Ngân hàng thương mại ở Việt Nam đang có hàng chục ngàn tỉ đồng sẵn sàng cho vay nhưng rất ít doanh nghiệp tiếp cận. Có vẻ nghịch lý khi hàng chục ngàn doanh nghiệp cần vốn để phục hồi và những nơi được chào mời lại không muốn vay tiền. Nam Nguyên tìm hiểu vấn đề này.
Nhiều ngân hàng thương mại hoạt động bình thường ở Việt Nam đang lâm vào tình trạng trớ trêu, mức huy động cao nhưng tiền nằm kho cho vay rất ít. Dòng tín dụng cho vay trở nên im lắng sau một thời kỳ tăng trưởng quá nóng.
Người khó thì vẫn khó, người dễ thì càng dễ
Nhận định về sự kiện này ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Câu lạc bộ 20 nhà xuất khẩu cà phê hàng đầu Việt Nam từ Saigon phát biểu:
"Thực ra mà nói, tín dụng bây giờ lãi suất đã giảm đi nhiều so với trước đây. Nhưng về cơ bản thì các doanh nghiệp Việt Nam không dễ vay được vốn ngân hàng. Các doanh nghiệp Việt Nam làm ăn tốt có hiệu quả thì không nhiều, các doanh nghiệp gặp rủi ro cao cho nên các ngân hàng họ có tiền nhưng không dám cho các doanh nghiệp có rủi ro vay. Còn các doanh nghiệp ít rủi ro lại quá mạnh và được rất nhiều ngân hàng ưu ái, họ cũng không dùng hết tiền có thể vay được. Nhưng những doanh nghiệp gặp rủi ro họ muốn vay để cố gắng vượt ra thì rất khó, tức là người khó thì vẫn khó người dễ thì càng dễ. Chính vì vậy bề mặt tiền tệ trên thị trường vẫn còn những khó khăn nhất định."
Các doanh nghiệp gặp rủi ro cao cho nên các ngân hàng họ có tiền nhưng không dám cho vay. Còn các doanh nghiệp ít rủi ro lại quá mạnh và được rất nhiều ngân hàng ưu ái, họ cũng không dùng hết tiền có thể vay được. <br/> Ô. Đỗ Hà Nam
Theo lời TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tiền tệ Quốc gia được báo chí trích thuật, hiện nay các ngân hàng thương mại đang thừa hàng chục ngàn tỉ đồng nhưng không biết cho ai vay.
Lãi suất tiết kiệm ở Việt Nam hiện trong khoảng 8% đến 12%/năm tùy theo tiền gởi ngắn hạn hay dài hạn. Hoạt động của Ngân hàng hiểu theo cách đơn giản là, huy động tiền vào để cho vay lại với lãi suất cao hơn hưởng chênh lệch. Nếu để tiền ế nằm kho thì ngân hàng sẽ thua lỗ. Do vậy, trong tình cảnh hiện nay nhiều ngân hàng đổ tiền mua trái phiếu chính phủ hưởng lãi suất 8%-9%/năm hoặc cho vay liên ngân hàng để giảm lỗ.
Nhận định chung về tình trạng nơi cần vốn không thể vay, nơi dễ vay vốn lại vay cầm chừng, chuyên gia tài chính cao cấp Bùi Kiến Thành từ Hà Nội phát biểu:
“Có rất nhiều vấn đề, thí dụ theo qui định của Nhà nước Việt Nam một doanh nghiệp có vốn nợ xấu nợ khó đòi tới một mức nào đấy thì không được phép vay của ngân hàng nữa. Còn ngân hàng có khách hàng nào là doanh nghiệp có nợ xấu nợ khó đòi đến một mức nào đó thì ngân hàng không được quyền cho doanh nghiệp đó vay tiếp. Đấy là vấn đề qui định pháp luật, ngoài ra những doanh nghiệp còn có thể vay được để mà làm hàng thì ở trong tình trạng kinh tế khó khăn người ta lại bán ra không được thì người ta không vay làm gì. Ngoài ra lãi suất quá cao người ta cũng không thể nào vay để mà làm và bán được, nên người ta hạn chế hoạt động cầm chừng, không dám vay tránh nợ, tránh sự khó khăn không có khả năng trả nợ.”
Giám đốc một doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng ở Chợ Lớn TP.HCM mô tả khó khăn rất lớn của khu vực doanh nghiệp tư nhân kéo dài trong 3 năm qua.
“Bây giờ đang bão tố, ai vượt qua được bão tố mới đứng vững được mới nhìn thấy ánh sáng ngày mai. Không vượt qua được đồng nghĩa với tiêu vong. Thị trường không khả quan sức mua vẫn còn yếu lắm. Nếu mà tình hình này đi vay ngân hàng lãi suất như hiện tại thì không có lãi, một số đã co cụm lại hoặc tạm đóng cửa, số nào còn làm được thì cố gắng tiết giảm mọi mặt để chờ đợi.”
"Vui vẻ" thì cho vay
Doanh nghiệp đi làm việc tới ngân hàng vay, 'vui vẻ' thì người ta cho vay không vui vẻ thì người ta không cho vay; hay mà gặp những người có trách nhiệm đi giám định dự án thì người ta chờ đợi tiền "phong bì" nếu không có thì không vui vẻ khi làm việc với mình. <br/> Ô. Bùi Kiến Thành
Tại Hội nghị ngày 12/3 vừa qua giữa lãnh đạo TP.HCM và cộng đồng doanh nghiệp, Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố phản ánh thực trạng đầy khó khăn đó là vấn đề vốn, lãi suất và hàng tồn kho. Đa số các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải đi vay với lãi suất trên trời cả trong và ngoài hệ thống ngân hàng, chỉ một số ít doanh nghiệp lớn mới đáp ứng các điều kiện để được vay lãi suất 10%-12%. Riêng ông Văn Đức Mười, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM kêu gọi giải quyết những vấn đề bức thiết. Giới chức này kiến nghị giảm lãi suất thấp hơn nữa, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tái cấu trúc lại nợ để tạo chu kỳ sản xuất mới, giảm giãn các loại thuế.
Chuyên gia Bùi Kiến Thành nhận định:
“Vì vấn đề hoạt động kinh tế Việt Nam không thông thoáng, từ chỗ nói cho vay sản xuất lãi suất 10% nhưng mà cộng với bao nhiêu loại phí trên bàn dưới bàn là bao nhiêu không ai rõ. Thí dụ như vậy, doanh nghiệp đi làm việc tới ngân hàng vay, ‘vui vẻ’ thì người ta cho vay không vui vẻ thì người ta không cho vay; hay mà gặp những người có trách nhiệm đi giám định dự án thì người ta chờ đợi tiền “phong bì” nếu không có thì không vui vẻ khi làm việc với mình.
Tất cả những chuyện ấy là cả một vấn đề về quản lý doanh nghiệp cũng như quản lý Nhà nước mà chính phủ và Đảng lãnh đạo cũng thấy nhưng không giải quyết được. Cái gọi là Nghị quyết Trung ương 4 đưa ra để làm sao khống chế được vấn đề lợi ích nhóm, vấn đề tiêu cực, tham nhũng …v..v… thì đặt ra nhưng không giải quyết được.”
Ông Bùi Kiến Thành cho rằng là Việt Nam cần thay đổi tích cực thì mới thoát khỏi những bế tắc kéo dài. Theo ông sự thiếu công khai minh bạch ảnh hưởng rất lớn tới toàn bộ nền kinh tế, gây ra những hậu quả nghiêm trọng và sự cải tổ càng chậm thì càng thêm tai hại.