Trao đổi thư tín với thính giả

0:00 / 0:00

Nghe Đài RFA qua điện thoại

Mở đầu chương trình “Trả lời Thư tín” hôm nay, Hòa Ái dành thời gian trả lời cho những thắc mắc về nghe chương trình phát thanh của ban Việt ngữ đài ACTD qua số điện thoại 857-232-0091.

“Kính chào các anh chị của đài RFA. Theo tin tức từ RFA thì chúng tôi có thể nghe tin tức của quý đài bằng điện thoại cầm tay. Khi gọi vào số 857-232-0091 giá cả chỉ bằng những cuộc gọi thông thường. Hiện tôi đang dùng điện thoại của hãng T-Mobile (không giới hạn số phút). Tôi có thể gọi những số điện thoại cùng chung hãng T-Moblie bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu cũng không bị giới hạn về số phút. Xin được hỏi số điện thoại của quý đài thuộc hãng điện thoại nào? Không biết khi tôi gọi vào để nghe tin của đài từ VN thì giá tiền sẽ tính như thế nào?Thời gian sẽ được tính ra sao? Kính xin quý anh chị làm ơn trả lời cho tôi biết”.

Thay mặt ban Việt ngữ, Hòa Ái cảm ơn đến tất cả quý thính giả đón nhận dịch vụ nghe chương trình qua điện thoại mà ban Việt ngữ cố gắng tạo mọi điều kiện thuận lợi hơn cho quý thính giả của đài ở khắp mọi nơi.

Hòa Ái xin phép được thưa công ty điện thoại mà đài đang hợp tác là công ty AudioNow. Quý thính giả có thể kiểm tra với công ty điện thoại mà quý vị đang ký kết hợp đồng để biết chắc chắn có phải trả thêm chi phí điện thoại khi khi quý vị bấm vào số 857-232-0091 để nghe các chương trình phát thanh của đài RFA hay không.

Đài nên tính sao đó cho người dân trong nước, người không có radio để nghe qua điện thoại. Chứ bây giờ gọi đi mà số tiền đó người ta nghe thì không thể tả nỗi. <br/> -Một thính giả

Hòa Ái cũng xin nhắc lại việc nghe các chương trình phát thanh của đài RFA, quí vị phải trả chi phí điện thoại theo hợp đồng của quí vị với công ty điện thoại. Đây không phải là số điện thoại miễn phí. Nếu gọi từ điện thoại cố định (điện thoại nhà), cước phí viễn liên vẫn được áp dụng như bình thường. Nếu gọi từ ngoài nước Mỹ, người gọi sẽ phải trả tiền điện thoại viễn liên.

“Quý anh chị tổng đài cho số 857-232-0091, người ta ở quê tôi cũng muốn nghe mà nghe ở trong nước lại gọi ra nước ngoài nên người ta không thể ra được vì hết chương trình thời sự của đài là 1 tiếng, nghĩa là mấy trăm nghìn đồng. 1 lần nghe như vậy quá tốn kém. Đài nên tính sao đó cho người dân trong nước, người không có radio để nghe qua điện thoại. Chứ bây giờ gọi đi mà số tiền đó người ta nghe thì không thể tả nỗi. Tỷ phú cũng có thể không nghe được qua máy điện thoại. Làm sao sắp xếp cho mọi người có thể nghe qua điện thoại bất cứ chổ nào. Xin cảm ơn”.

Hòa Ái cũng xin phép được thưa, trong nỗ lực của đài để cung cấp mọi điều kiện thuận lợi cho quý khán thính giả cùng độc giả ở VN và khắp nơi trên thế giới có thể vào đọc, xem và nghe các bài vở cùng các chương trình phát thanh, phát hình qua kênh YouTube. Dịch vụ nghe chương trình phát thanh qua điện thoại mà đài vừa đưa vào sử dụng như là một sự cố gắng của ban Việt ngữ đáp ứng theo yêu cầu của một số đông thính giả như của một thính giả là tái xế lái xe tải đường dài ở Hoa Kỳ, không có điều kiện truy cập vào internet mà Hòa Ái đã trích đăng trong mục “Trả lời Thư tín” trước đây.

Đặc biệt ở VN, quý thính giả có thể nghe các chương trình phát thanh qua radio, qua internet. Trong trường hợp, quý vị gặp trở ngại khi truy cập trực tiếp vào trang nhà của đài tại RFATiengViet.net hoặc achautudo.info, quý thính giả có thể nghe đài qua mạng soundcloud tại đường dẫn: https://soundcloud.com/rfavietnam. Quý thính giả cũng có thể tải xuống vào điện thoại để nghe lại sau.

Hòa Ái cũng xin được trả lời thắc mắc của thính giả MAI hỏi rằng “tôi vào Google và RFA cũng nghe được. Vậy gọi vào phone để nghe khác nhau những gì?”. Thính giả MAI thân mến, các chương trình phát thanh của đài không có gì khác biệt, chỉ là ban Việt ngữ cố gắng cung cấp những điều kiện nghe đài khác nhau để quý thính giả có thể chọn lựa điều kiện nào thuận tiện nhất cho quý vị mà thôi. Kính.

Ban Việt ngữ cảm ơn những ý kiến đóng góp về cách thức tạo điều kiện thuận lợi cho thính giả nghe đài. Và chúng tôi đang từng bước cố gắng để làm hài lòng quý khán thính giả cùng độc giả trong những ngày sắp tới.

Khán thính giả khắp nơi

Trong thời gian còn lại của chương trình, Hòa Ái lần lượt trả lời những tin nhắn sau đây:

Luật gia Lê Hiếu Đằng, ảnh chụp trước đây.
Luật gia Lê Hiếu Đằng, ảnh chụp trước đây. (File photo)

“Chào đài ACTD. Tôi tên là Tony. Tôi kính xin phép có thể cho tôi xin số điện thoại của luật gia Lê Hiếu Đằng. Tôi rất thích ông. Có nghe đài, nghe tiếng nói của ông mấy lần, tôi cũng thích. Thấy ông là một nhà trí thức, cũng sáng suốt suy nghĩ cho đất nước mình được có tương lai. Thấy ông nói chuyện cũng hay. Tôi chỉ muốn gọi tâm sự với ông và gửi lời thăm ông vậy thôi”.

Xin thưa cùng quý thính giả Tony, Hòa Ái xin phép thay mặt luật gia Lê Hiếu Đằng cảm ơn lời chia sẻ vừa rồi của quý vị. Rất tiếc là ban Việt ngữ không được phép cho số điện thoại của các chuyên gia cộng tác với đài. Đó là yêu cầu tư ẩn của họ. Kính mong quý thính giả Tony thông cảm và hiểu cho chúng tôi. Kính.

“Tôi tên Bảo Huyền. Tôi ở Seattle. Nhờ cô hôm nay có bác sĩ trả lời cho những thắc mắc của bệnh nhân. Xin cô cho tôi được gặp bác sĩ tối nay. Cảm ơn cô nhiều”.

Kính thưa quý thính giả Bảo Huyền. Hòa Ái mạn phép xin được hỏi quý thính giả có nhầm lẫn nào khi gọi vào hộp thư thoại của ban Việt ngữ, đài RFA về yêu cầu này hay không? Vì đài ACTD không có mục bác sĩ phụ trách trả lời trực tiếp cho thính giả. Tuy nhiên, quý thính giả vẫn có thể liên lạc với đài qua email hoặc nhắn tin vào hộp thư thoại về những thắc mắc trong lãnh vực y tế. Việt Hà, phụ trách mục “Sức khỏe và Đời sống”, sẽ tìm hiểu và trao đổi với bác sĩ cũng như các chuyên gia y tế về các bệnh mà quý vị quan tâm. Kính.

“Tôi là Tuấn Nguyễn, ở San Jose, California. Chương trình phát thanh của ngày 10/10/13, 6:30 và 9 giờ tối download xuống không nghe được. Nhờ đài coi lại giùm. Cảm ơn”.

“Hello, chào cô Hòa Ái. Tôi tên Bạch. Trong chương trình ngày 10/10/201, lúc 21 giờ, không biết tại sao Kính Hòa đang nói chuyện về câu chuyện mỏ khoáng sản thì bị ngắt ngang? Xin cho tôi biết. Cảm ơn cô Hòa Ái. Bye”.

Hòa Ái xin cảm ơn những quý thính giả gửi email, nhắn tin qua Facebook và gọi vào hộp thư thoại báo lỗi âm thanh các chương trình phát thanh trong 2 ngày 9 và 10/10. Trong 2 ngày này, các chương trình bị lỗi kỹ thuật, kính mong quý thính giả thông cảm cùng đài và cũng mong quý vị hiểu cho tất cả anh chị em trong đài đều cố gắng làm tốt công việc của mỗi người để được quý khán thính giả cùng độc giả tin cậy và yêu mến. Có khi những sự cố xảy ra là ngoài ý muốn của chúng tôi. Và chúng tôi luôn ghi nhận những thông báo nhanh chóng của quý vị cũng như chúng tôi cố gắng sữa chữa những sự cố ngoài ý muốn này.

Chào đài ACTD. Tôi tên là Tony. Tôi kính xin phép có thể cho tôi xin số điện thoại của luật gia Lê Hiếu Đằng. Tôi rất thích ông. Có nghe đài, nghe tiếng nói của ông mấy lần, tôi cũng thích. <br/> -Thính giả Tony

“Tôi là Võ Minh Thảo. Tôi thường xuyên nghe đài RFA nhưng chưa bao giờ lên tiếng với đài. Nhưng khi nghe cô Hoàng Thị Nhật Lệ trả lời phỏng vấn về điều luật 258 thì tôi không thể không lên tiếng được.

Cô Hoàng Thị Nhật Lệ nói rằng ‘Đó là 1 sự trơ trẽn vì chỉ có 1 số người mà xưng đại diện cho giới blogger từ VN’ thì tôi lại thấy ít nhất có 2 sự trơ trẽn trong những câu trả lời của cô Hoàng Thị Nhật Lệ:

1.Những người blogger phản đối điều luật 258 không nói rằng họ đại diện cho tất cả những blogger VN mà họ chỉ đại diện cho những blogger phản đối điều luật 258. Và danh sách những blogger này đã được đưa ra công khai trên internet. Cô Hoàng Thị Nhật Lệ đã học được thủ đoạn của nhà cầm quyền Cộng Sản VN là gán ghép cho người ta điều mà người ta không nói, không làm. Rồi lại dựa vào đó mà lên án người ta.

2.Cô Hoàng Thị Nhật Lệ đề cập đến, có nghĩa là cô chấp thuận và cổ vũ cho quy định của Bộ Văn hóa Truyền thông VN, rằng để phỏng vấn công dân VN thì phóng viên nước ngoài không thường trú tại VN phải gửi công hàm đến Bộ Ngoại Giao VN và Bộ Văn hóa Truyền thông thì mới có quyền phỏng vấn công dân VN. Kính Hòa không phải là phóng viên nước ngoài thường trú tại VN nhưng cô Hoàng Thị Nhật Lệ vẫn trả lời phỏng vấn của Kính Hòa thì đó là một sự trơ trẽ thứ 2. Bởi vì 1 người làm 1 điều mà không biết đó là điều cấm kỵ thì có thể thông cảm và tha thứ được. Còn 1 người đã biết rõ đó là điều cấm kỵ, và nhất là người đó lại chấp nhận và cổ vũ cho sự cấm kỵ đó (ở đây theo cô Hoàng Thị Nhật Lệ là trả lời phỏng vấn đài nước ngoài) nhưng cô vẫn làm, nghĩa là vẫn trả lời phỏng vấn của Kính Hòa thì đó là sự trơ trẽn, không thể bỏ qua được.

Mong Kính Hòa cho biết có gửi công hàm đến 2 Bộ này hay không? Để xin phép phỏng vấn cô Hoàng Thị Nhật Lệ hay không?

Thân chào Kính Hào và đài RFA”.

Quý thính giả Võ Minh Thảo kính, Hòa Ái xin được chuyển lời của Kính Hòa đến quý vị là Kính Hòa không có gửi công hàm đến Bộ Ngoại Giao và Bộ Văn hóa Truyền Thông VN để xin phép phỏng vấn công dân VN, cô Hoàng Thị Nhật Lệ. Kính.

Hòa Ái cũng xin được trình bày khi chúng tôi gọi điện thoại về văn phòng các Bộ, ban ngành, các văn phòng công quyền ở VN xin phép phỏng vấn, có nơi sẵn sàng trả lời những câu hỏi của chúng tôi nhưng cũng có nơi nói rằng họ chỉ trả lời báo đài nước ngoài khi phóng viên đến tận nơi với giấy giới thiệu của Sở Ngoại Vụ.

Mục "Trả lời Thư tín" xin tạm chấm dứt và hẹn gặp lại trong chương trình lần sau. Quý thính giả liên lạc với ban Việt ngữ, vui lòng gửi email qua địa chỉ vietweb@rfa.org hoặc hoaai@rfa.org. Quý vị cũng có thể gọi vào hộp thư thoại tại số 202-530-7775. Cảm ơn thời gian lắng nghe mục "Trả lời Thư tín" của quý thính giả cùng Hòa Ái. Hòa Ái trân trọng kính chào.