Các nhà tuyển dụng sẽ nói gì qua vụ việc này và cũng như bài học kinh nghiệm nào cho các bạn sinh viên sắp ra trường? Hòa Ái tìm hiểu và trình bày trong phần sau.
Quyền tự hào và giới hạn
Những ngày cuối tháng 6 vừa qua, việc xuất hiện mẩu quảng cáo tuyển dụng nhân viên thực tập của một công ty xuất nhập khẩu ở Hà Nội với lưu ý không tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp Đại học Ngoại thương đã thu hút nhiều sự quan tâm của công luận. Trên VNExpress đăng tải bài báo có tựa đề “sinh viên Ngoại thương bị nhà tuyển dụng chê ‘chảnh’” hôm 23/6 làm dấy lên rất nhiều ý kiến bình luận trái chiều nhau. Giám đốc công ty cho báo giới biết lý do không tuyển dụng lực lượng có chuyên môn trong ngành lại tốt nghiệp từ một trường đại học danh tiếng là vì bản thân công ty cũng như những công ty bạn qua nhiều cuộc tiếp xúc với sinh viên Ngoại thương thì phần lớn đều “rất chảnh”. Vị giám đốc công ty cho rằng các sinh viên Ngoại thương luôn cho mình học ở trường danh giá hơn người, đi làm thì đòi hỏi điều kiện làm việc như trên mây, ngồi máy lạnh cả ngày, đi công tác khách sạn 5 sao.
Phản hồi của các bạn sinh viên Ngoại thương là không thể đánh đồng tất cả sinh viên của trường trong khi chỉ có một vài cá nhân hay một nhóm sinh viên tỏ ra tự tin thái quá, thậm chí kiêu ngạo quá mức. Dường như dư luận không chấp nhận lý giải này. Công chúng nhắm vào tuyên bố của một tân sinh viên Ngoại Thương hồi năm ngoái trên diễn đàn của trường rằng lương dưới 1000 đô la thì không làm nhưng lại không nhắc gì đến lời xin lỗi rất chân thành của tân sinh viên này. Có nhiều ý kiến cho rằng: “đáng đời Ngoại thương” cũng như “sinh viên Ngoại thương chảnh thì…cạp đất ra mà ăn”…
...các sinh viên Ngoại thương luôn cho mình học ở trường danh giá hơn người, đi làm thì đòi hỏi điều kiện làm việc như trên mây, ngồi máy lạnh cả ngày, đi công tác khách sạn 5 sao...
Một giám đốc Cty
Chia sẻ kinh nghiệm tuyển dụng nhân sự trong nhiều năm với đài RFA, ông Hà làm việc cho một tập đoàn đa quốc gia tại TP.HCM cho biết khi bắt đầu tuyển dụng thì trước tiên thường không chú ý đến các bạn học trường nào. Sau khi nhận hồ sơ, sẽ yêu cầu các ứng viên làm các bài kiểm tra về IQ, về khả năng xử lý tình huống. Ứng viên nào có điểm số cao trong các bài kiểm tra thì công ty mới bắt đầu xem xét đến hồ sơ. Ông Hà cũng cho biết có một điều thú vị là trong thời gian làm công tác tuyển dụng thì phần trăm các bạn sinh viên Ngoại thương chiếm tỉ lệ khá cao khi vượt qua vòng kiểm tra khởi đầu. Tuy nhiên, điều quan trọng khi phỏng vấn là không quan tâm lắm đến việc các bạn có học ở các trường danh tiếng hay không mà chỉ tập trung vào khả năng xử lý tình huống, tính cách phù hợp với công việc. Ông Hà nói:
“Theo mình nghĩ thì trường nào cũng thế, cũng có những người chảnh, những người không chảnh. Điều quan trọng là bạn đó chứng tỏ mình như thế nào trong cuộc phỏng vấn. Hơn thế nữa là có tính cân bằng ở đây: một bên thì người cần việc nhưng một bên cũng cần tìm người có chất lượng, phù hợp với công ty, để phục vụ công ty về lâu về dài. Nếu như vậy thì về phía nhà tuyển dụng, mình không có quan niệm không phải trường Ngoại Thương là mình không nhận. Quan niệm đấy mình nghĩ là không đúng lắm.”
Bà Liên, tổng giám đốc một công ty liên doanh với Malaysia đưa ra nhận xét là chấp nhận việc sinh viên Ngoại thương đòi hỏi cao hơn những trường khác vì khi phỏng vấn vẫn thấy các em thông minh hơn. Bà Liên cho rằng do đầu vào cao nên Đại học Ngoại thương chọn được những người trên trung bình khá. Những người này có đầu óc nhanh nhạy thì ra trường sẽ nắm bắt công việc nhanh. Bà Liên cũng cho biết nhìn lại kết quả của sinh viên thế hệ 7X, tốt nghiệp ra trường từ trường Ngoại thương thì những sinh viên viên đạt được kết quả làm việc tốt hơn và có vẻ thành đạt hơn, do đó tạo ra hình ảnh của trường Đại học Ngoại thương có chất hơn. Bà Liên nêu lên ví dụ của công ty khi gặp gỡ ứng viên là sinh viên Ngoại thương:
Nói chung rất tự tin và biết rằng các em muốn gì và muốn ngược lại công ty phải rõ ràng. Cách đây một năm, có phỏng vấn hai bé. Hai bé rất tự tin và muốn mức lương như vậy thì mới chấp nhận, còn không thì sẽ không làm
Bà Liên
“Nói chung rất tự tin và biết rằng các em muốn gì và muốn ngược lại công ty phải rõ ràng. Cách đây một năm, có phỏng vấn hai bé. Hai bé rất tự tin và muốn mức lương như vậy thì mới chấp nhận, còn không thì sẽ không làm. Nếu không khiêm tốn thì thật sự nhà tuyển dụng cũng không muốn tuyển đâu. Theo nhu cầu của cung cầu của thị trường với người lao động, nói chuyện một cách tự tin và khiêm tốn thì vẫn chấp nhận được.”
Thành quả thực sự bảo vệ danh tiếng của đại học
Trong số những sinh viên hiện đang học tập dưới mái trường Ngoại thương mà chúng tôi tiếp xúc có những bạn khẳng định rằng “mình học Ngoại thương thì phải chảnh” nhưng cũng có bạn cho rằng đó không phải là số đông. Trong những bình luận trên báo chí cũng như trên các trang mạng xã hội trong thời gian qua thì “tiếng chê” gần như lấn át “lời khen” dành cho sinh viên ở ngôi trường danh tiếng này.
Các bạn Ngoại thương đa phần cho rằng họ tự hào khi mình là sinh viên Ngoại thương nhưng không tự tin thái quá hay quá kiêu căng như công kích của dư luận. Có ý kiến cho rằng nhà tuyển dụng tự hạn hẹp phạm vi tuyển dụng và không tuyển sinh viên Ngoại thương trong hoạt động chuyên môn của công ty thì chính nhà tuyển dụng phải chịu thiệt thòi. Trái lại, cũng không ít các bạn sinh viên Ngoại thương ái ngại sau vụ việc ồn ào này sẽ gặp khó khăn sau khi ra trường trong việc tìm công ăn việc làm.
...không có gì để hoang mang hết. Có công ty tư nhân, tuyển dụng vài 3 người thì không đại diện cho cái gì hết. Còn hàng vạn công ty khác tuyển, chả có vấn đề gì. Cho nên không phải lo lắng vì điều đó. Sinh viên mình giỏi giang, thông minh, năng động, tự tin thì sẽ tìm việc một cách bình thường, dễ dàng
GS. TS. Hoàng Văn Châu
Một video clip được tung lên mạng, trích một đoạn ngắn của phim “The Downfall” (Kẻ Diệt Chủng) nổi tiếng đề cử giải Oscar khiến cộng đồng sinh viên và cộng đồng mạng dậy sóng. Trong video clip này có chèn những câu tiếng Việt với nội dung ban giám hiệu nhà trường không lên tiếng bảo vệ sinh viên của mình đồng nghĩa với việc phá hủy danh tiếng của trường 51 năm qua. GS. TS. Hoàng Văn Châu, hiệu trưởng Đại Học Ngoại Thương cho biết không cần thiết để lên tiếng với dư luận nhưng khẳng khái từng lời nói dành cho sinh viên của trường:
“Khuyên các bạn là không có gì để hoang mang hết. Có công ty tư nhân, tuyển dụng vài 3 người thì không đại diện cho cái gì hết. Còn hàng vạn công ty khác tuyển, chả có vấn đề gì. Cho nên không phải lo lắng vì điều đó. Sinh viên mình giỏi giang, thông minh, năng động, tự tin thì sẽ tìm việc một cách bình thường, dễ dàng.”
Doanh nghiệp nào cũng có một bảng thang lương hết. Dành cho bậc đại học là mức lương như thế nào. Đại học danh tiếng mức lương như thế nào. Đại học thường mức lương như thế nào. Đối với trường hợp doanh nghiệp của tôi là như vậy.
Bà Thanh
Là cựu sinh viên của Đại học Ngoại thương ra trường hơn 10 năm về trước, nay là chủ một doanh nghiệp tư nhân, bà Thanh cho biết khi giới thiệu về mình với đối tác, bao giờ bà cũng mở đầu với câu: “tôi tốt nghiệp Đại học Ngoại thương”. Với vai trò là nhà tuyển dụng, bà Thanh cũng gặp những trường hợp sinh viên Ngoại thương không có kinh nghiệm như các bạn học ở các trường đại học khác khi mới ra trường nhưng yêu cầu mức lương cao vì cho mình tốt nghiệp từ trường danh tiếng. Bà Thanh cho biết thêm rằng không chỉ một số bạn tốt nghiệp Ngoại thương không thôi, mà còn có những bạn ở các trường danh tiếng khác như Bách Khoa, Kiến Trúc…tự phụ cho rằng mình phải được quyền hưởng mức lương cao và khi làm việc thì lại không chịu khó học hỏi như những bạn sinh viên trường khác. Bà Thanh chia sẻ kinh nghiệm của một nhà tuyển dụng với các bạn sinh viên như sau:
“Doanh nghiệp nào cũng có một bảng thang lương hết. Dành cho bậc đại học là mức lương như thế nào. Đại học danh tiếng mức lương như thế nào. Đại học thường mức lương như thế nào. Đối với trường hợp doanh nghiệp của tôi là như vậy. Và tôi nghĩ rằng doanh nghiệp nào họ cũng tính rõ là như vậy rồi. Cho nên, tôi nghĩ rằng cứ chứng minh khả năng của mình, sự năng động của mình, kinh nghiệm kiến thức của mình để xin việc chứ không nên tự cao tự đại.”
Tại Việt Nam lâu nay, đa phần các học sinh vừa tốt nghiệp phổ thông đều mơ ước thi đậu vào một trường đại học; nhất là đại học có tiếng. Khi ra trường ai cũng mong có được một chỗ làm tốt, hợp với khả năng. Đó là lẽ tự nhiên; và một điều quan trọng khi bước chân vào đời để khởi đầu cho sự thành công thì câu “tiên học lễ, hậu học văn” được học từ những lớp học đầu đời bao giờ cũng đúng.
Theo dòng thời sự:
- Những điểm sáng và tối của Giáo dục Việt Nam năm 2011
- Những khó khăn của Đại học ngoài công lập
- Sinh viên với việc làm thời vụ
- Đạo đức học đường
- Vì sao học sinh bỏ học?
- Những vấn nạn trong trường học Việt Nam
- Giáo dục Đại học Việt Nam cần thay đổi hơn nữa từ nhận thức
- Chương trình giáo dục đại học Việt Nam còn nhiều hạn chế
- Nỗi lo chất lượng giáo dục Đại học
- Việt Nam chấn chỉnh giáo dục đại học