Tiến sĩ Sok Touch cho biết:

Giới sinh viên và gia đình phải nhớ rằng đi du học ở nước ngoài không phải chỉ riêng trách nhiệm thuộc về Nhà nước, mà chính gia đình và bản thân sinh viên cũng phải sẵn sàng. Đi học ở nước đang phát triển thì không tránh khỏi sự thiếu thốn. Nhưng các sinh viên cần nỗ lực hơn nữa để mang kiến thức về xây dựng đất nước.

Tính đến nay, đã có gần 1.000 sinh viên Campuchia đang học tập tại Việt Nam. Số sinh viên học tại Việt Nam đã về nước là 1.651 người và nhiều người đang giữ các vị trí quan trọng tại Campuchia. Các chuyên ngành thu hút nhiều sinh viên Campuchia theo học là y, dược, nông nghiệp, kinh tế, kiến trúc, kỹ thuật – công nghệ và thủy sản.

Theo dòng thời sự: