Thưởng Tết năm nay quá chênh lệch

Tiền thưởng Tết là chuyện mà nhiều người làm công ăn lương tại Việt Nam đang bàn tán sôi nổi. Mức thưởng Tết năm nay có gì đáng chú ý?

0:00 / 0:00

Thông lệ thưởng Tết

Một số báo đài trong nước cho hay, năm nay doanh nghiệp ba Miền đang chạy đua nhau, lo thưởng Tết cho nhân viên, khiến mức thưởng phá ngưỡng năm ngoái, cho dù tình hình kinh tế của đất nước, nhìn chung, được xem là còn nhiều khó khăn. Trong khi đó, cũng có rất nhiều thông tin khác nói rằng, người lao động tuy phấp phỏng chờ được thưởng Tết, mà không vui sướng, vì kẻ nhận quá ít, người lại cầm tiền rất nhiều.

Báo mạng Đôthị.net cho biết tiền thưởng Tết năm nay chênh lệch cao kỷ lục, thành phố Hồ chí Minh dẫn đầu với mức thưởng lên tới cả tỷ đồng hay trăm triệu đồng cho một người, nếu họ thuộc các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Số tiền thưởng trên một tỷ đồng gồm có : thưởng Tết dương lịch 700 triệu đồng, thưởng Tết nguyên đán Nhâm Thìn là 400 triệu đồng.

Tại Hà Nội, tiền thưởng Tết cao nhất cho một người là 67 triệu đồng, ở Saigon, tiền thưởng thấp nhất mà một lao động được hưởng là 500 ngàn đồng. Thành phố Đà Nẵng có mức thưởng cao nhất cho công nhân là 75 triệu đồng một người, còn mức thưởng thấp nhất chỉ được 100 ngàn đồng cho một lao động.

Nói về mức thưởng vào dịp Tết, Giáo sư Võ Trí Thành, phó Viện Trưởng Viện Quản Lý Kinh tế Trung ương, giải thích:

“Có hai câu chuyện, một là tiền thưởng Tết do các doanh nghiệp họ đặt trên cơ sở làm ăn lâu năm, thì trở thành một thông lệ lâu năm ở Việt Nam. Câu chuyện khác là về phía nhà nước, thì thường có những hình thức thưởng dưới dạng quà cáp, tiền nong, để hỗ trợ người nghèo, người thu nhập thấp, đây là một truyền thống ở Việt Nam rồi.”

Tuy nhiên, theo ông thì khó có thể tránh được sự chênh lệch quá lớn, giữa các ngành nghề, doang nghiệp công tư, so với toàn cảnh trong xã hội Việt Nam:

“Tiền thưởng phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của từng doanh nghiệp, còn phía nhà nước thì chỉ lo bảo đảm chính sách hỗ trợ những người có thu nhập thấp, người nghèo, tất nhiên những vấn đề này cần có những sự cải thiện nữa.”

Theo VietnamNet do ảnh hưởng của hoàn cảnh kinh tế khó khăn chung, hoạt động cầm chừng, nên nhiều doanh nghiệp đang lâm vào tình thế nan giải, khó xử trong việc chạy lo thưởng Tết cho nhân viên đón xuân.

Báo Điện Tử An Ninh Thủ Đô đưa tin là có những công ty, hãng xưởng ở Hà Nội còn trả lương hay thưởng Tết cho công nhân bằng bánh mứt, quần áo, bột ngột, dầu ăn, đường… và nói thêm, trả lương cho người lao động bằng sản phẩm không có gì sai và được luật pháp cho phép.

