Bức xúc trong nền kinh tế
Báo chí trong nước đưa tin về chủ đề này đều khắp và gây được sự chú ý của công luận. Thời báo Kinh tế Việt Nam bản tin trên mạng ngày 31/10 trích ý kiến Đại biểu Đà Nẵng Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh mà tờ báo cho là có góc nhìn khác lạ. Theo đó, ông Thanh cho rằng để tái cơ cấu ngân hàng thương mại cần chú ý hai vấn đề rất lớn, một là lợi ích nhóm và hai là vấn đề nợ xấu. Ông Nguyễn Bá Thanh nhấn mạnh: “Đất nước đang đổi mới, phát triển, có nhiều thành tựu, trong đó cũng có công rất lớn của ngành ngân hàng, nhưng nếu mai này có sự đổ vỡ nền kinh tế, thì cũng bắt đầu chính từ hệ thống ngân hàng.
GS Vũ Văn Hóa
Đáp câu hỏi của Nam Nguyên là nợ xấu ngân hàng theo công bố chính thức là 8,6% tổng dư nợ, trong khi quốc tế nói mức này từ 14% tới 15% chứ không thể ít hơn, vậy con số nào là khả tín? GSTS Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội nhận định:
“Hiện nay nợ xấu là vấn đề nan giải, thống kê của Ngân hàng Nhà nước 8% là một thống kê không đúng sự thật, mà nhiều người nói dù là 14% như tổ chức quốc tế nói thì cũng còn là ít. Nợ xấu hiện nay người ta cho rằng là một vấn đề bức xúc trong nền kinh tế, nếu không nói lên sự thật thì đến lúc cả nến kinh tế đổ vỡ thì đó là điều đáng tiếc. Bây giờ chúng ta phải thừa nhận nợ xấu ở mức độ nào thì mới có giải pháp thiết thực để tháo gỡ.”
Báo Đất Việt bản tin trên mạng ngày 1/11/2012 tường thuật vấn đề nợ xấu được bàn thảo nhiều ở Quốc hội, theo đó Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh đề nghị Ngân hàng Nhà nước phải bóc tách và xác định nợ xấu của các tập đoàn, tổng công ty là bao nhiêu, của hệ thống là bao nhiêu thì mới có biện pháp giải quyết nợ xấu một cách hữu hiệu được. Theo lời Ông Thanh: “Có những khoản không phải chỉ là nợ xấu mà là rất xấu và có thể bị mất hoàn toàn.”
Ông Nguyễn Bá Thanh đề cập tới một vấn đề cực kỳ phức tạp đó là nâng khống giá trị tài sản để cho vay hoặc vay tiền cho dự án. Đây là lý do tại sao Ngân hàng không thể siết nợ dù nợ đã quá hạn từ lâu. Theo VnEconomy.vn, ông Thanh lấy ví dụ, một khu đất có giá trị khoảng 200 tỷ đồng, bằng một hợp đồng mua bán họ đã đưa lên 800-1.000 tỷ đồng để cho vay hoặc được vay 600 tỷ, bây giờ bán thì chưa được 100 tỷ, khu đất đó không có ai mua, như vậy mất đứt 500 tỷ, đây chính là nợ xấu. Tuy vậy cả người đi vay và người cho vay cũng đã bỏ túi hàng chục tỷ đồng. Xin nhắc lại rằng không ít ngân hàng thương mại vừa cung cấp tín dụng liên quan đến bất động sản lại vừa đầu tư vào bất động sản.
Theo VnExpress, tổng dư nợ của hệ thống ngân hàng thương mại hiện nay là hơn 2 triệu tỷ đồng, trong đó dư nợ tín dụng liên quan đến bất động sản lên đến 57% tức hơn 1 triệu tỷ đồng, gồm cho vay để kinh doanh bất động sản, vay đề đầu tư sản xuất và kinh doanh, thế chấp bằng bất động sản. GSTS Vũ Văn Hóa phân tích với chúng tôi:
“Bất động sản chiếm tỷ lệ lớn thôi, ngoài ra ở các doanh nghiệp tồn đọng rất nhiều hàng tiêu dùng, những thứ đó cũng là vay vốn ngân hàng cả thôi. Ví dụ đường mía chẳng hạn, bây giờ tồn rất nhiều, sắt thép ở Việt Nam tồn kho hàng triệu tấn. Trong khi đó dù không bán được nhưng lại buông lỏng quản lý cho nhập thép từ bên ngoài vào, làm cho khó khăn càng khó khăn thêm. Tất cả những tình hình ấy cộng lại phải nói là hàng tồn kho của các doanh nghiệp tăng lên đáng kể và vốn trong hàng tồn kho đó chủ yếu cũng là vốn ngân hàng, doanh nghiệp đâu có vốn. Tóm lại bất động sản là một phần lớn hơn, còn lại tất cả những thứ khác cộng lại làm cho tỷ lệ nợ xấu tăng lên.”
