Không gây ngạc nhiên
Hôm thứ Tư, 31 tháng 10, ông Vương Nghị, Chủ tịch Văn phòng sự vụ Đài Loan (thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc) lên tiếng kêu gọi người dân hai bên eo biển Đài Loan "có nhiệm vụ bảo tồn chủ quyền Trung Quốc trên Biển Đông". Động thái này được xem như củng cố thêm quan điểm cùng hợp tác bảo vệ chủ quyền của Đường lưỡi bò mà trước đó giới quan sát đồn đoán.
Phát biểu của ông Vương Nghị được đưa ra chỉ 1 tuần sau khi một nhóm học giả Đài Loan và Trung Quốc tuyên bố cùng hợp tác nghiên cứu để bảo vệ Đường lưỡi bò trước quốc tế. Nhóm này còn khuyến nghị hai bên hợp tác để bảo vệ chủ quyền mà người Trung Quốc tuyên bố trên Biển Đông. Thực tế từ lâu giới quan sát đã nói về một khả năng hợp tác giữa Trung Quốc và Đài Loan trên Biển Đông cho nên tuyên bố của chính phủ Bắc Kinh vừa qua không mấy gây ngạc nhiên cho giới phân tích bao gồm nhà nghiên cứu Dương Danh Dy:
Ô. Dương Danh Dy
“Trong vấn đề lãnh thổ, bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc thì người Trung Quốc ở Đại Lục, người Trung Quốc ở Đài Loan, người Mỹ gốc Hoa, người Anh gốc Hoa, người Đức gốc Hoa… về cơ bản đại đa số họ đều có quan điểm giống nhau, tức là nói chỗ nào của Trung Quốc là của Trung Quốc. Họ gặp nhau ở điểm chung đó rất dễ dàng nên tôi không thấy có gì ngạc nhiên cả”.
Bản đồ Đường lưỡi bò được đưa ra từ năm 1949 bởi Quốc Dân Đảng Trung Quốc trong một khoảng thời gian dài không được chính quyền Bắc Kinh xác nhận hay ủng hộ. Tuy nhiên giữa năm 2009, trong một văn bản gởi Liên Hiệp Quốc, Bắc Kinh đã chính thức sử dụng tấm bản đồ Đường lưỡi bò để tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông. Từ đó đã bắt đầu làm dấy lên đồn đoán rằng Trung Quốc và Đài Loan có khả năng sẽ bắt tay hợp tác trên Biển Đông. Và điều nhiều người thắc mắc là sự hợp tác này sâu và rộng đến mức nào.
Khuôn khổ ngoại giao
Trong cuộc phỏng vấn gần đây với đài RFA, chuyên gia Biển Đông Dean Cheng cũng nói về khả năng hợp tác giữa Bắc Kinh và Đài Bắc trong đó ông nhấn mạnh rằng Bắc Kinh luôn muốn tìm điểm chung với Đài Loan trong vấn đề Biển Đông. Nhưng ông cũng lưu ý rằng sự hợp tác có thể chỉ nằm trong khuôn khổ ngoại giao:
“Nếu Trung Quốc và Đài Loan hợp tác về mặt chính trị và ngoại giao thì việc này hiểu được. Còn hợp tác quân sự thì là một chuyện khác. Tôi không nghĩ là có ai đó có thể nói rằng Trung Quốc sẽ cho tàu sửa chữa và tiếp nhiên liệu ở các cảng Đài Loan”.
Ô. Dean Cheng
Đài Loan tuyên bố là một quốc gia độc lập và tìm một chiếc ghế ở Liên Hiệp Quốc như một quốc gia riêng biệt. Tuy nhiên, quan điểm phía Trung Quốc luôn cho rằng Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình và có thể dùng võ lực để chiếm lại. Việc này khiến giới quan sát không mấy lạc quan về khả năng hợp tác quân sự giữa Trung Quốc đại lục và Đài Loan.
Tuyên bố kêu gọi hợp tác của Chủ tịch Văn phòng sự vụ Đài Loan Vương Nghị đưa ra hôm thứ Tư cũng chỉ giới hạn đến các tổ chức phi chính phủ và doanh nghiệp.
