Lao động trẻ em ở Việt Nam: Vấn đề cần được quan tâm

Kinh tế phát triển giúp đời sống nhiều gia đình Việt Nam được cải thiện phần nào. Tuy nhiên trong thời đổi mới này trẻ em dưới tuổi mưu sinh đã phải bươn chải kiếm sống vẫn là hình ảnh không hiếm thấy ở Việt Nam.

0:00 / 0:00
ractrensong.vnn-200.jpg
Trẻ em nhặt rác trên sông. RFA file photo (RFA file photo)

Thành phần lao động này đang mưu sinh trong điều kiện nào, và vấn đề lao động trẻ em có cần được xã hội quan tâm?

Thực tế Việt Nam

Kinh tế tăng trưởng đều đặn mỗi năm; đầu tư nước ngòai đổ vào ồ ạt; kế họach xóa đói giảm nghèo thành công lớn và có khả năng đạt “Mục tiêu Thiên niên kỷ” của LHQ…

Các tin tức phấn khởi này là điều mà báo chí, truyền thông Việt Nam không ngừng loan tải trong thập niên này.

Cao ốc ngày càng mọc lên như nấm ở thành thị; xe hơi mỗi lúc làm chật thêm lòng phố Sài Gòn và Hà Nội; đội ngũ triệu phú, đại gia, hay lớp doanh nhân thành công ngày càng thêm đông đảo… là những thực tế đang diễn ra.

Thế nhưng, song song với những hình ảnh ấy, lâu nay ở Việt Nam vẫn tồn tại một hiện tượng còn bị làm ngơ. Đó là hình ảnh những em bé măng non đã phải làm việc để kiếm miếng ăn.

Vấn đề lao động trẻ em đến nay vẫn tồn tại ở Việt Nam. Tuổi thơ bị buộc phải làm việc quá sớm vì một số lý do nhưng chính yếu và phổ thông hơn hết là sự nghèo đói.

Trừ những trường hợp cá lẻ như trẻ mồ côi hay trẻ bị bán, hầu hết các em thuộc những gia đình thu nhập không đủ sống. Tệ hại hơn, nhiều trẻ nhỏ còn phải làm lụng cực nhọc hoặc trong các điều kiện tồi tệ, nguy hiểm; bị trả đồng lương rẻ mạt hay chỉ được nuôi ăn ở trong hoàn cảnh tồi tệ; hoặc bị đánh đập, hành hạ.

Luật lao động Việt Nam xác định độ tuổi lao động là 15; các em chỉ phải làm việc tối đa 7 giờ/ngày, và môi trường cũng như điều kiện lao động phải theo quy định.

Tuy nhiên, hình ảnh những trẻ chỉ trên dưới 10 tuổi đã bị đẩy vào thị trường lao động, đôi khi trong môi trường tệ hại, là điều không khó thấy.

Phổ biến là trường hợp các em bé bị ép ngồi may ngày đêm trong các xưởng gia công hoặc hầu bàn từ sáng đến tối trong các quán ăn.

Không có dữ liệu chính xác của nhà nước nên chúng tôi không biết rõ số trẻ VN bị ngược đãi. Chúng tôi mong có thể làm việc với chính quyền các cấp để tìm số liệu chính thức và giúp giải quyết vấn đề.

Bà Caroline den Dulk, UNICEF

Hiếm hơn thì có trường hợp trẻ làm phu khai thác mỏ đá, mỏ than trong điều kiện nguy hiểm, đối mặt với những rủi ro có thể tàn tật hoặc mất mạng.

Chính sách xã hội?

Lâu nay chính quyền Việt Nam có giải pháp nào cho vấn đề lao động trẻ em? Nguyên nhân chủ yếu của vấn đề lao động trẻ em là sự nghèo đói, nhưng việc giới hạn các vi phạm đối với những trẻ kém may mắn chỉ mới là điều được nhìn đến, và chỉ mới thời gian gần đây.

Cho đến năm 2006, Việt Nam không có một nghiên cứu sâu sát hoặc kế họach giải quyết vấn đề lao động trẻ em. Quỹ Nhi đồng Liên hiệp Quốc (UNICEF) ở Hà Nội, xưa nay thực hiện nhiều chương trình giúp đỡ thiếu nhi Việt Nam, có nhận xét ấy qua lời bà đại diện Caroline den Dulk:

childrenundernourishment200.jpg
Trẻ con nhà nghèo. RFA file photo (RFA file photo)

"Không có dữ liệu chính xác của nhà nước nên chúng tôi không biết rõ số trẻ [Việt Nam] bị ngược đãi. Chúng tôi mong có thể làm việc với chính quyền các cấp để tìm số liệu chính thức và giúp giải quyết vấn đề."

Tháng 12 năm 2007, UBND TP.HCM có loan báo là đang xây dựng đề án nhằm ngăn chặn và giải quyết tình trạng trẻ em phải làm việc cực nhọc trong điều kiện độc hại, nguy hiểm giai đọan 2007-2010.

Thông tin nói sẽ có kế họach điều tra, can thiệp để môi trường và điều kiện làm việc của các trẻ này được cải thiện; khởi tố những vụ xâm phạm; và lập danh sách các trẻ lao động. Thế nhưng từ khi đó đến giờ chưa thấy công bố của giới thẩm quyền là kế họach này đã được khai triển đến đâu, và hiệu qủa tới mức nào.

Việt Nam đã cam kết trong các công ước quốc tế về trẻ em, bảo vệ trẻ khỏi bị ngược đãi. Cục chúng tôi thực hiện việc bảo vệ, giám sát.

BS Nguyễn Trọng An

Vấn đề lao động trẻ em thuộc trách nhiệm trực tiếp của cơ quan nào? Phó cục trưởng Cục Bảo vệ - Chăm sóc Trẻ em, Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội, bác sĩ Nguyễn Trọng An, đã cho biết:

"Hiện nay vấn đề lao động trẻ em do Cục Lao động – Việc làm phụ trách. Cục này đang thực hiện đề án về Quyết định 19 về việc phòng, ngăn ngừa các bóc lột về lao động trẻ em. Việt Nam đã cam kết trong các công ước quốc tế về trẻ em, bảo vệ trẻ khỏi bị ngược đãi. Cục chúng tôi thực hiện việc bảo vệ, giám sát."

Dầu vậy, nhiều trẻ nhỏ chưa đủ tuổi lao động đã bị đẩy vào thị truờng lao động. Có trường hợp còn bị hành hạ, ngược đãi nặng nề như em Nguyễn Thị Bình ở Hà Nội, được phát giác mới ít tháng nay.

Trở lại vấn đề lao động trẻ em, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng tuổi thơ bị cưỡng bách lao động là sự nghèo đói. Với tình trạng kinh tế khó khăn thời gian này, có lẽ sẽ còn thêm hàng ngàn tuổi thơ Việt Nam bị vắt sức lao động hoặc bị ngược đãi trong những năm trước mắt, trừ khi vấn đề được giới trách nhiệm quan tâm đến nhiều hơn.