Nhà báo Anh: Bằng chứng đường 9 đoạn của TQ là vô căn cứ

Nhà báo Anh Bill Hayton, một trong những chuyên gia nghiên cứu Biển Đông, khẳng định bằng chứng lịch sử về đường chín đoạn của Trung Quốc về chủ quyền tại vùng biển này là vô căn cứ. Ông đưa ra phát biểu trên trong buổi giới thiệu cuốn sách mới về Biển Đông có tên: The South China Sea: The struggle for power in Asia tại đại học Georgetown ở Washington DC, Mỹ, hôm 23/10.

Đơn phương tuyên bố chủ quyền

Trung Quốc lâu nay đơn phương tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ khu vực Biển Đông. Một trong những bằng chứng lịch sử mà họ đưa ra là bản đồ gồm đường 9 đoạn, hay còn gọi là đường lưỡi bò, ôm gần như trọn Biển Đông, bao gồm cả Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam. Đường lưỡi bò này còn chồng lấn lên vùng biển chủ quyền trong khu vực đặc quyền kinh tế tính theo luật pháp quốc tế của một số nước Đông Nam Á.

Tuy nhiên, độ chính xác của đường 9 đoạn này ra sao? Theo nhà báo Bill Hayton vào thập niên 30 khi tàu chiến Pháp cập cảng ở Trường Sa và bắn 21 phát súng tuyên bố chủ quyền ở đây, Trung Quốc do không thể điều quân ra khu vực này nên đã tìm đến các nhà làm bản đồ để khẳng định chủ quyền.

Bill Hayton cho biết đến tận năm 1933, Trung Quốc còn không biết có những đảo gì, tên gì ở Biển Đông. Vào năm 1935, Trung Quốc mới bắt đầu đặt tên cho 132 đảo lớn nhỏ ở khu vực này và phần lớn là dịch ra từ tên tiếng Anh trên bản đồ quốc tế.

Lần đầu tiên vào năm 1936, đường 9 đoạn được đưa ra. Bản đồ đó sinh ra là hoàn toàn do hiểu lầm. <br/> -Nhà báo Bill Hayton

Người đưa đoạn lưỡi bò hình chữ U đến với Trung Quốc là một người có tên là Bạch Mi Sơ. Bill Hayton cho hay ông Bạch là một nhân sĩ yêu nước và ham mê địa lý. Năm 1930, Bạch Mi Sơ từng vẽ bản đồ miêu tả lại điều được gọi là “sự sỉ nhục quốc gia” của Trung Quốc, trong đó chỉ ra những phần lãnh thổ của nước này đã bị đánh cắp. Vào năm 1936, ông Bạch vẽ bản đồ với đường lưỡi bò ôm trọn gần như toàn bộ Biển Đông. Ông Bạch từng nói rằng khu vực nằm trong đường lưỡi bò là “những nơi mà ngư dân của Trung Quốc kiếm sống và hiển nhiên là nó thuộc về chủ quyền của chúng ta”.

Nhà báo Bill Hayton phát biểu: "Lần đầu tiên vào năm 1936, đường 9 đoạn được đưa ra. Bản đồ đó sinh ra là hoàn toàn do hiểu lầm."

Bill Hayton cho rằng sở dĩ có bản đồ như trên cũng như các bản đồ về sự sỉ nhục quốc gia mà Trung Quốc đưa ra là do sự hiểu lầm về quan hệ giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á trước đó. Ông nói các học giả Trung Quốc thời đó đánh đồng việc các nước thiết lập quan hệ thương mại với việc cống nạp với tư cách là nước chư hầu cho Trung Quốc.

Bản đồ Biển Đông với đường lưỡi bò do TQ đơn phương công bố nhằm chiếm trọn Biển Đông, vị trí dàn khoan HD 981 và dàn khoan thứ hai do TQ thiết lập hồi tháng 6 năm 2014.
Bản đồ Biển Đông với đường lưỡi bò do TQ đơn phương công bố nhằm chiếm trọn Biển Đông, vị trí dàn khoan HD 981 và dàn khoan thứ hai do TQ thiết lập hồi tháng 6 năm 2014. (AFP)

Nhà báo Hayton lấy ví dụ về ghi chép liên quan tới quan hệ giữa Trung Quốc và Hà Lan. Theo ghi chép của Trung Quốc thì Hà Lan khi đó là một vương quốc và phải cống nạp cho vương triều Trung Quốc và nhún nhường trước nhà vua ở đây. Tuy nhiên, thực tế là Hà Lan là một nước cộng hoà và việc cống nạp thực chất là trao đổi để được quyền giao thương ở quốc gia đông dân và rộng lớn là Trung Quốc.

