Tham nhũng trong hệ thống quyền lực VN

Vấn đề tham nhũng tại Việt Nam gây quan ngại khi Đại hội Đảng sắp diễn ra. Một bản tin của hãng thông tấn AFP khẳng định điều này.

0:00 / 0:00

Vũ Hoàng hỏi ý kiến một số người dân về vấn đề này.

Theo một báo cáo của LHQ hồi năm 2009, kể từ kỳ Đại hội Đảng lần trước cho đến nay, nạn hối lộ vẫn chưa suy giảm và tham nhũng thì diễn ra ở mọi cấp cả trong Đảng lẫn chính quyền và cả ở lĩnh vực tư nhân lẫn nhà nước.

Ông Martin Gainsborough, một chuyên gia nghiên cứu về Việt nam tại Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á của trường Đại học Bristol, Anh quốc cho hay tham nhũng là vấn đề lớn của hệ thống quyền lực Việt Nam.

Ông cho rằng “mọi người sẵn sàng trả tiền để có được chức vị trong chính quyền cho dù tiền lương thấp. Điều duy nhất mà những người này hi vọng là có thể sẽ thu hồi được khoản đầu tư này thông qua một số biện pháp khác.”

Dân mất niềm tin

Người nông dân Nguyễn Văn Trân cho biết, kể từ Đại hội Đảng diễn ra cách đây 5 năm, đất nước đã có những phát triển nhất định, “nhưng với những người nông dân chúng tôi, tôi nghĩ là không có gì thay đổi. Mọi thứ vẫn y nguyên.”

Ông Trân nói thêm “Tôi muốn Đảng mang lại công bằng cho người dân,” nhưng dường như đứng trước pháp luật ở Việt Nam không phải ai cũng được công bằng. Một số quan chức đã không bị xử phạt khi gây tội.

Anh Lê Văn Bình, 34 tuổi, làm việc với mức lương khoảng 3 triệu đồng/ một tháng tại một nhà máy trong khu chế xuất nói rằng “Kể từ kỳ Đại hội trước, giới lãnh đạo cam kết sẽ mạnh tay chống lại tham nhũng, nhưng chúng tôi chưa nhìn thấy một trường hợp nào làm cho ra trò cả.”

Kể từ kỳ Đại hội trước, giới lãnh đạo cam kết sẽ mạnh tay chống lại tham nhũng, nhưng chúng tôi chưa nhìn thấy một trường hợp nào làm cho ra trò cả.

Anh Lê Văn Bình, công nhân

Công nhân nhà máy tên Bình ngỏ ý mong muốn các nhà lãnh đạo mới nên biến lời nói thành hành động. Anh cho rằng chế độ đa đảng "không phải là một ý kiến tồi"
Tuy nhiên, ông Tạ Quý Ngọc một tài xế tắc xi, 57 tuổi cho biết ông cảm thấy ổn thoả với hệ thống chính trị hiện nay bởi một hế thống chính trị khác có thể dẫn tới sự bất ổn. Ông cho hay "Tôi hi vọng những nhà lãnh đạo mới sẽ nhìn vào thiếu sót và khuyết điểm của những người đi trước để làm tốt hơn". Tuy nhiên, ông Ngọc cũng ra tham nhũng là một trong những mối lo ngại của mình.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lên nắm quyền năm 2006, được kỳ vọng là người lãnh đạo sẵn sàng chống lại tham nhũng. Nhưng đến nay nhiều người vẫn chỉ trích những nỗ lực của ông chưa hiệu quả.

