Tại cuộc họp tham vấn cấp cao ASEAN - Trung Quốc lần thứ 19 diễn ra tuần trước tại Bắc Kinh, vòng họp đầu tiên giữa hai phía kể từ lúc Bắc Kinh có lãnh đạo mới là chủ tịch nước Tập Cận Bình, phía Trung Quốc đã tạo ra sự thay đổi bằng một phái đoàn mới với cam kết hợp tác cùng ASEAN để giải quyết những tranh chấp chủ quyền trong khu vực.
Tuân thủ DOC
Dưới mắt các nhà quan sát, cam kết hợp tác từ phía Trung Quốc vào khi ASEAN và Bắc Kinh, cũng trong tuần trước, đồng ý kỷ niệm mười năm quan hệ hữu nghị hai phía với Chiến lược Đối tác ASEAN - Trung Quốc ký kết 10 năm trước, có thể khiến tình hình căng thẳng thường trực trên Biển Đông dịu xuống phần nào.
Theo ông Arthayudh Srisamoot, Tổng giám đốc Cơ Quan Ngoại Vụ ASEAN, trước đó ASEAN cũng như Trung Quốc đã từng đồng ý với nhau là cần ứng dụng Bản Tuyên Bố Về Nguyên Tắc Ứng Xử Trên Biển DOC bằng cách và thông qua mọi sinh hoạt giao lưu trên mọi lãnh vực như môi trường, sinh thái, tìm kiếm cứu hộ, tội phạm xuyên quốc gia vân vân…
Vì thế tính đến lúc này, vẫn lời ông Arthayudh Srisamoot, Trung Quốc vẫn muốn xây dựng một quan hệ hợp tác căn bản với ASEAN trước khi tiến tới thảo luận sâu hơn với tổ chức liên quốc này về vấn đề COC, tức Bộ Qui Tắc Hành Xử Trên Biển.
Việc chỉ định một phái đoàn trung gian gồm các viên chức Thái Lan được các nước thành viên ASEAN chấp thuận từ năm 2012. Tại cuộc họp tham vấn cấp cao lần thứ 19 ở Bắc Kinh tuần trước, dẫn đầu phái đoàn Thái Lan là viên chức thường vụ Bộ Ngoại Giao Thái, ông Sihasak Phuangketkaew.
Xây dựng COC
Bước sang đầu tuần này, phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Thái Lan, ông Manatsawee, cho đài Á Châu Tự Do biết có nhiều chủ để thương thảo được nêu ra tại cuộc họp tham vấn cấp cao ASEAN Trung Quốc hôm 2 tháng Tư vừa qua ở Bắc Kinh, trong đó vấn để tranh chấp trên biển giữa các nước thanh viên ASEAN với Trung Quốc được đề cập tới:
“Vòng họp sẽ tạo tình hình thuận lợi để ASEAN và Trung Quốc có thể khỏi sự thảo luận về COC Bộ Qui Tắc Ứng Xử. Điểm này được nêu rõ với phía Trung Quốc vì Thái Lan, trong tư cách quốc gia trung gian và điều hợp, không muốn vấn đề tranh chấp trên biển Nam Trung Hoa ảnh hưởng đến mối quan hệ của cả khối ASEAN đối với Trung Quốc.
Đặc biệt đối với vấn đề tranh chấp trên biển Nam Trung Hoa, Thái Lan tin rằng điều quan trọng nhất cần thực hiện là xây dựng sự tin tưởng cũng như hữu nghị tốt đẹp giữa các bên, đồng thời tin rằng vì ASEAN đã có COD Bản Tuyên Bố Về Nguyên Tắc Ứng Xử Trên Biển hơn 10 năm nay rồi thì bước tới phải là COC tức Bộ Qui Tắc Hành Xử Trên Biển như mong muốn.
Đó là mục đích của vòng họp tham vấn với Trung Quốc lần này và trong những lần sau , nếu có thể, để COC Bộ Qui Tắc Hành Xử Trên Biển sớm thành hình.
Cuộc họp cuối tuần qua là một vòng đối thoại tích cực mà hy vọng kết quả của nó là Trung Quốc và ASEAN có thể bắt đầu thảo luận để phát triển tiến tới Bộ Qui Tắc Hành Xử Trên Biển COC, vào khi cả hai phía sắp kỷ niệm năm thứ mười thỏa thuận về Chiến Lược Đối Tác ASEAN Trung Quốc. Tại cuộc họp, đại diện hai phía đều đồng thuận rằng an bình và ổn định toàn vùng là điều tối quan trọng cho tất cả mọi nước trong khu vực.”
Đa phương hay Song phương?
Tuy nhiên theo giáo sư Vorasak Mahatanobol thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Trung Quốc ở đại học Thammmasat, Thái Lan, bất kể những điều gọi là cam kết hợp tác hoặc Chiến Lược Đối Tác ASEAN Trung Quốc một thập niên qua, cần lưu ý và cần hiểu quan điểm của Bắc Kinh trước những vấn đề dằng dai mười mấy măm qua như DOC Bản Tuyên Bố Nguyên tắc Ứng Xử Trên Biển và COC Bộ Qui Tắc Hành Xử Trên Biển, và phải thấy là Bắc Kinh khó mà thay đổi lập trường trước đó của họ là nói chuyện đa phương với ASEAN hay thảo luận song phương với từng quốc gia trong ASEAN đang tranh chấp chủ quyền với họ:
“Đối với vấn đề biển Nam Trung Hoa, tôi nghĩ cái cách, mà Trung Quốc bày tỏ trong cuộc họp tuần trước, là sẽ hợp tác sẽ nói chuyện hòa bình với ASEAN liệu có chỉ đơn thuần là về mặt ngoại giao hay không và có phải là hứa hẹn suông hay không, bởi cho tới lúc này chưa thấy được chưa nghe được hành động nào cụ thể hay lời tuyên bố nào rõ ràng từ người lãnh đạo mới của Trung Quốc trong ý muốn hóa giải vấn đề tranh chấp trên biển với các quốc gia lân bang cả.”
Trong khi đó, ông Zhang Xizhen, giáo sư thỉnh giảng tại phân khoa quốc tế viện đại học Thammasat:
“Xin nhớ là từ năm 1992 Trumg Quốc từng cam kết cùng khối ASEAN giải quyết tranh chấp trên biển bằng đường lối hoà bình. Trung Quốc hiển nhiên luôn chống lại ý đồ gọi là quốc tế hóa những vùng tranh chấp chủ quyền giữa Bắc Kinh và các nước lân bang trong ASEAN vì cho rằng đây là vấn đề song phương chứ không phải vấn đề đa phương hay là vấn đề quốc tế. Thành thử dù gì đi chăng nữa thì Trung Quốc cũng sẽ bác bỏ thực tế đó mà thôi. nữa Trung Quốc”.
Trả lời báo chí ở Bangkok hôm thứ Hai, ngay cả tổng giám đốc Cơ Quan Ngoại Vụ ASEAN, ông Arthayudh Srisamoot, cũng cho rằng dù Trung Quốc thay đổi phái đoàn bằng một nhóm thương thuyết mới và dù cam kết hợp tác song lập trường của Bắc Kinh e là vẫn trước sao sau vậy.
Tuy nhiên, ông tuyên bố tiếp, Thái Lan có nhiệm vụ mời gọi Trung Quốc xích lại gần để hội nhập nhiều hơn với ASEAN.
Theo tin từ Bộ Ngoại Giao Thái Lan, trong tư cách quốc gia trung gian, Bangkok sẽ điều hợp một cuộc họp về COC Bộ Qui Tắc Hành Xử Trên Biển tháng Bảy năm nay.
Đến tháng Ba năm 2014, Thái Lan cũng sẽ chủ trì cuộc họp tham vấn ASEAN Trung Quốc lần thứ 20 tại Bangkok.