Một tay Cambodia phá vỡ
Trung Quốc đã dùng Cambodia phá vỡ kế hoạch của Việt Nam và Philippines, hai quốc gia biển Đông muốn chống lại sách lược của Bắc Kinh tách bó đũa ASEAN để bẻ gãy từng chiếc.
Đến nay thì đã rõ là 9 quốc gia ASEAN đều muốn có bản tuyên bố chung với những ngôn từ hoà hoãn nhưng tỏ rõ thế đối đầu ở một phía là toàn khối ASEAN, bên kia là Trung Quốc. Chỉ trừ Cambodia được Trung Quốc khuyến dụ, đã nhất quyết đi ngược lại.
Quan trọng không kém thông cáo chung là một dự thảo cho bản Quy tắc ứng xử ở biển Đông, mà ASEAN cũng không đạt đồng thuận tuyệt đối để đem ra thảo luận với Trung Quốc.
Cùng lý do thất bại của bản tuyên bố chung, bản Quy tắc Ứng xử trên biển Đông, COC, cũng được coi như một công cụ của khối ASEAN để đối phó với Trung Quốc, là điều Bắc Kinh không hề muốn.
Trung Quốc không thể từ chối thảo luận, nhưng phải làm cho văn kiện đó trở nên vô hiệu, để cuộc đối đầu trên biển Đông mang tính cách song phương giữa Trung Quốc với từng quốc gia của ASEAN có tranh chấp trực tiếp, là Việt Nam và Philippines.
Đồng sàng dị mộng, trông chờ mà chi!
Mặt khác có ý kiến cho là chưa bao giờ có một “bó đũa ASEAN” mà chỉ có 10 đôi đũa riêng rẽ cách biệt nhau.
ASEAN có họp lại cũng chỉ thành một nhóm quốc gia “đồng sàng dị mộng”. Từ trước đến nay Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á chưa có được một hành động tập thể nào hữu hiệu để giải quyết một vấn đề quốc tế hay khu vực.
Nếu nói Việt Nam và Philippines cố gắng gom các quốc gia ASEAN lại trong một hành động tập thể, thì đó là thất bại của chính Việt Nam vì đã trông cậy quá nhiều vào Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á .
Bài học đáng lẽ Việt Nam chưa quên, là trong hội nghị APEC 2006 Trung Quốc đã không muốn Việt Nam mời Đài Loan trong khi các nước phương Tây thúc giục Việt Nam phải mời. Việt Nam chần chừ mãi, rồi cuối cùng phải mời Đài Loan, trong khi cả khối ASEAN tỏ ý không hài lòng chỉ vì muốn chiều lòng Trung Quốc!
Đã vậy tại sao đến giờ Việt Nam vẫn trông cậy vào ASEAN? Thà là trông nhờ những nước khác, những tổ chức nào khác cũng còn khá hơn là trông vào nhóm quốc gia gọi là bạn, nhưng chỉ là những láng giềng “cùng giường mà khác mộng” mang tên là Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á.
Thắng lợi chiến thuật, thất bại chiến lược
Những cái loa báo chí lề phải của Trung Quốc còn chế diễu thêm về sự đoàn kết của ASEAN, nhưng hầu như ít đá động tới những hoạt động cùng lúc Ngoại trưởng Hoa Kỳ nhằm tỏ rõ chính sách xoay trục chiến lược quân sự, kinh tế, ngoại giao về châu Á.
Một mặt Bắc Kinh phải tỏ ra mình là một cường quốc, coi chiến lược châu Á của Hoa Kỳ như không có gì quan trọng. Nhưng mặt khác chắc chắn Trung Quốc không thể coi thường sách lược đó của Hoa Kỳ.
Người ta còn nhờ mới đây thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc Phó Oánh tuyên bố tại Phnom Penh rằng Bắc Kinh không có gì e ngại trước chiến lược xoay trục như vậy của Hoa Kỳ, nhưng cùng lúc thứ trưởng Thôi Thiên Khải tại Úc lại lên án Hoa Kỳ vẫn đem tư duy thời chiến tranh lạnh để đối phó với Trung Quốc, kêu gọi Australia đừng theo Mỹ bao vây Trung Quốc trên Thái Bình Dương.
Cho nên Bắc Kinh hiển nhiên thích thú với kết quả hội nghị AMM 45 của ASEAN, coi đó như một đòn làm cho Hoa Kỳ mất mặt đúng lúc Ngoại trưởng Mỹ tuyên bố Hoa Kỳ là một cường quốc thường trú của Thái Bình Dương, trong khi Chính phủ và quân đội Hoa Kỳ có những hoạt động như tỏ ra đứng bên cạnh Philippines và Việt Nam.
