Trong chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đến VN vừa mới kết thúc hôm 15/10, hai quốc gia đã ra tuyên bố chung 10 điểm về Hợp tác chiến lược toàn diện Việt Trung. Trong đó những điểm hợp tác về kinh tế được giới nghiên cứu VN quan tâm, để có thêm góc nhìn về vấn đề này, mời quí vị nghe cuộc trao đổi của Vũ Hoàng với T.S Vũ Ngọc Xuân, giảng viên kinh tế trường ĐH Kinh Tế Quốc Dân. Trước hết, đánh giá chung về bản tuyên bố này, T.S Vũ Ngọc Xuân cho biết:
Lần này sang thăm vừa ý nghĩa về kinh tế vừa ý nghĩa về chính trị. Lãnh đạo của hai bên dưới góc độ là láng giềng tốt, gác tranh chấp để cùng đạt được lợi ích về kinh tế. Chẳng hạn, những vùng bây giờ không còn tranh chấp biên giới, hoặc những vùng như Vịnh Bắc Bộ hay những vùng nào chồng lấn sẽ cùng hợp tác khai thác. Còn những tranh chấp ở khu vực Biển Đông, những nơi nào tranh chấp khó sẽ đàm phán song phương và giải quyết sau.
Hợp tác kinh tế Việt - Trung
Một mặt, Trung Quốc ngoài hợp tác về kinh tế giúp VN phát triển cơ sở hạ tầng và năng lượng thì cũng mang tính chất xoa dịu những tranh chấp giữa đôi bên, nâng mối quan hệ lên tầm chiến lược do ý nghĩa đặc thù về chính trị giữa hai quốc gia có nhiều nét tương đồng. Cho nên, Đảng và Nhà nước hai nước tăng cường mối quan hệ cả về lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa. Chẳng hạn, việc thành lập trung tâm văn hóa của Trung Quốc tại Việt Nam.
Vũ Hoàng: Trong bản tuyên bố này, ông đánh giá ra sao về các điểm kinh tế nhất là tuyên bố chung về thương mại hai chiều 60 tỷ đô la vào năm 2015?
T.S Vũ Ngọc Xuân: Thứ nhất là thương mại song phương, nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc khoảng 11 đến 14 tỷ đô la những năm gần đây, xu hướng hợp tác trong tương lai là giảm nhập siêu từ Trung Quốc. Kim ngạch 60 tỷ đô la ở đây là tính trên cả xuất khẩu và nhập khẩu. Trung Quốc chủ yếu vẫn xuất khẩu vào Việt Nam, còn Việt Nam xuất những nông sản hoặc khoáng sản sang Trung Quốc.
Trung Quốc ngoài hợp tác về kinh tế giúp VN phát triển cơ sở hạ tầng và năng lượng thì cũng mang tính chất xoa dịu những tranh chấp giữa đôi bên, nâng mối quan hệ lên tầm chiến lược do ý nghĩa đặc thù về chính trị giữa hai quốc gia có nhiều nét tương đồng
Tuyên bố chung về kinh tế, Trung Quốc sẽ giúp đỡ Việt Nam trong việc phát triển cơ sở hạ tầng chẳng hạn đường cao tốc từ Lạng Sơn xuống Hà Nội, hay các đường cao tốc từ Móng Cái, Quảng Ninh đến Hà Nội, rồi là những phát triển về năng lượng.
Nhìn chung, lãnh đạo hai bên có xu hướng gác những tranh chấp để cùng “láng giềng tốt” tinh thần hữu nghị và tiếp tục tập trung phát triển kinh tế. Trung Quốc vẫn coi Việt Nam là một vị trí địa chính trị mở rộng trong hợp tác ASEAN và vươn ra khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, trong bối cảnh sự quan tâm của Mỹ đối với khu vực giảm đi.
Mong giảm nhập siêu của TQ
Vũ Hoàng: Điều mà người ta quan ngại là hiện tại cán cân thương mại luôn thâm hụt về phía VN, vậy với con số 60 tỷ đô la đưa ra, liệu phía VN sẽ cần làm gì để có thể hưởng lợi về thương mại hai chiều?
T.S Vũ Ngọc Xuân: 60 tỷ là kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu của TQ vào VN cộng với xuất khẩu của VN sang TQ là 2 chiều, nếu trừ đi thì VN không có tham vọng giảm được mạnh nhập siêu từ TQ bởi vì việc đó rất khó, chỉ có thể giảm từng bước. Thí dụ, hiện tại nhập siêu của VN là 12 đến 14 tỷ đô la Mỹ thì có thể giảm xuống nhập siêu giảm xuống từ 5 đến 8 tỷ trong vòng 5 đến 10 năm tới.
Bởi vấn đề, nếu muốn giảm nhập siêu, một mặt phải tăng xuất khẩu sang TQ trong khi hàng hóa có khả năng cạnh tranh của VN chỉ là khoáng sản hay nông sản, giá trị cao chỉ có khoáng sản thôi. Trong bối cảnh hạn chế khai thác tài nguyên hay ảnh hưởng vấn đề môi trường, nên vấn đề khai thác khoáng sản có nhiều khó khăn. Cho nên bây giờ lãnh đạo hai bên chỉ trao đổi làm sao để giảm nhập siêu của TQ vào VN chứ không có tham vọng làm sao để tăng thật mạnh xuất khẩu của VN sang TQ.
Vũ Hoàng: Cám ơn phần trả lời của T.S, giới chuyên gia cho rằng mục tiêu của TQ hiện tại là nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ kinh tế với các nước láng giềng khi mà xuất khẩu của TQ đang bị ảnh hưởng bởi sự sụt giảm từ thị trường Âu Mỹ?
T.S Vũ Ngọc Xuân: Từ trước đến nay, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Trung Quốc và ASEAN vẫn nghiêng về phía Trung Quốc là xuất siêu vào khu vực ASEAN. Thực ra, nếu nói về sức cạnh tranh của hàng hóa của ASEAN thì cũng không có khả năng cạnh tranh với hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc. Quan tâm của Trung Quốc là khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, gần đây trong hội nghị APEC thì xuất hiện sự tăng cường và trao đổi giữa lãnh đạo của ASEAN và Trung Quốc vẫn dưới góc độ gác tranh chấp và cùng tiến tới những lợi ích kinh tế.
Thực ra, nếu nói về sức cạnh tranh của hàng hóa của ASEAN thì cũng không có khả năng cạnh tranh với hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc. Quan tâm của Trung Quốc là khu vực Châu Á – Thái Bình Dương
T.S Vũ Ngọc Xuân
Vũ Hoàng: Với quan điểm cho rằng "gia tăng hợp tác kinh tế để giảm bớt căng thẳng tranh chấp chủ quyền" ông đánh giá ra sao?
T.S Vũ Ngọc Xuân: Về mặt quan điểm của hai bên, Việt Nam vẫn có xu hướng là gác tranh chấp để cùng đạt được lợi ích kinh tế chung. Trung Quốc cũng vẫn coi Việt Nam là một đối tác quan trọng và với vị trí chính trị quan trọng để tăng cường hợp tác ASEAN và nhìn rộng ra là khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Những khu vực nào còn tranh chấp thì sẽ tiếp tục đàm phán và hướng tới bộ Quy tắc Ứng xử Chung ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc trên cơ sở đàm phán song phương rồi mới đa phương.
Trong khi, Việt Nam vẫn có xu hướng chỗ nào còn tồn tại tranh chấp: khó khăn giải quyết sau, dễ dàng giải quyết trước và lợi ích kinh tế vẫn đặt lên hàng đầu. Trung Quốc vẫn là thị trường quan trọng và là đối tác chiến lược của Việt Nam, Việt Nam vẫn rất cần những hàng hóa và đầu vào linh kiện của Trung Quốc để thúc đẩy xuất khẩu.
Vũ Hoàng: Xin cám ơn T.S về cuộc trao đổi ngày hôm nay.