Trao đổi hàng hóa Campuchia - Việt Nam tăng đột biến

Quan hệ thương mại giữa Campuchia – Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ trên cả hai mặt xuất nhập khẩu hàng hoá và hợp tác thương mại.

0:00 / 0:00

Campuchia vẫn là thị trường của hàng hóa Việt Nam trong lúc nước này đang có xung đột với nước láng giềng Thái Lan. Trong 8 tháng đầu năm 2011, Campuchia nhập siêu từ Việt Nam tăng đột biến.

Do xung đột Thái - Campuchia

Theo số liệu thống kê của Bộ Thương mại Campuchia, kim ngạch xuất khẩu của Campuchia sang Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2011 đạt 105,2 triệu USD, tăng 116% so với mức 48,6 triệu USD cùng kỳ năm 2010. Còn kim ngạch nhập khẩu hàng hóa Việt Nam vào Campuchia cũng đạt 976 triệu USD, tăng 43% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Kong Putheara, Cục trưởng Cục thống kê thuộc Bộ Thương mại Campuchia cho biết các mặt hàng xuất khẩu của Campuchia sang Việt Nam tăng lên một phần nhờ vào sự thương lượng, thỏa thuận ưu đãi thuế quan đối với hơn 60 mặt hàng có xuất xứ trong nước bắt đầu có hiệu lực từ tháng 6 năm 2011.

Các mặt hàng xuất khẩu của Campuchia chủ yếu là nông nghiệp như cao su, lúa và ngô. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu từ Việt Nam gồm thực phẩm, máy móc, quần áo và nguyên phụ liệu sản xuất. Cũng theo đó, đã có 13 mặt hàng từ Việt Nam cũng được hưởng thuế suất 0% khi nhập khẩu vào thị trường Campuchia.

Cục trưởng Cục thống kê còn cho biết nguyên nhân hàng hóa Việt Nam tăng đột biến là vì các doanh nghiệp nước này đã nắm bắt được cơ hội xung đột biên giới giữa Campuchia – Thái Lan, mặt khác hệ thống cửa khẩu quốc tế và cửa khẩu chính giữa hai nước đã giúp trao đổi hàng hóa giữa hai nước, sự giao lưu của dân cư hai bên nhanh chóng và thuận tiện. Ông Kong Putheara nói:

Việt Nam đã nắm bắt được cơ hội xuất sang Campuchia khi Campuchia đang có vấn đề biên giới với Thái Lan.Đó là cơ hội của Việt Nam.

Ông Kong Putheara

“Nói chung đã có nhiều lý do. Việt Nam đã nắm bắt được cơ hội xuất sang Campuchia khi Campuchia đang có vấn đề biên giới với Thái Lan.Đó là cơ hội của Việt Nam. Các mặt hàng Việt Nam cũng xuất sang Campuchia rất nhiều. Bây giờ các nhà đầu tư Việt Nam rất chú ý đến thị trường Campuchia và đầu tư vào Campuchia mà đó cũng là mục đích của khu vực, là kinh tế khu vực. Nghĩa là nước nào giàu là phải giúp nước nghèo. Chính phủ phải thúc đẩy các nhà đầu của nước đó để đầu tư vào các nước nghèo trong khu vực.”

Về hợp tác thương mại, Campuchia – Việt Nam đã thành lập các khu kinh tế cửa khẩu trên tuyến biên giới với nhau, nhiều chợ biên giới đã được thành lập, tạo điều kiện cho cư dân, doanh nghiệp ở các vùng biên và trong nội địa buôn bán hàng hoá. Cho đến thời điểm này, vẫn chưa có thông tin có vấn đề va chạm giữa người dân Campuchia và người Việt tại khu chợ biên giới, ngoài việc một số công ty Việt Nam bị phản đối về việc mướn đất dân ở khu vực biên giới để làm ruộng và trồng trọt.

Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh tế Campuchia, ông Kang Chandararot đưa ra nhận định rằng hệ thống giao thông được cải thiện, hệ thống cửa khẩu biên giới đã và đang được chính phủ của hai nước quan tâm đầu tư. Các Ngân hàng phát triển của Việt Nam cũng được thành lập cho nên đã tạo nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp tăng cường đầu tư. Điều này khiến người dân không thể chối cãi sử dụng hàng hóa Việt Nam trong khi họ cung cấp nhanh chóng theo nhu cầu thị trường và giá cả phù hợp.

Tăng mức đầu tư

bttmcpc-200.jpg
Bộ trưởng Thương mại Campuchia, ông Cham Prasidh tại Hội nghị lần 3, các nước tiểu vùng Mekong mở rộng ngày 28/7/2011. Photo: Quoc Viet (Bộ trưởng Thương mại Campuchia, ông Cham Prasidh tại Hội nghị lần 3, các nước tiểu vùng Mekong mở rộng ngày 28/7/2011. Photo: Quoc Viet)

Vẫn theo ông, nguồn đầu tư từ Việt Nam tăng cao cũng đóng góp vào sự tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu của hai nước. Việc này cũng tạo điều kiện thuận lợi cho nền kinh tế Campuchia chính vì các doanh nghiệp trên thế giới sẽ tin tưởng vào kinh tế Campuchia.

Tuy nhiên, ông đưa ra nhận định rằng người dân Campuchia vẫn có thể thay đổi lập trường sau này, nghĩa là họ sẽ bắt đầu trở lại sử dụng hàng hóa Thái sau khi quan hệ Campuchia – Thái Lan được cải thiện.

Cũng do tình hình biên giới giữa Campuchia và Thái Lan bất ổn, Bộ trưởng Thương mại Campuchia đã quyết định hoãn tổ chức hội chợ triển lãm thương mại Thái Lan vào giữa tháng 5 vừa qua. Campuchia không thể đảm bảo phản ứng của du khách trước sản phẩm của Thái sau khi Thái Lan đã tuyên bố dừng xuất khẩu thêm nhiên liệu và các sản phẩm khác vào Campuchia. Campuchia đưa ra lý do rằng trong thời điểm giao tranh thì không thích hợp để quảng bá sản phẩm của Thái. Nhưng tại cuộc đàm phán với nữ thủ tướng Thái vừa qua, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã bắt đầu hối thúc cho quan chức của mình xiết chặt mối quan hệ với Thái Lan, thúc đẩy mở thêm cửa khẩu thông quan, và trào đổi hàng hóa. Thậm chí ông Hun Sen không cho phép báo chí đăng tải những tin tức nhạy cảm ảnh hưởng đến quan hệ hai nước.

Dân biểu Son Chhay từ đảng Sam Rainsy có nhận định tương tự Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh tế. Ông còn nói rằng do chính sách cởi mở của chính phủ không quan tâm, hỗ trợ đến các nhà kinh doanh nhỏ trong nước, nâng cao giá trị sản phẩm nội địa, khiến các nhà sản xuất không có khả năng chạy đua thị trường và cho đến thời điểm này kể cả rau cải, trái cây, thuốc trừ sâu đều nhập khẩu từ Việt Nam.
Theo dân biểu Son Chhay, kim ngạch xuất khẩu của Campuchia sang các nước láng giềng vẫn còn thấp, thậm chí không bằng 10% kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam và Thái Lan. Bộ trưởng Thương mại còn tuyên bố sẽ tiếp tục nhập siêu thêm hàng hóa từ Việt Nam trong năm 2011.

Lo ngại hàng Thái

Còn Chủ tịch Hội kinh doanh Việt Kiều tại Campuchia ông Nguyễn Văn Định thì cho rằng hoạt động xúc tiến đầu tư, đưa hàng hóa Việt Nam vào thị trường Campuchia đang có tác dụng tích cực. Ngoài thị trường Campuchia, Việt Nam còn tăng cường đầu tư vào thị trường Lào về những lĩnh vực trồng trọt cao su, mỏ và năng lượng. Ông Định nhận đinh thêm về hàng hóa Việt Nam tại thị trường Campuchia:

cpuhcia-hang-250.jpg
Sản phẩm Việt Nam tại hội chợ triển lãm ở thủ đô Phnom Penh ngày 11/8/2011. Photo: Quoc Viet (Sản phẩm Việt Nam tại hội chợ triển lãm ở thủ đô Phnom Penh ngày 11/8/2011. Photo: Quoc Viet)

“Nói chung hàng hóa của mình thì giá cũng thấp. Người tiêu dùng cũng chịu được giá và chất lượng. Người ta sử dụng được, người ta quen rồi. Nhưng hàng hóa của mình so với hàng hóa Thái Lan thì giá cũng xấp xỉ rồi, mình cạnh tranh với hàng Thái cũng khó.”

Còn chuyên gia phân tích kinh tế ông Ou Virak có nhận định rằng hàng hóa Việt Nam thâm nhập được thị trường Campuchia là vì Campuchia và Việt Nam đã thông quan nhiều cửa khẩu quốc tế, và hàng hóa Việt Nam đã và đang nhập khẩu vào nước này một cách tự do. Ông nói rằng nếu Campuchia mở thêm nhiều cửa khẩu với Thái Lan, các quốc gia trong khối ASEAN đồng ý thỏa thuận ưu đãi thuế quan trong năm 2015, thì hàng hóa Việt Nam phải chịu cạnh tranh mạnh.

Nhưng hàng hóa của mình so với hàng hóa Thái Lan thì giá cũng xấp xỉ rồi, mình cạnh tranh với hàng Thái cũng khó.

Ô. Nguyễn Văn Định

Ông Ou Virak giải thích thêm, hàng hóa Thái Lan có giá thành cao hơn so với hàng hóa Việt Nam, mà người dân vẫn tin cậy. Lý do là có chất lượng, hàng hóa bảo đảm minh bạch, khách quan, an toàn sức khỏe, thương hiệu, đặc biệt là quy chuẩn kỹ thuật tương ứng được áp dụng đúng đối tượng và nghiêm túc. Ông Ou Virak dự đón sức tiêu thụ hàng hóa Việt Nam sẽ giảm dần sau khi sản phẩm Thái bắt đầu trở lại thị trường Campuchia.

Chuyên gia kinh tế cũng cho biết Việt Nam có thể xuất khẩu hàng hóa của mình vào thị trường các nước chịu áp lực từ chính phủ Việt Nam như Campuchia và Lào. Về lĩnh vực nông nghiệp, như phân bón, thuốc trừ sâu thì người dân sẽ chọn sản phẩm Việt Nam. Còn đối với sản phẩm phục vụ trong lĩnh vực khách sạn du lịch, y tế…thì họ sẽ chọn những sản phẩm có chất lượng cao hơn. Nền kinh tế Campuchia đã tăng hơn 9% so với một thập niên qua. Các lĩnh vực phát triển mạnh và đang dẫn đầu tại xứ này gồm ngành may mặc, du lịch, và nông nghiệp.