Hayton từ đó đặt câu hỏi, có lẽ các nhà học giả Trung Quốc hiểu lầm rằng các nước Đông Nam Á là chư hầu của họ khi cũng phải “cống nạp” cho vương triều.

Đường lưỡi bò được chính quyền Trung Hoa Dân Quốc đưa lên bản đồ vào năm 1947. Lúc này, nó có 11 đoạn. Qua thời gian, hai đoạn được bỏ đi. Nó chứng tỏ Trung Quốc không hề có một cơ sở pháp lý cụ thể nào cho đường lưỡi bò này. Về pháp lý mà nói, đường 9 đoạn không định nghĩa biên giới trên biển của Trung Quốc.

Vậy đường 9 đoạn có ý nghĩa gì? Bill Hayton giải thích:

“Một học thuyết đường chín đoạn chỉ ra những hòn đảo nào thuộc về Trung Quốc và cũng có một lý giải khác là đường chín đoạn là biên giới vùng biển chủ quyền của Trung Quốc, có nghĩa là bao gồm gần như toàn bộ Biển Đông.”

Biển Đông thuộc về bên nào?

Để hoàn thành cuốn sách về Biển Đông, Bill Hayton đã mất hơn hai năm rưỡi đào sâu các tài liệu lịch sử. Theo ông, người đầu tiên tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông là một người Anh, khi đó là để khai thác phân chim. Ngoài Trung Quốc, các nước như Việt Nam, Malaysia, Đài Loan, Philippines cũng tuyên bố một phần chủ quyền ở Biển Đông, tuy nhiên không nước nào đi xa như Trung Quốc trong việc khẳng định quyền sở hữu khu vực thậm chí chồng lấn lên hải phận của nước khác theo luật quốc tế.

Câu hỏi đặt ra cuối cùng là, vậy Biển Đông thuộc về bên nào. Câu trả lời là không ai biết cả.

Liệu có cách nào giải quyết vấn đề tranh chấp ở Biển Đông hay không? Bill Hayton cho rằng khó có thể có một giải pháp hợp lý cho tất cả các bên, vì rằng không một bên nào chịu nhượng bộ hoặc đưa ra những khẳng định có bằng chứng rõ ràng. Cũng không bên nào sẵn lòng thống nhất về một quy chuẩn về pháp lý. Trung Quốc, một bên lớn trong xung đột này chỉ muốn đối thoại song phương trong khi các nước khác muốn đối thoại đa phương.

Bill Hayton cho rằng xung đột ở Biển Đông thỉnh thoảng sẽ lại căng thẳng song ông bác bỏ ý kiến về một cuộc chạy đua vũ trang lớn trong khu vực này. Theo nhà báo, Trung Quốc đã bỏ xa các đối thủ về lĩnh vực vũ khí.

Bill Hayton cũng có một cuốn sách khác về Việt Nam có tên Vietnam - the rising dragon. Cuốn sách mới về Biển Đông của ông vừa được xuất bản. Bill Hayton gia nhập BBC News từ năm 1998. Ông có một năm làm báo ở Việt Nam và gần đây nhất, ông ở Myanmar trong một năm vào năm 2013.

Cuốn sách “The South China Sea: The struggle for power in Asia” tuy còn nhiều điều cần bàn luận thêm nhưng ít ra cũng cho thấy ngày càng nhiều hơn sự quan tâm của quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực truyền thông. Theo nhà báo Bill Hayton thì ông rất vất vả khi tìm nguồn tư liệu từ Việt Nam do đó khó khăn này đã cản trở ông rất nhiều khi viết cuốn sách.

Có lẽ nhà nước Việt Nam nên xem xét việc cung cấp thông tin cho bất cứ ai muốn tìm hiểu về chủ quyền Biển Đông nhằm tránh sự đáng tiếc vì không nắm bắt cơ hội chứng minh chủ quyền của mình trước quốc tế.