Chưa bao giờ mà nhân ngày 30 tháng Tư cộng đồng người Việt hải ngoại cũng như báo chí trong nước lại nhắc nhở về sự hòa hợp hòa giải dân tộc nhiều như năm nay. Chỉ dấu này cho thấy đã đến lúc cùng nghĩ lại những điều mà cả hai bên còn vướng mắc để đi đến xóa bỏ nỗi đau đã kéo dài gần bốn mươi năm qua. Mặc Lâm phỏng vấn Đại tá Bùi Tín, Phó tổng biên tập của báo Nhân Dân, người được xem là chứng nhân lịch sử trong ngày 30 tháng Tư năm 75 để tìm hiểu suy nghĩ của ông về ngày này 38 năm sau.
Tôi không hề nhận sự đầu hàng
Mặc Lâm : Xin cám ơn ông đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vần này. Thưa ông, sau ba mươi tám năm không biết ông có còn nhớ cái cảm giác lúc ông cùng với đồng đội tiến vào Sài Gòn trong những ngày sau cùng ấy như thế nào?
Ông Bùi Tín: Những ngày đó tôi đang ở gần và càng ngày càng tiến gần về Sài Gòn với mọt niềm phấn khởi hết sức to lớn. Cùng với đồng đội bạn bè vì chiến tranh sắp kết thúc và đất nước có hòa bình, thống nhất cho nên có thể nói đó là những ngày vui sướng nhất tuy cuộc hành quân rất vất vả.
Mặc Lâm : Báo chí nhiều nước viết rằng ông là một nhân chứng lịch sử vì là người nhận sự bàn giao chính quyền từ ông Dương Văn Minh, thật hư việc này ra sao thưa ông?
Thật ra tôi không hề nhận sự đầu hàng. Ông Minh nói với tôi là ông muốn chuyển giao chính quyền nhưng tôi bảo tôi không có nhiệm vụ đó. Chính quyền của ông đã sụp đổ rồi thì ông không thể giao cái gì mà ông không có trong tay nữa. Cho nên trong thực tế không có chuyện Bùi Tín nhận bàn giao chính quyền
Ông Bùi Tín
Ông Bùi Tín: Nói rằng tôi là người nhận sự đầu hàng của ông Dương Văn Minh là nói thái quá và có một số nhà báo nước ngoài họ nhận định như thế bởi họ thấy sự kiện diễn ra. Thật ra tôi không hề nhận sự đầu hàng. Ông Minh nói với tôi là ông muốn chuyển giao chính quyền nhưng tôi bảo tôi không có nhiệm vụ đó. Chính quyền của ông đã sụp đổ rồi thì ông không thể giao cái gì mà ông không có trong tay nữa. Cho nên trong thực tế không có chuyện Bùi Tín nhận bàn giao chính quyền hay là Bùi Tín nhận sự đầu hàng của chính quyền Sái Gòn, điều đó không hề có và do một số nhà báo nước ngoài thêu dệt và tôi cũng không muốn lạm dụng để mà lợi dụng một danh nghĩa không có thật ấy.
Tôi chỉ nhận rằng tôi là người được chứng kiến, là một chứng nhân lịch sử của ngày 30 tháng Tư là một. Thứ hai, trên thực tế tôi là sĩ quan cao nhất mà cũng có thể nói là sĩ quan cao cấp duy nhất có mặt ở dinh Độc lập gặp chính phủ cũ của miền Nam vào cái ngày lịch sử đó. Nói như thế là đúng.
Mặc Lâm : Nhà báo Huy Đức đã phát hành tác phẩm Bên Tháng cuộc gây chấn động trong và ngoài nước vì hàng ngàn chi tiết lịch sử chưa được công bố, nhất là quyển một "Giải Phóng" có nhắc cả những ngày tiếp thu Dinh Độc lập. Là một nhân chứng sống ông đánh giá ra sao về tác phẩm và nếu được bổ xung thì ông sẽ thêm vào những biến cố hay con người nào?
Ông Bùi Tín: Tôi đánh giá rất cao cố gắng của nhà báo Huy Đức. Anh đã lao động nghề nghiệp một cách công phu kéo dài một thời gian và thu lượm được một khối đồ sộ tài liệu, tư liệu sống động, ta phải công nhận điều đó. Nhưng dù sao anh chỉ là một con ngườì, hai nữa anh thu lượm tài liệu một cách gián tiếp, không trực diện mắt thấy tai nghe cho nên dù sao cũng rơi rụng đi nhiều, thiếu sót không phải là ít. Tôi đọc "Bên thắng cuộc" thấy rất nhiều những chi tiết sai, thế nhưng anh ấy không biết thì tôi nghĩ ta phải châm chước vì nói chung cái mà anh làm được rất đồ sộ. Nhưng lịch sử nó to lớn lắm một con người làm sao bao quát được hết? Tôi muốn bổ xung cho anh ấy là đánh giá cuộc chiến này mà không nói gì tới ông Hồ Chí Minh thì đấy là một lổ hỗng rất lớn mà anh Huy Đức cũng không có sức để mà làm.
Tôi thất vọng ngay sau những ngày đầu vì không có được những hòa giải và hòa hợp. Một số những anh em bà con với tôi trong miền Nam cũng bị đi cải tạo.
Ông Bùi Tín
T hất vọng ngay những ngày đầu
Mặc Lâm : Quay trở lại với ngày 30 tháng Tư năm 1975, sau khi tiếp thu miền Nam có điều gì làm cho ông thất vọng hay không trong khi niềm sung sướng chấm dứt chiến tranh và chiến thắng miền Nam vẫn đang rất hưng phấn?
Ông Bùi Tín: Tôi thất vọng ngay sau những ngày đầu vì không có được những hòa giải và hòa hợp. Một số những anh em bà con với tôi trong miền Nam cũng bị đi cải tạo. Tôi có ông anh con ông bác ruột là chủ tịch của Giám sát viện của miền Nam cũng phải đi tập trung cải tạo mấy năm, điều đó làm cho tôi có thể nói là niềm cay đắng kéo dài cho tới mấy năm sau đó.
Mặc Lâm : Trong thời gian gần đây báo chí trong nước và hầu như các trang mạng xã hội nói rất nhiều đến hòa giải hòa hợp, ông nhận xét gì về hiện tượng này?
Ông Bùi Tín: Có người nói 30 tháng Tư là ngày hàng triệu người vui và cũng hàng triệu người buồn. Thế nhưng tôi nghĩ cái vui cái buồn đó tương đối và nó có những chuyển động của nó. Riêng đến năm nay niềm cay đắng của tôi dã bớt đi rất nhiều và thay vào đó là niềm vui. Ngày 30 tháng Tư năm nay tôi có thể nói với anh và các bạn nghe đài RFA rằng năm nay tôi vui lắm và tôi lạc quan. Lạc quan với vui vì thời cuộc trong nước ta đang có những thay đổi tuy chưa phải là thay đổi to lớn, nhảy vọt nhưng nó tiệm tiến và nó đi đến cái thay đổi cơ bản.
Vượt qua tư tưởng quá khích để đến với nhau
Mặc Lâm : Ông có nghĩ rằng Bộ Chính trị sẽ có một động thái nào đó trước nhu cầu hòa hợp hòa giải để tiến đến xóa bỏ lằn ranh thù hận đã hiện hữu quá lâu hay không, và theo ông họ phải làm gì?
Tôi nghĩ là phải vượt qua những tư tưởng quá khích đó để đến với nhau như anh em ruột thịt. Bình đẳng nhìn đến tương lai chứ không phải chỉ quay về quá khứ thì mới có thể thực hiện được hòa hợp và hòa giải số đông đồng bào trong và ngoài nước
Ông Bùi Tín
Ông Bùi Tín: Tôi không tin cái Bộ Chính trị hiện nay nghĩ đến hòa giải và hòa hợp. Phải thay đổi, có khi phải thay lãnh đạo thì mới có thể có tư duy mới để mà thực hiện hòa giải hòa hợp đã lỡ mất đến 38 năm. Còn việc phải làm gì để hòa giải hòa hợp thì nhiều lắm. Ví dụ như từ nay trở đi đừng gọi miền Nam là "ngụy" nữa. Sửa cả những văn kiện lịch sử đừng nói là bán nước nữa vì miền Nam có những cách yêu nước riêng của họ và đừng gọi là ngụy nữa vì đây là anh em ruột thịt với nhau, mỗi bên có đường lối khác nhau. Ví dụ như cho anh em cũ ở miền Nam trở về sửa sang lại nghĩa trang Biên Hòa chẳng hạn. Như vậy sẽ là những cái hòa hợp hòa giải thiết thực
Hiện nay còn có những người bị tù 38 năm rồi vẫn còn trong tù, tôi nghĩ phải thả họ ra và nhân đó phải trả lại tự do cho tất cả anh chị em đấu tranh cho dân chủ. Từ anh Cù Huy Hà Vũ cho đến nhà báo Điếu Cày và một số anh em gần đây bị tuyên án. Phải trả tự do cho tất cả. Đó là biểu hiện của hòa hợp hòa giải. Thế nhưng tôi thấy lãnh đạo hiện nay đã quá sức của họ. Bây giờ họ tham nhũng quá rồi cho nên họ không muốn nhả ra nữa. Họ không muốn trả lại những gì họ đã lấy của nhân dân. Họ đã ăn cắp, ăn cướp đất đai tiền bạc của nhân dân cho nên họ không nghĩ tới hòa hợp hòa giải được nữa, đã quá muộn rồi.
Hiện nay đã có hòa giải hòa hợp nhưng không phải từ những người lãnh đạo. Hiện nay trong hàng ngũ dân chủ, hàng ngũ đòi tự do đã nảy ra những điều hòa hợp hòa giải, bắt tay với những anh em dân chủ ngoài nước để mà hỗ trợ lẫn nhau đó mới là cái hòa hợp hòa giải quý báu. Tất nhiên ở ngoài hay ở trong gì cũng đều có những tư tưởng quá khích nhưng tôi nghĩ là phải vượt qua những tư tưởng quá khích đó để đến với nhau như anh em ruột thịt. Bình đẳng nhìn đến tương lai chứ không phải chỉ quay về quá khứ thì mới có thể thực hiện được hòa hợp và hòa giải số đông đồng bào trong và ngoài nước
Mặc Lâm : Xin cảm ơn ông.