Liên tiếp trong 3 tháng gần đây, các lãnh đạo Trung Quốc nối tiếp nhau thực hiện các chuyến công du đến các nước ASEAN kêu gọi thúc đẩy quan hệ đối tác vì hòa bình, thịnh vượng và an ninh trong khu vực. Đây có thể được coi là một dấu hiệu cho thấy Trung Quốc muốn hòa hoãn với ASEAN. Tuy nhiên, không một lãnh đạo Trung Quốc nào đến Philippines, nước thành viên ASEAN và là nước đang có tranh cãi gay gắt với Trung Quốc xung quanh vấn đề chủ quyền ở biển Đông.
Những chuyến đi con thoi
Những tuần cuối hè và đầu thu năm 2013 có thể được coi là thời gian bận rộn của lãnh đạo Trung Quốc từ Chủ tịch Tập Cận Bình, Thủ Tướng Lý Khắc Cường đến Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị, khi họ liên tục làm các chuyến công du đến các nước ASEAN, chứng kiến các lễ ký kết hợp đồng kinh tế, đầu tư lên đến hàng chục tỷ đô la và kêu gọi hợp tác vì hòa bình và ổn định trong khu vực.
Vào hồi đầu tháng 8, Bộ trưởng Ngoại Giao Vương Nghị bắt đầu chuyến công du đến 4 nước ASEAN là Malaysia, Lào, Việt Nam, và Thái Lan. Một trong những nội dung chính của chuyến đi chính là thảo luận giữa ASEAN và Trung Quốc xung quanh Bộ quy tắc về ứng xử của các bên ở biển Đông (gọi tắt là COC). Kết thúc chuyến đi 6 ngày, ông Vương Nghị nói Bắc Kinh đã sẵn sàng đối thoại với ASEAN về COC. Tuy nhiên ông cũng cảnh báo các bên cần phải kiên trì.
Tiếp theo sau chuyến đi của Ngoại trưởng Vương Nghị là chuyến đi của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Indonesia và Malaysia vào đầu tháng 10. Tại Jakarta, Ông Tập Cận Bình nói ông muốn đưa thương mại hai chiều giữa ASEAN và Trung Quốc lên con số 1 nghàn tỷ đô là vào năm 2020, tức là tăng gấp 2 lần rưỡi so với con số 400 tỷ đô là vào năm ngoái. Ông Tập Cận Bình cũng phát biểu trước quốc hội Indonesia và nói sự phát triển của Trung Quốc là vì hòa bình và hữu nghị trên thế giới, đem cơ hội phát triển đến châu Á và thế giới chứ không phải là mối đe dọa. Nói về vấn đề biển Đông, ông khẳng định mọi bất đồng, và tranh chấp đều phải được giải quyết qua biện pháp hòa bình.
Họ cố gắng chia cắt ASEAN bằng cách cô lập Philippines. Trung Quốc cố gắng tạo hình ảnh mình là một bên xây dựng trong vấn đề tranh chấp ở biển Đông còn Philippines là bên gây rắc rối.<br/> - GS Renato Cruz de Castro
Sau chuyến đi của ông Tập Cận Bình là chuyến đi của Thủ tướng Lý Khắc Cường đến Thái Lan, Brunei và Việt Nam. Tại Thái Lan, ông Lý Khắc Cường hứa Trung Quốc sẽ nhập khẩu nhiều gạo và cao su từ Thái Lan hơn, cam kết đưa thương mại hai chiều lên 100 tỷ đô la vào năm 2015. Tại Việt Nam, kết thúc chuyến đi được báo chí Việt Nam mô tả là thành công tốt đẹp, Việt Nam Trung Quốc đã ký tuyên bố chung 10 điểm khẳng định thắt chặt hơn nữa quan hệ đối tác toàn diện trên các mặt.
Phát biểu tại thượng đỉnh ASEAN Trung Quốc ở Brunei hôm 9 tháng 10, ông Lý Khắc Cường nói củng cố quan hệ với các nước Đông Nam Á là ưu tiên ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc. Ông cũng kêu gọi các bên tránh để tranh chấp chủ quyền làm hỏng mối quan hệ với Trung Quốc.
Đánh giá về các chuyến đi liên tục này của các lãnh đạo Trung Quốc đến ASEAN, tờ South China Morning Post hôm mùng 4 tháng 10 cho rằng chuyến đi của ông Tập Cận Bình nhằm mục đích ‘lấy lại lợi thế với ASEAN, đặc biệt là vấn đề tranh chấp chủ quyền, đối lại với ảnh hưởng của việc chuyển trục chiến lược của Mỹ về châu Á’. Còn tờ Strait Times của Singapore thì nói chuyến đi của ông Tập Cận Bình có mục tiêu ‘trấn an nỗi lo sợ về sức mạnh quân sự ngày một tăng và thái độ mạnh mẽ của Trung Quốc về các tuyên bố chủ quyền ở biển Nam Trung Hoa’.
Cô lập Philippines
Thế nhưng, điểm đáng chú ý trong các chuyến đi này là không một lãnh đạo nào của Trung Quốc đặt chân đến Philippines, nước đang có tranh chấp gay gắt với Trung Quốc ở biển Đông. Giáo Sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc, chuyên gia về châu Á, trong bài viết của mình trên The Diplomat hôm 1 tháng 10, gọi đây là kiểu ‘chính trị chia cắt’ mà Trung Quốc đang áp dụng với với ASEAN kể từ sau vụ xung đột bãi cạn Scarborough shoal với Philippine từ tháng 4 năm ngoái.
Giáo sư Renato Cruz de Castro, thuộc trường đại học De la Salle, Philippines nhận xét:
Họ cố gắng chia cắt ASEAN bằng cách cô lập Philippines. Trung Quốc cố gắng tạo hình ảnh mình là một bên xây dựng trong vấn đề tranh chấp ở biển Đông còn Philippines là bên gây rắc rối. Vì thế chúng ta thấy tất cả các nhà ngoại giao Trung Quốc trong diễn đàn khu vực vừa qua đã cố gắng đưa ra một thông điệp với nước chủ nhà (Brunei) là Philippines đang gây chuyện, đang chia cắt ASEAN và Philippines không hợp lý. Cho nên chúng ta vẫn có sự đoàn kết của ASEAN nhưng chúng ta cũng thấy những cố gắng từ phía Trung Quốc để cô lập Philippines và cuối cùng là chia cắt ASEAN.
Một dấu hiệu nữa cho thấy Trung Quốc đang cô lập Philippines, chính là vào tháng 8 vừa qua xung quanh việc Tổng thống Philippines Aquino lên kế hoạch dự triển lãm ASEAN Trung Quốc Expo lần thứ 10 ở Nam ninh từ ngày 3 đến 6 tháng 9. Sau khi nhận được thông báo về dự định chuyến thăm của Tổng thống Aquino, phía Trung Quốc đã gửi thư đề nghị ông nên đến vào một dịp khác thuận lợi hơn.
Theo Giáo sư Renato Cruz de Castro, việc cô lập này là do Philippines nộp đơn lên tòa quốc tế liên quan đến tranh chấp về chủ quyền giữa hai nước tại biển Đông vào hôm 22 tháng giêng vừa qua.
Điều mà Trung Quốc làm là chặn trước khi có bất cứ quyết định nào từ tòa đưa ra. Họ muốn cho mọi người thấy là họ luôn hợp tác với ASEAN để giải quyết vấn đề cho nên tại sao cần phải nộp đơn kiện?<br/> - GS Renato Cruz de Castro<br/> <br/>
Đó là bởi vì Philippines đã nộp đơn lên tòa quốc tế của Liên hiệp quốc theo Công ước về luật biển của Liên hiệp quốc Đó là lý do mà Trung Quốc làm điều này. Họ muốn cho mọi người thấy là Philippines đang gây khó khăn bằng cách nộp đơn kiện còn Trung Quốc là người xây dựng và đang cố gắng giải quyết vấn đề trong khuôn khổ ASEAN. Điều mà Trung Quốc làm là chặn trước khi có bất cứ quyết định nào từ tòa đưa ra. Họ muốn cho mọi người thấy là họ luôn hợp tác với ASEAN để giải quyết vấn đề cho nên tại sao cần phải nộp đơn kiện?
Việc chia rẽ ASEAN của Trung Quốc đã được các chuyên gia về châu Á cảnh báo ngay từ năm ngoái khi Campuchia là nước chủ tịch luân phiên của ASEAN. Trung Quốc đã thành công trong việc chia rẽ khiến các nước ASEAN không thể có được sự thống nhất trong vấn đề tranh chấp biển Đông với Trung Quốc. Sự chia rẽ này thể hiện cao nhất là vào kết thúc thượng đỉnh ASEAN vào tháng 7 năm ngoái khi các nước thành viên không thể đưa ra tuyên bố chung chỉ vì những bất đồng về vấn đề biển Đông.
Năm nay là kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược giữa ASEAN và Trung Quốc. Đây cũng là năm của những chuyến đi liên tục của những lãnh đạo mới của Trung Quốc đến các nước Đông Nam Á, dấu hiệu được đánh giá là khá tích cực. Thế nhưng việc các lãnh đạo Trung Quốc ‘lờ’ Philippines rất có thể làm người ta đặt câu hỏi về thiện chí thực sự của Trung Quốc với ASEAN.