Tuy nhiên điều quan trọng cần nhìn thấy, là Trung Quốc quả nhiên vừa ghi một bàn thắng đối với Việt Nam, Philippines và khối ASEAN, nhưng đó chi là một thắng lợi về chiến thuật, mà là một thất bại về chiến lược.
Lý do là vì thất bại đó mà các nước ASEAN hay ít nhất nhiều nước trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á buộc lòng phải kêu cứu với Hoa Kỳ để đối đầu với Trung Quốc.
Những quốc gia có hải phận trên biển Đông không ai muốn để tàu bè và Công ty Dầu khí Quốc gia Trung Quốc tung hoành trên vùng biển này như trong ao nhà của họ.
Trước quyết sách của Trung Quốc những nước bị hiếp bức sẽ phải kéo Hoa Kỳ vào giúp mình, không còn cách nào khác. Lúc đó Hoa Kỳ sẽ đáp ứng, tăng cường các liên minh quân sự và củng cố quốc phòng cho những nước bị ức hiếp.
Chỉnh đốn nội bộ, ngăn đe thách thức
Vừa qua thế giới cũng rất chú ý đến Bắc Hàn, khi Phó Nguyên soái Ri Yong-Ho gần 70 tuổi, đứng đầu quân đội, bất ngờ bị tước đoạt binh quyền. Chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong-Un cử một tướng lãnh trẻ hơn thay vào chức vụ Tổng tham mưu trưởng quân đội. Sau đó chủ tịch họ Kim được cơ chế của ông phong Nguyên soái để xứng hợp với chức vụ Tổng tư lệnh tối cao quân đội Bắc Hàn được phong từ tháng 12 năm ngoái.
Nay thì Bình Nhưỡng tỏ rõ là không muốn ai nhắc đến vị Phó Nguyên soái vừa thất sủng, Tướng Ri hoàn toàn lui vào bóng tối của chính trường.
Người thay thế tướng Ri Yong-Ho là Phó Nguyên soái Hyon Yong-Chol, chưa đầy 65 tuổi, mới lên tướng vào tháng chín năm 2010 cùng lượt với Kim Jong-Un và bà cô Kim Kyong-Hui, em ruột của thân phụ ông Un.
Ông này là một trong bốn phó Nguyên soái của quân đội Bắc Hàn. Ba người kia gồm một Giám đốc Tổng bộ chính trị quân đội, một Bộ trưởng quân lực, và một phó chủ tịch Uỷ hội quốc phòng quốc gia.
Lãnh tụ trẻ tuổi Kim Jong-Un muốn điều gì qua những hành động này?
Trước hết người ta thấy chắc chắn là ông Kim Jong-Un muốn thâu tóm binh quyền vào tay mình. Tướng Ri Yong Ho từng là bạn từ thời thơ ấu của ông Kim Jong-Il, thân phụ ông Un. Tướng Ri còn là 1 trong 4 thành viên chủ tịch đoàn của chính trị bộ, kiêm phó chủ tịch Quân Uỷ trung ương, kiêm Tổng tham mưu trưởng quân đội, nhưng điều quan trọng nhất là ông ủng hộ và bảo vệ ông Kim Jong-Un vào ngôi vị chủ tịch Bắc Hàn và chủ tịch Quân Uỷ trung ương.
Không ai hiểu vì sao ông lại bị tước đoạt hết binh quyền một cách gấp rút, chỉ vì lý do sức khoẻ, mà không có lời công bố một tội trạng nào. Đó là điều bất thường trong tập quán chính trị của xứ Cộng Sản Bắc Hàn, vì bình thường một tướng lãnh về hưu sẽ giữ được mọi tước vị và quyền lợi cho đến khi từ trần. Đây là một trường hợp sỉ nhục đối với một tướng lãnh đứng đầu quân đội, từng là một cột trụ của triều đại nhà Kim.
Hành động này nhằm thâu tóm binh quyền trên thực tế, không phải chỉ bằng hình thức của chức vụ Tổng tư lệnh tối cao. Trước đó, đã có tới 20 quan chức cao cấp của Bắc Hàn được cho về hưu kể từ năm 2009 khi ông Un bắt đầu được coi là người thừa kế ông Kim Jong Il.
Hành động này còn là một thông điệp cảnh cáo cho khối quân đội hơn 1 triệu người, tuy dưới quyền tướng Ri được coi là lực lượng ủng hộ Kim Jong-Un nhưng luôn luôn vẫn là một mối đe doạ cho bất kỳ nhân vật quyền lực tối cao nào.
