Nhạc sĩ Đăng Khánh và trăn trở về nhạc Việt Nam

0:00 / 0:00

Cùng với Hồ Ngọc Hà, Thanh Lam, Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng và nhiều ca sĩ khác cũng nằm trong lời nhận xét của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 gần đây về nhạc trẻ trong nước… mặc dù sự việc đã lắng xuống, nhưng qua những lời chia sẻ từ đáy lòng của nhạc sĩ lão thành về tình hình âm nhạc chung trong nước, nhạc sĩ Đăng Khánh cũng có những tâm sự giãi bày về tương lai của âm nhạc nước nhà.

Vũ Hoàng: Gần đây giới yêu nhạc rất quan tâm đến vài nhận xét về âm nhạc và ca sĩ VN hiện nay của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 tại Sài Gòn. Nhạc sĩ Đăng Khánh có ý kiến gì về việc này?

Nhạc sĩ Đăng Khánh: Tôi thấy đây là những phát biểu rất tâm huyết của một nhạc sĩ lão thành, tôi tin rằng những tư tưởng này nảy sinh ra từ những trăn trở lâu dài của ông trước nền âm nhậc VN. Sự lên tiếng của ông vào lúc này, dù vô tình hay cố ý đã là một sự nhắc nhở cần thiết cho giới âm nhạc, từ người sáng tác cho đến người trình diễn và cả giới thưởng ngoạn nữa. Trong đời sống này, đôi khi sự thật cũng hơi mất lòng là vậy.

Vũ Hoàng: Vậy nhạc sĩ Đăng Khánh có thể cho biết suy nghĩ của ông về âm nhạc VN, nói nôm na ra là tương lai âm nhạc VN sẽ ra sao?

Nhạc sĩ Đăng Khánh: Đây không phải là lần đầu tiên tôi được hỏi câu hỏi này. Hôm nay anh Vũ Hoàng hỏi, tôi lại được 1 lần nữa nhắc lại những suy tư của mình. Gần đây, tôi mới đọc được trong 1 bài của báo Tuổi trẻ trong nước, phỏng vấn ông Paul Weinig là Viện trưởng Viện Văn Hóa Goeth tại Sài Gòn. Tôi rất tâm đắc với những nhận định của ông về âm nhạc tại VN hiện nay, khi ông nói rằng ông thấy rất đáng tiếc là trẻ em và những người trẻ hầu như không được học nhạc ở trường học và chỉ có thể cảm nhận âm nhạc thông qua những gì họ nghe thấy hàng ngày. Họ không có cơ hội tìm hiểu và hiểu được những cấu trúc âm nhạc phức tạp để có thể phát triển được tư duy và tâm hồn âm nhạc trong đầu và đấy cũng là lý do họ khó có thể sáng tạo trong lĩnh vực này.

Trẻ em và những người trẻ hầu như không được học nhạc ở trường học và chỉ có thể cảm nhận âm nhạc thông qua những gì họ nghe thấy hàng ngày. Họ không có cơ hội tìm hiểu và hiểu được những cấu trúc âm nhạc phức tạp để có thể phát triển được tư duy và tâm hồn âm nhạc trong đầu và đấy cũng là lý do họ khó có thể sáng tạo trong lĩnh vực này

(nhận dịnh của ông Paul Weinig)

Theo tôi biết, mặc dù VN có ít nhất 2 viện âm nhạc, một tại HN và một tại SG, nên việc đào tạo các nhạc sĩ chuyên nghiệp được coi là thành công, nhưng đời sống xã hội ở trong nước đã không tạo được môi trường thích hợp để nuôi dưỡng và mở rộng ảnh hưởng của các loại âm nhạc trình diễn này trong quần chúng thưởng ngoạn. Và mình cũng không quên rằng, khi nói đến âm nhạc VN là nói đến ca khúc VN, các bản nhạc có lời tức bao gồm giai điệu và ca từ, trong khi đó thì những loại nhạc phổ thông, các loại ca hát giải trí và thương mại thì quả thật là đang phát triển đến chóng mặt, mà mọi người đều nghĩ đó là “nền âm nhạc VN”, và cứ tự hỏi là nền âm nhạc như thế này sẽ đi về đâu!

Tình ca Đăng Khánh. Courtesy dangkhanhmusics
Tình ca Đăng Khánh. Courtesy dangkhanhmusics (Courtesy dangkhanhmusics)

Thật ra đây là những ca khúc dễ dãi, được viết ra hay hát ra một cách bộc phát, nghĩa là nghĩ sao, hát vậy, không cần suy tư, không cần chọn lọc ca từ và cũng không cần kiến thức âm nhạc. Xin đơn cử một câu nhạc tôi đọc được đâu đó như thế này:

Vì ngày hôm qua anh đã thấy em ôm hôn một người

Như muốn cào xé nát trái tim anh…

Đây đích thức là 1 câu văn xuôi, nếu cứ nói sao hát thế và làm thành nhạc thì không thể nào bản nhạc có thể theo một chuẩn mực, một cấu trúc, một luật lệ nào của âm nhạc, do đó, sẽ không thể có một tác phẩm giá trị được. Chúng ta không quên rằng: âm nhạc là một bộ môn "khoa học của âm thanh" với những tiến hóa và phát triển rất logic của nó.

