Hội thảo tại Thượng viện Mỹ: Tìm công lý cho nạn nhân Formosa

0:00 / 0:00

Hơn một năm sau sự cố Formosa gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng khu vực biển miền Trung, buổi hội thảo về pháp lý và ô nhiễm môi sinh đã diễn ra tại quốc hội Hoa Kỳ với sự tham dự của các chuyên gia luật và chuyên gia môi trường ở Hoa Kỳ và Canada.

Gây ô nhiễm môi trường là phạm tội

Hôm thứ Tư 10 tháng Năm lần đầu tiên một buổi hội thảo về môi trường liên quan đến Việt Nam diễn ra tại tòa nhà Rusell của thượng viện Hoa Kỳ kể từ khi biển miền Trung Việt Nam bị ô nhiễm trầm trọng bởi chất thải độc hại từ công ty gang thép Formosa ở Hà Tĩnh hồi tháng Tư 2016 đến nay.

Cuộc hội thảo được coi như một hội nghị quốc tế vì có 7 diễn giả gồm các vị giáo sư luật và các chuyên môn về môi trường của Mỹ và Canada, chưa kể một số người Việt đến từ Canada, Australia và các tiểu bang khác của Hoa Kỳ.

Đứng ra kêu gọi buổi hội thảo là Việt Nam For Progress, tạm dịch là Việt Nam Vì Tiến Bộ, tổ chức NGO của người Việt ở Washington DC, Hoa Kỳ và Ontario Canada.

Bác sĩ Thể Bình, chủ tịch tổ chức Việt Nam Vì Tiến Bộ:

Trong vụ Formosa thì yêu cầu của tôi là phải bàn bạc phải bằng mọi cách chứng minh là nạn nhân phải được bồi thường một cách xứng đáng.<br/> - Luật sư Warren Perrin

Chúng tôi rất mừng vì tổ chức mà qui tụ được những chuyên gia về các lãnh vực luật pháp cũng như môi trường. Sau phần phát biểu của họ thì chúng ta có lẽ học hỏi được rất là nhiều và từ đó chúng ta mong sẽ sử dụng những tin tức và kiến thức này để giúp đỡ cho những nạn nhân của Formosa cũng như giúp cho môi trường của đất nước Việt Nam.

Đến từ Toronto, Canada, luật sư Trịnh Quốc Toàn, thành viên của tổ chức Việt Nam Vì Tiến Bộ, nói rằng cuộc hội thảo này một lần nữa nhằm lôi kéo sự chú ý của thế giới:

Về thảm họa môi trường đang xảy ra tại Việt Nam và để giúp những người muốn đi tìm hiểu phương pháp hoặc biện pháp nào đó để khác phục hoàn cảnh. Hy vọng là trong khả năng chuyên môn thì chúng tôi có thể cung cấp cho cộng đồng những kiến thức đến từ những diễn giả chuyên gia về lãnh vực đó.

Đến từ Australia, ông Nguyễn Văn Bon, chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Úc Châu:

Hơn một năm qua nhà cầm quyền Việt Nam chả làm cái gì cả, tức là họ có cơ sở pháp lý để kiện Formosa ra tòa, câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao họ không đóng cửa Formosa. Việt Nam có cơ hội cao nhất để làm điều đó nhưng họ chọn họ không làm.

Lên tiếng với đài Á Châu Tự Do trước buổi hôi thảo, cựu công tố viên Liên Hiệp Quốc, nguyên đại sứ lưu động Mỹ của Global Justice Công Lý Toàn Cầu thuộc chính phủ Hoa Kỳ, ông Steven Rapp, nói rằng các tác nhân gây ô nhiễm môi trường đều là tội phạm hình sự:

Tôi được mời đến đây để trình bày vấn đề mà các tổ chức dân sự và nạn nhân có thể làm được những gì cho dù đôi khi hoàn cảnh không có mấy hy vọng. Thông điệp của hội thảo này là nếu biết tham khảo, biết thu thập tài liệu cũng như lôi kéo sự chú ý của dư luận về những hệ lụy những tác hại vô cùng to lớn của ô nhiễm môi trường thì người ta có thể đòi tác nhân gây hại trả lại công lý cho mình, đặc biệt khi vụ việc ra trước tòa hình sự quốc tế.

Cũng vậy, nói đến sự kiện cá chết hàng loạt bên Việt Nam, ngư dân mất việc vì không thể đánh bắt cá, giá cả thủy sản xuống dốc vì nguồn nước bị ô nhiễm..... thì tôi cũng sẽ trình bày luôn thể về nhũng hành động gọi là vô ý thức của tác nhân gây hại, làm sao buộc họ chịu trách nhiệm đã làm môi sinh bị ô nhiễm.

"Cần phải kiện Formosa"

Luật sư Warren Perrin tại buổi hội thảo.
Luật sư Warren Perrin tại buổi hội thảo. (RFA photo)

Đối với luật sư Warren Perrin, chuyên về các vụ án dân sự ở New Orleans, Hoa Kỳ, với kinh nghiệm phụ trách những hồ sơ pháp lý về môi trường thí dụ như sự cố tràn dầu ở Louisiana do công ty BP gây ra trước kia, đến với cuộc hội thảo hôm nay điều ông muốn trình bày là :

Những việc như thế có những sắc thái và những vấn đề khác nhau trong việc gặt hái kết quả thông qua hệ thống tố tụng dân sự. Dựa vào kinh nghiệm đã qua tôi muốn mọi người làm thế nào có thể vận dụng mọi chứng cứ mọi dữ kiện cụ thể về những tác hại lâu dài hầu đưa vào hồ sơ tố tụng.

Trong vụ Formosa thì yêu cầu của tôi là phải bàn bạc phải bằng mọi cách chứng minh là nạn nhân phải được bồi thường một cách xứng đáng, có nghĩa là đồng tiền bồi thường phải hợp lý phải ngang bằng với những hệ quả mà họ gánh chịu. Không chỉ tập trung vào việc bồi thường thỏa đáng cho nạn nhân, tôi còn muốn nói đến việc làm sao giảm thiểu càng nhiều càng tốt mức độ độc hại mà ô nhiễm môi trường gây ra cho nạn nhân, bởi vì được bảo vệ và được phòng tránh khỏi ô nhiễm môi sinh là quyền của con người.

Tôi sẽ dựa trên luật quốc tế về môi trường để nhấn mạnh đến phương cách tiến hành một vụ kiện tội phạm gây ô nhiễm môi trường ra tòa án quốc tế. <br/> - Giáo sư Malaika Dussault

Tác hại của ô nhiễm môi trường biển không chỉ là cá chết hay nguồn nước bị nhiễm độc mà còn là vấn đề lây lan thực phẩm độc hại, ảnh hưởng vô cùng đến sức khỏe các cộng đồng dân cư quanh đó về lâu về dài, là những lời mở đầu bài phát biểu của bà Malaika Bacon Dussault, giáo sư luật đại học Morton ở Canada. Nói với đài Á Châu Tự Do, bà khẳng định:

Tôi sẽ dựa trên luật quốc tế về môi trường để nhấn mạnh đến phương cách tiến hành một vụ kiện tội phạm gây ô nhiễm môi trường ra tòa án quốc tế. Trong tư cách một luật sư hôm nay tôi sẽ phân tích về những phương thức tiến hành hồ sơ tố tụng để có cái nhìn bao quát hơn và để xét xem có thể áp dụng vào trường hợp ô nhiễm môi trường từ chất thải hóa học ở Việt Nam như thế nào.

Từ Viện Hóa Học ở Toronto, Canada, sang Washington tham dự hội nghị quốc tế về tác hại Formosa hôm thứ Tư, chuyên gia John Purdy cho biết vì đã làm việc nhiều năm trong lãnh vực môi trường nên ông có mối quan tâm sâu sắc đến vấn đề Formosa Việt Nam :

Tôi nghĩ đây không còn là vấn đề của riêng Việt Nam của riêng một nước mà đây là vấn đề chung của thế giới. Tôi cho rằng Việt Nam cần được sự hợp tác và trơ giúp quốc tế để khắc phục thảm họa ô nhiễm này. Ngoài trợ giúp quốc tế, Việt Nam cũng cần đặt mình dưới áp lực quốc tế hầu bảo đảm họ đã hành động đúng trước vấn đề. Với tôi 500 triệu Đô La tiền bồi thường từ Formosa thực sự không thấm vào đâu so với tác hại khôn lường từ chất thải hóa học mà họ xả thẳng ra biền Việt Nam như vậy.

Buổi hội thảo quốc tế về ô nhiễm môi trường do Formosa gây ra ở Việt Nam hôm thứ Tư cũng là ngày mà Hội Đồng giám sát liên ngành của Việt Nam cho phép Formosa vận hành thử nghiệm lò cao số 1, xưởng luyện thép và các công trình phụ trợ trong thời hạn 6 tháng.

Báo chí trong nước loan tin đây là quyết định của Việt Nam sau khi xem xét, đánh giá quá trình khắc phục sự cố môi trường của Formosa và cho là công ty gang thép này đã kiểm soát được tình hình.