Bà Lê Hiền Đức, người phụ nữ Việt Nam được giải thưởng của Tổ chức Minh Bạch Thế giới về thành tích chống tham nhũng, dành cho Đài Á Châu Tự Do chúng tôi một vài suy nghĩ của bà về công cuộc chống tham nhũng trước hết là về vấn đề đất đai và quản lý đô thị, từ Hà Nội, bà lên tiếng:

000_Hkg867847-250.jpg
Bà Lê Hiền Đức, người được giải thưởng của Tổ chức Minh Bạch Thế giới về thành tích chống tham nhũng. AFP photo (Bà Lê Hiền Đức, người được giải thưởng của Tổ chức Minh Bạch Thế giới về thành tích chống tham nhũng. AFP photo)

"Theo tôi, dưới mắt của một con người chuyên môn chỉ chống tham nhũng, tôi thấy rất nhiều bà con gửi đơn đến tôi, thưa kiện về vấn đề những kẻ có chức, có quyền, tôi nhắc lại, họ bắt tay với những kẻ tham nhũng và những cái gọi là chủ dự án nọ, chủ dự án kia, cho nên bây giờ há miệng mắc quai, đã cầm tiền của người ta rồi.

Theo tôi tất cả mọi chuyện đều có dính đến tham nhũng hết, tất cả là những người có quyền, có chức đã trót “ăn uống”, có nghĩa là đã nhận tiền, nhận bồi dưỡng, vì thế mà bắt buộc phải cho phép. Chẳng qua là để đồng tiền lên trên hết. Đã ăn tiền rồi thì bất kể cái gì cũng chấp nhận, chấp nhận, ký cho phép."

Bà Đức cho rằng, những người lãnh đạo là những người phải gương mẫu, bà cho biết thêm:

"Tóm lại chính quyền là những người phải gương mẫu, mà cấp trên, cụ thể là sự lãnh đạo của Đảng ở đâu cũng phải nghiêm túc với những kẻ đương chức, đương quyền. Có quyền nên mới bắt tay, hỗ trợ chuyện nọ chuyện kia, nó làm cho xấu bộ mặt xã hội đi, chỉ biết có đồng tiền bỏ vào túi là xong. Tôi dùng cái từ “ăn đất”, quan chức ăn đất của dân."

Ngoài chuyện về tham nhũng trong lĩnh vực đất đai, bà Lê Hiền Đức còn đề cập đến hiện trạng tham nhũng trong ngành giáo dục, bà nói:

"Không biết tương lai sẽ như thế nào và rất nhiều chuyện, rất nhiều chuyện, còn kinh khủng hơn nữa là ngành giáo dục và đặc biệt là ngành giáo dục là ngành tôi thấy kinh khủng nhất, mà trồng người, đào tạo ra cả một thế hệ trẻ nát như tương."

Trước khi chia tay, bà Đức còn tỏ ra không lạc quan lắm về tình trạng tham nhũng tràn lan, và chuyện ấy đặc biệt xảy ra trong ngành giáo dục, bà kết luận:

Nạn hối lộ triền miên đang làm xói mòn lòng tin người dân.

Một đảng viên

"Họ để đồng tiền, lợi ích cá nhân lên trên hết chính vì thế những vấn đề nguy hiểm, trầm trọng như giáo dục thế hệ trẻ bây giờ đang xuống cấp, cỗ xe giáo dục đang băng băng lao xuống dốc, nhưng chưa có cách nào để ngăn lại cả".
Và ý kiến của một người dân miền Trung, muốn giấu tên, về chuyện hối lộ của một số quan chức địa phương như sau:

"Những việc chính quyền họ làm thì làm sao mình biết được, họ làm những gì thì tuỳ ý họ thôi, mình là người dân họ nói chi thì họ nói thôi, mình thấp cổ bé họng thì phải chịu.

Họ làm được việc này việc kia, dĩ nhiên ông đó phải có quyền hành, họ có thể có sự quyết đoán, độc tài, khắt khe, kể cả mưu mô, ai biết được. Chỉ họ biết lấy thôi, mình tự hiểu lấy thôi, không ai nói ra điều ấy cho mình biết đâu."

Để kết luận, xin dẫn lời của một Đảng viên trong bài thông tin của AFP mới đăng tải, đó là "nạn hối lộ triền miên đang làm xói mòn lòng tin người dân."

Theo dòng thời sự: