Đàm phán COC với ASEAN - một chiến thuật của Trung Quốc

0:00 / 0:00

Hôm 14 tháng 8 vừa qua, Bộ Ngoại giao Thái Lan cho hay các nước ASEAN cuối cùng cũng đã tìm được tiếng nói chung trước khi bước vào đàm phán với Trung Quốc về bộ quy tắc ứng xử của các bên trên biển Đông (COC) diễn ra vào cuối tháng này. Liệu đây có thể là một bước tiến mới đem hy vọng cho việc giải quyết những xung đột thường xuyên ở biển Đông hay chỉ là một chiến thuật khác của Trung Quốc? Việt Hà phỏng vấn Giáo sư Renato Cruz de Castro, thuộc trường đại học De La Salle, Philippines về vấn đề này.

Lý do TQ đàm phán với ASEAN

Việt Hà: Thưa ông, với việc ASEAN tuyên bố là đã thống nhất trong lập trường về vấn đề COC trước khi đàm phán với Trung Quốc, chúng ta có thể nói là ASEAN thực sự không còn những thách thức bên trong nào nữa trước khi đàm phán?

Renato Cruz de Castro: Theo tôi thì sự đoàn kết của ASEAN vẫn rất mong manh. ASEAN đã học được bài học chia rẽ từ năm ngoái nên họ đã xuất hiện với một sự thống nhất hơn vào lúc này. Nhưng theo tôi vẫn còn vấn đề vì Trung Quốc vẫn đang cố gắng chia rẽ ASEAN. Kế hoạch của Trung Quốc là cô lập Philippines khỏi ASEAN. Trước đó Trung Quốc đưa ra một đề xuất COC tất nhiên là không bao gồm Philippines. Nhưng ASEAN không chấp nhận nên họ phải theo nhưng tại thủ đô của các nước ASEAN, các đại sứ Trung Quốc vẫn đưa ra hình ảnh Philippines là người gây rắc rối còn Trung Quốc là người xây dựng trong khu vực. Đó chính là thách thức của ASEAN.

Việt Hà: Theo phát biểu từ người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thái lan thì ASEAN đã thống nhất để gây sức ép lên Trung Quốc trong việc đạt được một bộ COC, vậy đâu là lợi thế của ASEAN lần này trong đàm phán với Trung Quốc để gây sức ép lên Trung Quốc?

Prof. Renato Cruz de Castro: ASEAN đã học được bài học trong quá khứ là một ASEAN chia rẽ là không tốt, thứ hai việc Trung Quốc cố gắng chia rẽ ASEAN bằng cách cô lập Philippines và tỏ ra mình là người xây dựng, thứ ba là Brunei, chủ tịch luân phiên của ASEAN đã nói rõ ràng rằng nước này sẽ đặt ưu tiên vào vấn đề xung đột ở biển Đông. Đó là ba lợi thế. Hy vọng là ASEAN sẽ có chung một tiếng nói. Tôi vẫn có hy vọng vào ASEAN. Nhưng Trung Quốc hiện thời vẫn cho thấy là dường như họ là một người chơi xây dựng nhưng xây dựng đến đâu thì ta không biết. Hy vọng là với việc tỏ ra là mình là người chơi xây dựng, họ sẽ thúc đẩy thảo luận và đi đến một COC với ASEAN nhưng tôi đoán đó chỉ là một COC với những điều khoản rất nhẹ nhàng so với bản thảo mà ASEAN đưa ra.

Việt Hà: Tại diễn đàn khu vực vào tháng 6 vừa qua, Trung Quốc nói là sẵn sàng đàm phán với ASEAN về COC, điều gì đã khiến Trung Quốc đưa ra đề nghị này vào lúc này?

