Tuy nhiên những câu hỏi vẫn còn ở phía trước và giới chuyên gia cho rằng còn rất nhiều điều cần giải quyết trước khi công cuộc tái cấu trúc ngân hàng bắt đầu. Mặc Lâm có cuộc phỏng vấn TS Lê Đăng Doanh về vấn đề này.
Bài toán ngân sách
Mặc Lâm: Thưa TS mới đây khi trả lời hãng tin Bloomberg Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xác định sẽ tái cấu trúc hệ thống ngân hàng và trước tiên là phải giải quyết tình trạng nợ xấu đang đe dọa nền kinh tế Việt Nam. Câu hỏi lớn nhất bây giờ là chính phủ sẽ lấy tiền từ đâu để thực hiện việc này.
TS Lê Đăng Doanh: Ngân sách nhà nước đã bị giảm sút rất mạnh trong năm 2012 và người dân rất lo ngại sau khi Bộ Tài chính đưa ra những mức phí về đường bộ cũng như thu rất nhiều loại phí khác mà dư luận không đồng tình vì rất bất hợp lý. Người ta lo ngại chính phủ có thể lấy tiền ngân sách để mua nợ và qua đó dùng đồng tiền công để phục vụ cho lợi ích tư.
Mặc Lâm: Nếu chính phủ thành lập một hệ thống mua bán nợ thì theo TS việc gì cần phải chú ý nhất để đối phó với các nhóm lợi ích hay sở hữu chéo, trong khả năng các nhóm này có thể lợi dụng việc mua bán nợ để tạo nên một vấn nạn khác trong thị trường tài chánh?
TS Lê Đăng Doanh: Muốn cho một hệ thống mua bán nợ như vậy hoạt động có hiệu quả thì điều rất quan trọng là phải có hệ thống đánh giá một cách độc lập và theo cơ chế thị trường. Khi các ngân hàng cho các công ty vay theo dự án đầu tư thì họ được thế chấp bằng các tài sản trong đó có cả tài sản cố định là bất động sản. Lúc ấy cả hai bên ngân hàng và người đi vay đều đã nâng giá tài sản cố định lên rất cao.
Người ta lo ngại chính phủ có thể lấy tiền ngân sách để mua nợ và qua đó dùng đồng tiền công để phục vụ cho lợi ích tư.<br/>TS Lê Đăng Doanh
Cho đến nay giá bất động sản đã giảm rất mạnh ít nhất hơn 30%, có nơi tới 40% vì vậy giá của bất động sản thế chấp không thể nào giữ đựơc như cũ. Như vậy cần một sự đánh giá độc lập, nếu không được như vậy thì người này được đánh giá cao mà người khác thì lại rất thấp và như vậy mức cân bằng đã bị làm méo mó ảnh hưởng lên cơ chế thị trường, cho nên rất nhiều người quan tâm ở khía cạnh này.
Mặc Lâm: Tái cấu trúc nền kinh tế không thể bỏ qua việc thu hút đầu tư ngoại quốc. Theo TS thì nhà nước cần có sách lược nào để thu hút các nhà đầu tư đang bỏ Trung Quốc đến các nước khác, cũng như trước những thách thức từ một Myanmar đang được xem là tiềm năng trong mắt các nhà đầu tư ngoại quốc?
TS Lê Đăng Doanh: Trong khu vực Đông Nam Á hiện nay tình hình thay đổi rất nhiều. Indonesia nổi lên là một nền kinh tế rất hấp dẫn, mức tăng trưởng cao, hệ thống luật pháp tương đối rõ ràng và một nền dân chủ tuy vẫn còn nhiều vấn đề như tham nhũng này khác nhưng thu hút đầu tư nuớc ngoài rất mạnh. Ngôi sao thứ hai đang nổi lên là Myanmar với việc cải cách mạnh mẽ đời sống chính trị, thực hiện được tự do báo chí và có bà Aung Shan Suu Kyi là một lãnh đạo đối lập. Myanmar cũng đã thả hàng loạt tù chính trị cho thấy nước này đã có thay đổi.
Hiện nay đầu tư ngoại quốc đang dồn về Myanmar cho nên muốn thu hút đầu tư nuớc ngoài thì Việt Nam phải có những cải cách hết sức quan trọng trong thể chế, thực thi luật pháp, cũng như ban hành các văn bản làm sao cải thiện được môi trường kinh doanh.
Mới ngày hôm qua Phòng Thương mại Châu Âu đã đưa ra bản báo cáo môi trường kinh doanh của Việt nam cho thấy những nhận xét không mấy tiến bộ. Vì vậy cho nên việc thu hút đầu tư nuớc ngoài là một điều hết sức quan trọng đối với Việt Nam. Nhưng để làm việc đó thì không phải giản đơn, có tính cách phong trào, bằng cách chỉ kêu gọi suông các nhà đầu tư mà phải có nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư.
Một vấn đề nữa là thu hút nước ngoài đầu tư vào những lãnh vực nào để nó không chèn ép khu vực kinh doanh của người Việt Nam và không gây ra ô nhiễm môi trường. Không khai thác tài nguyên bừa bãi để sau đó khi Việt Nam cạn kiệt tài nguyên rối thì cũng rất khó thu hút đựơc đầu tư nước ngoài. Điều này có nghĩa Việt Nam cần cải thiện điều kiện lao động, môi trường kinh doanh, hệ thống tài chính và toàn bộ hệ thống hành chính thì lúc bấy giờ mới có thể thu hút đầu tư nước ngoài một cách hiệu quả.
Làm sao thu hút đầu tư
Mặc Lâm: Trong khi trả lời Bloomberg Thủ tướng nhấn mạnh sẽ thay đổi luật đất đai để thu hút đầu tư, đây là nguyên nhân nảy sinh tình trạng khiếu kiện đất đai tại rất nhiều địa phương, theo TS thì làm sao VN có thể vừa thu hút đầu tư vừa không lập lại vết xe cũ trong việc giải tỏa đền bù?
TS Lê Đăng Doanh: Vừa rồi qua cuộc thảo luận của Quốc hội thì ta thấy rõ luật đất đai năm 2003 có những quy định vượt khỏi khuôn khổ của Hiến pháp. Hiến pháp Việt Nam quy định rằng nhà nước có thể thu hồi đất để phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh và lợi ích công tức là phúc lợi xã hội. Tuy nhiên luật đất đai lại ghi thêm là ngoài việc phục vụ như trên thì lại có thêm một cái đuôi nữa là phát triển kinh tế.
Thế thì phát triển kinh tế có thể là nhà máy, cũng có thề là sân golf hay khu nghĩ dưỡng… như vậy tức là nhà nước Việt Nam đã vượt khỏi cái quy định của Hiến pháp khi thực hiện luật đất đai, đấy là vấn đề đang cần phải xem xét.
Phải sửa đổi lại luật đất đai để có sự bồi thường sòng phẳng với người nông dân, chia sẻ lợi ích việc làm cho người nông dân bị mất đất. <br/>TS Lê Đăng Doanh
Phải sửa đổi lại để có sự bồi thường sòng phẳng với người nông dân, chia sẻ lợi ích việc làm cho người nông dân bị mất đất. Dư luận Việt Nam hiện nay rất quan tâm cho rằng phải chăng chính phủ thu hồi đất của người nghèo để trao lại cho người giàu và điều này đi ngược lại khẩu hiệu của đảng Cộng sản Việt Nam là lấy đất của địa chủ để chia cho nông dân như trước kia. Đấy là điều mà chúng ta đều đã biết là nó đã gây ra dư luận hết sức đáng quan ngại đó là đến 65 % kiện tụng đều do đất đai. Hiện nay tại Hà Nội thường xuyên có những đoàn của nông dân lên để khiếu kiện và phản đối việc nhà nước thu hồi đất đai của họ một cách không sòng phẳng.
Cải thiện vấn đề đất đai gắn liền với việc sửa luật đất đai. Tôi rất hy vọng những điều mà đại biểu quốc hội đưa ra thì sẽ được sửa đổi một cách nghiêm túc trong thời gian sắp tới.
Mặc Lâm: Xin cám ơn TS.