Chương trình ‘Nâng cao năng lực quản lý phòng xét nghiệm hướng tới được công nhận’ với sự hỗ trợ tài chính từ Kế hoạch Cứu trợ Khẩn cấp của tổng thống Hoa Kỳ về phòng chống HIV/AIDS (PEPFAR) hôm nay 29 tháng 8 làm lễ tốt nghiệp cho những đối tượng tham dự thuộc 12 phòng xét nghiệm tại Việt Nam.
Chương trình vừa nói được các chuyên gia kỹ thuật từ Trung Tâm Dự Phòng và Kiểm soát Bệnh tật- CDC- của Hoa Kỳ cùng Cục Khám Chữa bệnh thuộc Bộ Y tế Việt Nam triển khai trong thời gian một năm qua. Đây là chương trình đào tạo quản lý được thực hiện một cách nghiêm ngặt. Mục tiêu nhằm giúp các phòng xét nghiệm tại Việt Nam có thể đưa ra những kết quả xét nghiệm đáng tin cậy và kịp thời cho những căn bệnh như HIV, lao và cúm.
Ông Nguyễn Trọng Khoa, phó Cục Quản Lý Khám Chữa bệnh, Bộ Y tế Việt Nam đưa ra đánh giá khái quát về chương trình như sau:
Nhìn chung chương trình này cũng rất hữu ích cho những phòng xét nghiệm y khoa ở Việt Nam. Đây là chương trình thí điểm mới cho được 12 phòng xét nghiệm thôi, nhưng kết quả cũng tương đối tốt và phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Sắp tới cũng tiếp tục giai đoạn 2. Hiện nay đang lên kế hoạch để tiếp tục mở rộng thêm.
Nhìn chung chương trình này cũng rất hữu ích cho những phòng xét nghiệm y khoa ở Việt Nam. Đây là chương trình thí điểm mới cho được 12 phòng xét nghiệm thôi, nhưng kết quả cũng tương đối tốt và phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
Ông Nguyễn Trọng Khoa
Thông cáo báo chí của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội cho biết chương trình Nâng cao năng lực quản lý phòng xét nghiệm hướng tới được công nhận là một chương trình cải tiến phòng xét nghiệm quốc tế được CDC và Tổ chức Y tế Thế giới xây dựng nên, với đóng góp kỹ thuật từ tổ chức Hiệp hội Bệnh học Lâm sàng Hoa Kỳ-ASCP.
Một điểm đáng chú ý của chương trình này là thay vì sử dụng hệ thống ‘đạt’ hay ‘không đạt’, chương trình sử dụng hệ thống chia thành nhiều cấp độ và mục tiêu của phòng xét nghiệm là nâng cấp từ mức hiện nay lên những mức cao hơn, tiến đến được quốc tế công nhận.
Trong quá trình triển khai, chương trình vừa nói sử dụng các tiêu chuẩn được quốc tế công nhân có điều chỉnh cho phù hợp với môi trường Việt nam. Bên cạnh đó là cung cấp chương trình học qua thực hành và hướng dẫn trực tiếp tại cơ sở một cách thường xuyên.
Hoa Kỳ được đánh giá là nhà tài trợ và đối tác lớn nhất trong lĩnh vực tăng cường năng lực hệ thống phòng xét nghiệp quốc gia tại Việt Nam. Thông qua chương trình PEPFAR như đã nhắc đến từ đầu và CDC, từ năm 2005 Hoa Kỳ đã cam kết hỗ trợ hơn 30 triệu đô la Mỹ và giúp xây dựng chính sách quốc gia về phòng xét nghiệm và kế hoạch chiến lược quốc gia về phòng xét nghiệm của Việt nam trong vòng 15 năm tới.
Chương trình Nâng cao năng lực quản lý phòng xét nghiệm hướng đến được công nhận quốc tế với lễ tốt nghiệp hôm ngày 29 tháng 8 được xem như một tin vui cho ngành y tế Việt Nam sau khi có những tai tiếng như vụ ‘nhân bản xét nghiệm’ bị tố cáo tại Bệnh viện Hoài Đức, Hà Nội vừa qua.