<br/>Họ muốn cho mọi người thấy là Philippines đang gây khó khăn bằng cách nộp đơn kiện còn Trung Quốc là người xây dựng và đang cố gắng giải quyết vấn đề trong khuôn khổ ASEAN.<br/> - Prof. Renato Cruz de Castro

Prof. Renato Cruz de Castro: Đó là bởi vì Philippines đã nộp đơn lên tòa quốc tế của Liên Hiệp Quốc theo công ước về luật biển của Liên Hiệp Quốc. Đó là lý do mà Trung Quốc làm điều này. Họ muốn cho mọi người thấy là Philippines đang gây khó khăn bằng cách nộp đơn kiện còn Trung Quốc là người xây dựng và đang cố gắng giải quyết vấn đề trong khuôn khổ ASEAN. Điều mà Trung Quốc làm là chặn trước khi có bất cứ quyết định nào từ tòa đưa ra. Họ muốn cho thấy là họ luôn hợp tác với ASEAN để giải quyết vấn đề cho nên tại sao cần phải nộp đơn kiện?

Việt Hà: Vậy ông đánh giá thế nào về sức ép từ phía Hoa Kỳ đối với bước đi này từ Trung Quốc?

Prof. Renato Cruz de Castro: Cũng có vấn đề chuyển trục chiến lược của Mỹ sang châu Á và thực tế là kinh tế Mỹ đang tăng trưởng, và Trung Quốc thấy là những điều này đang không có lợi cho Trung Quốc mặc dù vấn đề chuyển trục chiến lược của Mỹ không xảy ra ngay lập tức do các khó khăn về tài chính của Mỹ. Nhưng việc Mỹ chuyển trục chiến lược sang châu Á Thái Bình Dương là một thực tế. Trong tuần này thì Mỹ và Philippines cũng đang đàm phán để gia tăng sự hiện diện của quân Mỹ tại Philippines, đó là một tình huống khiến cho việc chuyển trục chiến lược là một thực tế rõ ràng.

Tình hình biển Đông sẽ ra sao

Cố vấn chính phủ Philipines Carlos Sorreta (T) chào đón Cố vấn an ninh của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ Eric John tại Quezon, ngoại ô Manila hôm 14/8/2013. AFP photo
Cố vấn chính phủ Philipines Carlos Sorreta (T) chào đón Cố vấn an ninh của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ Eric John tại Quezon, ngoại ô Manila hôm 14/8/2013. AFP photo (Cố vấn chính phủ Philipines Carlos Sorreta (T) chào đón Cố vấn an ninh của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ Eric John tại Quezon, ngoại ô Manila hôm 14/8/2013. AFP photo )

Việt Hà: Theo ông thì đàm phán COC lần này giữa ASEAN và Trung Quốc có ảnh hưởng thế nào đến tình hình căng thẳng ở biển Đông?

Prof. Renato Cruz de Castro: Theo tôi những bế tắc sẽ vẫn còn đó bởi vì hướng áp lực không phải lên ASEAN mà chủ yếu vấn là Philippines. Cho nên căng thẳng vẫn đó nhưng không lên cao trừ khi ai đó có hành động nào trước.

Việt Hà: Ông đánh giá thế nào về triển vọng đạt được một COC giữa ASEAN và Trung Quốc sau đàm phán?

Prof. Renato Cruz de Castro: Kịch bản tốt nhất là hai bên cố gắng đạt được một COC nhẹ nhàng hơn, ít ràng buộc hơn. Có thể là trong năm nay nhưng chắc chắn là sẽ nhẹ nhàng hơn. Theo tôi COC này chỉ cung cấp các biện pháp để xây dựng lòng tin hơn là nhằm ngăn chặn những xung đột. đó là điều lớn nhất mà tôi nghĩ may ra có thể đạt được. COC có thể có những ràng buộc nhất định, nhưng không mạnh.

Việt Hà: Xin ông nói cụ thể nếu trong trường hợp tốt nhất đạt được COC ít tính ràng buộc hơn thì COC này sẽ có tính ràng buộc ở mức nào và ràng buộc cái gì?