Không dám nói sự thật
GS Vũ Văn Hóa
Theo các báo điện tử mà chúng tôi xem được, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã tách riêng dư nợ bất động sản thuần túy là khoảng 203.000 tỷ đồng với tỷ lệ nợ xấu 6,6%, trên tổng số dư nợ liên quan đến bất động sản nói chung là hơn 1 triệu tỷ đồng. Nhiều chuyên gia cho rằng tách riêng như vậy chỉ là cách làm giảm nhẹ tình hình, bởi vì dư nợ bất động sản phải kể chung mọi lãnh vực liên quan đến bất động sản như cho vay để kinh doanh bất động sản, vay để đầu tư sản xuất và kinh doanh thế chấp bằng bất động sản.
GSTS Vũ Văn Hóa phân tích thêm về nợ xấu từ bất động sản:
“Nợ của bất động sản được coi là xấu vì bất động sản tồn kho, tạm gọi từ tồn kho, không ai mua bởi vì vượt quá mức thu nhập của dân chúng, được thổi lên cái giá quá cao, tạm gọi là bong bóng. Tất cả những thứ ấy là hàng hóa tồn đã 3-4 năm rồi thậm chí có dự án đến 5-6 năm nhưng mà không ai động đến cả. Rất nhiều nhà cao cấp hoặc nhà trung bình chẳng ai động đến cả. Người dân không đủ tiền mua thì tất nhiên bất động sản bị đóng băng, chủ của các dự án đó không trả được nợ ngân hàng thì tất cả giá trị bất động sản đó gọi là nợ xấu. Thống kê thì mỗi người nói một khác nhau, ở ngân hàng thì đang giấu giếm cái đó không dám nói sự thật.”
Theo phân tích của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh được Thời Báo Kinh tế Việt Nam trích thuật thì, quản lý Nhà nước đã yếu mà cho thành lập quá nhiều ngân hàng, dẫn đến mất kiểm soát. Ông Thanh đề cập đến vấn đề này từ tháng 10/2011 tại kỳ họp thứ hai của Quốc hội. Ông Thanh từng ví dụ: “một ngân hàng có vốn khoảng nghìn tỷ đồng khi mới thành lập, huy động thêm khoảng 10 nghìn tỷ nữa sau đó nhẹ nhàng rút tiền của mình ra rồi lấy 10 nghìn tỷ của thiên hạ đi buôn bất động sản. Khi giá đất rớt thê thảm, đến hạn không có tiền trả lại cho người gửi thế là đua nhau đẩy lãi suất huy động lên cao, 18%,20%, thậm chí 25%,30% để có tiền, lấy tiền của người sau để trả cho người trước, đẩy lạm phát lên cao.”
Vẫn theo Thời báo Kinh tế Việt Nam, từ thời điểm một năm trước, ông Nguyễn Bá Thanh đã cảnh báo vấn đề nợ xấu gia tăng, khi thị trường nhà đất đóng băng và ngân hàng không bán được cả đất của mình lẫn đất là tài sản thế chấp. Người đọc báo chưa quên phát biểu gây chấn động của Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh: “Tái cơ cấu lại ngành ngân hàng là việc cần làm ngay, làm kiên quyết, nhưng lưu ý đây là vấn đề rất khó, khó nhất là động chạm đến lợi ích nhóm, và không khéo một ông chết sẽ kéo theo hàng loạt ông chết, gây hậu quả cho xã hội.”
Cho đến đầu tháng 11, theo Tuổi Trẻ Online chính phủ vẫn đang chờ đợi đề án tổng thể mà Ngân hàng Nhà nước xây dựng để xử lý nợ xấu. Duy có điều Nhà nước sẽ không trả nợ thay doanh nghiệp, điều này được ông Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ xác nhận.
Nợ xấu ngân hàng có lẽ đã quá lớn kể cả hàng tiêu dùng tồn kho và bất động sản đóng băng, như lời GSTS Vũ Văn Hóa nhận định trong cuộc phỏng vấn của chúng tôi, không nói lên sự thật về mức nợ xấu để rồi khi nó làm đổ vỡ nền kinh tế thì hối tiếc cũng muộn màng.
Các dữ liệu về kinh tế, xã hội đáng chú ý tại Việt Nam
Theo dòng thời sự:
- Thanh trừng nội bộ hay kịch bản của ngoại bang?
- Hiệu ứng Boomerang
- TS Lê Đăng Doanh: vụ "Bầu" Kiên là hệ quả việc thiếu giám sát quyền lực
- Tổng giám đốc Tập đoàn tài chính ACB Nguyễn Đức Kiên bị bắt
- Thị trường chứng khoán Việt Nam hốt hoảng trước tin Bầu Kiên bị bắt
- "Đại gia" hay "trọc phú" thời hiện đại?
- Công ty Cổ phần thủy sản Bình An thanh toán tiền nợ
- Nông dân Cần Thơ đòi Bianfishco phá sản
- Vỡ Nợ Dây Chuyền- Tháp Cao Sụp Đổ?
- Phó vụ trưởng Bộ Tài chính bị truy nã vì tội lừa đảo
- TGĐ công ty CP sàn bất động sản Việt Nam tù chung thân