Tình cảnh giáo dân Cồn Dầu trước lệnh cưỡng chế mới

Sau khi bị giới cầm quyền địa phương đàn áp đáng ngại khiến khá nhiều giáo dân Xứ Đạo Cồn Dầu ở Đà Nẵng phải ra đi, hiện khoảng 30-40% còn ở lại tiếp tục sống trong cảnh bất an, nhất là nạn cưỡng chế đất đai.

Cưỡng chế kiểu “cuốn chiếu”

Giáo dân Cồn Dầu báo động rằng trong kế hoạch giới cầm quyền cưỡng chế đất đai nhà cửa - thực hiện theo từng đợt - tại toàn bộ Giáo Xứ Cồn Dầu, thì hiện có 5 hộ trong khoảng 100 hộ còn lại đang lâm vào tình trạng sắp bị nhà cầm quyền “bứng” đi theo kiểu “cuốn chiếu” dần. Một trong những dân oan này cho biết:

“Họ gởi giấy báo cách đây khoảng một tuần, cho biết sau 2 tuần mà không trả mặt bằng thì họ sẽ dùng hành động cưỡng chế. Chứ họ không có nói lý do chi hết. Họ gởi giấy 5 hộ; 5 hộ này cũng chưa nhận tiền. Mà chúng tôi cũng không muốn nhận tiền, mà chỉ cố gắng và mong ước được ở gần quê hương, được ở gần Nhà Thờ để gia đình đi lễ, cầu kinh.”

Sau 2 tuần mà không trả mặt bằng thì họ sẽ dùng hành động cưỡng chế. Chứ họ không có nói lý do chi hết. Họ gởi giấy 5 hộ; 5 hộ này cũng chưa nhận tiền. <br/> Một giáo dân

Một giáo dân khác thuộc số nạn nhân cưỡng chế đất đai Cồn Dầu kể lại:

“Lệnh cưỡng chế thì còn 5 ngày nữa là họ thực hiện đó, cũng căng lắm! Nói chung là họ bảo mình là một hai phải dỡ nhà đi để trả đất cho họ. Còn nếu không thì họ sẽ cưỡng chế nhà mình. Mà tôi thì tôi xin tái định cư tại chỗ nhưng mà họ không chịu. Tôi cũng chả biết lý do của họ như thế nào, nhưng mà họ nhất mực bảo mình phải giao đất cho họ.”

Một giáo dân nữa, cũng yêu cầu ẩn danh, bày tỏ tình cảnh của mình:

"Bây giờ họ bảo phải bàn giao mặt bằng, nếu không họ cưỡng chế. Chúng tôi sống trên đất quê hương này bao nhiêu năm rồi, chỉ mong được ở lại quê hương, hay là ở khu tái định cư nào đó gần quê hương, gần Nhà Thờ, nhưng mà họ không cho."

Nói chung, lý do mà các giáo dân không muốn rời khỏi nhà cửa của họ có những điểm tương đồng là vì nơi chôn nhau cắt rốn thiêng liêng và được gần Giáo Đường:

“Lý do chúng tôi muốn ở lại là vì ông bà, cha mẹ chúng tôi sống ở đất này đã bao nhiêu năm rồi, hơn một trăm năm rồi, và ở gần Nhà Thờ. Bây giờ bắt đi xa Nhà Thờ. Chúng tôi muốn ở lại tại quê hương mình thì tốt hơn.”

con-dau-250.jpg
Đất bao vây những gia đình còn sót lại ở giáo xứ Cồn Dầu. Photo courtesy of Nữ Vương Công Lý.

