Phát triển thủy điện và vấn đề bảo vệ nguồn nước

0:00 / 0:00

Xây dựng thủy điện để phục vụ cuộc sống là tiền đề luôn được mào đầu cho các dự án ngăn sông, chặn dòng làm nhà máy điện tại Việt Nam lâu nay.

Tuy vậy, vấn đề giải quyết làm sao cho hài hòa giữa kế hoạch phát triển thủy điện và bảo vệ nguồn nước là bài toán vẫn không được giải quyết đến nơi đến chốn tại Việt Nam. Một trong những dẫn chứng là vụ tranh cãi hiện nay giữa hai địa phương Đà Nẵng, Quảng Nam với nhà máy thủy điện Dak Mil 4. Đó là đề tài của chuyên mục Khoa học - Môi trường kỳ này, mời quí thính giả theo dõi.

Đòi nước

“Lượng nước trên hồ thủy điện Dak Mil 4 còn lớn nhưng không chịu xả. Dù đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp nhưng Dak Mil 4 phải trả lại nước cho chúng tôi, cả thành phố Đà Nẵng đang có nguy cơ đối diện với cơn khát như hiện nay.”

Đó là phát biểu của ông Huỳnh Vạn Thắng, phó giám đốc Sở Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn thành phố Đà Nẵng tại cuộc họp hồi cuối tháng ba vừa qua giữa đại diện các cơ quan chức năng Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn, ngành điện và hai tỉnh đang trong cơn hạn thiếu nước hiện nay là thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam.

Theo ông Huỳnh Vạn Thắng tình trạng hạn hán thiếu nước cho sinh hoạt và sản xuất tại địa phương này hiện nay là gay gắt nhất kể từ 40 năm qua.

Một cán bộ từng làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp tại Quảng Nam cũng lên tiếng thừa nhận về nạn hạn hán hiện nay tác động đến công tác sản xuất của người nông dân trong tỉnh như sau:

“Tình hình thủy điện găm hết nước lại nên mấy vùng hạ lưu kêu trời. Trước đây không gặp hạn nên chỉ nói chuyện ‘mấy ổng (thủy điện)” xả lũ về mùa mưa thôi. Bây giờ gặp hạn, dân thiếu nước nên khó khăn cho sản xuất. Năm nay thủy điện không xả lũ, nên nước mặn tràn vào cũng gây ảnh hưởng lớn cho sản xuất.”

Tại trời?

Lượng nước trên hồ thủy điện Dak Mil 4 còn lớn nhưng không chịu xả. Dù đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp nhưng Dak Mil 4 phải trả lại nước cho chúng tôi. <br/> Huỳnh Vạn Thắng.

Người đại diện cho thành phố Đà Nẵng tại cuộc họp với Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn hồi ngày 31 tháng 3 vừa qua là ông Huỳnh Vạn Thắng nêu rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu nước trầm trọng cho thành phố Đà Nẵng hiện nay là vì Thủy điện Dak Mil 4 đã ‘cướp’ nước từ Sông Vu Gia đổ sang Sông Thu Bồn. Ông Thắng cho rằng trong thời gian qua hình như thủy điện Dak Mil 4 không chấp hành lệnh của chính phủ về việc trả nước sông Vu Gia lại cho Sông Thu Bồn.

Con số do ông Huỳnh Vạn Thắng nêu ra là trước đây lượng nước từ Sông Vu Gia chuyển sang sông Thu Bồn chỉ chừng 20%, đến nay lượng nước này đã lên đến 60%. Nước từ sông Vu Gia bị chuyển về Sông Thu Bồn càng nhiều thì lượng nước về thành phố Đà Nẵng càng ít đi.

Cũng theo ông Thắng, nếu như nhà máy thủy điện Dak Mil tiếp tục chuyển nước từ Vu Gia sang Thu Bồn thì nước ở đập An Trạch tại Hòa Vang sẽ không thể ở mức 2 mét. Từ đó các trạm bơm nước phục vụ cho nông nghiệp tại Đà Nẵng và hai huyện thuộc tỉnh Quảng Nam không thể nào hoạt động được.

Tờ Tuổi Trẻ trích dẫn phát biểu của ông Nguyễn Đình Hải, phó giám đốc Công ty Thủy lợi tỉnh Quảng Nam nói rằng từ khi thủy điện Dak Mil 4 hoạt động cho đến nay, hoạt động canh tác lúa của nông dân các huyện Đại Lộc, Điện Bàn, và thành phố Hội An gặp khó khăn do lượng nước đổ về giảm đi.

Trong khi đó đại diện của ngành điện có mặt tại cuộc họp hồi ngày 31 tháng 3 lại cho rằng do thời tiết, các hồ chứa thủy điện trong khu vực miền trung có lượng nước rất thấp.

Đập tràn và đập chính Nhà máy Thủy điện Buôn Kuốp, ảnh minh họa chụp trước đây. File photo.
Đập tràn và đập chính Nhà máy Thủy điện Buôn Kuốp, ảnh minh họa chụp trước đây. File photo.

Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thủy điện Dak Mil 4, ông Đào Minh Tiến, thì thông báo mực nước ở hồ Dak Mil 4 hiện nay là 250 mét, chỉ cách mực nước chết 10 mét mà thôi. Lượng nước vào hồ chỉ chừng 15 mét khối/giây mà thôi. Ông này cho rằng trong tháng 3, nhà máy thủy điện Dak Mil 4 đã phải xả 14 lần với lưu lượng 50 mét 3/giây theo yêu cầu của thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam nhằm phục vụ sản xuất nông nghiệp. Do xả nước như thế nên nhà máy thủy điện Dak Mil 4 phải hoạt động cầm chừng.

Ông Vũ Thế Hải, viện trưởng Viện Nước Tưới Tiêu và Môi trường, thuộc Bộ Nông nghiệp- Phát triển Nông thôn nêu ra một số nguyên nhân khách quan dẫn đến tình hình thiếu nước tại thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam liên quan đến nhà máy thủy điện Dak Mil 4 như sau:

“Vùng miền Trung Việt Nam đang trong thời kỳ khô hạn, nắng nóng và hầu hết nguồn nước về hồ chứa thủy điện đều hạn chế so với thiết kế. Theo đánh giá của chúng tôi, nguyên nhân chính là do vấn đề biến đổi khí hậu, thời tiết.

Nắng nóng cũng ảnh hưởng một phần nữa đến việc bốc thoát hơi nước của các mặt ruộng, của hệ thống cây trồng. Vấn đề nước phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất đang được Bộ của chúng tôi rất quan tâm. Nhưng rõ ràng chính vấn đề thiếu nguồn nước phục vụ cho nông nghiệp và các ngành kinh tế khác, nên cũng ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường. Đó là vấn đề có quan hệ qua lại.”

Các nhà máy thủy điện, nhất là các nhà máy ở miền Trung, đều kêu năm nay do lượng mưa giảm, hạn hán liên tục xảy ra nên nguồn nước về hồ chứa ít.

Hai nhà máy A Vương và Dak Mil 4 ở tỉnh Quảng Nam nói rằng lượng nước tại các hồ chứa của họ hiện chỉ còn chừng 20% dung tích chứa. Mực nước tại các hồ chứa ở tỉnh Phú Yên như nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ chỉ cách mực nước chết chừng nửa thước mà thôi.

Cơ quan chức năng Việt Nam nói rằng lượng mưa trong mùa lũ năm ngoái chỉ khoảng từ 40 đến 60 % mức trung bình trong nhiều năm.

Khó dung hòa lợi ích

Vùng miền Trung Việt Nam đang trong thời kỳ khô hạn, nắng nóng và hầu hết nguồn nước về hồ chứa thủy điện đều hạn chế so với thiết kế. <br/> Vũ Thế Hải

Trong khi cho rằng nhà máy phải xả nước phục vụ sản xuất nông nghiệp của hai địa phương Đà Nẵng và Quảng Nam trong tháng ba khiến hoạt động nhà máy cầm chừng, ông Đào Minh Tiến cũng yêu cầu hai địa phương bị tác động này phải nói rõ số liệu điều tiết nước cho thành phố Đà Nẵng bao nhiêu và cho tỉnh Quảng Nam bao nhiêu. Khi nào có số liệu cụ thể rõ ràng như thế thì nhà máy thủy điện Dak Mil 4 sẽ đáp ứng yêu cầu.

Hồi đầu tháng tư vừa qua, ông Huỳnh Nghĩa, phó chủ tịch thường trực Hội đồng Nhân dân, phó trưởng đoàn đại biểu quốc hội đơn vị Đà Nẵng cho biết sẽ đưa vụ tranh chấp nguồn nước thủy điện Dak Mil 4 ra trước quốc hội trong kỳ họp sắp đến.

Ông Huỳnh Nghĩa nhắc lại việc Nhà máy Thủy điện Dak Mil 4 không chấp hành đúng chỉ đạo của phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, không mở cống xả đáy trả lại nước cho sông Vu Gia với lưu lượng 25 m3/giây nhằm chống hạn và cấp nước sinh hoạt cho dân chúng thành phố.

Vấn đề hài hòa giữa mục tiêu phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, nguồn nước luôn được nêu ra như ý kiến của tiến sĩ Phạm Hồng Giang, chủ tịch Hội đập lớn và bảo vệ nguồn nước tại Việt Nam sau đây:

“Phải nói thủy điện hiện đóng góp hơn 30% năng lượng trong tổng sản lượng nội địa hiện nay. Đó là nguồn đóng góp rất quan trọng cho an toàn năng lượng tại Việt Nam. Tuy nhiên sự phát triển thủy điện khá nhanh trong một vài thập kỷ vừa qua cũng bộc lộ ra một số thiếu só. Trước hết, (thiếu sót) trong việc điều hòa việc sử dụng nước cho mục đích phát điện và cho các mục đích khác để phục vụ dân sinh. Tất nhiên, nguồn nước được trữ lại từ lúc nhiều nước để dùng vào lúc ít nước; nhưng có lúc yêu cầu về điện lại khác với những yêu cầu về tưới hay cấp nước, cho nên cũng phải làm sao bảo đảm sự hài hòa này.

Trong quá trình vừa qua, yếu tố để phát triển một cách hài hòa, dùng nước trong một lưu vực cho hài hòa các mục tiêu thì việc này chúng ta chưa làm cho tới nơi - tới chốn, chưa được tốt.”

Công trình thủy điện Dak Mil 4 khi được khởi công cách đây 5 năm, vào ngày 25 tháng 1 năm 2008, được chính nguyên chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cho là công trình ‘cốt lõi’ trong công cuộc hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước.

Cũng tại tỉnh Quảng Nam, công trình thủy điện Sông Tranh 2 tại huyện Bắc Trà My trong thời gian qua là một ‘ác mộng’ cho nhiều người dân địa phương vì động đất thường xảy ra làm rung chuyển nhà cửa.

Nhiều địa phương đã chạy theo phong trào làm thủy điện. Tuy nhiên trong những năm qua, biết bao bất cập do thủy điện đem đến như xả lũ bất chợt vào mùa mưa, giữ nước vào mùa khô lại khiến bao người dân ở hạ du điêu đứng. Đó là tình cảnh của dân chúng tại thành phố Đà Nẵng và nhiều nông dân thuộc tỉnh Quảng Nam.

Mục Khoa học - Môi trường kỳ này tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại quí khán thính giả trong chương trình kỳ. Gia Minh chào tạm biệt.