Prof. Renato Cruz de Castro: Ràng buộc ở chỗ là cả ASEAN và Trung Quốc sẽ có những hoạt động nhất định để cải thiện lòng tin hai phía ở mức đó nhưng sẽ không có một cơ chế nào để điều tiết xung đột. Tức là chúng ta sẽ có một bế tắc về lâu dài, tình hình sẽ vẫn giữ nguyên như hiện trạng và hy vọng là nó sẽ trở thành một cái gọi là tình hình bình thường. Đó chính là chiến thuật của Trung Quốc. Họ gây căng thẳng rồi giữ nguyên tình hình căng thẳng đó để dần dần coi nó là bình thường. Và chúng ta cũng gọi đó là bình thường. COC là một cách để giữ nguyên căng thẳng ở mức đó mà không tệ đi và đảm bảo rằng Trung Quốc luôn là người đưa ra các bước chiến lược trước.

Việt Hà: Giả sử như hai bên đạt được COC, thì liệu chúng ta có thể hy vọng sẽ không có những sự kiện Trung Quốc cắt cáp tàu Việt Nam hay ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc bắn không?

Prof. Renato Cruz de Castro: Tôi không nghĩ như vậy, điều này có thể xảy ra và Trung Quốc sẽ nói là vì Việt Nam hay Philippines đã vi phạm COC và Trung Quốc phải có hành động. Cho nên theo tôi điều này sẽ vẫn tiếp tục. Nó sẽ vẫn xảy ra nhưng tăng từ từ và đảm bảo là nó sẽ chuyển sang thế có lợi cho Trung Quốc. Điều mà Trung Quốc sẽ làm là chờ đợi cho đến khi Philippines và Việt Nam có một bước đi sai. Trung Quốc rất kiên nhẫn và họ biết họ là người chơi lớn trong khu vực. Họ là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có hải quân mạnh đang phát triển cho nên thời gian thuộc về phía họ và họ chỉ chờ thôi.

Việt Hà: Xin ông nói cụ thể là bước sai nào mà Philippines hay Việt Nam có thể làm để khiến Trung Quốc phản ứng?

<br/>COC là một cách để giữ nguyên căng thẳng ở mức đó mà không tệ đi và đảm bảo rằng Trung Quốc luôn là người đưa ra các bước chiến lược trước.<br/> - Prof. Renato Cruz de Castro

Prof. Renato Cruz de Castro: Chúng ta nghĩ là tình hình đã ổn định, và chúng ta bắt đầu các hoạt động như khai thác bình thường chẳng hạn và đó là lúc Trung Quốc nói là chúng ta đưa ra các dấu hiệu cho thấy chúng ta đã phá vỡ hiện trạng và ép Trung Quốc phải ra hành động, tức là Trung Quốc chỉ phản ứng lại những hành động của Việt Nam và Philippines mà thôi.

Việt Hà: Như vậy là sau cuộc gặp chúng ta có thể hy vọng đạt được một COC nhưng cũng có thể là không đạt được gì và nếu như vậy thì tình hình sẽ thế nào?

Prof. Renato Cruz de Castro: Ít nhất đó cũng có thể coi là một chiến thắng cho ASEAN và gửi cho Mỹ một tín hiệu rằng tại sao Mỹ cần phải chuyển trục chiến lược khi mà Trung Quốc có thể làm việc với ASEAN để điều tiết căng thẳng tại biển Đông và đồng thời làm ra vẻ rằng Trung Quốc đang là người chơi tích cực còn Philippines là người gây rối. Cho nên nó cũng giống như cái cốc đầy nước và cái cốc nửa đầy nước. Cho nên tình huống tốt nhất sau cuộc gặp là một COC ít ràng buộc và nó có ý nghĩa chiến thắng về mặt ngoại giao cho ASEAN còn với Trung Quốc là để đóng băng tình hình hiện có. Nếu chúng ta không đạt được COC thì mọi cái lại trở lại như cũ.

Việt Hà: Xin cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn này.