Dự án triển khai biogas tại Việt Nam trong thời gian qua mang lại những hiệu quả cụ thể ra sao cho người sử dụng?
Lợi điểm
Tờ The Christian Science Monitor hồi trung tuần tháng bảy vừa qua có bài viết tựa đề 'Clean biogas improves life in rural Vietnam', tạm dịch 'Khí sinh học sạch giúp cải thiện đời sống tại khu vực nông thôn Việt Nam'.
Theo bài báo thì hằng ngàn hầm khí biogas nhỏ giúp biến phân súc vật nông nghiệp thành nguồn năng lượng hữu dụng. Nguồn năng lượng này được chừng 400 ngàn người Việt sử dụng để nấu ăn thay cho các loại dùng để đun nấu truyền thống lâu nay như củi hay rơm rạ.
Một trường hợp cụ thể được nêu ra là của bà Nguyễn thị Hương, 35 tuổi, nông dân cư ngụ tại xã Phong Bình, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế ở miền trung Việt Nam. Tờ Christian Science Monitor trích dẫn phát biểu của bà Hương cho biết trước đây bà phải đun nấu bằng củi. Nội việc đi lấy củi từ rừng tràm gần nơi cư ngụ về để nấu nướng cũng đã là hoạt động nặng nhọc đối với người phụ nữ có hai con, vừa phải chăm sóc gia đình, vừa phải nuôi heo và làm mọi công việc nhà nữa.
Lời bà Hương được tờ báo trích dẫn nói rằng khi nấu nướng bằng củi khói và tro làm mắt cay, nhiễm bụi đồng thời khiến bà bị ho.
Tuy nhiên khi có được hầm khí biogas để đun nấu như hiện nay thì những trở ngại, khó khăn đó không còn nữa.
Ô. Trà Văn Chứa
Sau hai năm xây dựng hầm khí biogas theo dự án được tài trợ và gia đình bỏ ra thêm chừng hai triệu đồng để xây dựng, thì đến nay, theo bà Hương mọi chuyện diễn tiến thật tốt đẹp. Bà cho biết thêm:
“Nấu ăn rứa thôi. Dễ, đường ống dẫn lên thuận, nằm ngang không ngoằn ngoèo khiến gas bị tắt. Ống dẫn bằng nhựa, nếu sau này có kinh nghiệm hơn thì bên ngoài ống có thêm tre để bảo quản ngoài trời. Nhà tự làm để bảo quản khỏi mưa gió. Trong nhà thì đi dây thường thôi, hồi mới làm đầu chưa có kinh nghiệm không bỏ bình lọc khí nên khí mê tan có hôi, nếu bắt bình lọc khí thì sẽ khỏi hôi.
Nếu nhiều có thể thắp đèn khi điện cúp…”
Đó là trường hợp của bà Nguyễn Thị Hương, tại xã Phong Bình, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên- Huế. Một trong những địa phương đang được hỗ trợ triển khai xây dựng dự án khí biogas hộ gia đình tại Việt Nam.
Ở khu vực miền nam, xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh là nơi được cho biết hầu như mọi gia đình trong xã đều có hầm biogas.
Gia đình của ông Trà Văn Chứa tại đó là nơi đã có hầm biogas lớn chừng 20 khối và hoạt động suốt 10 năm qua. Bà vợ của ông Trà Văn Chứa cho biết những lợi điểm mà hầm đem lại cho gia đình:
“Còn xài tốt lắm. Hằng ngày nấu nướng, khỏi phải mua gas, dùng để nấu tối ngày vậy đó. Nấu nước, nấu cơm, đốt đèn cho heo.”
Bà cũng cho biết lượng heo gia đình nuôi để lấy phân cho hầm biogas:
“Làm hầm đó, tôi nuôi khoảng 20-30 con heo. Hầm nhà tôi là hầm lớn. Con tôi hầm 4 khối chỉ cần chục con là đủ.
Không ô nhiễm môi trường, nước thải ra mình trồng cây gì thì tốt cây cỏ. Cỏ cho bò ăn.
Hầm đầy thì thọc xuống, thì cát trồi lên và xài hoài. Phân lâu ngày hủy rồi, trào lên thì làm phân xanh, cây trái.”
Bà cho biết trước đây hầm gia đình làm theo thí điểm dự án. Gia đình chỉ thanh toán tiền thợ, chừng hai triệu rưỡi và sau một năm xem như đã lấy lại tiền vốn bỏ ra.
Hỗ trợ
Dự án khí sinh học biogas tại xã Phong Bình, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế do tổ chức Norweigian Church Aid, NCA, hỗ trợ.
Ông Nguyễn Ngọc Khánh, cán bộ phụ trách dự án khí sinh học biogas của xã Phong Bình cho biết thông tin về triển khai dự án tại xã này như sau:
“Đang triển khai trong hai năm 2011-2012. Năm 2011 đã thực hiện thành công các hạng mục rồi, trong đó nguồn vốn chủ yếu tập trung đầu tư xây dựng biogas. Năm nay tiếp tục triển khai 47 hầm biogas tiếp, đang thi công. Dân chăn nuôi, chủ yếu giải quyết môi trường, những ai có chăn nuôi, rác thải ra môi trường thì được chọn để xây dựng hầm biogas.
Số tiền hỗ trợ 6,5 triệu. Dân đóng góp ngày công. Chúng tôi có đào tạo một đội kỹ thuật ngay ở xã, có 12 thợ.”
Ngoài ra tại Việt Nam tổ chức phát triển của Hà Lan SNV cũng tham gia trong một chương trình khác.
SNV của Hà Lan cho biết từ năm 2006 đến nay, đã phối hợp với chính quyền Việt Nam hỗ trợ xây dựng 78 ngàn hầm khí biogas tại 30 tỉnh, thành của Việt Nam. Số hầm biogas này giúp cho chừng 400 ngàn nguời dân, và giảm phát thải khí carbon vào không khí chừng 167 ngàn tấn mỗi năm.
Tính toán cho thấy một hầm biogas với tuổi thọ 15 năm tốn phí xây dựng chừng 500 đô la Mỹ. Trung bình mỗi hộ gia đình nuôi ít nhất hai trâu bò hay sáu con heo thì có thể đủ lượng khí biogas tạo ra đủ cho gia đình sử dụng.
Một chuyên gia tư vấn về khí sinh học làm việc cho SNV cho biết ngoài những lợi điểm cung ứng khí để sử dụng cho công việc nấu nướng và thắp sáng trong mỗi gia đình, các hầm khí biogas còn giúp bảo vệ rừng không bị người dân đốn phá để lấy củi. Nấu bằng khí biogas sẽ giúp giảm thiểu phát thải gây ô nhiễm môi trường. Và hoạt động này cũng mang lại công ăn việc làm cho thợ xây dựng. Tính từ năm 2003 đến nay, chừng 300 ngàn việc làm đã được tổng kết khi tham gia xây các hầm khí biogas.
Tồn tại
Như thông tin mà ông Nguyễn Ngọc Khánh phụ trách dự án khí sinh học tại xã Phong Bình, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế, nơi hiện có hơn 8 ngàn nhân khẩu thuộc 1700 hộ; tuy nhiên dự án trong năm ngoái mới hỗ trợ xây được 82 hầm khí biogas, và năm nay thêm 47 hầm. Nhiều hộ dân nghèo không có vốn để chăn nuôi gia súc để lấy phân và ngay cả không có đất để xây dựng hầm khí biogas cũng là một trở ngại như lời bà Nguyễn Thị Hương cho biết:
“Họ chưa đủ điều kiện làm vì heo nuôi không đủ và không có đất để xây.”
Có thể nói còn rất nhiều hộ dân tại các vùng nông thôn Việt Nam cần được giúp đỡ để có thể có được một hầm khí sinh học biogas như của gia đình bà Hương.
Đây là một dự án được nhiều hỗ trợ của quốc tế như ông Nguyễn Hoài Châu, Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Môi trường Việt Nam cho biết về qui mô khoản hỗ trợ mà ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn nhận được cho dự án đó:
“Cục Chăn Nuôi một năm họ nhận được mấy trăm tỷ để làm biogas.”
Quả đúng thế theo thông tin trên trang mạng Dự án ‘Chương trình khí sinh học cho ngành chăn nuôi Việt nam 2007-2012’ thì đây là dự án do Cục Chăn Nuôi, Bộ NN-PTNTVN và Tổ chức phát triển Hà Lan SNV thực hiện.
Mục tiêu được đề ra là đến cuối năm nay sẽ xây được 164 ngàn hầm biogas tại 58 tỉnh, thành phố trên cả nước. Giúp giảm chi phí sinh hoạt gia đình 65%; tăng sản lượng nông nghiệp từ 5 đến 20%. Giảm từ 1,5 đến 3 tấn khí CO2 mỗi năm trên một công trình khí sinh học.
Dự án khí sinh học cho ngành chăn nuôi của Việt Nam vừa được trao giải thưởng vì con người năm 2012 do Diễn đàn Năng Lượng Thế giới trao tại Hội nghị Năng lượng Liên Hiệp Quốc từ ngày 22 đến 24 tháng 10 vừa qua.
Hồi năm 2006, dự án khí sinh học Việt Nam được trao giải thưởng năng lượng toàn cầu ở Brussels, Bỉ. Năm 2010, dự án được trao giải Năng lượng bền vững Ashden tại London.
Theo dòng thời sự:
- Dự án khí sinh học tại Việt Nam được mở rộng ra sao?
- Dự án an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học
- Động cơ chạy bằng biogas
- Cơ chế phát triển sạch tại Việt Nam
- Ứng dụng khí sinh học trải rộng, góp phần nhiên liệu ở nông thôn
- Đánh giá việc thực thi Công ước LHQ về Đa dạng Sinh học
- Sử dụng năng lượng mặt trời