Giới quan sát cho rằng việc hợp tác với Bắc Kinh có thể làm lóe lên chút hy vọng để Đài Loan được tham gia vào các cuộc đàm phán quốc tế liên quan đến Biển Đông. Một khi việc này diễn ra, nó có thể tạo ra ảnh hưởng ở một mức nào đó đối với cục diện chung của tranh chấp. Tuy nhiên, theo ông Dương Danh Dy việc này lại tùy thuộc vào thực lực của một nước hơn là phụ thuộc vào sự hợp tác này:
"Theo tôi phải là vấn đề thực lực. Vấn đề là sức mạnh cứng và sức mạnh mềm của Đài Loan có làm thế giới công nhận hay không. Đó là vấn đề. Hiện nay tôi không dám khẳng định điều đó".
Không quá quan ngại
Trong sáu bên tranh chấp ở Biển Đông, Trung Quốc, Việt Nam và Philippines được đánh giá là các động lực chính có những ảnh hưởng lớn đối với tình hình chung trong khu vực. Đài Loan được chuyên gia Dean Cheng đánh giá là một nhân tố nằm ở thế “phản ứng lại” sự việc hơn là gây ra các sự cố, cho thấy một thái độ không quá quan ngại tính cho đến giờ phút này đối với Đài Loan.
Sự hợp tác giữa Bắc Kinh và Đài Bắc cũng phần nào làm các nước như Việt Nam hay Philippines nghĩ rằng mình đang đối phó với một khối hơn là một nước. Nhưng theo ông Dương Danh Dy điều quan trọng không phải nằm ở sự hợp tác giữa Đài Bắc và Bắc Kinh mà chính là quyết tâm bảo vệ chủ quyền:
Ô. Dương Danh Dy
“Có lợi thì tất nhiên là không rồi nhưng hại thì cũng chẳng có hại gì cả bởi muốn hay không muốn thì Trung Quốc và Đài Loan cũng gặp nhau trong vấn đề này thôi. Người Việt Nam sẵn sàng đối phó thôi. Theo tôi thì có thêm Đài Loan vào nữa thì vẫn thế thôi, cũng không thay đổi được tình trạng. Tức là Việt Nam cũng như Philippines cương quyết giữ vững chủ quyền của mình thôi”.
Giới quan sát cho rằng vấn đề Biển Đông và quần đảo Senkaku/Điếu Ngư có thể được đưa vào các cuộc đàm phán giữa Hiệp hội quan hệ hai bên bờ eo biển Đài Loan của Trung Quốc cũng như Tổ chức Trao đổi hai bên bờ eo biển Đài Loan của Đài Loan. Điều này cũng có nghĩa là dư luận ngày càng làm quen với quan điểm rằng Đài Loan và Trung Quốc đứng chung một chiến tuyến trên Biển Đông. Ảnh hưởng của việc này chưa được các nhà phân tích đưa nhiều bình luận. Thế nhưng có vẻ như một nước lớn như Trung Quốc rất hiếm khi ủng hộ một việc gì đó mà không biết rằng việc đó sẽ có lợi như thế nào.
Theo dòng thời sự:
- Cựu thủ tướng Đài Loan sang thăm Trung Quốc
- Học giả Trung Quốc, Đài Loan và "đường Lưỡi bò"
- Đài Loan kêu gọi giải quyết ôn hoà tranh chấp đảo Điếu Ngư/Senkaku
- Thuốc súng biển Đông đang cháy?
- Đài Loan giành giật Trường Sa?
- Đài Bắc không bắt tay với Trung Quốc để gây áp lực với Nhật
- Đài Loan xây đền thờ trên quần đảo đang tranh chấp?
- TQ bác tin đồn đầu cơ bất động sản tại Đài Loan
- Đại diện Đài Loan sẽ gặp Chủ Tịch Hồ Cẩm Đào tại Nga đầu tháng tới
- Đài Loan – TQ hợp tác bắt hàng trăm tội phạm
- Đài Loan sẽ đưa thêm tàu tuần duyên ra Biển Đông