Vô vàn thống khổ nặng nề nhất
Chế độ Khmer Đỏ bị lật đổ vào năm 1979 tuy nhiên ám ảnh về nổi thống khổ dưới thời ấy vẫn còn đậm dấu ấn trong cộng đồng, người Chăm đang sống tại xứ Chùa Tháp. Cuốn sách mang tựa đề “Ghi nhớ của phụ nữ Hồi giáo Chăm” đã nói rõ điều này.
Trung tâm tài liệu Campuchia là một trung tâm nghiên cứu những tài liệu của các sắc dân bị giết dưới chế độ Campuchia Dân chủ hay chế độ Khmer Đỏ, từ những năm 1975 đến 1979. Một cuốn sách song ngữ Khmer- Anh nói về nỗi thống khổ của phụ nữ Hồi giáo Chăm được phát hành vào ngày 15/7 vừa qua. Theo trung tâm này thì dân tộc thiểu số Chăm không thể quên những năm kinh hoàng dưới thời Khmer Đỏ.
Cô So Farina, chuyên gia nghiên cứu các tội ác Khmer Đỏ của Trung tâm tài liệu Campuchia, tác giả cuốn sách, cho hay nội dung của cuốn sách ghi nhớ của phụ nữ Hồi giáo Chăm nói lên những trải nghiệm trong quá khứ của cộng đồng sắc dân này. Có rất ít tài liệu đề cập đến sự đau khổ của người Chăm dưới chế độ Khmer Đỏ như nhà thờ Hồi giáo bị phá hủy, buộc người Hồi giáo ăn thịt heo và cấm dùng khăn trùm đầu.
Cô nói rằng đã có rất nhiều yếu tố khiến cô viết cuốn sách này. Thứ nhất cô nghe lại lời kể của cha mẹ anh chị đã trải qua chế độ ngược đãi đó, thứ hai là có sự khuyến khích của cộng đồng người Chăm cho nghiên cứu sưu tầm và ghi nhớ những nổi thống khổ của mình. Cô So Farina cũng cho biết, đây không phải là lần đầu mà cô và Trung tâm tài liệu Campuchia nghiên cứu đề tài người Hồi giáo Chăm tại Campuchia mà những tài liệu và nội dung trong
cuốn sách nói trên đã chi tiết hơn những tài liệu liên quan được nghiên cứu trước đây.
Bị giết từ 100 ngàn tới 500 ngàn người
Cuốn sách ghi nhớ của phụ nữ Hồi giáo Chăm là một trong những sách nói về lịch sử phụ nữ Chăm dưới chế đọ Khmer Đỏ. Sách này có 4 chương, gồm 173 trang, có hai thứ tiếng là tiếng Khmer và tiếng Anh. Đây là một trong những quyển sách đặc biệt mà Trung tâm tài liệu Campuchia đã phát hành. Nội dung sách viết rằng đa số người Chăm sống tại Campuchia bị Khmer Đỏ bắt bỏ tù, tra tấn, buộc phải hớt tóc ngắn, ăn thịt heo, cấm trùm khăn, cấm theo đạo, và bị hiếp dâm trước khi bị giết v.v.
Ông No Min, Chủ tịch xã Svay Kleang là một trong những xã có nhiều người Chăm sống đông đảo nhất ở Campuchia cho biết rằng thời Khmer Đỏ người Chăm thuộc xã này đã nổi dậy chống chính sách diệt chủng của họ. Nhiều người bị Khmer Đỏ giết chết tàn bạo. Chủ tịch xã yêu cầu Tòa án xử Khmer Đỏ xử phạt nặng hơn đối với bốn thủ lĩnh cấp cao đang bị cáo buộc trong vụ án về tội diệt chủng người Chăm, đồng thời ông đòi trả lại công lý cho cộng đồng Chăm.
Giám đốc Trung tâm tài liệu Campuchia ông Chhang Youk cho biết dân tộc thiểu số Chăm là một dân tộc gần bị diệt chủng bởi chế độ Khmer Đỏ. Nhiều phụ nữ Chăm buộc phải bỏ đạo, chống đạo bằng cách ăn thịt heo, và không tham gia cộng đồng để được sống sót. Theo ông, kết quả nghiên cứu cho thấy cộng đồng người Chăm không thể quên những nổi thống khổ đó, khiến họ bị ám ảnh, gây ảnh hưởng đến sự giáo dục con cái hiện nay.
Trung tâm tài liệu Campuchia ước đoán có khoảng từ 100.000 đến 500.000 người Hồi giáo Chăm bị giết chết dưới thời Khmer Đỏ, cùng với khoảng 20.000 người Việt. Ông Chhang Youk cho rằng, phụ nữ Chăm là người đóng vai trò quan trọng nhất trong cộng đồng người Chăm, do đó ông thúc đẩy Tòa án xử Khmer Đỏ tìm công lý cho họ.
Phát ngôn viên của Tòa án xử Khmer Đỏ, ông Huy Vannak, cho biết tại phiên tòa sơ bộ vào cuối tháng 6 vừa qua, là Tòa án cáo buộc bốn thủ lĩnh cấp cao của chế độ Khmer Đỏ về tội diệt chủng, tội ác chiến tranh và chống lại nhân loại. Trong vụ án 002 cũng có cáo buộc về tội diệt chủng dân tộc thiểu số Chăm và người Việt.
Ông Huy Vannak nhấn mạnh rằng mục đích của Tòa án xét xử tội ác Khmer Đỏ là nhằm tìm lại công lý cho cả người dân Campuchia và các dân tộc thiểu số bị giết dưới thời Khmer Đỏ.
Phiên tòa xét xử sơ bộ vụ án 002 đối với 4 cựu thủ lĩnh cấp cao của chế độ Khmer Đỏ là Nuon Chea, Khieu Samphan, Ieng Sary và Ieng Thirith diễn ra từ ngày 27-30/6 vừa qua, đã khiến người dân Campuchia không hài lòng với thái độ của các bị cáo. Bốn cựu thủ lĩnh này phải chịu trách nhiệm về cái chết của gần 2 triệu người Campuchia trong những năm 1975-1979, khi nhóm chuyên gia nguyên cứu cho rằng gần 1/4 dân số Campuchia thời đó chết vì đói, bị tra tấn, làm việc quá sức hoặc bị xử tử trên cánh đồng chết.
Cô Farina cũng cho hay trước năm 1979, có khoảng 700 ngàn người Chăm sống thành cộng đồng, nhiều người sống gần làng người Hoa, và người Việt. Khmer Đỏ đã tìm cách loại bỏ nền văn hóa, truyền thống và ngôn ngữ Chăm.