Lao động Trung Quốc ở Formosa - Vũng Áng hiện nay

0:00 / 0:00

Hiện đang có rất nhiều lao động Trung Quốc đang làm việc tại Vũng Áng, trong đó có tới 3.000 lao động không có giấy phép làm việc. Họ là ai và đang sinh sống và làm việc ra sao?

Người lao động Việt Nam trong khu công nghiệp Formosa và người dân Vũng Áng nói gì nói gì về họ?

Cục cằn và keo kiệt

Theo báo cáo của Ban quản lý khu kinh tế Hà Tĩnh, tổng số lao động nước ngoài tại Khu kinh tế Vũng Áng (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) là 5.321 người trong đó lao động Trung Quốc là 3.680 người. Theo thông tin của VNN online cho biết, hiện có trên 3.000 lao động Trung Quốc chưa có giấy phép.

Công nhân Trung Quốc phần lớn là đàn ông, phụ nữ ít, họ là những thanh niên, trung niên tuổi từ 25 đến 50. Phía Trung Quốc mua đất ở bên ngoài ở gần đó để làm nhà cho công nhân ở chứ họ không ở bên trong (Formosa). <br/> -Chị Ngoan

Nói về số lượng công nhân người Trung Quốc hiện làm việc tại Formosa Vũng Áng, anh Bằng, một người dân ở thị xã Kỳ Anh đã từng làm công nhân tại khu công nghiệp Formosa nói với chúng tôi:

“Tôi từng làm công nhân của Formosa từ năm 2013, lúc đó số lượng công nhân Trung Quốc có khoảng 10.000 người.”

Chị Ngoan, một công nhân hiện làm việc trong khu vực Formosa cho biết, lao động Trung Quốc làm việc trong Formasa rất đông, họ được bố trí ở tại các ký túc xá xây dựng bên ngoài khu công nghiệp Formosa trên một vùng rất rộng. Chị khẳng định:

“Tôi là công nhân thuộc C19 trong khu công nghiệp Formosa. Công nhân Trung Quốc phần lớn là đàn ông, phụ nữ ít, họ là những thanh niên, trung niên tuổi từ 25 đến 50. Phía Trung Quốc mua đất ở bên ngoài ở gần đó để làm nhà cho công nhân ở chứ họ không ở bên trong (Formosa). Nghĩa là cả ngày họ làm việc ở trong đó và sáng đi, chiều về. Họ mua nguyên cả một vùng đất để làm nhà ở ở đó.”

Trả lời câu hỏi về tính cách và thái độ của các công nhân Trung Quốc đang làm việc tại Formosa?

Theo chị Ngoan họ là những người cục cằn và keo kiệt, họ không biết nói tiếng Việt. Tuy nhiên hiện tượng công nhân Trung Quốc ăn nhậu say xỉn hay đánh lộn là rất ít. Chị bày tỏ:

“Họ đưa công nhân của họ sang đa phần là không có giấy phép, 1 phần 3 là những người tù tội, bụi đời. Vì thế hồi có bạo loạn, em làm ở C19 có 2 người Trung Quốc chết mà không ai nhận xác vì họ không có giấy tờ tùy thân. Để đó 4-5 ngày thì xác trương sình lên. Vậy không biết họ làm thế nào để đưa xác chết về nước.”

Anh Bằng cho rằng, vào năm 2013 lúc mới sang Việt Nam các lao động Trung Quốc tỏ ra coi khinh người Việt Nam ra mặt, điều đó có thể dẫn đến các hiểu lầm của mọi người. Tuy vậy sau vụ bạo loạn tháng 5/2014 tại Vũng Áng những lao động Trung Quốc này đã biết và thay đổi thái độ. Anh giải thích:

“Nhìn chung họ cũng vẫn quan hệ bình thường với người Việt mình và chẳng có sự phân biệt gì cả. Đấy là nói rất thật mà chẳng thiên gì về Việt Nam hay Trung Quốc. Phải thừa nhận hồi trước khi có bạo loạn (5/2014) thì họ cũng có coi thường người Việt mình, nhưng sau đó đến bây giờ thì họ rất tôn trọng.”

Người Trung Quốc trong một nhà hàng ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh hôm 03/12/2015. AFP PHOTO.
Người Trung Quốc trong một nhà hàng ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh hôm 03/12/2015. AFP PHOTO.

Chị Ngoan cho biết, có một số lao động Trung Quốc lấy vợ người Việt Nam, song đó chỉ là việc tạm thời mang tính mua vui. Theo chị các phụ nữ Việt Nam cũng xác định trước như vậy, vì thế đó không phải là chuyện bất thường. Chị tiếp lời:

“Ở trong đó thấy phụ nữ người Việt Nam mình cặp bồ, cặp bịch với bọn họ rất là đông. Cũng có những người lập gia đình với người Trung Quốc, song có ít người đưa nhau về ở bên Trung Quốc lắm, chứ không phải anh nào lấy vợ rồi cũng đưa họ về bên kia đâu, ít lắm.”

Nói về sinh hoạt của các lao động Trung Quốc trong khu vực Vũng Áng. Theo anh Bằng ngoài phố cũng có nhiều người Trung Quốc và Đài loan mở cửa hàng kinh doanh bên cạnh các cửa hàng của người địa phương. Anh cho biết quan hệ giữa người Việt ở Vũng Áng và các lao động Trung Quốc bình thường và thân thiện. Anh cho biết:

“Thu nhập bình quân của công nhân Trung Quốc vào khoảng 30-35 triệu VNĐ/tháng, nói chung họ cực kỳ tiết kiệm. Cửa hàng của người Trung Quốc cũng có nhiều, của người Đài Loan cũng có nhiều. Đó là các quán ăn, tiệm tạp hóa hay cửa hàng bán quần áo. Công nhân Trung Quốc vẫn ra phố chơi, mua bán và tiêu dùng bình thường, theo tôi nhận định họ vẫn sống thoải mái và không có gì khác biệt cả.”

"Chỉ 36% lao động Trung Quốc ở Vũng Áng có phép"

Dưới nhan đề "Chỉ 36% lao động Trung Quốc ở Vũng Áng có phép", báo VNN cho biết, liên quan đến tình trạng lao động Trung Quốc trái phép tại Formosa Vũng Áng, báo cáo mới nhất của UBND tỉnh Hà Tĩnh cho thấy, chỉ có 1.400/4.154 lao động Trung Quốc được cấp phép, chỉ đạt 36%.

Nói về tình trạng lao động Trung Quốc làm việc trái phép trong khu công nghiệp Formosa, anh Bắc cho biết về số lượng cụ thể thì khó mà xác định được cụ thể là bao nhiêu người. Theo anh các cấp chính quyền ở Kỳ Anh – Hà tĩnh đã buông lỏng quản lý. Anh Bằng tiếp lời:

Khi tôi còn làm việc trong Formosa thì chỉ riêng trong Công ty tôi làm việc cũng đã có khoảng hơn 200 người Trung Quốc làm việc trái phép, những người này họ không ở trong ký túc xá mà ở lại ngay tại công trường. <br/> -Anh Bằng

“Khi tôi còn làm việc trong Formosa thì chỉ riêng trong Công ty tôi làm việc cũng đã có khoảng hơn 200 người Trung Quốc làm việc trái phép, những người này họ không ở trong ký túc xá mà ở lại ngay tại công trường. Rõ ràng như vậy là chứng tỏ họ làm việc bất hợp pháp, vì tại sao họ không về ở tại các ký túc xá hay khách sạn của Công ty? Và tôi xác nhận là không bao giờ thấy công an kiểm tra họ.”

Chị Ngoan cho biết rằng hết sức ngạc nhiên về việc công an ở Vũng Áng hiện nay chỉ lo bảo vệ cho lao động Trung Quốc, kể cả số lao động trái phép. Ngược lại họ lại bắt nạt lao động người Việt Nam. Chị nói:

“Không biết công an có kiểm tra giấy tờ của công nhân Trung Quốc ở trên chỗ họ ở hay không? Nhưng trong khu vực Formosa thì không thấy họ kiểm tra bao giờ, mà chỉ thấy họ kiểm tra và bắt người Việt nam mình. Công an chỉ bảo vệ cho người Trung Quốc chứ không bảo vệ cho người Việt Nam, mà hắn còn hành người Việt Nam. Em cảm thấy buồn vì bất công quá.”

Tác giả Nguyễn Hữu Qúy viết trên báo Người Việt gần đây có đánh giá rằng: "Rõ ràng, Trung Quốc đang thực hiện cuộc di dân rất âm thầm, nhưng quyết liệt và hiệu quả vào lãnh thổ Việt Nam một cách hợp pháp, có sự tiếp tay của quan chức Việt Nam ở cấp cao, thông qua chính sách đầu tư xây dựng và khai khoáng. Mà Vũng Áng quả là một vị trí lý tưởng không chỉ để khống chế Việt Nam về mặt đường bộ, mà toàn bộ đường biển đi vào Vịnh Bắc Bộ."

Liên quan đến vấn đề an ninh quốc phòng, anh Bằng cảnh báo:

“Cái tin ấy thì tôi có được nghe, nhưng theo sự nhìn nhận của tôi thì hệ thống tường rào của Formosa họ làm kiên cố như kinh thành của Vua chúa. Gỉa sử bây giờ ở bên ngoài xe tăng của mình có đâm vào, tường có sập xuống thì cũng không thể lên được. Bởi vì hệ thống tường ấy có hào sâu 8 m, rộng 8m bao xung quanh. Xe tăng đâm vào cũng không thể lên nổi.”

Đại biểu quốc hội Trần Tiến Dũng thấy rằng, việc lao động Trung Quốc không hợp pháp đang cư trú và làm việc trong dự án Formosa đã vi phạm điểm B, khoản 5, điều 17, nghị định 167/2013 về việc “Người nước ngoài nhập cảnh, hành nghề hoặc có các hoạt động khác ở Việt Nam nhưng không được cấp phép của các cơ quan có thẩm quyền ở Việt Nam” với mức xử phạt sẽ từ 15-25 triệu đồng/ngườicông. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, một sai phạm có thể sẽ phải chịu nhiều hình thức xử lý khác nhau.