Trẻ vào đời sớm (bài 1)

Hàng ngày trên các đường phố ở những đô thị lớn luôn có một đội ngũ lao động “nhí” đông đảo với xấp vé số trên tay hay các loại kẹo cao su, hộp đánh giày len lỏi trong các ngõ ngách để mưu sinh.

0:00 / 0:00

Ngoài ra còn không ít trẻ phụ việc trong các quán ăn, các cơ sở sản xuất. Nhìn chung người ta nhận thấy lao động trẻ em xuất hiện ngày càng đông và có mặt trong nhiều lĩnh vực.

Quỳnh như trao đổi với một số người có liên quan để tìm hiểu về nguyên nhân và hoàn cảnh đưa đẩy các em sớm vào đời tìm cuộc mưu sinh.

Do cái nghèo mà ra

Trẻ em lang thang, hay trẻ em đường phố đã xuất hiện từ nhiều năm trước đây. Số này là những em chẳng may mồ côi cha, hoặc mẹ, có khi không còn cả bố mẹ và người thân, một mình lang thang cơ nhỡ. Nhưng vài năm gần đây với tốc độ phát triển đô thị, xuất hiện các trẻ di dân từ các vùng thôn quê ra thành thị kiếm sống. Đội ngũ này ngày càng đông và trở thành một vấn đề xã hội.

Nguyên do vì sao những đứa trẻ ở tuổi cắp sách đến trường lại phải đi lang thang kiếm sống. Một Linh mục của một Giáo xứ ở Thành phố Hồ Chí Minh, phụ trách một cơ sở nuôi trẻ em khuyết tật cho biết lý do trẻ phải sớm vào đời kiếm sống. Ông nói:

“Cái lý do chính là do nghèo, hoặc gia đình nghèo nên các em phải bỏ lên thành phố để kiếm sống, đa số là như vậy. Các em đa số từ nông thôn rồi các em không có nơi nương tựa.”

Cũng theo ý kiến của vị Linh mục này:

“Có nhiều nhóm công tác xã hội, nhiều tổ chức cũng cố gắng làm nhiều việc để giúp đỡ các em. Các em ở ngoài đường mình phải tìm kiếm để giáo dục, giúp đỡ các em. Một số em mình giúp được thì giúp cho các em có nghề nghiệp, có chỗ ở. Số không có được thì mình phải giới thiệu chỗ khác.”

Một Linh mục của một Giáo xứ ở Huyện Tỉnh Gia, Thanh Hoá cho biết, tại giáo xứ này hiện nay hầu như chỉ còn người già, phụ nữ và trẻ em, gần như không thấy bóng dáng của thanh niên đâu cả. Các em vừa đến tuổi thiếu niên khoảng 14, 15 tuổi trai có, gái có; các em chỉ học đến cấp 2 là cao nhất rồi bỏ quê lên các tỉnh thành để kiếm sống và chủ yếu là đi vào các tỉnh phiá Nam, một số ít thì ra Hà Nội.

Có gia đình có đến hai hoặc ba người con lần lượt kéo nhau vào Nam kiếm sống. Trong làng dần dần mất đi đội ngũ thanh niên lao động vì nếu có cơ hội thì các em này sẽ ở lại thành phố lập nghiệp mà không trở về làng quê nữa. Ông cho biết về hoàn cảnh của các em này như sau:

“Cái chủ yếu vẫn là do vấn đề kinh tế. Ở các vùng nông thôn đa số họ sống được chỉ nhờ có đồng ruộng, mà đồng ruộng bây giờ không đủ để sống được. Rồi do điều kiện chi tiêu giá cả tăng cao. Thành ra may lắm, nếu được mùa, thì họ chỉ đủ được cái lương thực để ăn thôi. Chứ còn những tiền chi tiêu khác trong gia đình, ăn học là không có. Do hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, các gia đình không có đủ điều kiện để cho con em mình học tiếp ở các cấp cao hơn, do đó các em phải bỏ học.

Cái lý do chính là do nghèo, hoặc gia đình nghèo nên các em phải bỏ lên thành phố để kiếm sống, đa số là như vậy. Các em đa số từ nông thôn rồi các em không có nơi nương tựa.

Một Linh mục ở SG

Chẳng hạn như tại các vùng quê như ở xứ mà tôi đang coi đây, số giáo dân có khoảng một ngàn mốt, nhưng số đi làm trong Nam tới 300 em, gần như giới trẻ không còn ở nhà là bao nhiêu. Đến nỗi phiá giáo xứ có lần tổ chức cho các em các lớp giáo dục tiền hôn nhân để các em có một kiến thức về hôn nhân và gia đình thì rao suốt hàng tháng trời cũng chỉ có được một em đăng ký thôi, hiếm hoi như vậy.”

Vị này Linh mục cho biết thái độ ứng xử của các bậc cha mẹ, trước việc hàng loạt trẻ bỏ quê ra thành thị để kiếm sống:

“Bố mẹ cũng đành khuyến khích chuyện đó bởi vì nếu để các em học tiếp thì bố mẹ cũng không đủ điều kiện. Thành ra bố mẹ cũng chấp nhận, mặc dù là biết con mình đi xa sẽ gặp rất nhiều những cái không hay, nhất là vì tuổi cũng chưa trưởng thành.

