Vụ clip tiêu cực trong phòng thi đang là một vết đen cho ngành giáo dục huyện Lục Nam tỉnh Bắc Giang nói riêng cũng như diện mạo của toàn bộ nển giáo dục Việt Nam bị bôi bẩn nói chung. Nó đang là một thách thức không những cho ngành giáo dục mà còn cho một vấn đề lớn: Chống tiêu cực sao cho phải đạo?
Điều tra lệch đối tượng?
Công an Lục Nam tỏ ra rất nhanh chóng vào cuộc trong vụ này là một nét mới trong nỗ lực điều tra. Tuy nhiên có vấn đề khúc mắc nào đó còn tiềm ẩn khi người bị gọi liên tục là em Sơn, học sinh trực tiếp quay clip và thầy giáo Nguyễn Danh Ngọc, người tổ chức cho việc này.
Dĩ nhiên hai nhân vật chính này phải được lấy cung trước để tìm hiểu thêm những can phạm thực sự là các giám thị gác phòng thi cũng như những người khác còn trong bóng tối. Đường giây dài tiêu cực không thể thiếu những khuôn mặt trách nhiệm trực tiếp, vì không có sự đồng ý của họ thì không một nhân viên dưới quyền nào dám hy sinh cả sự nghiệp của mình vào việc làm đen tối chỉ cốt đạt được thành tích này.
Tuy nhiên, thay vì đặt dấu hỏi về sự vắng mặt của các can phạm, người ta thay nhau đặt câu hỏi về tính pháp lý của hai em học sinh quay clip. Điều này khiến không ít người cho rằng công an Lục Nam đang hướng dư luận vào một góc khác để tránh bớt bức xúc cho giáo dục của huyện nhà.
Nói với báo chí, công an huyện Lục Nam nhấn mạnh “tùy vào việc đánh giá của Sở GD-ĐT Bắc Giang, nếu thấy việc sai phạm cần truy cứu trách nhiệm hình sự thì Công an sẵn sàng tham gia tiếp”.
Những thông tin do công an Lục Nam cung cấp rất dễ khiến người đọc nghĩ rằng việc cáo buộc hình sự hay không đối với
hai em là điều chính, chứ không phải cốt truy tìm cái gốc của bọn tội phạm thật sự là những người cung cấp phao thi. Và câu hỏi đặt ra tại sao lại cáo buộc hình sự hai em?
Duy lý đến tận cùng
Người ta đặt câu hỏi liệu vi phạm quy chế phòng thi có là một tiền lệ xấu cần phải xử lý hay không? Câu hỏi duy lý này cho thấy có một cách nhìn chai sạn đang lan tỏa trong xã hội, nó có khả năng vịn vào cái lý để tiêu diệt những điều cao đẹp và triệt tiêu mọi nỗ lực chống tiêu cực vốn rất èo uột hiện nay.
Thầy giáo Đỗ Việt Khoa kể lại câu chuyện đã xảy ra cho bản thân của thầy Nguyễn Danh Ngọc, người tổ chức quay clip và đã từng tố cáo những điều tồi tệ xảy ra nhiều năm trong ngôi trường THPT dân lập Đồi Ngô mà thầy Ngọc là một thành viên trong đó.
Anh Nguyễn Danh Ngọc là thầy giáo của trường THPT dân lập Đồi Ngô Bắc Giang. Thầy ấy tố cáo các sai phạm của trường và các sai phạm này kinh hoàng lắm. Như là ăn chặn tiền học bổng đề án 322 của chính phủ cấp cho học sinh nghèo miền núi mỗi tháng 200 nghìn, thì nhà trường ăn chặn không trả cho học sinh...
Thầy giáo Đỗ Việt Khoa
Anh Nguyễn Danh Ngọc là thầy giáo của trường THPT dân lập Đồi Ngô Bắc Giang. Thầy ấy tố cáo các sai phạm của trường và các sai phạm này kinh hoàng lắm. Như là ăn chặn tiền học bổng đề án 322 của chính phủ cấp cho học sinh nghèo miền núi mỗi tháng 200 nghìn, thì nhà trường ăn chặn không trả cho học sinh. Thu quỹ bảo hiểm cũng đút túi không trả cho học sinh và đủ trò hư hỏng khác.