Lập huyền thoại?
Thêm vào đó, ở những nước phong kiến xưa kia hay nước độc tài mà lãnh tụ được thượng tôn như thời phong kiến ở châu Á, lãnh tụ thường thâu tóm quyền lực và huyền thoại hoá cá nhân của chính họ để chiếm sự thần phục của thần dân hầu bảo vệ quyền lực độc tôn.
Lãnh tụ Kim Jong-Un có thể đã muốn chứng tỏ mình là một nhân tài xuất chúng, vượt qua tất cả những nhân vật quân sự truyền thống của Bắc Hàn, trở thành một nhân vật huyền thoại với kỷ lục là một Nguyên soái Tổng Tư lệnh Quân đội trẻ tuổi nhất trong lịch sử.
Nhưng phải có người làm quân sư cho ông Un, hay ít ra cũng ủng hộ ông trong việc này. Có phải đó chính là người chú dượng, tướng Jang Song-Thaekvà bà cô cũng là một tướng lãnh, tên Kim Kyong Hui, của ông Un?
Chính phủ Nam Hàn cho biết ông chú Jang Song-Thaek và ông tướng giám đốc chính trị bộ quân đội Choe Ryong-Hae là hai cố vấn cho ông Un trong việc loại trừ tướng Ri.
Ông chú 66 tuổi được phong đại tướng lúc cha ông Un đang bị bệnh, và là phó chủ tịch hội đồng quốc phòng. Tướng Jang Song-Thaek được biết đến như một người có phong cách trẻ trung nhất trong giới lãnh đạo Bắc Hàn. Ông chơi accordeon, được gọi là đẹp trai, vui vẻ và cởi mở hơn mấy ông tướng Bắc Hàn, rất thích hợp với chủ tịch họ Kim.
"Lưỡng trụ triều đình" còn "nhất trụ"
Một nhà nghiên cứu của Seoul cho rằng cố chủ tịch Kim Jong-Il đã kiến tạo lâu đài quyền lực trên hai cột trụ đối xứng và đối trọng cùng khắc chế lẫn nhau. Một bên là đôi vợ chồng cô em ruột của ông Jong-Il, Kim Kyong- Hui và Jang Song-Thaek, bên kia là vị phó thống chế thân thiết từng được ông Jong-Il coi như người
em thân cận thứ nhì, tướng Ri Yong-Ho.
Nay một trong hai trụ cột bị dỡ đi, quyền lực của chủ tịch Kim Jong-Un sẽ ra sao? Kiến trúc “nhất trụ” sẽ vững chắc hay chông chênh đưa đến sụp đổ?
Mỹ nhân bí ẩn
Ngoải những yếu tố thân tộc và kiến trúc của quyền lực, giới quan sát còn lưu ý phong cách cá nhân của nhà lãnh đạo chưa đầy 30 tuổi đời. Ông Un thường đọc diễn văn trước công chúng giống như ông nội, nhà lập quốc Bắc Hàn Kim Nhựt Thành, là điều mà cha ông, Kim Chính Nhựt, không làm bao giờ.
Kim Jong-Un, hay Kim Chính Ân, cũng tỏ ra xã giao và cởi mở với mọi người hơn là thái độ xa cách và khép kín của cha. Truyền hình chiếu cảnh ông Un thăm những hội chợ vui tươi, nói chuyện trước công chúng, tham dự một buổi trình diễn nhạc rock ngày cuối tuần, thăm một nhà trẻ.
Trong hai sự kiện này, bên cạnh ông là một phụ nữ trẻ đẹp ăn mặc kiểu phương Tây. Đài truyền hình và truyền thanh nhà nước không nói tới lý lịch người phụ nữ này, nhưng sự xuất hiện với người đẹp trước công chúng cho thấy một sự thay đổi đáng kể của “thời đại” Kim Jong-Un so với thời đại của người cha trước đó.
Dư luận đồn đãi về một đám cưới vĩ đại sắp tới của nhà lãnh đạo trẻ tuổi với người đẹp váy ngắn này, như một dấu hiệu của một người trưởng thành chín chắn với một mái gia đình ổn định
Giáo sự chuyên gia Kok Yu-Han của viện nghiên cứu về hệ tư tưởng của chế độ cầm quyền ở Bắc Hàn, thuộc đại học Dongguk ở Seoul, cho rằng Kim Jong-Un đang xếp đặt lại trật tự cho một hệ thống cai trị và một xã hội Bắc Hàn mới, thích hợp hơn với thời đại ngày nay, hoàn tất tiến trình chuyển biến còn dở dang do cha ông để lại.