Xã hội dân sự, nhìn lại năm 2013

0:00 / 0:00

Năm 2013 là năm có nhiều hoạt động chính trị xã hội với sự tham gia ngày càng tăng của người dân. Kính Hòa điểm lại sự phát triển của xã hội dân sự Việt nam trong năm qua.

Khái niệm về xã hội dân sự đã bắt đầu xuất hiện từ thế kỷ khai sáng, sau khi một phần nhân loại thoát ra khỏi sự độc đoán quyền lực của giới quý tộc. Những hoạt động dân sự đã liên tục phát triển trong hai thế kỷ qua, trở thành nơi đối trọng với quyền lực của nhà cầm quyền, song cũng là nơi chia sẻ gánh nặng xã hội với họ. Xã hội dân sự được xem như là những cộng đồng cùng mục đích và lý tưởng, giải quyết những vấn đề của chính mình và của xã hội thông qua những biện pháp hòa bình, không ép buộc, giúp những nhà hoạch định chính sách cân bằng lợi ích của các nhóm trong xã hội.

Có phép và không phép

Năm 2013 được nhiều người xem là có nhiều tiến triển về xã hội dân sự tại Việt Nam. Khởi đầu có lẽ là khởi xướng việc sửa đổi Hiến pháp 1992 bởi nhóm 72 vị nhân sĩ trí thức, trong kiến nghị này các điều qui định về sự độc tôn lãnh đạo của đảng cộng sản, cũng như sở hữu toàn dân về đất đai được công khai kêu gọi hủy bỏ. Tuyên bố này đánh dấu một sự độc lập với nhà cầm quyền của các trí thức Việt Nam.

Một đặc điểm quan trọng của các nhóm dân sự là sự độc lập của nó với các định chế nhà nước. Và đây chính là điều mà nhiều thể chế độc tài còn sót lại trên hành tinh này e ngại. Thế cho nên ở Việt nam đảng cộng sản cầm quyền cũng lập ra các định chế về hình thức cũng giống như các hội, các tổ chức dân sự. Đáng kể nhất trong số ấy là Mặt trận Tổ quốc. Nhưng các tổ chức này hoàn toàn nằm trong tay của đảng cầm quyền. Luật gia Lê Hiếu Đằng, một thành viên quan trọng của Mặt trận Tổ quốc, công khai phê bình hình thức này để cổ vũ xã hội dân sự. Ông nói,

Mặt trận Tổ quốc nằm trong hệ thống chính trị của nhà nước hiện nay, nó không phải thuộc về xã hội dân sự, không độc lập đối với đảng và nhà nước. <br/> -Luật gia Lê Hiếu Đằng

“Mặt trận Tổ quốc nằm trong hệ thống chính trị của nhà nước hiện nay, nó không phải thuộc về xã hội dân sự, không độc lập đối với đảng và nhà nước, tôi ở trong đó nhiều năm tôi biết, chỉ đặt vấn đề dè dặt mà thôi, mọi thứ đều theo quan điểm của đảng và nhà nước.”

Các nhóm dân sự Việt Nam trong năm 2013 đã liên tục cố gắng thoát ra khỏi sự kiềm tỏa của đảng cộng sản Việt Nam. Có thể kể đến các hoạt động loại này, nhằm vào việc điều chỉnh luật pháp tại Việt nam theo hướng dân chủ hơn, là các nhóm Công dân tự do, yêu cầu viết lại Hiến pháp, nhóm 258 yêu cầu xóa bỏ điều luật 258 trong hình luật Việt Nam được cho là tạo điều kiện cho sự lạm quyền. Còn có thể kể đến các nhóm được thành lập vào khoảng cuối năm như nhóm Phụ nữ nhân quyền, nhóm dân oan Hà Nam, Hội anh em dân chủ…

Bên cạnh đó cũng có nhiều hoạt động chia sẻ gánh nặng của cộng đồng do sáng kiến độc lập của những cá nhân mà ra. Có những hoạt động đã được sự cho phép của chính quyền Việt Nam như chương trình sách hóa nông thôn của anh Nguyễn Quang Thạch. Ông Thạch đã sử dụng các tổ chức tôn giáo có sẳn trong xã hội như nhà thờ và chùa chiền để đưa sách đến vùng nông thôn xa xôi, trong đó có sự hợp tác của luật sư Lê Quốc Quân, hiện đâng bị cầm tù vì hoạt động dân chủ, và các giáo xứ ở Nghệ An.

Nhưng cũng có những hoạt động không có giấy phép. Có một nhóm tên là NO-U được thành lập lúc ban đầu là để phản đối đường hải giới hình chữ U của Trung quốc chiếm gần trọn biển Đông, sau đó đã chuyển sang những hoạt động từ thiện dù không có giấy phép, như xây đập cho vùng núi, quyên góp cứu trợ tẻ em nghèo. Anh Lã Việt Dũng, thành viên của một nhóm NO-U nói:

Ba bạn trẻ Phạm Trần Quân, Trương Quỳnh Như và Bùi Thị Diện, chụp ảnh tại Philippines khi đang theo học về Xã hội dân sự hồi đầu tháng 10. Citizen photo.
Ba bạn trẻ Phạm Trần Quân, Trương Quỳnh Như và Bùi Thị Diện, chụp ảnh tại Philippines khi đang theo học về Xã hội dân sự hồi đầu tháng 10. Citizen photo.

“Chúng tôi bắt đầu là những người yêu chuộng tự do và dân chủ, khi chúng tôi nghĩ là chúng tôi làm đúng thì chúng tôi không xin phép. Họ chỉ đàn áp khi chúng tôi biểu tình chống Trung Quốc thôi, chứ các hoạt động khác không khiến họ lo ngại gì.”

Một hoạt động dân sự khác có tầm vóc lớn hơn là một nhóm các trí thức trẻ vận động cứu lấy rừng Nam Cát Tiên bị đe dọa bởi hai dự án thủy điện trên sông Đồng Nai. Họ thành lập nhóm Những người yêu mến Nam Cát Tiên để hoạt động. Và cho đến nay nhóm này vẫn không có giấy phép. Tuy vậy họ đã gặt hái được những thành công lớn vì cuối cùng chính phủ Việt Nam đã chính thức tuyên bố hủy bỏ dự án hai nhà máy thủy điện trên sông Đồng Nai. Kỹ sư Nguyễn Huỳnh Thuật, người sáng lập nhóm này nói với chúng tôi về xã hội dân sự:

“Các hoạt động dân sự với những người có tâm huyết có thể bù đắp được những khiếm khuyết của nhà nước, những nơi mà nhà lãnh đạo không quan tâm tới được.”

Sự quan tâm của giới trẻ và nghi ngại của chính quyền

Hoạt động dân sự cũng được các công dân trẻ ý thức một cách sâu sắc trong năm 2013. Sau khi tham gia một lớp học về xã hội dân sự tại Phillipines, một thanh niên là Bùi Tuấn Lâm đã nói với các viên chức an ninh ở sân bay tân sơn Nhất khi anh bị giữ ở đó lúc về nước:

Tôi tham gia lớp học này không phải để lật đổ chính quyền, mấy anh bên chính quyền thì mấy anh cứ lo chuyện chính quyền, tôi là người dân, tôi lo chuyện người dân, đây là xã hội dân sự mà. <br/> -Bùi Tuấn Lâm

“Tôi tham gia lớp học này không phải để lật đổ chính quyền, mấy anh bên chính quyền thì mấy anh cứ lo chuyện chính quyền, tôi là người dân, tôi lo chuyện người dân, đây là xã hội dân sự mà.”

Bên cạnh sự quan tâm của tầng lớp trẻ, cơ quan công quyền cũng quan tâm, nhưng với nhiều lo lắng.

Gần cuối năm 2013, sau khi Hiến pháp được Quốc hội thông qua mà không có sửa đổi quan trọng nào, một diễn đàn lại được công khai thành lập mang tên Diễn đàn xã hội dân sự do một số nhân sĩ trí thức thành lập. Ngay sau đó đã có nhiều bài trên báo chí chính thống chỉ trích hoạt động này.

Ông Nguyễn Quang Thạch, người thực hiện thành công dự án sách hóa nông thôn nói với chúng tôi rằng các hoạt động dân sự là mô hình duy nhất cho sự phát triển của quốc gia. Tuy thế có vẻ như từ phía nhà cầm quyền vẫn còn rất nhiều nghi ngại, như lời Giáo sư Nguyễn Thế Hùng, một trong những người khởi xướng trang mạng Bauxite Vietnam, rằng cơ quan công quyền nghi ngại vì những hoạt động dân sự không nằm trong sự kiểm soát của họ dù các hoạt động ấy là có lợi cho quốc gia.

Dù có sự lo lắng và cản trở của nhà cầm quyền, sự hình thành các nhóm dân sự trong năm 2013 thực sự tăng lên rất nhiều. Trong tất cả các nhóm được nêu trong bài này có Tủ sách nông thôn của ông Thạch và trang Bauxite Việt Nam là hình thành từ trước, nhiều nhóm chỉ mới được thành lập trong năm 2013 này. Nếu trước đây chi là những hoạt động mang tính chất từ thiện. thì nay các nhóm dân sự đã dấn thân nhiều hơn trong các hoạt động dân quyền, tranh đấu đòi quyền lợi cho nông dân, bảo vệ môi trường…

Trong bài tiếp theo chúng tôi sẽ trình bày một ý kiến cá nhân về việc thực thi các hoạt động dân sự trong tình hình hiện tại ở Việt Nam.