Đối với khu vực hành chánh sự nghiệp, không sản xuất ra hàng hóa như những ngành khác, như ngành giáo dục- đào tạo thì sao?
Cô Bích Liên, một giáo viên trung học phổ thông ở Saigon, nói lên suy nghĩ của mình về món tiền thưởng Tết năm nay:

“Đó là chuyện tượng trưng thôi, chiều nay Ban Giám Hiệu có nói đến tiền lương, thưởng Tết, họ cho biết còn phải thắt lưng buộc bụng. Có trường mỗi giáo viên chỉ được bảy trăm ngàn đồng thôi, còn hôm 20 tháng 11, là Ngày Nhà Giáo, cũng chỉ được 200 ngàn đồng. Ngành giáo dục thì vậy, không thể so với doanh nghiệp họ hưởng tiền tỷ, tiền triệu. Lương giáo viên cao lắm là một, hai triệu đồng. Công sức mình bỏ ra thì nhiều, mà đồng lương thì tượng trưng, mà thôi, có công việc còn hơn không, đành chấp nhận, chứ biết sao?”

Tùy thuộc vào doanh nghiệp

Ban-hang-rong-he-pho-250.jpg
Những người lao động nghèo mưu sinh ở Hà Nội. RFA photo (Những người lao động nghèo mưu sinh ở Hà Nội. RFA photo)

Người dân thì thường nói, nghĩ đến vui xuân, đón Tết thì ngậm ngùi vì có những người hưởng bạc trăm triệu, như các ngành điện lực, dầu khí, ngân hàng, bất động sản, kinh doanh địa ốc, xuất nhập khẩu, chứng khoán, còn dân tay làm hàm nhai, không biết xoay đâu ra tiền để mua chút bánh mứt, kẹo, hoa quả, thờ cúng tổ tiên, ông bà, mấy ngày đầu năm con Rồng.

Bà Huệ, một tư chức ở Gia Định, cho là tiền thưởng Tết mang lại chút ít niềm vui, biết suy tính trước sau thì cũng có không khí xuân về:

“Tương đối cũng có sự vui vẻ, nhờ đó mình có số tiền nho nhỏ, để xoay sở, có nhiều, xài nhiều, có ít thì phải biết cách tém gọn. Bây giờ thức ăn quá đắt, nếu phung phí như mọi lần thì rất khó, phải biết cách tiêu xài thì không đến đổi gì, ăn thua nơi mình thôi, rồi đâu cũng vào đấy.”

Giáo sư Võ Trí Thành tỏ ra lạc quan tin rằng, năm nay không khí đón xuân, vui Tết sẽ đến với mọi người, mọi nhà:

“Sẽ đảm bảo năm nay có được một cái Tết vui vẻ, chứ đối với các cơ quan nhà nước thì có khó khăn hơn. Tuy nhiên đối với những đơn vị nào làm ăn tốt thì họ được hưởng cái lợi lộc ấy.”

Tuy nhiên, cô giáo Bích Liên lại không mấy lạc quan như ông Võ Trí Thành, cô cho biết, nhìn bề ngoài thì có vẻ nhộn nhịp, nhưng khi sống cận kề với các em học trò mỗi ngày, cô thấu hiểu gia đình trẻ luôn sống trong cảnh chật vật:

Tiền thưởng phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của từng doanh nghiệp, còn phía nhà nước thì chỉ lo bảo đảm chính sách hỗ trợ những người có thu nhập thấp, người nghèo.

Giáo sư Võ Trí Thành

“Saigon, không khí Tết bắt đầu sôi động rồi, nhưng thực tế thì người dân ngày càng làm ăn khó khăn hơn, làm ăn, mua bán chỉ được nhờ mấy ngày Tết chộn rộn thôi. Ra Tết thì cũng vậy thôi, làm ăn thấy khó khăn lắm, nhiều phụ huynh rất túng thiếu, cần đóng có một trăm năm mươi ngàn đồng mà phải xin góp làm ba đợt.”

Thưởng tết là hình thức mà theo một số doanh nhân, dù nhiều hay ít, cũng là cách khuyến khích, động viên, tạo sự gắn bó, cảm thông với anh chị em công nhân, tích cực đóng góp phần của họ cho cơ sở làm ăn. Các ngành khác cũng xem đây là cách biểu tỏ sự trân trọng những đóng góp của các thành viên trong tổ chức. Tuy nhiên, sự chênh lệch quá nhiều giữa các ngành nghề trong xã hội cũng là một điều mà các nhà quản trị xã hội cần xem xét.

Theo dòng thời sự: