Tủ sách nông thôn

0:00 / 0:00

Cách đây sáu năm, ông Nguyễn Quang Thạch, hiện đang phụ trách Trung tâm hỗ trợ tri thức và phát triển cộng đồng, khai sinh ra ý tưởng thiết lập những tủ sách ở nông thôn bằng tiền góp từ cộng đồng. Đây là một hình thức phát triển của xã hội dân sự Việt Nam đang phôi thai. Kính Hòa có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quang Thạch.

Kính Hòa: Cách đây sáu năm, ông đã đưa ra ý tưởng về tủ sách dòng họ. Đến nay thì ước mơ sách của ông đã hiện thực đến đâu?

Nguyễn Quang Thạch: Sau sáu năm từ ngày mô hình tủ sách dòng họ được đưa vào chương trình sách hóa nông thôn thì các mô hình đã được đưa vào thực tế. Có năm mô hình khác nhau với gần hai ngàn tủ sách, đó là Tủ sách dòng họ, Tủ sách phụ huynh đặt trong lớp học, Tủ sách lớp em đặt trong lớp học, Tủ sách giáo xứ, Tủ sách hậu phương đã được thực hiện.

Kính Hòa: Anh nhận xét gì về thị trường sách Việt Nam hiện nay? Và loại sách gì được anh chọn để đưa về nông thôn?

Nguyễn Quang Thạch: Các nhà xuất bản đã làm nhiều sách, nhưng chủ yếu sách nằm ở thành thị, còn về nông thôn rất ít. Sách cho học sinh thì là những loại kích thích sáng tạo như là về Einstein, Edison, các sách nói về giá trị sống, kỹ năng sống, như là loại sách hạt giống tâm hồn. Nông dân hay phụ nữ nông thôn thì cần sách về khoa học thường thức, y tế, kỹ thuật trồng trọt, phun thuốc trừ sâu. Còn công chức về hưu thì các loại sách về tư tưởng như là các sách về khuyến học của Nhật Bản, họ rất thích.

Sau sáu năm từ ngày mô hình tủ sách dòng họ được đưa vào chương trình sách hóa nông thôn thì các mô hình đã được đưa vào thực tế. <br/> - Nguyễn Quang Thạch

Kính Hòa: Công việc của anh có gặp khó khăn về tài chính không?

Nguyễn Quang Thạch: Tôi kêu gọi người Việt mình chia sẻ nhau trách nhiệm xã hội, người có điều kiện kinh tế giúp người nghèo hơn. Khó khăn về tài chính là đương nhiên. Hai ngàn tủ sách ra đời chủ yếu là do góp sức của nông thôn.

Kính Hòa: Thế thì cộng đồng người Việt hải ngoại có thể giúp được gì không? Và anh có nhận được sự giúp đỡ như vậy chưa?

Nguyễn Quang Thạch: Cô Nga Thi ở Canada đi làm thêm vào ngày thứ bảy và góp về chương trình sách hóa nông thôn 40 triệu, cô Cẩm Vân ở Hà Lan là một thợ may nghỉ hưu có góp về 10 triệu, nhiều người Việt xa quê có góp về chương trình của tôi. Có những nhà sách họ giảm giá cho tôi đến 50%, chỉ cần 50 đô la là có 50 đầu sách cho bọn trẻ đọc rồi.

Bây giờ có thêm mô hình tủ sách giáo xứ, Đức Cha Nguyễn Thái Hợp có liên lạc với tôi để nhân mô hình này ra. Các giáo xứ là một cơ sở xã hội dân sự rất hoàn hảo.

Kính Hòa: Ông có nói về các cơ sở Công giáo giúp cho ông trong chương trình này, thế ông có nghĩ tới các chùa Phật giáo không?

