Duy trì thị trường
Năm Nhâm Thìn 2012 này, vùng sản xuất cà phê Tây Nguyên chứng kiến một sự thay đổi lớn, đó là nông dân không còn bán ra ồ ạt ngay sau vụ thu hoạch hoặc giá càng xuống càng bán ra mau vì sợ mất giá thêm nữa. Nhiều người lý giải rằng người trồng cà phê nay đã trưởng thành với kinh nghiệm thị trường và đời sống khá giả hơn nên đã trữ cà phê lại, chỉ bán ra từng lượng nhỏ khi cần thiết.
Trong cuộc phỏng vấn của chúng tôi, ông Đỗ Hà Nam, chủ tịch Câu lạc bộ 20 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê hàng đầu Việt Nam, ước định mức tiêu thụ xuất khẩu cà phê cho tới đầu tháng 2 chỉ đạt 25%-30% sản lượng mặc dù mùa thu hoạch đã kết thúc.
“Người dân bắt đầu nhận ra một điều, không cần vội vã bán, được giá thì bán nếu không từ từ bán thành ra thị trường duy trì tốt. Như vậy từ nay đến khi vào vụ mới lượng hàng sẽ dồi dào để tồn kho sang vụ sau. Điều này rất phù hợp với qui luật của các nhà kinh doanh cà phê trên thế giới như Brazil, Indonesia, khi giá xuống họ cất giữ tồn kho khoảng 1 năm. Năm nay thì dân ta giữ dưới dạng nguyên vỏ nên trữ lượng ổn định, nếu mà chưa xay vỏ ra thì chất lượng giữ rất tốt.”
Người dân bắt đầu nhận ra một điều, không cần vội vã bán, được giá thì bán nếu không từ từ bán thành ra thị trường duy trì tốt.
Ông Đỗ Hà Nam
Như vậy người trồng cà phê có thể vẫn giữ trong nhà mình khoảng 70% tổng sản lượng hơn 1 triệu tấn của niên vụ 2011-2012 theo dự báo trước đó của Hiệp hội cà phê VICOFA. Niên vụ cà phê ở Việt Nam khởi sự từ đầu tháng 10 năm trước kết thúc vào cuối tháng 9 năm sau.
Mặt khác theo số liệu Tổng cục Thống kê, xuất khẩu cà phê trong tháng 1/2012 chỉ đạt 130.000 tấn giảm gần 17% so với cùng thời gian năm 2011. Tình trạng giảm xuất khẩu cà phê robusta ở Indonesia lên tới 65% theo tin nước ngoài. Mạng tin cà phê của nông dân Tây Nguyên hy vọng là tình trạng này sẽ đẩy giá cà phê tăng trở lại trên thị trường thế giới.
Điều tiết thị trường
Đáp câu hỏi của Nam Nguyên, theo đó sức chịu đựng của nông dân cà phê Tây nguyên không thể vô hạn và như thế tình trạng hạn chế bán ra có lúc phải kết thúc với những hậu quả khó lường. Ông Đỗ Hà Nam doanh gia từng nhiều năm chi phối 25% lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam nhận định:
“Người nông dân sản xuất ra từ vườn của họ, hàng hóa đó không chịu áp lực của lãi suất ngân hàng và thứ hai là vấn đề giá, năm ngoái rất được mùa được giá người nông dân có thể giữ hàng mà không phải vay ngân hàng. Khi một thứ có thể chuyển biến theo dạng tiền tệ, một kiểu tiền tệ thì hàng hóa đó được xem là tiền tệ, cần đến đâu bán đến đó, thì áp lực của bán ra sẽ giảm đi rất nhiều. Còn khi chúng ta là những người nghèo cần tiền phải bán ra hết để lấy tiền trang trải cho công việc cho đầu tư …. thì không bán là càng nguy hiểm.”
Người trồng cà phê ở Tây Nguyên nhìn nhận với chúng tôi về thực tế các nhà vườn không bán ra ồ ạt như những năm trước, cho dù 37.000-38.000/kg nhân là mức giá có lời cho nông dân. Tuy vậy sự đồng lòng hạn chế bán ra là hành động tự phát không phải là liên kết bài bản. Ngay cả những người canh tác cà phê ít vốn diện tích nhỏ cũng tìm cách hạn chế bán ra chờ giá tốt. Một người dân Tây Nguyên phát biểu:
“Người ta có thể vay mượn ở đâu đó để chi tiêu và chấp nhận để hàng lại giống như đầu cơ nông sản vậy thôi. Nhận thức đó là phổ biến, người ta sẵn sàng đi vay tiền chấp nhận lãi, như kiểu vay tiền đầu cơ nông sản mà trong trường hợp này là mua lại của chính mình.”
Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Đỗ Hà Nam có vẻ lạc quan về đời sống tăng cao của người trồng cà phê, người trồng tiêu. Ông cho biết công ty của ông có hệ thống siêu thị điện máy ở Tây Nguyên và trong thời gian qua người nông dân Tây Nguyên đã thể hiện sự chọn lựa đối với những sản phẩm cao cấp đắt tiền. Ông Đỗ Hà Nam nói tiếp:
“Có thể nói hiện nay làm nông nghiệp rất tốt, mức sống của nông dân có bước tiến rất tốt, người dân biết tự mình cố gắng điều tiết thị trường. Nếu như Việt Nam làm được việc này thì đây là điều làm cho thế giới phải tôn trọng người nông dân Việt Nam. Tôi nghĩ rằng về lượng robusta hiện nay, Việt Nam chiếm 36% đến 38% tổng lượng toàn cầu cộng với Brazil chiếm 24%, Indonesia 15%, tổng cộng chiếm giữ hơn 70% cà phê robusta toàn cầu.
Có thể nói hiện nay làm nông nghiệp rất tốt, mức sống của nông dân có bước tiến rất tốt, người dân biết tự mình cố gắng điều tiết thị trường.
Ông Đỗ Hà Nam
Nếu ba nước biết đoàn kết thì sẽ giữ được giá cà phê ổn định. Hiện nay theo chúng tôi được biết thì ở Indonesia người ta cũng găm hàng lại chưa bán ra. Như vậy mặc nhiên các nước thể hiện sự liên kết tự nguyện, hy vọng rằng giá cà phê robusta sẽ tốt hơn nhiều.”
Việt Nam đã phát triển nông nghiệp ở tốc độ ồ ạt trong thập niên 1990 bắt đầu thời kỳ đổi mới, mặc dù nằm trong tốp đầu các nước xuất khẩu gạo và cà phê nhưng lợi tức của nông dân thấp, không ổn định và hoàn toàn tùy thuộc đầu ra xuất khẩu. Theo sự nhận xét của chuyên gia, gần đây nông dân trồng tiêu, cà phê đã phần nào thoát “vòng kim cô” chủ động điều tiết lượng hàng bán ra từ đó tạo ra một thị trường giá tốt.