Một giáo dân khác bày tỏ quan ngại là một khi tất cả dân làng bị giới cầm quyền cưỡng chế xong thì ngôi Thánh Đường này cũng bị “xoá sổ”:

“Lý do của tôi là vì mãnh đất quê hương này đã gắn bó từ bao nhiêu đời rồi, từ đời tổ tiên, ông bà, cha mẹ, nay đến lượt mình và con cái mình. Vấn đề máu mủ này đối với tôi quá thiêng liêng. Hơn nữa bên cạnh nhà này có một ngôi Thánh Đường mà chúng tôi không thể nào xa được. Tôi thiết nghĩ rằng nếu họ xoá được cái làng này, thì ngôi Thánh Đường ấy cũng không còn nữa ! Cho nên tôi thiết tha được vừa còn quê hương mà vừa còn ngôi Thánh Đường đó để sáng lễ, chiều kinh.”

Đền bù “chiếu lệ”

Ngoài lý do nơi chôn nhau cắt rốn thiêng liêng và Giáo Đường bên cạnh nhà, các nạn nhân cũng không quên nêu lên lý do tiền đền bù “chiếu lệ” của giới cầm quyền để quyết “bứng” họ ra đi:

"Tôi thì chắc là phải ở lại đến cùng. Chớ còn đền bù thấp quá. Giờ họ làm gì thì cứ làm. Đền bù thì giá thấp lắm, không đủ làm nhà lại. Vì khi dời tới đất mới là đất ruộng, thì chỉ đủ làm nền móng thôi chứ không có tiền làm nhà."

Tôi thì chắc là phải ở lại đến cùng. Chớ còn đền bù thấp quá. Giờ họ làm gì thì cứ làm. Đền bù thì giá thấp lắm, không đủ làm nhà lại. <br/> Một giáo dân

Trước tình cảnh như vậy, các hộ sắp bị cưỡng chế ấy sẽ phải ứng phó ra sao ? Một giáo dân cho biết:

“Chúng tôi nhất quyết không đi, tới đâu hay tới đó thôi. Chứ còn chẳng có biện pháp chi cứng rắn hơn để đối phó với họ. Giờ chúng tôi chỉ cầu xin Ơn Trên giúp đỡ chúng tôi thôi, chứ không biết nói sao hết.”

Một nạn nhân khác cho biết số tài sản ít ỏi của gia đình đã bị nhà nước tước đoạt hết rồi, và giờ sắp bị cảnh cưỡng chế oan khuất nữa, nên có nguy cơ đành phải “che lều” sống qua ngày đoạn tháng:

“Phản ứng của chúng tôi là mấy anh em ở gần đây nói là thôi, hãy chấp nhận. Nếu họ có làm chi thì cũng chấp nhận, chứ bây chừ cũng chẳng biết làm sao. Chúng tôi chỉ cầu xin Ơn Trên thôi. Giới cầm quyền cũng gọi lên gọi xuống. Nhưng bọn tôi cho biết nguyện vọng,là con cái thì đang đi học, còn vợ chồng thì hiện không nghề không nghiệp. Ngày xưa có mấy sào ruộng mà nhà nước cũng lấy rồi. Bọn tôi làm nhà và mắc nợ. Chúng tôi giờ lo sợ lắm, chấp nhận ở lại đây ngày nào hay ngày đó. Nếu nhà nước làm quá thì chúng tôi đành che lều ở vậy thôi chứ cũng chẳng biết làm sao.”

Theo các giáo dân, kể từ đám tang của cụ bà Nguyễn Thị Tân bị nhà cầm quyền đàn áp cho đến nay, họ phải sống trong cảnh khủng hoảng, khó khăn. Việc giới cầm quyền đe doạ “ngày nay cưỡng chế, ngày mai cưỡng chế” khiến nhiều người sợ nên đã phải rời bỏ nhà cửa đi ra đi. Những người còn ở lại mà “hớ” đâu thì bị chụp mũ đó, chẳng hạn như than sẽ phải lo chỗ ở khác sau khi bị mất nhà, mất đất khiến không còn tiền để sinh sống, thì giới cầm quyền cho là nói xấu họ. Hậu quả là những dân oan ấy bị công an gọi là “mời làm việc”, đàn áp, bắt nhốt…