Tàu sân bay của Trung Quốc liệu có đắc dụng?

Chuyên gia You Ji của Đại học Quốc gia Singapore nói chiếc HKMH Liêu Ninh này mà bị SU-30 của Việt Nam dập cho hư hại thì thật là cả một sự mất mặt vô cùng to lớn, không đáng đem khối quân dụng khổng lồ này ra để phải chịu hổ thẹn như vậy.

Hô to khẩu hiệu “Đoàn kết bảo vệ chủ quyền”

Trung Quốc làm lễ đánh dấu ngày hoạt động chính thức cho chiếc tàu sân bay đầu tiên hôm thứ ba, để khoe với quốc tế về sức mạnh quân sự gia tăng, giữa lúc mối căng thẳng cũng gia tăng với các nước láng giềng vì vấn đề hải đảo và duyên hải.

Chiếc tàu của Ukraine đã bị bỏ đi để bán sắt vụn được Trung Quốc mua lại năm 1988, cạo sạch rỉ sét, sửa chữa trong ngoài, tái trang bị vũ khí, quân dụng, nay được tuyên bố sẽ được sử dụng để bảo vệ chủ quyền quốc gia. Vấn đề chủ quyền đã trở thành một tiêu chuẩn đánh giá chính phủ Bắc Kinh trong cuộc tranh chấp với chính phủ Tokyo về chủ quyền của quần đảo Điếu Ngư hay Senkaku trên biển Hoa Đông.

Chủ tịch Hồ Cẩm Đào trao cờ hiệu cho thuyền trưởng HKMH Liêu Ninh- military.com photo
Chủ tịch Hồ Cẩm Đào trao cờ hiệu cho thuyền trưởng HKMH Liêu Ninh- military.com photo (military.com photo)

Nhưng dù được phô diễn với giọng điệu chiến thắng cùng sự chứng kiến của chủ tịch Hồ Cẩm Đào, Thủ tướng Ôn Gia-Bảo, và sự đánh giá đầy phấn chấn của các chuyên gia quân sự Trung Quốc về tầm quan trọng của nó, chiếc hàng không mẫu hạm này sẽ chỉ được sử dụng để huấn luyện và trắc nghiệm trong một tương lai gần.

Số hiệu 16 ở lườn tàu nói lên điều đó, theo lời nhiều chuyên gia quân sự Trung Quốc và các nước khác. Lý do là Trung Quốc không có phi cơ nào đủ tính năng để đáp trên sân bay của tàu này, và đến nay công tác huấn luyện đáp tàu sân bay còn đang được tiến hành trên mặt đất.

Dù vậy, sự xuất hiện trước công chúng của hàng không mẫu hạm Liêu Ninh ở cảng Đại Liên cũng được dùng cho một cơ hội khuấy động lòng yêu nước, đã dâng thành cơn sốt trong 10 ngày qua vì cuộc tranh chấp Hoa-Nhật về quần đảo Điếu Ngư hay Senkaku ở biển Hoa Đông.

Bộ quốc phòng Trung Quốc tuyên bố chiếc hàng không mẫu hạm sẽ tăng cao sức hoạt động của hải quân Trung Quốc và giúp Trung Quốc bảo vệ hữu hiệu chủ quyền và nền an ninh quốc gia, cùng những quyền lợi phát triển.

Đại hội Đảng Cộng Sản thực hiện sự chuyển giao quyền lực 10 năm một lần sẽ được tổ chức vào tháng tới. Sự ra mắt của chiếc Thi Lang có vẻ như nằm trong nỗ lực tạo đoàn kết quốc gia trước đại hội.

Mục đích quốc tế của cuộc ra mắt này tuồng như để nhắc nhở với những nước nhỏ hơn quanh biển Đông, trong đó có đồng minh Philippines của Hoa Kỳ, là Trung Quốc có thêm nhiều tài nguyên vũ khí đáng giá để dàn trận.

Muốn xúi dại?

Các nhà kế hoạch quân sự Hoa Kỳ đánh giá thấp khả năng hoạt động của hàng không mẫu hạm Liêu Ninh. Nhiều sĩ quan hải quân Hoa Kỳ còn nói họ muốn khuyến khích Trung Quốc hãy mạnh dạn tự chế tạo lấy hàng không mẫu hạm của mình cùng với những chiến hạm tháp tùng, để Bắc Kinh phung phí bớt tiền bạc.

Nhiều chuyên viên quân sự bên ngoài Hoa lục cũng đồng ý với quan điểm ấy.

"Thực tế là chiếc hàng không mẫu hạm hoàn toàn vô dụng cho hải quân Trung Quốc" Nhà nghiên cứu hợp tác với Đại học quốc gia Singapore You Ji trả lời như vậy trong một cuộc phỏng vấn.

Vị giáo sư nói tiếp: "Chiếc tàu nếu dùng để chống hải quân Hoa Kỳ thì không có cơ may nào sống sót, còn dùng để chống các nước láng giềng thì lại là một hành vi hiếp đáp"

Giáo sư You Ji nói: xứ láng giềng Việt Nam, từng có chiến tranh với Trung Quốc, sử dụng chiến đấu cơ SU-30 xuất phát từ các căn cứ mặt đất cũng là mối đe doạ cho chiếc hàng không mẫu hạm Liêu Ninh. Ông nói tiếp rằng chiếc tàu sân bay này mà bị Việt Nam dập cho hư hại thì thật là cả một sự mất mặt vô cùng to lớn, và không đáng đem khối quân dụng khổng lồ này ra để phải chịu hổ thẹn như vậy.

Chiến đấu cơ SU-30 MK3- airforcetechnology.com photo
Chiến đấu cơ SU-30 MK3- airforcetechnology.com photo (airforcetechnology.com photo)

Tàu sân bay không có máy bay

Giáo sư You cho biết tới nay các phi công Trung Quốc chỉ được thực tập đáp giả định xuống hàng không mẫu hạm trên những đường bay bê tông trên mặt đất, với những chiến đấu cơ J-8 chế tao theo kiểu MIG-23 của Liên Xô được sản xuất cách nay đã 25 năm.

Ông You cho rằng phi công Trung Quốc không được dịp tập luyện công tác khó khăn khi đáp xuống một sân bay di động của hàng không mẫu hạm, đơn giản chỉ vì Trung Quốc không có tàu thích hợp với những chiến đấu oanh tạc cơ phản lực.

Ngược lại, vẫn theo nhà nghiên cứu của đại học quốc gia Singapore, việc chế tạo những máy bay phản lực chiến đấu để trang bị cho hàng không mẫu hạm không phải dễ dàng, và là cả một tiến trình lâu dài. Liệu Trung Quốc có nên tự chế tạo hàng không mẫu hạm của mình với những sân bay trống trơn vì chưa làm ra được máy bay chiến đấu để lên xuống nơi đó?

Nhưng giữa những sự hoài nghi của các chuyên gia quân sự nước ngoài, nhà nghiên cứu Li Jie của Viện nghiên cứu hải quân Trung Quốc trả lời cuộc phỏng vấn của Nhân dân nhật báo rằng chiếc hàng không mẫu hạm sẽ làm đổi thay nếp suy nghĩ cố hữu của hải quân Trung Quốc và đem lại những thay đổi về phẩm chất cho phương cách và cấu trúc hoạt động của lực lượng hải quân này.

Mặc dù Trung Quốc không công bố chi tiết chi phí quốc phòng, giới chuyên gia ngoại quốc vẫn cho rằng hải quân Trung Quốc không được hưởng ngân sách dồi dào bằng lục quân và không quân.