Lao động Trung Quốc đe dọa an ninh Việt Nam

Hơn 1.000 lao động Trung Quốc làm việc không phép ở công trường nhà máy đạm Cà Mau, vài trăm lao động Trung Quốc không nghề không phép làm việc tại dự án bauxite Nhân Cơ Đak Nông.

Mới chỉ đơn cử hai dự án có người Trung Quốc trúng thầu đã thấy giật mình, trong khi dọc chiều dài đất nước còn bao nhiêu dự án khác. Tình trạng buông lỏng quản lý hẳn đã đến mức báo động, vì chính Chủ tịch Nhà nước Trương Tấn Sang cũng phải lên tiếng phàn nàn.

Làm việc bằng visa du lịch

Theo VnExpress, Trước lo ngại của cử tri quận 4 TP.HCM về lao động Trung Quốc không có giấy phép tại 2 dự án xây dựng nhà máy alumin ở Tây Nguyên, sáng 11/8 Chủ tịch Trương Tấn Sang nói rằng đơn vị chức năng đã có lỗi khi giám sát, kiểm tra không tốt.

Công nhân không có tay nghề, điều này không thể thể chấp nhận được. Chưa nói đến chuyện các công nhân ấy vào không phải theo hợp đồng lao động mà phần lớn theo visa du lịch.

TS Hồ Uy Liêm

Báo chí Việt Nam từng ghi nhận tình trạng ở những dự án mà người Trung Quốc trúng thầu, doanh nghiệp của họ mang theo toàn bộ lực lượng lao động phổ thông kể cả nhà bếp. Chúng tôi nêu câu hỏi với PGSTS Hồ Uy Liêm, Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam về tình trạng được cho là báo động đỏ. Từ Hà Nội PGSTS Hồ Uy Liêm đáp:

“Nơi nào mà các dự án Trung Quốc tham gia đấu thầu và thắng thầu và bắt đầu xây dựng thì họ đều đưa công nhân của họ vào. Rất đáng ngại là bên cạnh công nhân kỹ thuật, họ đưa rất nhiều công nhân phổ thông không có tay nghề vào. Điều này hoàn toàn không mong muốn và rất đáng lo ngại. Trên thế giới bất kỳ nước nào không chỉ riêng ta với Trung Quốc đâu. Người Việt Nam sang nước khác làm việc mà thực hiện không đúng hợp đồng thì dĩ nhiên họ đuổi những công nhân không có tay nghề về thôi. Ta với TQ cũng thế, không nói vấn đề tranh chấp này nọ mà trong hợp đồng kinh tế nói rất rõ chỉ chấp nhận công nhân kỹ thuật TQ vào thôi, tất nhiên cả các kỹ sư nữa nhưng họ lại đưa vào công nhân phổ thông, công nhân không có tay nghề, điều này không thể thể chấp nhận được. Chưa nói đến chuyện các công nhân ấy vào không phải theo hợp đồng lao động mà phần lớn theo visa du lịch.”

Trong tuần qua các báo mạng như Tuổi Trẻ, Lao Động, VnExpress, VietnamNet đều đưa tin về việc phát hiện hơn 1.000 lao động Trung Quốc làm việc không phép tại dự án Nhà máy đạm Cà Mau.

030_260-250.jpg
Công nhân Trung Quốc ở công trường khai thác bauxite Tân Rai, Lâm Đồng. Photo courtesy of SGTT.

Nhà báo Tuổi Trẻ Online, trích lời ông Lê Thanh Tòng, Phó giám đốc Sở Lao động-thương binh và xã hội tỉnh Cà Mau xác nhận 1.051 công nhân làm việc không giấy phép là do nhà thầu chính của dự án là Công ty cổ phần khoa học kỹ thuật Ngũ Hoàn của Trung Quốc trực tiếp đưa sang. VnExpress bản tin trên mạng ngày 10/8 nói rõ phần lớn số công nhân này là lao động phổ thông, họ làm những công việc đơn giản như khiêng gạch, trộn hồ với tiền công cũng rất thấp vào khoảng 100 ngàn đồng mỗi người một ngày.

Người Việt mất việc làm?

Được yêu cầu nhận định về tình trạng lao động Trung Quốc làm việc không phép không những làm mất cơ hội làm việc của người Việt Nam mà còn có thể gây những ảnh hưởng xấu về nhiều mặt. Luật sư Nguyễn Văn Hậu, trưởng ban tuyên truyền Hội Luật gia TP.HCM nhận định là, người lao động Trung Quốc sang đây rất nhiều bởi vì họ không có công ăn việc làm. Trong một số ngành nghề sử dụng lao động nước ngoài thì trước hết họ phải xin phép cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Luật Sư Nguyễn Văn Hậu nhấn mạnh:

Nếu một số doanh nghiệp sử dụng lao động nước ngoài như trường hợp ở Cà Mau, thì nó sẽ phá vỡ chính sách lao động của Việt Nam và nó sẽ gây mất ổn định trật tự xã hội.

LS Nguyễn Văn Hậu

“Nếu để tình trạng lao động như thế này thì thứ nhất nó sẽ phá vỡ trật tự xã hội của Việt Nam. Thí dụ người lao động nước ngoài làm việc ở TP.HCM hay các tỉnh là do yêu cầu công nghệ cao, chỉ những nghề nào mà do công nghệ cao hay về khoa học kỹ thuật mà Việt Nam không có thì mới sử dụng lao động đó. Nếu một số doanh nghiệp sử dụng lao động nước ngoài như trường hợp ở Cà Mau, thì nó sẽ phá vỡ chính sách lao động của Việt Nam và nó sẽ gây mất ổn định trật tự xã hội. Tôi nghĩ là phải xử lý chế tài thật nặng doanh nghiệp đó thì mới làm gương cho các doanh nghiệp khác. Vấn đề của chúng ta là chỉ nên sử dụng lao động nước ngoài trong một số lãnh vực mà Việt Nam không có thôi, chứ lao động đơn giản thì Việt Nam rất nhiều. Và người lao động nước ngoài làm việc ở Việt Nam thì chỉ tuyển dụng trong một thời hạn nhất định và phải có kế họach có chương trình, dù là công nghệ cao thì cũng phải đào tạo để người Việt Nam có thể sớm làm được công việc đó, Việt Nam phải có chính sách về vấn đề này.”

Mỗi lần kiểm tra là mỗi lần phát hiện vi phạm, ông Dữ Minh Huân, Trưởng phòng chính sách lao động và bảo hiểm xã hội của sở Lao động và Thương binh Xã hội Cà Mau nói với nhà báo Tiền Phong Online như thế. Phạt hành chính về hành vi tuyển dụng lao động thì các nhà thầu đều nộp phạt, ngoài ra đã quyết định trục xuất 16 người nhưng không giám sát được việc này.

Buông lỏng quản lý

1243945008-250.jpg
Nhà máy Đạm Cà Mau. Photo courtesy of PetroVN.

Theo lời ông Chung Ngọc Nhãn, Giám đốc Sở LĐTB&XH Cà Mau nói với nhà báo Tuổi Trẻ : “Nhà thầu Trung Quốc tuyển dụng lao động không có hồ sơ theo qui định, sử dụng lao động không phép, không báo cáo đúng định kỳ theo qui định đã gây khó khăn cho việc quản lý lao động người nước ngoài.

Đại tá Trần Như Tâm, Trưởng phòng An ninh kinh tế Công an Cà Mau nói: “Công an quản lý an ninh trật tự và tạm trú chứ cũng không nắm được lao động có phép hay không phép”. Cơ quan quản lý Nhà nước cao nhất là Bộ Lao Động Thương Binh Xã Hội thể hiện là, mình chưa biết gì về tình trạng lao động Trung Quốc tới hơn ngàn người làm việc không phép ở dự án Nhà máy đạm Cà Mau. Ông Nguyễn Xuân Hòa Thứ trưởng của Bộ đã nói với báo Tuổi Trẻ Online là chưa nhận được báo cáo nào như thế.

Đối với các thông tin vừa nói, Luật sư Nguyễn Văn Hậu nhận định:

“Những người có trách nhiệm trước hết sẽ bị xử lý chế tài theo qui định của Luật lao động Việt Nam là xử phạt qui định hành chính vì đã sử dụng lao động không đúng. Thứ hai nếu họ là doanh nghiệp Nhà nước thì họ có thể bị xử lý kỷ luật theo Luật cán bộ công chức. Thậm chí nếu còn gây ra những tác hại khác thì tùy trường hợp họ có thể bị tước quyền kinh doanh vì đã vi phạm nghiêm trọng pháp lệnh lao động. Đặc biệt luật lao động có một chương về lao động của tổ chức, cá nhân nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Luật lao động Việt Nam có điều chỉnh những vấn đề này, nếu những người vào đây làm chui không đóng thuế, không có sổ lao động, trốn tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, các phúc lợi khác của người lao động, nếu bị phát hiện thì doanh nghiệp có thể bị chấm dứt họat động, xử phạt về vi phạm hành chính còn những người lao động thì có thể bị trục xuất về nước sở tại.”

Đây là một vấn đề rất nghiêm trọng, chúng tôi rất mong cơ quan quản lý Nhà nước phải chấn chính lại. Họ đã hứa rất nhiều lần nhưng bây giờ tình hình có vẻ càng ngày càng đáng lo.

TS Hồ Uy Liêm

Báo chí tràn ngập thông tin về tình trạng lao động Trung Quốc, chẳng cần giấy phép ồ ạt đổ bộ theo các nhà thầu Trung Quốc. Có một thực tế là người Trung Quốc đã thắng 90% các dự án tổng thầu ở Việt Nam. Theo báo chí Việt Nam thì đã đến lúc phải báo động về tình trạng này. PGSTS Hồ Uy Liêm, Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam nhấn mạnh:

“Chắc chắn, đây là một vấn đề rất nghiêm trọng, chúng tôi rất mong cơ quan quản lý Nhà nước phải chấn chính lại. Họ đã hứa rất nhiều lần nhưng bây giờ tình hình có vẻ càng ngày càng đáng lo ngại hơn.”

Theo Lao Động Online, công tác quản lý lao động Trung Quốc tại dự án alumin Nhân Cơ Đăk Nông đã bộc lộ một số bất cập. Nhà báo Tuổi Trẻ thì đưa tin. Trong số 312 lao động TQ đang xây dựng Nhà máy alumin Nhân Cơ được nhà thầu Chalieco Trung Quốc đăng ký với danh nghĩa công nhân kỹ thuật cao thì 190 người ‘không tấm giấy lận lưng’ cả về giấy phép lẫn bằng cấp về kỹ thuật cao, những người này là lao động phổ thông không phép.

Vào tháng 9 sắp tới sẽ có thêm 600 lao động Trung Quốc từ dự án Tân Rai Lâm Đồng chuyển về dự án Nhân cơ Đăk Nông. Lúc ấy trên mái nhà Đông Dương sẽ có 1.000 lao động Trung Quốc đóng chốt. Đâu đó ở đồng bằng sông Hồng, ở miền Trung, nhiều tỉnh xuất hiện công nhân Trung Quốc đổ bộ khuấy động cảnh làng quê thanh bình. Hẳn là các nhà quản lý của Việt Nam phải biết rõ điều này.

Theo dòng thời sự: