Vào thời điểm tưởng niệm trận hải chiến đẫm máu ở đảo Gạc Ma, Trường Sa với Trung Quốc năm 1988, Bộ Giáo & Dục Đào Tạo công bố xin ý kiến rộng rãi dự thảo đưa vào giảng dạy chương trình tiếng Hoa cấp tiểu học và trung học cơ sở. Dư luận quan tâm đặc biệt đến công bố này và phần đông ý kiến là phản đối lại dự thảo được đưa ra. Sau hai ngày ra công bố, Bộ Giáo Dục & Đào Tạo đã phải “nói lại cho rõ” rằng môn học tiếng Hoa là môn học tự chọn dành cho học sinh dân tộc Hoa. Dư luận lắng dịu trước tin tức gây hiểu lầm, nhưng những người quan tâm đến dự thảo này nghĩ gì? Hòa Ái tìm hiểu và trình bày trong phần sau.
Cần biết nhiều ngoại ngữ?
Không phải dạy cho tất cả các trường. Đây chỉ dạy cho cộng đồng người Việt gốc Hoa thôi với tư cách là ngôn ngữ của dân tộc thiểu số mà.
Trần Hồng Quân
Ngày 12/3, trên trang mạng của Bộ Giáo Dục & Đào Tạo công bố xin ý kiến rộng rãi dự thảo chương trình tiếng Hoa cấp tiểu học và trung học cơ sở. Theo dự thảo này, tiếng Hoa sẽ được đưa vào giảng dạy ở hai cấp học với số lượng 4 tiết/tuần. Vì chủ trương của công bố này là xin ý kiến rộng rãi và thực sự đã nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi từ dư luận. Với tiêu đề và nội dung công bố đã chuyển tải một thông tin cho công chúng hiểu rằng học sinh cấp tiểu học và trung học cơ sở sẽ phải học môn tiếng Hoa 4 tiết/tuần. Có thể nói có nhiều yếu tố khiến dư luận rất quan tâm về đề tài “sẽ đưa tiếng Hoa vào dạy tiểu học, trung học cơ sở”. Trước hết, dự thảo này được công bố trong bối cảnh tình hình tranh chấp ở biển Đông đang căng thẳng và trong thời điểm nhạy cảm dễ gây ra chiều hướng phản đối vì lòng tự tôn dân tộc. Yếu tố quan trọng nữa là việc soạn văn bản để công bố xin ý kiến mà không đầy đủ và gây hiểu lầm cũng là nguyên nhân dẫn đến sự phản đối. Phản đối vì chương trình học của học sinh đã quá tải, đã học quá nhiều môn học, tại sao còn phải học thêm tiếng Hoa 4 tiết/tuần. Phản đối vì môn học Anh Ngữ bắt buộc là cần thiết, còn những ngoại ngữ khác thì phải là môn học tự chọn.
Ngay sau khi dự thảo được công bố, trước những phản ứng của dư luận, đài RFA có trao đổi với cựu Bộ Trưởng Bộ Giáo Dục, Trần Hồng Quân. Ông Quân cho biết do đăng không rõ ràng nên khiến cho dư luận hiểu lầm là điều không thể tránh khõi. Chính bản thân ông ngay khi đọc những dòng đầu cũng hiểu lầm nội dung dù ông biết đích xác chủ trương của việc dạy tiếng Hoa do Bộ Giáo Dục đề ra. Ông Quân cho biết như sau:
“Báo đăng không rõ ràng vậy thôi. Khi tôi đọc, tôi cũng có cảm giác đó. Thực ra mà nói, ở đây chắc cũng không phải là bắt buộc đâu. Nhưng mà, thế này, đây là từng bước dạy tiếng của các dân tộc thiểu số. Ở đây để dạy cho các em trong cộng đồng người Hoa, gọi là người Việt gốc Hoa ở đây thôi. Chứ đây không phải dạy cho tất cả các trường. Đây chỉ dạy cho cộng đồng người Việt gốc Hoa thôi với tư cách là ngôn ngữ của dân tộc thiểu số mà.”
Báo chí trong nước đưa tin khi đăng như vậy là Bộ Giáo Dục & Đào Tạo đã không nêu rõ chương trình tiếng Hoa áp dụng cho đối tượng học sinh nào. Sau hai ngày đăng công bố, vào ngày 14/3, Bộ Giáo Dục & Đào Tạo đính chính lại thông tin đã gây ra hiểu lầm, hoang mang trong dư luận. Thông tư công bố lần này ghi rõ là chương trình tiếng Hoa chỉ áp dụng cho học sinh dân tộc Hoa theo như nghị định số 82/ND-CP ban hành ngày 15/7/2010 . Trong chương I, điều 2 của nghị định có ghi rõ là Nhà Nước tập trung đầu tư ưu tiên việc dạy và học tiếng dân tộc đối với các dân tộc thiểu số ít người. Và lần công bố thứ nhì, Bộ Giáo Dục ghi thêm: “Môn tiếng Hoa là môn học tự chọn dành cho học sinh dân tộc Hoa”. Trong cuộc trao đổi với đài RFA, Giáo Sư, Tiến Sỹ Trần Ngọc Thêm, chuyên gia nghiên cứu ngôn ngữ và văn hóa nêu lên nhận định của mình:
Tôi cho rằng chương trình tiếng Hoa làm chương trình tự chọn cho toàn bộ học sinh, tôi nghĩ là chuyện bình thường. Và đối với một đất nước cần biết nhiều ngoại ngữ.
GS Trần Ngọc Thêm
“Tôi cho rằng những sự kiện xảy ra ở biển Đông gây nên bức xúc của người Việt Nam thì hoàn toàn đúng. Nhưng mà chúng ta cũng cần phải trưởng thành hơn ở chổ chúng ta cần phân biệt giữa việc này với việc khác. Việc chúng ta bức xúc về mặt chủ quyền đất nước không liên quan gì đến ngôn ngữ cả. Ngôn ngữ là một tài sản quý của các dân tộc. Và chúng ta không thể vì bực mình chuyện biển Đông mà lại phản đối chuyện học tiếng Hoa. Ngay cả khi tôi cho rằng chương trình tiếng Hoa làm chương trình tự chọn cho toàn bộ học sinh, tôi nghĩ là chuyện bình thường. Và đối với một đất nước cần biết nhiều ngoại ngữ chứ không phải chỉ một, hai ngoại ngoại ngữ nào.”
Cần thay đổi quan điểm
Theo nhận định của Giáo Sư Trần Ngọc Thêm với chủ trương của nghị định 82 của chính phủ thì Bộ Giáo Dục chỉ cần thông báo trong ngành là đủ. Và theo quan điểm của một nhà chuyên môn về ngôn ngữ và văn hóa, Giáo Sư Thêm cho rằng người Việt cần phải thay đổi quan điểm thiển cận về học ngoại ngữ. Trong thời kỳ Pháp thuộc, những người nói tiếng Pháp bị qui chụp là tay sai. Trong giai đoạn chiến tranh Việt Nam, tiếng Anh hầu như bị loại bỏ vì đó là ngôn ngữ của đế quốc Mỹ. Giáo Sư Trần Ngọc Thêm nói:
“Và hơn nữa, nếu như chẳng hạn giữa chúng ta và Trung Quốc có những vấn đề, thì càng cần phải biết tiếng của người ta hơn. Không biết tiếng người ta thì làm sao hiểu được tâm lý người ta, làm sao hiểu được những chuyện người ta nói. Lịch sử của chúng ta từng có những sai lầm rất lớn. Khi mà chúng ta đánh Mỹ thì chúng ta bỏ tiếng Anh. Đến khi chúng ta có chiến tranh biên giới với Trung Quốc vào năm 1979 thì hàng loạt trường bỏ tiếng Trung Quốc và sau đó thì khôi phục lại. Đó là những sai lầm, tôi nghĩ là không nên mắc phải nữa.”
Việc học để biết thêm một ngôn ngữ khác là điều tốt. Biết thêm một ngôn ngữ là mở ra một cánh cửa nhìn ra thế giới. Với xu hướng toàn cầu hóa thì tiếng Hoa hiện nay được xem là một trong ba ngôn ngữ phổ biến nhất trên thế giới, bên cạnh tiếng Anh và Tiếng Tây Ban Nha. Trung Quốc bắt đầu nổi lên như một cường quốc có nền kinh tế phát triển mạnh. Tiếng Hoa hiện nay cũng được nhiều học sinh ở các quốc gia trên thế giới chọn học. Khi hỏi ý kiến có ủng hộ chương trình tự chọn học môn tiếng Hoa ở trường cho con hay không, một phụ huynh người Việt gốc Hoa cho biết:
“Ủng hộ vì tiện cho người ta nhiều thứ lắm. Bởi vì chị muốn giữ gốc lại. Thứ hai nữa là chị thấy tiếng Hoa cũng hiếm lắm. Bây giờ một ngàn người là hết một ngàn người học tiếng Anh rồi. Nên chị nghĩ mười năm sau, tiếng Hoa đếm trên đầu ngón tay có người biết, mà trong khi nền kinh tế Trung Quốc ngày một mạnh lên.”
Với tinh thần của nghị định 82 của chính phủ là chủ trương tập trung đầu tư, ưu tiên việc dạy và học tiếng dân tộc đối với các dân tộc thiểu số ít người thì dư luận ít nhiều còn thắc mắc vì sao những ngôn ngữ của các cộng đồng dân tộc thiểu số khác có dân số đông như dân tộc Tày, dân tộc Thái, dân tộc Khmer…lại không được đề cập đến. Và Bộ Giáo Dục có cần phải cân nhắc kỹ lưỡng khi các chuyên gia giáo dục cho rằng không nên dạy hai ngoại ngữ song hành dành cho học sinh cấp tiểu học.
Video: Dữ liệu kinh tế, xã hội VN
Theo dòng thời sự:
- Giáo dục Đại học Việt Nam cần thay đổi hơn nữa từ nhận thức
- Chương trình giáo dục đại học Việt Nam còn nhiều hạn chế
- Những khó khăn của Đại học ngoài công lập
- Sinh viên với việc làm thời vụ
- Nỗi lo chất lượng giáo dục Đại học
- Việt Nam chấn chỉnh giáo dục đại học
- Những điểm sáng và tối của Giáo dục Việt Nam năm 2011
- Giáo viên Anh ngữ cấp tiểu học, yếu và thiếu
- Hai cử nhân khuyết tật tham gia chương trình cao học trên mạng
- Giáo Dục Mầm Non
- Sách thiếu nhi dạy trẻ em cách gian lận