Thách thức của Việt Nam và doanh giới trong hội nhập

Nghe bài nàyOpens in new window ]

Trong tình thế buộc phải hội nhập như hiện nay, Việt Nam và doanh giới trong nước đang gặp phải những thách thức gì và biện pháp đối phó với những biện pháp đó ra sao?

Đây là một số câu hỏi được Gia Minh nêu ra với ông Ngô Thanh Tùng, chủ tịch Công ty Luật Quốc tế Việt Nam, VILAF, khi ông này đến tham dự hội nghị ‘Á Châu Dẫn đường Thế giới’ do tập đoàn báo chí The Nation tổ chức hồi ngày 19 tháng 7 vừa qua.

Trước hết ông Ngô Thanh Tùng đề cập đến một số những thách thức mà Việt Nam phải đối diện.

Cần phải có sự hợp tác quốc

Ông Ngô Thanh Tùng: Những thách thức như tôi vừa trình bày và 'governance' tức những chính sách của chính phủ phải càng ngày càng hỗ trợ doanh nghiệp thay vì như trước kia tập trung vào quan điểm phải quản lý. Bây giờ chính sách của chính phủ phải tập trung hỗ trợ cho các doanh nghiệp phát triển để mang lại sự thịnh vượng cho quốc gia. Đó là phần chính phủ.

Đối với các doanh nghiệp phải ý thức thế giới ngày càng cạnh tranh phải tăng cường năng lực cạnh tranh trong cộng đồng doanh nghiệp ASEAN nói riêng, và trên thị trường quốc tế nói chung. Đó là hai thách thức lớn nhất. Thách thức thứ ba mà chúng tôi đang phải đối diện là về lĩnh vực giáo dục; làm sao đào tạo được nguồn nhân lực để bắt kịp sự phát triển của nền kinh tế.

Gia Minh: Nhưng nói như thế có chung chung quá không? Khi bước vào sân chơi lớn như thế doanh nghiệp Việt Nam phải tự mạnh lên bằng cách gì, ngoài sự hỗ trợ của chính phủ?

Cửa hàng bán thiết bị điện tử tại một trung tâm thương mại ở Hà Nội. RFA
Cửa hàng bán thiết bị điện tử tại một trung tâm thương mại ở Hà Nội. RFA (RFA)

Trong giai đoạn đầu doanh nghiệp VN muốn mạnh lên được phải có sự hợp tác quốc tế với các doanh nghiệp của những nước phát triển hơn. Qua đó chúng tôi cùng học hỏi và tận dụng thế mạnh của địa phương để phát triển doanh nghiệp của mình lên một tầm cao khác...

Ông Ngô Thanh Tùng

Ông Ngô Thanh Tùng: Trong giai đoạn đầu doanh nghiệp Việt Nam muốn mạnh lên được phải có sự hợp tác quốc tế với các doanh nghiệp của những nước phát triển hơn. Qua đó chúng tôi cùng học hỏi và tận dụng thế mạnh của địa phương để phát triển doanh nghiệp của mình lên một tầm cao khác, để cùng hòa nhập với các doanh nghiệp trong khu vực. Các doanh nghiệp Việt Nam không cần phải cố gắng chế tạo ra chiếc bánh xe mới mà hãy sử dụng những bài học, kinh nghiệm của những đồng nghiệp doanh nghiệp tại những nước phát triển để áp dụng cho phù hợp vào hoàn cảnh ở Việt Nam mà phát triển.

Gia Minh: Như ông vừa mới nhắc, Thái Lan đi trước Việt Nam về mặt kinh tế và Miến Điện gần đây có những cải cách về mặt chính trị, Việt Nam không cần phải đi lại những bước từ đầu, vậy cách thức để rút ngắn là thế nào?

Ông Ngô Thanh Tùng: Trong nước Việt Nam hiện các học giả và các doanh nghiệp đang nhắc đến một khái niệm mới là Việt Nam cần 'cuộc đối mới thứ hai' , thay đổi sâu rộng hơn mà có thể phát triển tận gốc rễ của vấn đề. Quá trình đó đang được thảo luận nhưng sự đổi mới nhanh như thế nào, thú thực, cần phải đợi chờ xem những chính sách và những nhà lãnh đạo vận dụng, dám có sự đổi mới. Nhanh hay chậm: vai trò của những nhà lãnh đạo hiện tại rất lớn.

Doanh nghiệp là chính chứ không phải chính phủ

Gia Minh: Cộng đồng doanh nghiệp cũng có trách nhiệm trong vấn đề này và họ có thể đóng góp ra sao?

Ông Ngô Thanh Tùng: Theo tôi nghĩ cộng đồng doanh nghiệp có thể đóng góp rất nhiều trong sự thay đổi. Vì anh có thể thấy, tại Việt Nam hiện nay hệ thống Internet rất phát triển, thông tin rất phát triển và đời sống của người dân thay đổi rất nhiều. Vai trò của doanh nghiệp theo tôi là vai trò chính chứ không phải vai trò của chính phủ. Và phải nói một cách thành thực, chính phủ chỉ đóng vai trò 'cởi trói' thôi, doanh nghiệp có thể phát triển lên được rồi. Theo quan điểm của chúng tôi, chính sách sắp tới của chính phủ, của những nhà lãnh đạo Việt Nam, cởi mở và tập trung chính vào việc nâng đỡ nền kinh tế; thay vì can thiệp vào nền kinh tế, thì kinh tế Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển. Niềm hy vọng lớn nhất của chúng tôi là người dân và doanh nghiệp sẽ tạo ra những đổi thay và mang lại thịnh vượng cho đất nước Việt Nam.

Vai trò của doanh nghiệp theo tôi là vai trò chính chứ không phải vai trò của chính phủ. Và phải nói một cách thành thực, chính phủ chỉ đóng vai trò 'cởi trói' thôi, doanh nghiệp có thể phát triển lên được rồi

Ông Ngô Thanh Tùng

Gia Minh: Là người làm trong lĩnh vực luật pháp, hiện có ý kiến cho rằng luật pháp Việt Nam và quốc tế có 'vênh nhau'; vậy theo ông cải tổ trong lĩnh vực luật pháp đến đâu và người trong ngành như ông có đề xuất gì cho lĩnh vực này?

Ông Ngô Thanh Tùng: Tôi cho rằng hệ thống luật pháp của Việt Nam thay đổi rất nhanh, luật được ban hành hằng năm, hằng tháng rất nhiều. Vấn đề của Việt Nam không phải là thay đổi về luật pháp và độ vênh mà là vấn đề thực thi pháp luật thế nào! Đó là một thách thức lớn mà Việt Nam đang phải đối chọi, điều đó cần phải có thời gian để thay đổi từng bước. Chúng tôi là những luật sư hành nghề trong nước, chúng tôi cũng đóng góp vai trò quan trọng là mang lại tư tưởng luật pháp mới. Rồi đóng góp những điều khoản thuận lợi có thể hỗ trợ cho doanh nghiệp. Tôi nghĩ quá trình thay đổi đang diễn ra, có điều nhanh hay chậm là câu chuyện khác.

Gia Minh: Kinh nghiệm cho thấy khi ra ngoài thương trường thế giới, doanh nghiệp Việt Nam đã gặp một số vụ kiện, như vụ VietnamAirlines tại Italia, gần đây Mỹ cũng có những vụ kiện đối với Việt Nam; phía Việt Nam vẫn chưa có thể bảo vệ hiệu quả cho họ?

Ông Ngô Thanh Tùng: Đó là những vụ việc cụ thể. Tôi nghĩ những doanh nghiệp Việt Nam cần có một thời gian nữa để hiểu sâu rộng về luật pháp quốc tế, sân chơi, cơ sở pháp lý của luật pháp quốc tế; nhưng những vụ việc cụ thể đó không phải là điển hình để nói lên rằng các doanh nghiệp Việt Nam chưa hội nhập được về mặt luật pháp.

Về mặt kỹ thuật, đối với một vụ việc như vậy doanh nghiệp Việt Nam không cần phải hiểu biết về luật nước ngoài, họ hoàn toàn có thể thuê và chỉ định những công ty luật Việt Nam có khả năng tham gia giải quyết các bất đồng về hợp đồng quốc tế; hoặc chỉ định những công ty luật nước ngoài sở tại để giải quyết những vấn đề đó. Cho nên tôi nghĩ đó không phải là vấn đề thiếu hiểu biết hoặc chưa nhận thức được của doanh nghiệp Việt Nam; mà trong quá trình giải quyết những vụ việc cụ thể, đôi khi những người đứng đầu doanh nghiệp chưa biết cách sử dụng những cố vấn chuyên nghiệp thế nào cho nên phản ứng còn chậm và chưa thể bảo vệ quyền lợi của mình một cách thỏa đáng.

Gia Minh: Cám ơn ông về cuộc nói chuyện vừa rồi.