Thứ hai nữa là đi làm như vậy thì cũng có tiền dư về thật, nhưng cũng vất vả vô cùng, nhất là khi các em không có trình độ, không có chuyên môn tay nghề nào cả, chỉ đi ra lao động phổ thông thế thôi, nên đồng lương thu nhập cũng không cao lắm. Tuy nhiên các em cũng ý thức được hoàn cảnh của mình như thế nên phần lớn các em rất tiết kiệm. Nên khi đến cuối năm các em về vẫn có một khoản tiền nho nhỏ mang về nhà giúp cho gia đình cũng đỡ khó khăn.”

Những dự án giúp trẻ đường phố

Lao động của các em tuy có thể giúp giải quyết được một phần về vấn đề kinh tế cho gia đình nhưng về khiá cạnh xã hội lại có những mặt trái, mà cụ thể như lời của vị Linh mục ở Giáo xứ ở Huyện Tỉnh Gia giải thích như sau:

koto.com.au-250.jpg
Một lớp học pha chế thức uống tại KOTO. Photo courtesy of koto.com.au (Một lớp học pha chế thức uống tại KOTO. Photo courtesy of koto.com.au)

“Những hậu quả khác về những tệ nạn xã hội. Chẳng hạn như việc hôn nhân ở các xứ đạo sẽ rất phức tạp vì các em đi xa như vậy gặp gỡ nhau rất nhiều, đủ mọi người tứ xứ, và vấn đề hôn nhân sẽ phức tạp hơn. Chẳng hạn như vấn đề có quan hệ trước, rồi có khi ăn ở với nhau chẳng có phép tắc gì về hôn nhân cả. Còn cái nghiện ngập thì cũng có, nhưng cũng không nhiều lắm.”

Cũng theo lời những người dân địa phương thì chính quyền điạ phương cũng biết nhưng đành bất lực trước vấn đề này. Hàng năm nhất là sau Tết người ta thấy trên những con đường quốc lộ con em đứng rất đông để chờ xe trở lại thành phố làm việc tiếp. Trường hợp của Huyện Tỉnh Gia mà vị Linh mục tại đây cho biết, mặc dù Huyện nằm giáp ranh Khu kinh tế Nghi Sơn nhưng khả năng tìm được một công việc cho các em cũng không phải dễ vì:

“Các dự án cũng đang mới khởi công, chưa xong hết được, thành ra cũng chưa thu hút được nhân công về đó. Hoặc nếu có xong cũng khó bởi lẽ là con em mình không có tay nghề lao động, mà tuyển dụng ở những chổ này là phải có tay nghề lao động, có chuyên môn.”

Hoàng Thị Huệ là một học viên trong khóa đầu tiên của Trung tâm Dạy nghề Nhân đạo KOTO ở Hà Nội. Đây là một trung tâm dạy nghề nhân đạo do ông Jimmy Phạm, một Việt kiều Mỹ sáng lập để dạy nghề giúp cho các trẻ em đường phố, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn phải ra đời để kiếm sống. Đa số các học viên ở đây vào độ tuổi từ 16 đến 22. Huệ nói:

“Ở Việt Nam, có nhiều em chỉ mới 8 hay 9 tuổi đã đi sống ngoài phố, nó phải tự kiếm tiền nuôi bản thân rồi lo cho gia đình. Nhiều em bán kẹo cao su (chewing gum). Có nhiều em thì đi đánh giày cũng khoảng từ 10 tuổi đến 11 tuổi. Mà đa số phổ biến là khoảng từ 12 đến 14 tuổi.”

Là con lớn của một gia đình có 3 chị em, bố là bộ đội giải ngũ sau 3 năm phục vụ ở Campuchia. Bố bệnh, cuộc sống gia đình quá khó khăn, Huệ bỏ học ra Hà Nội bán hàng và sau đó được giới thiệu vào học nghề ở Trung tâm KOTO. Khi hỏi về những ước mơ của các trẻ em đường phố, Huệ nói:

“Em có thể nói là nếu các trẻ em nào mà không may mắn còn có cha có mẹ thì cái mong ước cửa các em đó là một mái ấm gia đình. Còn đối với những người nào vẫn còn cha mẹ mà có hoàn cảnh khó khăn thì các em mơ ước có một công việc ổn định. Nếu em là một người không có gia đình thì em cũng sẽ mong ước có một gia đình nhưng mà em rất may mắn là còn cả bố cả mẹ thì em mong ước có một công việc ổn định.”

Trung tâm dạy nghề nhân đạo KOTO đã cho cô tay nghề và một công việc ổn định. Hiện nay Huệ là nhân viên Quản lý Điều hành của Trung tâm KOTO ở Hà nội.
Tuy nhiên không phải các trẻ sớm lăn lộn với đời đều gặp may mắn như Huệ, tình trạng thanh thiếu niên nông thôn bỏ quê đi ra những nơi xa xôi, những thành phố để kiếm sống đã trở nên phổ biến trong những năm gần đầy tại hầu hết các làng quê xa xôi. Những nơi đó chỉ còn lại các cụ già, và những em bé chờ đến tuổi trưởng thành để tiếp bước anh chị đi lao động xa. Đây cũng là một vấn đề xã hội đặt ra cho các ngành, các cấp có liên quan nghiên cứu giải quyết.

Theo dòng thời sự: