Vai trò của các hội tôn giáo chống mê tín

0:00 / 0:00

Những đàn áp tôn giáo mới đây đối với người thiểu số H’mong lại có liên quan đến những cải cách tiến bộ về nếp sống của họ. Tại sao nhà nước Việt Nam lại không hài lòng với những cải cách đó?

Những cải cách tiến bộ

Không những rất có hiệu quả trong các công tác cứu trợ thiên tai và hoạt động từ thiện với tư cách là những tổ chức dân sự, các tổ chức tôn giáo còn có một vai trò quan trọng nữa là góp phần xóa đi những niềm tin có tín chất mê tín dị đoan, nhất là nơi các cộng đồng thiểu số.

Tây nguyên là một vùng cư trú của nhiều sắc dân thiểu số với nhiều hủ tục cúng kiếng từ lâu đời. Anh Phan, một người sống rất gần gủi với các dân tộc ít người vùng Tây Nguyên nói với chúng tôi về những điều tích cực khi những người dân Tây nguyên theo các tôn giáo mới:

“Khi anh theo Tin lành là các hủ tục trong làng anh bỏ, anh không tin theo Giàng nữa, những cái luật tục không phù hợp thì bỏ đi. Các lễ nghi nhiêu khê làm cho người ta tốn về vật chất thì người ta bỏ. Có cái khía cạnh tích cực trong đó, khi mà cả làng người ta theo như vậy thì người ta không uống rượu nữa, họ không hút thuốc, không cúng thần, cúng Giàng. Cái đó nó mang lại lợi ích kinh tế cho người ta.”

Có cái khía cạnh tích cực trong đó, khi mà cả làng người ta theo như vậy thì người ta không uống rượu nữa, họ không hút thuốc, không cúng thần, cúng Giàng, cái đó nó mang lại lợi ích kinh tế. <br/> -Anh Phan

Theo anh Phan thì nhu cầu tâm linh lúc nào cũng có, và với sự nổ lực của các nhà truyền giáo, người dân tộc thiểu số nhận thấy điều tốt hơn lối sống cũ. Cũng cần nên nhắc lại rằng, những người cộng sản dù chủ trương vô thần với câu nói tâm niệm từ người thành lập chủ nghĩa này là Karl Marx rằng, Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân, nhưng họ vẫn hô hào tự do tôn giáo trong tất cả các tuyên bố của họ. Tuy nhiên, dường như tự do tôn giáo ấy phải nằm trong sự kiểm soát của đảng cộng sản. Các tôn giáo mới tại Tây Nguyên không được công nhận dù đã tạo ra được sự thay đổi nếp sống nơi người thiểu số bằng những hoạt động dân sự của các giáo hội. Điều này bộ máy nhà nước không làm được. Anh Phan nói tiếp:

“Nhà nước đưa ra các chính sách này nọ nhưng họ không làm tới nơi. Anh nhà nước ảnh chỉ nói cái miệng mà không làm, hoặc là làm tầm bậy, trục lợi cho cán bộ. Trong khi các nhà truyền giáo không nói gì cả mà họ dạy dân những điều tốt, có lợi về tinh thần và vật chất.”

Cấm cản và nghi ngại

Ở vùng núi phía Bắc hiện tượng tương tự cũng xảy ra. Theo trang mạng của Ban thanh tra chính phủ, ngày 15/10 có đưa tin về việc hai người bị bắt do có liên quan đến điều mà trang mạng này gọi là Đạo Dương Văn Mình ở vùng địa bàn cư trú của người H’mong. Nội dung bản tin này khá khó hiểu, có nói về một “nhà đòn” bị phá hủy và người dân đi khiếu kiện, và sau khi được giải thích đã quay về. Biên tập viên Gia Minh của chúng tôi được những người H’mong đi Hà nội khiếu kiện về việc họ bị đàn áp trả lời như sau:

Đoàn người H'mong về Hà Nội khiếu kiện bị trấn áp buộc phải rời nhà thờ tối 23/10/2013. Courtesy Blog NTT.
Đoàn người H’mong về Hà Nội khiếu kiện bị trấn áp buộc phải rời nhà thờ tối 23/10/2013. Courtesy Blog NTT.

“Chính quyền và an ninh qui cho ông Dương Văn Mình là tà đạo, nhưng trong thực tế ông Dương Văn Mình không phải tà đạo, nghịch đạo. Tôi nói cho anh biết ông Dương Văn Mình chỉ là người phổ biến cho bà con cải cách, đổi mới những cái lạc hậu đi. Bà con nhìn thấy đó là con đường đi rất phù hợp cho bà con. Bà con không bỏ.

Thứ nhất ông phổ biến, bảo cho bà con bỏ ma chay đi, không làm ma nữa, bây giờ hết thế kỷ rồi. Theo yều cầu của bà con phải có cái thay thế, anh Dương Văn Mình phổ biến là có một con ‘cóc, con ve’ thay cho kèn trống và một cây Thánh Giá để tiễn đưa linh hồn. Thứ hai về đám cưới, chú rể cài một bông hoa bốn lá, cô dâu cài bông hoa chín lá. Có ba bàn và một bàn giảng đạo.”

Hóa ra cái “nhà đòn” trong bản tin của ban Thanh tra chính phủ chính là ngôi nhà tang lễ được dựng lên để thay cho các hủ tục ma chay rườm rà trước kia, và thay cho sự mất vệ sinh nữa, vì trước kia người H’mong có tục giữ xác chết trong nhà.

Trong dòng văn học cách mạng của đảng cộng sản, thường xuyên có những câu chuyện rằng cán bộ cách mạng đã làm cho người dân tộc thiểu số bỏ đi những tập tục mê tín dị đoan, đi theo nếp sống mới tiến bộ. Nay những hành vi dân sự của các nhà truyền giáo và người thiểu số hoàn toàn phù hợp với điều đó, và cũng phù hợp với các tuyên bố về tự do tôn giáo của đảng cộng sản. Nhưng đã xảy ra sự cấm cản và nghi ngại. Phải chăng một lần nữa nguyên nhân, như lời giáo sư Nguyễn Thế Hùng nói với chúng tôi trong một cuộc trao đổi, nằm ở những gì có tổ chức mà đảng không nắm được trong tầm tay?

Trong khi đó, trong khoảng một tháng qua, những vụ tranh cãi về những nhà ngoại cảm lừa đảo nổi lên khắp mặt báo chí chính thống của Việt Nam. Khởi đầu của vụ này là việc truyền hình nhà nước Việt Nam dẫn lời Viện trưởng pháp y quân đội nhân dân Việt nam rằng xương cốt được cho là của nhà cách mạng tiền bối Phùng Chí Kiên được những người gọi là ngoại cảm tìm được, lại là giả mạo.

Đảng cộng sản cầm quyền có vẻ không hài lòng với những tổ chức dân sự tôn giáo chống mê tín, nhưng lại không có ý kiến gì về những câu chuyện ngoại cảm tiêu tốn nhiều tiền bạc của dân chúng và xã hội, mà lại không được chứng minh bằng tư duy biện chứng của lý tưởng cộng sản.