Cà phê mùa giáp hạt

0:00 / 0:00

Sản lượng cà phê dự báo giảm 2 vụ liên tiếp, phân nửa doanh nghiệp xuất khẩu cà phê ngừng hoạt động. Nhưng ngược lại nông dân trồng cà phê đã làm được điều thần kỳ là điều tiết thị trường để bảo đảm lợi nhuận.

Hiện nay cà phê Việt Nam đang mùa giáp hạt, vụ cà phê 2012-2013 sắp kết thúc vào cuối tháng 9 và niên vụ 2013-2014 sẽ khởi sự từ 1/10. Do vậy giá cả xuống thấp, dù trong phiên giao dịch ngày 27/8 tại sàn NYSE Liffe Luân Đôn giá cà phê robusta giao tháng 11 tăng chút đỉnh lên mức 1.782 USD/tấn. Tại Đăk Lak thủ phủ cà phê Tây nguyên, cà phê robusta nhân thô được mạng giacaphe.com ghi nhận khoảng 37.500 đ/kg. Theo ông Nguyễn Vịnh nhà tư vấn cho nông dân cà phê Tây nguyên, thị trường nội địa hiện nay trầm lắng không có giao dịch. Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ không vay vốn giờ này vì sẽ không có hàng để mua mà vẫn phải trả lãi ngân hàng.

“Giá này là giá hàng future tức là giá thị trường kỳ hạn, chứ còn hàng thật thì không ai bán giá này đâu. Thí dụ trước đây người ta mua lỗ bán lỗ rồi thì người ta để luôn không bán nữa. Ngược lại những người chưa xuất kho chắn chắn người ta không bán giá này, giá người ta kỳ vọng là năm quanh mức 40.000đ/kg.”

Mặc dù kim ngạch xuất khẩu cà phê mỗi năm hơn 3 tỷ USD, nhưng tổng nợ xấu liên quan tới cà phê mà các ngân hàng lo sốt vó đã lên tới 8.000 tỷ đồng. Trong số 127 doanh nghiệp Việt Nam tham gia xuất khẩu cà phê thì năm ngoái 56 đơn vị ngừng hoạt động, hoặc đã chết lâm sàng. Cuộc khủng hoảng doanh nghiệp cà phê Việt Nam được giải thích với nhiều nguyên nhân như đầu tư dàn trải, ngoài ngành, nhưng nguyên nhân chủ yếu và đáng tin cậy nhất theo các chuyên gia là câu chuyện thua lỗ từ 2009 đến nay. Đa số doanh nghiệp buôn bán quốc tế không hiệu quả. Một số lượng lớn công ty buôn bán theo hình thức chốt giá sau, trừ lùi một khoản nhất định, thí dụ từ 70 tới 100 USD theo giá thị trường kỳ hạn Luân Đôn. Nhưng khi chốt giá thì thị trường không diễn biến theo mong muốn và doanh nghiệp phải mua cao bán thấp chịu lỗ vốn.

Trong ba năm vừa qua, nông dân Việt Nam đi theo bài toán của hạt tiêu, tức là giá xuống thì không bán, giá lên mới bán…còn các ông doanh nghiệp muốn làm gì kệ các ông… <br/> - Ông Đỗ Hà Nam<br/> <br/>

Đối với kinh doanh trên thị trường kỳ hạn, ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Câu lạc bộ 20 nhà xuất khẩu cà phê hàng đầu Việt Nam, phân tích nhược điểm của phần lớn doanh nghiệp Việt Nam, theo đó nếu tiếp tục kinh doanh phụ thuộc vào sàn Luân Đôn, thì điều quan trọng nhất là các doanh nghiệp Việt Nam phải tham gia được vào hedging sàn tức là làm sao mua và bán trên sàn chấp nhận các rủi ro như doanh nghiệp trên thế giới đang làm. Nhưng đối với Việt Nam vấn đề không đơn giản như vậy, bởi vì mua của nông dân là mua đứt bán đoạn và khi chốt giá lên sàn thì không phải lúc nào cũng đúng như mong muốn. Nhược điểm lớn nhất của các doanh nghiệp Việt Nam là khả năng chuyên nghiệp hóa trong việc chốt giá lên sàn rất là kém dẫn tới thua lỗ triền miên. Ông Đỗ Hà Nam nhận định:

“Các doanh nghiệp Việt Nam bằng cách nào đấy phải thoát được sàn Luân Đôn, thực hiện dưới dạng mua ngay bán ngay, mua outright bán outright. Bán cho doanh nghiệp nước ngoài thì chốt giá ngay, như vậy doanh nghiệp sẽ chốt được lợi nhuận, khả năng duy trì là như vậy. Hiện nay một số doanh nghiệp tồn tại được cho tới ngày hôm nay là họ đi theo phương án này. Tất nhiên phải mua bán theo dạng không được đánh bạc hưởng lợi nhuận ít thôi nhưng lấy an toàn làm đầu.”

Theo tin Bloomberg ngày 27/8, tồn kho cà phê robusta có chứng nhận theo dự báo của sàn kỳ hạn NYSE Liffe Luân Đôn sẽ giảm 34% chỉ còn 52.000 tấn vào thời điểm cuối năm 2013, mức thấp nhất kể từ tháng 5 năm 2.000 cho đến nay. Có nhiều nguyên do để các nhà rang xay thế giới vét kho thay vì nhập hàng mới, như mưa nhiều ở khu vực trồng cà phê robusta của Indonesia có thể làm nguồn cung cấp trì chậm. Nhưng ở Việt Nam, nơi xuất khẩu cà phê robusta nhiều nhất thế giới, thì tác động của việc nông dân không bán giá thấp là không thể không đáng chú ý.

Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Câu lạc bộ 20 nhà xuất khẩu cà phê hàng đầu Việt Nam nhận định:

“Trong ba năm vừa qua, nông dân Việt Nam đi theo bài toán của hạt tiêu, tức là giá xuống thì không bán, giá lên mới bán…còn các ông doanh nghiệp muốn làm gì kệ các ông… và vì đời sống người nông dân tương đối khá cho nên việc trữ hàng của họ không cần vốn nhà nước hay cần ai hỗ trợ. ”

Theo Bộ Công thương, năm 2012 kim ngạch xuất khẩu cà phê đạt hơn 1,7 triệu tấn trị giá 3,67 tỷ USD. Không giống như lúa gạo có kim ngạch xuất khẩu tương tự, doanh nghiệp gạo hưởng lợi còn nông dân sống lây lất, trong khi nông dân cà phê trụ vững và trên ý nghĩa nào đó đã điều tiết thị trường giá cả. 56 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê vỡ nợ hay ngừng hoạt động, nhưng rất may đã không ảnh hưởng tới người nông dân.