Sau khi anh ấy tố cáo lên cấp trên thì họ không giải quyết mà lại bao che. Tay hiệu trưởng của trường Đồi Ngô thấy anh ấy tố cáo đã ra quyết định đuổi việc anh ấy một cách trái phép. Anh ấy đưa ra tòa án huyện Lục Nam thì tòa án này đùn đẩy không giải quyết. Về sau anh ấy phải dùng sức ép của lãnh đạo tỉnh thì tòa án mới chịu thụ lý đơn và xử phần thắng về thầy giáo Ngọc. Phần thua thuộc về nhà trường, yêu cầu trường phải bồi thường tiền lương, bố trí anh đứng lại lớp và đồng thời công khai xin lỗi trước học sinh. Nhà trường này sau đó không xin lỗi trước mặt học sinh cũng không bố trí anh ấy trở lại dạy học, không xếp thời khóa biểu cho anh ấy. Anh ấy đang trong tình trạng bị treo giò không được lên lớp hơn một năm nay.
Thầy Ngọc là người tin vào công lý và kết quả những năm tranh đấu một cách âm thầm ấy thầy chỉ là cái bóng bị lãng quên trong khi thế lực đen vẫn ung dung tung hoành trong ngôi trường mà thầy bị từ bỏ.
Những ý kiến phản biện…
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, nguyên đại biểu quốc hội, Phó chủ nhiệm UB Văn hóa, giáo dục, thanh niên cho biết nhận xét của ông trước hành động được ông cho là đáng khen ngợi của hai em học sinh quay clip:
Nếu phao thi được đưa vào phòng thi công khai đến như vậy thì hai em hoàn toàn có thể chép lời giải phao thi đó để đạt điểm ít nhất trung bình trở lên và đỗ tốt nghiệp. Nhưng hai em tự nguyện không nhận cái kết quả gian dối ấy mà công bố clip này cho truyền thông, qua đó phanh phui được vụ tiêu cực trong thi cử và theo tôi như thế là có công
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết
Hai học sinh này rõ ràng là vi phạm quy định nhưng hai em này lại có công đáng khen. Các em đó hoàn toàn không thỏa hiệp với hiện tượng tiêu cực. Nếu phao thi được đưa vào phòng thi công khai đến như vậy thì hai em hoàn toàn có thể chép lời giải phao thi đó để đạt điểm ít nhất trung bình trở lên và đỗ tốt nghiệp. Nhưng hai em tự nguyện không nhận cái kết quả gian dối ấy mà công bố clip này cho truyền thông, qua đó phanh phui được vụ tiêu cực trong thi cử và theo tôi như thế là có công.
Ta phải cân nhắc giữa vi phạm của thí sinh để có sự đánh giá đúng mức chứ không thể nghĩ một cách đơn giản là hai em đã vi phạm thì dứt khoát phải bị xử lý.
Giáo sư Văn Như Cương, hiệu trưởng trường Tư thục Lương Thế Vinh phản bác lại những quan điểm cho rằng hai em vi phạm quy chế trường thi, ông nói:
Tôi thấy hành động của các em cần phải biểu dương, khen ngợi bởi vì trong chống tiêu cực đôi lúc phải hy sinh như thế. Nếu các em không làm ra chuyện này, chứng cớ rõ ràng như thế thỉ không thể nào tố cáo tiêu cực này được. Nếu các em lên báo cáo với ông chủ tịch hội đồng thi là: “thưa thầy phòng em thi loạn lắm, phao thi tha hồ quay cóp thầy giáo đưa bài cho chúng em chép….” thì người ta sẽ mắng ngay: Chứng cớ ở đâu? Thì bây giờ em có chứng cớ đây. Cho nên tôi nghĩ là phải ủng hộ em này, không được có những hình thức truy chụp, ngăn cấm hay xét về kết quả thi của các em.
Giáo sư Văn Như Cương đưa ra một thí dụ rất dễ thấy để chứng minh có những việc cần làm mà không thể bị quy chụp:
Ví dụ tôi đang dừng lại ở đèn đỏ là đúng quy định nhưng có một kẻ cướp nó giật túi xách của một người bên cạnh rồi nó chạy băng qua đèn đỏ phía trước. Tôi đuổi theo và bắt được nó mang về, thế thì hành động của tôi có vi phạm luật đèn đỏ không? Hành động như thế là đáng khen ngợi chứ không ai phạt vi cảnh anh ta. Thế thì công bắt cướp của anh ta để đâu?
Sau khi clip xuất hiện công an đã mời thầy Ngọc làm việc trong nhiều tiếng đồng hồ. Dư luận rất lo ngại cho sự an toàn của thầy và của em Sơn, người trực tiếp thực hiện clip này. Tuy nhiên anh Nguyễn Danh Ngọc cho chúng tôi biết:
Công an họ chỉ xoay quanh vấn đề clip mà thầy Khoa đưa lên mạng. Hôm nay họ điềm đạm lắm không như lần trước (Khi thầy Ngọc tố cáo hiệu trưởng trường Đồi Ngô). Lần này khi vào thì có phóng viên ở ngoài cổng nên họ nói chuyện bình thường không có gì. Họ đang yêu cầu em cung cấp thông tin của người thứ hai quay clip để họ điều tra.
... Nếu các em không làm ra chuyện này, chứng cớ rõ ràng như thế thỉ không thể nào tố cáo tiêu cực này được. Nếu các em lên báo cáo với ông chủ tịch hội đồng thi là: "thưa thầy phòng em thi loạn lắm, phao thi tha hồ quay cóp thầy giáo đưa bài cho chúng em chép…." thì người ta sẽ mắng ngay: Chứng cớ ở đâu?...
Giáo sư Văn Như Cương
Lúc đầu công an đi tìm Sơn thì nhiều người tưởng là đến bắt hay đe dọa nhưng không phải. Công an chỉ tìm để bảo vệ Sơn. Hôm qua em đi hỏi xác minh số điện thoại của Sơn thì họ khẳng định công an bảo vệ Sơn chứ không phải bắt hay khủng bố gì cả.
….và của ông Bộ trưởng.
Trong khi dư luận yên tâm về bản thân của hai thầy trò thì một tuyên bố khác lại dấy lên sự tranh cãi về tính hợp pháp hay không hợp pháp của hai em. Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận trả lời báo chí sáng ngày 7 tháng 6 nói rằng: "Các cháu học sinh còn nhỏ tuổi, nghĩ chưa tới, nên dễ bị lôi kéo làm việc sai. Nếu theo quy chế về thi tốt nghiệp THPT, thì việc các cháu làm như vậy là vi phạm quy chế. Nhưng việc xử lý các cháu như thế nào cần phải cân nhắc theo hướng: Giúp các cháu nhận ra sai phạm, làm bài học và nhằm mục đích giúp các cháu trở thành người tốt".
Ông Bộ trưởng có nói ra cái ý là tung những cái clip ấy chỉ làm khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc chỉ đạo! Lạ thật, tôi không hiểu nghĩa của câu nói này. Tung clip này lên làm dễ dàng hơn cho việc chỉ đạo chứ. Tại sao lại nói ngược như thế?
Giáo sư Văn Như Cương
Ông Luận nhận định rằng “việc phát tán trên mạng nhiều video clip như vậy làm cho công tác quản lý của các cơ quan chức năng gặp khó khăn, đồng thời ảnh hưởng không tốt tới nhận thức và suy nghĩ của người xem, nhất là các học sinh còn nhỏ tuổi.”
Ông Luận đã trực tiếp coi việc quay clip của hai em là sai trái do bọn xấu xúi dục và cần phải khuyên nhủ để hai em tránh bị lôi kéo. Ông cũng cho biết việc công bố clip làm cho công tác quản lý, chỉ đạo khó khăn hơn. Nhận xét về kết luận này Giáo sư Văn Như Cương cho biết:
Ông Bộ trưởng có nói ra cái ý là tung những cái clip ấy chỉ làm khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc chỉ đạo! Lạ thật, tôi không hiểu nghĩa của câu nói này. Tung clip này lên làm dễ dàng hơn cho việc chỉ đạo chứ. Tại sao lại nói ngược như thế?
Tôi đề nghị những clip ấy là những clip có tính cách tố cáo, giống như tôi viết đơn tố cáo và có những chứng cứ như thế này thì tôi có quyền công bố những tố cáo của tôi.
Lời phát biểu của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận chỉ cốt nhắm vào phương tiện mà không chú trọng tới mục đích, hay nói chính xác hơn là tránh né mục đích. Nếu nói thẳng sự vi phạm lớn và trắng trợn đang xảy ra tại Bắc Giang có thể Bộ trưởng sẽ bị chất vấn thêm những câu hỏi khác có liên quan mật thiết đến sự tha hóa của toàn ngành mà điển hình nhất là bệnh thành tích.
Dư luận vẫn ao ước việc chống tiêu cực phải được sự minh bạch ngay từ cấp cao nhất. Ở đây người chịu trách nhiệm chính là Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo chứ không phải là ông hiệu trưởng trường THPT Đồi Ngô.