Báo Tuổi Trẻ Online số ra sáng nay đưa tin là chiều thứ Hai vừa qua phó chủ tịch ủy ban nhân dân xã Phổ Thạnh huyện Đức Phổ , ông Nguyễn Duy Trinh, đã gởi công văn khẩn lên lên ủy ban nhân dân huyện để báo cáo việc các tàu cá của xã bị phía Trung Quốc bắt giữ trái phép khi đang đánh bắt cá trên vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam.
TQ kiểm soát ngư trường ngày càng chặt chẽ?
Ba tàu cá mới bị bắt khi đang bỏ lưới ngoài khơi Hoàng Sa là tàu QNg 94411TS của thuyền trưởng Nguyễn Duy Nam, đi cùng với tàu QNg44867TS của thuyền trưởng Nguyễn Duy Việt . Trên cả hai tàu đều có mười một ngư dân đang làm việc.
Tin cho biết là vào ngày 2 tháng Bảy, tàu QNg 44867TS của thuyền trưởng Nguyễn Duy Việt bị đứt giây cáp khiến một lao động trên tàu bị thương tích nặng. Sau đó cả hai tàu buộc phải tấp vào đảo Hải Nam để tìm cách cấp cứu cho thuyền viên bị thương đó.
Ba ngày sau, tức ngày 5 tháng Bảy, Trung Quốc bắt giữ tàu cá của thuyền trưởng Nguyễn Duy Nam và cho tàu của thuyền trưởng Nguyễn Duy Việt cùng mười một ngư dân trên đó trở về nước.
Ngày 6 tháng Bảy, chiếc thứ hai bị Trung Quốc bắt giữ là tàu QNg 94484TS của thuyền trưởng Trần Minh Khiêm . Cùng đi với tàu thứ hai này là chiếc QNg 96845TS của thuyền trưởng Võ Quốc Việt cũng bị phía Trung Quốc bắt.
Đến ngày 8 tháng Bảy thì phía Trung Quốc thả cho tàu của thuyền trưởng Võ Quốc Việt và mười một ngư dân về, giữ lại chiếc tàu của thuyền trưởng Trần Minh Khiêm.
Cũng trong ngày 6 tháng Bảy, các tàu Trung Quốc vây bắt hai tàu cá của ông Lục Nghĩa Minh là chiếc QNg 94779TS và QNg94096TS cùng tám lao động đang hành nghề kéo lưới đôi trên vùng biển Hoàng Sa . Hai ngày sau gia đình trên đất liền nhận được điện thoại từ phia Trung Quốc báo là chỉ thả chiếc QNg94096TS cùng tám lao động về nước mà thôi.
Như vậy trong sáu chiếc bị Trung Quốc bắt giữ trái phép trên vùng biển Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam thì ba chiếc được thả cho về nhưng tất cả ngư cụ và lưới đều bị tịch thu. Ba chiếc tàu còn bị giữ lại đều có công suất lớn và giá trị cao.
Như vậy trong sáu chiếc bị Trung Quốc bắt giữ trái phép trên vùng biển Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam thì ba chiếc được thả cho về nhưng tất cả ngư cụ và lưới đều bị tịch thu. Ba chiếc tàu còn bị giữ lại đều có công suất lớn và giá trị cao
Ngay khi được tin này đài Á Châu Tự Do tìm cách liên lạc về huyện Đức Phổ, được ông Lê Văn Mùi, chủ tịch ủy ban nhân dân huyện Đức Phổ trả lời là có công văn khẩn đấy nhưng đang điều tra nên không thể trả lời báo chí trong lúc này.
Một viên chức khác của Đức Phổ, ông Em, cho biết:
Tôi phụ trách mảng Nông Lâm Thủy Sản nhưng đang đi công tác xa, cái này mới nghe thôi chứ thông tin chính thống thì chưa nhận được nên chưa có điều kiện để kiểm tra lại, có gì tôi sẽ thông tin sau. Nếu cái đó thực tế mà đúng thì về mặt chính quyền địa phương chúng tôi phải có trách nhiệm báo cáo cho cấp trên của mình để có sự chỉ đạo rồi báo cáo cho cấp cao hơn nữa biết để có hướng xử lý thôi.
Một cư dân địa phương ở Quảng Ngãi, nhà báo Thanh Thảo, xác nhận về thông tin này:
Sáng nay trên các báo đều đưa tin là Trung Quốc bắt giữ sáu tàu của Quảng Ngãi, tập trung ở Sa Huỳnh Đức Phổ. Những tàu này đều đánh cá trên vùng Hoàng Sa. Bắt giữ sáu tàu còn thả về ba tàu. Giữ lại thì chưa biết họ tính như thế nào, chỉ mới biết thông tin đến thế.
Nói chung trước này Trung Quốc bắt tàu của Quảng Ngãi thì khi thả về thì nó tịch thu hết cả ngư cụ cá mú, nó chỉ thả người không về nhưng cũng để đủ đầu cho tàu đi, tức là nó không tịch thu dầu.
Với câu hỏi vì sao báo chí đã đăng tin mà chính quyền địa phương chừng như không muốn bình luận về chuyện tàu cá của huyện xã mình bị Trung Quốc bắt giữa ngoài Hoàng Sa, nhà báo Thanh Thảo giải thích:
Chuyện đó là thật, báo chí đã đăng là chắc chắn bởi vì gia đình ngư dân họ thông báo ngay cho báo chí biết mà. Thường ngư dân người ta biết địa chỉ của báo chẳng hạn báo Thanh Niên báo Tuổi Trẻ thường trú tại Quảng Ngãi này, họ gọi trực tiếp và họ thông báo ngay.
Đương nhiên là họ cũng thông báo cho chính quyền biết bởi vì gia đình ngư dân, khi tàu như thế và tình trạng như thế, là họ báo ngay cho chính quyền. Cái này báo chí đưa lại đều từ kênh thông tin của gia đình các ngư dân thôi chứ không phải từ kênh thông tin chính thống của chính quyền đâu. Thành ra có khi cũng có thể là chính quyền chưa biết. Cũng có thể chính quyền biết rồi mà không chịu nói, có hai trường hợp như thế. Báo chí thì thường người ta lấy thông tin từ nhân dân là trước hết chứ đâu phải phía chính quyền đâu.
Từ mấy năm nay rất nhiều tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi, khi đi đánh bắt cá trong vùng biển Hoàng sa thuộc hải phận Việt Nam, đã bị tàu Trung Quốc ở đó trấn áp và bắt giữ trái phép cả người lẫn tàu. Lời nhà báo Thanh Thảo:
Con số chính xác thì phải tổng kết lại chứ nói ngay thì không ai nói được, nhưng mà có thể nói là đã lên tới hàng trăm chiếc chứ không ít. Có những lần bắt đến bốn năm chiếc, có lần bắt là ba chiếc và như lần này là sáu chiếc. Trong mấy năm liền và liên tục thì tổng cộng là cả hàng trăm vụ như thế. Có những chiếc thuyền như của ông Mai Phụng Lưu là bị bắt đến bốn lần, hay của ông Tiêu Viết Là cũng bị bắt đến bốn lần.
Hầu hết tàu đánh cá Việt Nam một khi bị Trung Quốc bắt thì coi như tài sản trên tàu mất trắng, ngư dân Việt có khi còn bị hành hung và gia đình bị buộc phải nộp tiền chuộc, mà Trung Quốc gọi là nộp phạt, cho người thân được trả về.
Thanh Trúc tường trình từ Thái Lan.
Theo dòng thời sự:
- Ngư dân Việt Nam không chùn bước
- Bảo vệ ngư dân là bảo vệ chủ quyền
- Lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc có thực sự hiệu quả?
- 21 ngư dân bị Trung Quốc bắt đã về nhà
- Trung Quốc trả tự do cho ngư dân Việt Nam
- Trung Quốc không cho ngư dân bị bắt gặp gia đình
- Trung Quốc đòi tiền chuộc ngư dân
- Việt Nam lên án Trung Quốc bắt giữ, đánh đập ngư dân
- Ngư dân Việt ngày càng gặp khó khăn khi ra khơi!
- Ngư dân bất chấp Trung Quốc cấm biển
- Việt Nam không đủ sức bảo vệ ngư dân trên vùng biển chủ quyền
- Tàu đánh cá Việt Nam tiếp tục bị tàu lạ đâm chìm
- Giải pháp nào cho ngư dân Việt Nam?