Nguyễn Quang Thạch: Tủ sách giáo xứ do tôi và luật sư Lê Quốc Quân khởi động, sau đó tôi giao lại cho anh Quân và bên Công giáo nhân rộng ra. Còn các chùa Phật giáo thì tôi nghĩ là họ đã làm tốt chuyện này. Có những ngôi chùa có đến 2000 đầu sách, không chỉ là sách Phật giáo mà còn là sách khoa học thường thức, phục vụ cho cả vùng xung quanh. Tôi nghĩ là bên Thiên chúa giáo nên học tập chuyện này.

Kính Hòa: Khi thực hiện chương trình này là đưa sách về nông thôn, thiết lập các thư viện, ông có gặp khó khăn gì về hành chính, ví như là chính quyền người ta có đòi anh giấy tờ thủ tục gì không?

Nguyễn Quang Thạch: Chính quyền người ta ủng hộ vì đã có chính sách xã hội hóa thư viện.

Kính Hòa: Xin hỏi ông câu cuối, trước đây trong một lần trả lời phỏng vấn đài Á Châu Tự Do ông có nói là khi mô hình tủ sách nông thôn của nhà nước lan đến tất cả các làng quê thì anh hoàn tất nhiệm vụ của ông. Vậy ông nghĩ rằng chuyện này là để cho nhà nước hay các hoạt động dân sự như của anh thực hiện?

Nguyễn Quang Thạch: Tôi nghĩ là nhà nước chỉ cần có bộ khung qui định thôi, và cần có sự tương hỗ giữa chính quyền và các hoạt động dân sự.

Kính Hòa: Tôi hỏi câu đó là vì dường như là các viên chức chính quyền, quan điểm chung của chính quyền vẫn còn e ngại xã hội dân sự phải không thưa ông?

<br/>Lịch sử của mình có nhiều chuyện buồn, như gia đình tôi cũng có bị cải cách ruộng đất thế này thế khác nhưng chúng ta cần bao dung hơn với lịch sử.<br/> - Nguyễn Quang Thạch

Nguyễn Quang Thạch: Cả nước có trên 300 tổ chức phi chính phủ, nghĩa là nhà nước đã khuyến khích xã hội dân sự. Các hoạt động như là các xứ đạo, nhà chùa làm tủ sách, hay là các hoạt động phòng chống bệnh Sida, tôi cho là những chỉ báo về một xã hội dân sự Việt Nam đã có. Các hoạt động dân sự diễn ra khá là bình thường.

Tuy nhiên người ta mong muốn hơn nữa về việc ra các luật lập hội, thì tôi cho đó là mong muốn chính đáng. Cho nên cần nhìn nhận một cách khách quan hơn để cùng nắm tay nhau mà phát triển chứ nhìn cực đoan thì không phát triển được.

Đất nước mình có nhiều nan đề, mình cần nhìn nhận tích cực hơn để mà làm việc. Lịch sử của mình có nhiều chuyện buồn, như gia đình tôi cũng có bị cải cách ruộng đất thế này thế khác nhưng chúng ta cần bao dung hơn với lịch sử.

Kính Hòa: Xã hội dân sự có vẻ như là chìa khóa cho sự vận động và phát triển của xã hội Việt Nam tương lai thưa ông?

Nguyễn Quang Thạch: Đó là chìa khóa phát triển cho mọi quốc gia.

Kính Hòa: Như vậy về phía nhà cầm quyền cũng phải làm cái gì đó để kích thích cho xã hội dân sự phát triển…

Nguyễn Quang Thạch: Đương nhiên, việc cho lập các trung tâm, các tổ chức phi chính phủ là để kích thích xã hội dân sự đấy. Hàng nghìn xứ đạo, nhà chùa có thư viện với hàng nghìn đầu sách hoạt động là hoạt động của xã hội dân sự rồi. Có thể là an ninh văn hóa có đến kiểm tra, nhưng chưa có thư việc nào của tôi bị đóng cửa cả.

Kính Hòa: Xin cám ơn ông Nguyễn Quang Thạch đã giành cho chúng tôi cuộc trao đổi thẳng thắn hôm nay.