Có nhiều người nghĩ, những loại nhạc như vậy chỉ là nhạc giải trí, không hại gì, nhưng nếu cả nước, suốt ngày mọi người chỉ nghe các loại ca khúc loại này thì đương nhiên câu hỏi âm nhạc chúng ta sẽ đi về đâu đã có câu trả lời rồi.

Vũ Hoàng: Xin quay lại với N.S Đăng Khánh, theo ông, thì hiện tại trào lưu nhạc Hàn, Trung Quốc hay khu vực sẽ tác động ra sao đến âm nhạc Việt Nam ạ? Và thời gian tới, âm nhạc VN sẽ ra sao thưa ông?

Nhạc sĩ Đăng Khánh: Với hiện tình trong nước, phim bộ Hong Kong, Đài Loan và nhất là Hàn Quốc tràn ngập trong các sinh hoạt của gia đình VN, vô tình người ta đã rất gần gũi với đời sống xã hội qua phim ảnh và gần gũi với giai điệu trong âm nhạc của người khác. Vì vậy, đã có những nhận xét rằng âm nhạc VN bị ảnh hưởng quá nhiều bởi âm nhạc của các nước khác.

Nhạc sĩ Đăng Khánh thời còn trẻ
Nhạc sĩ Đăng Khánh thời còn trẻ (Courtesy nguoivietonline)

Với hiện tình trong nước, phim bộ HK, Đài Loan và nhất là Hàn Quốc tràn ngập trong các sinh hoạt của gia đình VN, vô tình người ta đã rất gần gũi với đời sống xã hội qua phim ảnh và gần gũi với giai điệu trong âm nhạc của người khác. Vì vậy, đã có những nhận xét rằng âm nhạc VN bị ảnh hưởng quá nhiều bởi âm nhạc của các nước khác

Nhạc sĩ Đăng Khánh

Nói đến đây, tôi lại nhớ lại trong nhạc sử Tây Phương năm 1913, trong đêm ra mắt đầu tiên tại Paris vở ballet có tên Le Sacre du Printemps của nhà soạn nhạc lừng danh người Nga Igor Stravinsky, cả rạp đã chia 2 phe đánh nhau đến nỗi cảnh sát phải đến can thiệp chỉ vì sự làm mới trong âm nhạc của Stravinsky đầy sáng tạo, với hòa âm dissonant, với âm thanh mới lạ…. mà những thính giả hơi kén về thẩm âm nghe không được. Sau này, chính nhờ những tìm tòi sáng tạo ấy, âm nhạc của Stravinsky đúng 100 năm sau, đang tràn ngập trong nhạc jazz, nhạc rock, nhạc movies, nhạc tivi… Chính sự học hỏi, nghiên cứu, tìm tòi như trường hợp của Stravinsky đã đóng góp vào tương lai và sự tiến bộ của âm nhạc Tây Phương.

Câu kết của ông Viện trưởng Viện Goeth tại Sài Gòn rất chí lý, khi ông nói: Tôi thấy rằng trong trường học ở VN cần phải tăng cường giảng dạy những môn học như âm nhạc và nghệ thuật để nâng cao tiềm năng cho học sinh.

Đúng như vậy, âm nhạc VN có tới 50% giá trị là lời ca, là ca từ, vì vậy ngoài việc khuyến khich giúp đỡ học sinh trau dồi âm nhạc để có khả năng và hiểu biết trong việc sáng tác âm nhạc, đất nước chúng ta cần có thêm nhiều hơn những cơ quan nâng cao văn hóa, văn học cho giới trẻ để nâng cao giá trị nghệ thuật trong sáng tác, đồng thời hướng dẫn quần chúng để nâng cao trình độ cũng như những ý thức thưởng ngoạn. Để rồi từ đó, chính quân chúng sẽ đánh giá và quyết định số phận cũng như tương lai của nền văn hóa, hoặc tương lai của nền âm nhạc của xứ sở đó.

Riêng cá nhân tôi nghĩ về âm nhạc VN mình, tôi đã có rất nhiều trăn trở và mang nhiều ước vọng tương lai. Và tôi vẫn mạnh mẽ tin tưởng vào tuổi trẻ VN và dòng âm nhạc phong phú đang cuồn cuộn chảy trong dòng máu tiên rồng chúng ta.

Vũ Hoàng: Thay mặt thính giả đài RFA, xin cám ơn ông rất nhiều.