Thanh Quang:
Theo tôi thì ông Obama tái đắc cử trước hết là do đa số người Mỹ ủng hộ những chính sách của ông Obama về mặt xã hội, về phụ nữ, và giới tính, nhiều hơn là muốn họn lựa chính sách kinh tế của ông Romney. Lý do thứ nhì là ông Obama được sự ủng hộ của giới trẻ, của các cử tri gốc châu Mỹ La Tinh và của các cử tri phụ nữ từ tuổi trung niên trở xuống. Những thống kê sau cuộc bầu cử cho thấy có tới 70% cử tri thanh niên, tôi cho là khoảng từ 35 hay 40 tuổi trở xuống, đã ủng hộ ông Obama. Người Mỹ gốc châu Phi thì có thể nói trên 99% đã bầu cho ông Obama, trong khi cử tri gốc Mỹ La tinh ủng hộ chính sách về di dân của ông nhiều hơn là chính sách di dân cứng rắn hơn của đảng Cộng Hòa.
Nguyễn Khanh:
Tôi thấy một nguyên do là địa lý chính trị của nước Mỹ đã thay đổi, từ năm 2000 với cuộc tranh cử giữa hai ông George W. Bush và Al Gore. Sau đó địa lý chính trị nước Mỹ tiếp tục thay đổi qua những cuộc tuyển cử vào năm 2004, 2008 và nay, 2012. Nếu đảng Cộng Hòa không thay đổi đường lối và kế hoạch hoạt động của họ, tôi xin đóng góp thêm, thì tôi e rằng họ có thể tiếp tục thua ở các cuộc bầu cử khác nữa.
Việt-Long:
Với chiến thắng không dễ dàng của ông Obama như vậy trong cuộc tuyển cử gay go vừa qua, các anh có thể thấy những thuận lợi và khó khăn nào cho ông Obama trong nhiệm kỳ thứ hai?
Thanh Quang:
Đảng Dân chủ chiếm được tòa Bạch ốc và vẫn chiếm đa số ở Thượng Viện sau cuộc bầu giữa kỳ, trong khi đảng Cộng Hòa cũng vẫn giữ được đa số ở Hạ viện. Cục diện như vậy cho thấy một nước Mỹ chia rẽ về chính kiến. Tôi nhấn mạnh là về chính kiến, không phải chia rẽ về hành động. Ta có thể thấy trước là những chính sách về tất cả mọi lãnh vực của ông Obama, từ ngân sách, đến xã hội, đến kinh tế, quân sự đều sẽ gặp nhiều trở ngại từ phía quốc hội và một phần từ công luận Hoa Kỳ.
Nguyễn Khanh:
Không phải chỉ từ quốc hội mà tôi thấy trở ngại còn đến từ ngay phía Nhà Trắng, từ chính Tổng thống Hoa Kỳ Barrack Obama. Theo dõi tin tức và nói chuyện với các giới chức lập pháp bên quốc hội, họ sẽ cho ta thấy rõ ông Obama không phải là người dễ dàng cho người ta làm việc chung. Bởi vậy cái trở ngại được đặt ra, tôi vẫn nghĩ, đó là trở ngại từ cả hai phía chứ không phải chỉ là ở phía lập pháp, không phải chỉ từ quốc hội mà không nói tới phía Nhà Trắng. Đương nhiên tôi hiểu lẽ “lỗi anh lỗi ả lỗi cả hai đàng”, nhưng ông Obama trong cương vị ông chủ tòa Nhà Trắng phải mang một trách nhiệm nặng nề hơn. Đó là trách nhiệm phải làm sao nói chuyện được với phía bên kia, tức là những đối thủ chính trị của ông trong đảng Cộng Hòa. Đó là lý do mà trong bài diễn văn ông đọc tối hôm qua sau khi
đắc cử, ông Obama nói điểm thứ nhất, ông sẽ mời ông Mitt Romney vào Nhà Trắng, ngồi với nhau để nói chuyện làm sao cho hai đảng làm việc chặt chẽ với nhau hơn. Điểm thứ nhì, ông hứa một điều là ông sẽ làm việc chặt chẽ hơn với phía đảng Cộng Hòa, tức là phỉa quốc hội của đảng Cộng Hòa. Chúng ta có thể nói ai làm Tổng thống cũng phải nói như thế, tôi cũng nghĩ như vậy, nhưng tôi cho là nếu muốn được lịch sử ca ngợi, ông Barrack Obama phải thay đổi lối làm việc. Ông phải hiểu rằng ở chính trường Hoa Kỳ phải biết tương nhượng chính trị. Tương nhượng có nghĩa là phải biết mình không thể đòi cho được tất cả. Đòi 10, được 6 đã là vui. Được 7 càng vui hơn. Nhưng không thể nói tôi đòi 10 các anh phải cho cả 10 thì tôi mới gật đầu. Đó là câu chuyện của ông Barrack Obama. Trong nội bộ chính phủ thì ông được sự ủng hộ của tất cả mọi người, từ nội các cho đến Hội đồng an ninh quốc gia với tất cả các cố vấn chính trị, an ninh, ngoại giao, kinh tế… nhưng ông nhớ rằng quốc hội hiện nay vẫn là quốc hội Cộng Hòa y như bốn năm trước đây. Ông Barrack Obama đã biết 4 năm qua gặp bế tắc ra sao và nay là lúc ông phải giải quyết.
Việt-Long:
Đặc biệt là các chính sách ngoại giao, quốc phòng và chính sách đối với Trung Quốc, anh thấy tòa Bạch ốc sẽ điều hành như thế nào, có thể có gì khác hay mạnh hơn, yếu hơn so với chính sách trong bốn năm qua hay không?
Nguyễn Khanh:
Tôi nghĩ chính sách thì vẫn như cũ nhưng kế hoạch có thể gia giảm. Xin đơn cử một ví dụ, là ông sẽ vẫn áp dụng chính sách “ngoại giao khôn khéo” như ông đã đưa ra từ những ngày đầu tiên. Chính sách đó đã được áp dụng ở rất nhiều trường hợp, nhưng không đem lại được kết quả như chính cá nhân ông Obama mong đợi, như ông từng xác nhận điều đó, ví dụ như Iran, Bắc Hàn… và một chuyện bên lề là làm sao giải quyết được vấn đề Syria, đó cũng là một vấn đề mấu chốt mà ông phải để ý đến.
Riêng với châu Á Thái Bình Dương thì xin thưa: đừng quên là 48 giờ sau khi nước Mỹ chọn ông Barrack Obama ở lại Nhà Trắng thêm 4 năm nữa thì lúc đó ở Bắc Kinh trong đại hội 18 của ĐCSTQ người ta sẽ chọn thành phần lãnh đạo mới cho đảng Cộng sản.
Đó là một thành phần ít nhiều hoàn toàn mới, gồm những người mà ông Barrack Obama nếu có gặp thì chỉ gặp một cách sơ sài, nếu có biết thì cũng chỉ biết chút ít. Vì thế một ông Tổng thống ở lại thêm một nhiệm kỳ để làm việc với một thành phần lãnh đạo của đảng Cộng sản Trung Quốc hoàn toàn mới cũng là một thử thách rất lớn, thưa hai anh và quý vị.
Việt-Long:
Xin cám ơn hai anh. Cám ơn quý vị đã theo dõi chương trình truyền hình Thế giới Trong Tuần. Xin hẹn quý vị thứ tư tuần sau.