Tuy nhiên, quyết tâm này lại phụ thuộc rất nhiều vào cuộc chiến chống tham nhũng diễn ra từ nhiều năm nay. Liệu quyết tâm chỉnh đốn đảng lần này có thể thành công trước bối cảnh tham nhũng đang tràn lan hiện nay tại Việt Nam?
Mối quan hệ tiền và quyền
Xây dựng, chỉnh đốn đảng là công việc rất phức tạp, nhưng không thể không làm, vì nó liên quan đến sinh mệnh của đảng và sự tồn vong của chế độ. Đó là lời phát biểu khai mạc hội nghị trung ương 4 của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vào ngày 26 tháng 12 năm ngoái. Câu nói này của người đứng đầu đảng cộng sản Việt Nam cũng cho thấy những lo ngại thực sự về những vấn đề cấp bách đang tồn tại trong đảng và làm lung lay không chỉ uy tín mà cả vị trí độc tôn của Đảng cộng sản. Một trong những vấn đề cấp bách đó chính là tham nhũng.
Nghị quyết trung ương 4 của đảng nói rõ, vấn đề cấp bách đầu tiên là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Ngay chính nguyên tổng bí thư đảng cộng sản, ông Lê Khả Phiêu, trong một lần trả lời báo Vietnam net gần đây cũng đã nói 'Sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi tiền tài. Sự tồn tại của cái gọi là dây lợi ích quyền lực, của nhóm lợi ích, của mối quan hệ quyền lực và đồng tiền chi phối dẫn đến tình trạng lạm quyền, chạy chức, chạy quyền, tham nhũng, cục bộ. Tiền dễ biến người ta thành tù binh khi mối quan hệ tiền và quyền lực hòa quyện'.
Tiền và quyền là những gì người ta đã thấy trong nhiều vụ tham nhũng được phát hiện trong những năm qua. Ví dụ điển hình là vụ tham nhũng ở Bộ Giao thông Vận tải vào năm 2006 hay còn được biết dưới cái tên PMU 18 đã khiến một loạt các quan chức thuộc bộ này bị điều tra và chịu án tù. Thậm chí nguyên thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến, bí thư đảng ủy Bộ cũng bị cáo buộc tham nhũng.
Sự tồn tại của cái gọi là dây lợi ích quyền lực, của nhóm lợi ích, của mối quan hệ quyền lực và đồng tiền chi phối dẫn đến tình trạng lạm quyền, chạy chức, chạy quyền, tham nhũng, cục bộ.
Ông Lê Khả Phiêu
Gần đây nhất, vào năm 2009, báo chí Úc đưa tin về vụ tham nhũng liên quan đến công ty in tiền Polymer của Úc là Securency. Công ty này đã đút lót cho các quan chức Việt Nam để thắng thầu hợp đồng in tiền cho Việt Nam. Số tiền đút lót được ước tính lên đến hàng chục triệu đô la, và những quan chức Việt Nam được báo chí Úc nêu tên bao gồm nguyên thống đốc ngân hàng nhà nước Việt Nam, Lê Đức Thúy, cùng một số những quan chức trong Bộ nội vụ Việt Nam trước kia. Báo chí Úc thậm chí còn nói rõ công ty Úc đã trả tiền cho con trai của ông Lê Đức Thúy sang Anh du học. Cho đến bây giờ, chưa có bất cứ quan chức Việt Nam nào bị điều tra hay truy tố về nghi án này, trong khi phía Úc vẫn tiếp tục bắt giữ một lọat các quan chức của các công ty có liên quan.
Bà Lê Hiền Đức, người đã được tổ chức Minh bạch quốc tế trao giải liêm chính năm 2007, chua xót nói về tình trạng tham nhũng trong đảng hiện nay:
"Chúng tôi, những người đảng viên chân chính đau lòng lắm, bởi vì ngày xưa thế nào? Vì nhân dân phục vụ nhân dân, tất cả vì nhân dân. Còn bây giờ thì nó đi cướp đất của dân, tham nhũng ở tất cả các ngành, các mảng, chỗ nào tôi để ý đến là phải đấu tranh ở chỗ đó. Không chỉ đất đai tham nhũng, trong công an, trong ngành giáo dục, chuyện gì tôi cũng có ý kiến."
Bảng xếp hạng nhận thức về tham nhũng năm 2011 của tổ chức minh bạch quốc tế xếp Việt Nam ở hạng 112 trong số 183 nước với điểm số 2.9 trong thang điểm từ 1 đến 10, tức là có tình trạng tham nhũng khá nghiêm trọng. Điều này cũng phản ánh kết quả của một nghiên cứu khác của tổ chức này vào năm 2010 cho thấy có đến 40% người dân ở các thành phố Việt Nam vẫn phải đút lót để có được các dịch vụ cho mình.
Vậy đảng cộng sản Việt Nam chính thức nhìn nhận vấn đề tham nhũng ra sao? Ngay trong nghị quyết đại hội 8 đảng cộng sản Việt Nam năm 1996, đảng đã nhận định ‘nạn tham nhũng đang là một nguy cơ trực tiếp đe dọa đến sự sống còn của hệ thống chính trị’. Từ năm 1999, nguyên thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết trên báo Nhân dân, cơ quan ngôn luận của đảng rằng cán bộ đảng, nhà nước, các đoàn thể chạy theo quyền, tiền, danh và lợi để mất lòng tin của dân.
Để chống tham nhũng, lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam thường xuyên kêu gọi chỉnh đốn đảng, làm trong sạch đảng, kêu gọi phê bình và tự phê bình trong đảng.
Ngày càng trầm trọng
Về mặt pháp luật, từ năm 1998, Việt Nam đã có pháp lệnh phòng chống tham nhũng và đến năm 2005 thì ban hành luật phòng chống tham nhũng. Từ năm 2001, trung ương đảng cộng sản đã thống nhất yêu cầu các bán bộ đảng viên phải kê khai tài sản của mình và người thân trong gia đình.
Thậm chí, đảng cộng sản còn đưa ra 19 điều cấm đảng viên không được làm, trong đó có nhiều điều liên quan đến tham nhũng và đưa hối lộ.
Đã hơn 15 năm trôi qua kể từ nghị quyết đại hội đảng 8 đề cập đến tham nhũng, 13 năm kể từ bài viết của ông Phạm Văn Đồng về tham nhũng, tình hình dường như không có mấy biến chuyển như lời của giáo sư Tương Lai, nguyên viện trưởng viện Xã hội học Việt Nam, một đảng viên cộng sản kỳ cựu:
"Thật ra thực trạng này đảng đã thường xuyên ngăn chặn nhưng làm không đến nơi đến chốn khiến căn bệnh càng thêm trầm trọng… "
Ngay trong hội nghị bàn về công tác chống tham nhũng diễn ra vào ngày 7 tháng 3 vừa qua, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, phó ban chỉ đạo chống tham nhũng trung ương cũng phải thừa nhận rằng ‘quan liêu, tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, gây bức xúc xã hội’.
Giáo sư Tương Lai so sánh căn bệnh tham nhũng trong đảng cộng sản giống như một căn bệnh ung thư đã đến lúc di căn và cần phải có một phương pháp đặc biệt để cứu chữa:
"Hiện trạng tham nhũng không thể nào khắc phục chỉ bằng giải pháp phê bình và tự phê bình mà phải có phương thuốc khác. Hiện nay thời thế như cục ung thư lớn, trị thì không có phương pháp mà không trị thì không thể cam tâm ngồi ngó. Khái niệm phê bình và tự phê bình cũng được thôi, và theo ông tổng bí thư Lê Khả Phiêu thì việc này phải làm từ trên xuống, từ bộ chính trị đến trung ương. Nếu làm được như vậy cũng tốt, nhưng mà chỉ như thế không thì không được, phải có sự tiếp sức của dân. Nếu không có áp lực của dân thúc đẩy thì vấn đề phê bình và tự phê bình cũng không thể đạt kết quả."
Thật ra thực trạng này đảng đã thường xuyên ngăn chặn nhưng làm không đến nơi đến chốn khiến căn bệnh càng thêm trầm trọng…
Giáo sư Tương Lai
Và người dân đã tạo áp lực. Áp lực đó thể hiện qua các vụ biểu tình, tập trung khiếu kiện đất đai liên miên của người dân ở hai thành phố lớn là Hà Nội và Sài Gòn trong nhiều tháng qua. Áp lực thể hiện qua vụ người dân ở xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, Hải phòng, nổ súng vào lực lượng cưỡng chế đất trái pháp luật của chính quyền địa phương vào hồi đầu tháng 1 năm nay. Vụ việc này cũng được cho là nghiêm trọng, thể hiện sự bất bình cao độ của người dân trước tình trạng tham nhũng của các quan chức tại địa phương. Thậm chí đã có lo ngại những vụ việc tương tự như Tiên Lãng, Hải Phòng sẽ có thể tiếp tục nổ ra trong tương lai không xa, gây bất ổn trong xã hội, nếu không có những thay đổi kịp thời.
Giáo sư Tương Lai cho rằng đã đến lúc đảng phải lắng nghe dân thay vì sợ dân, đàn áp dân. Ông kêu gọi mở rộng dân chủ trong đảng và trong xã hội để thực hiện tốt giải pháp phê bình và tự phê bình trong đảng. Nhưng với một đảng duy nhất lãnh đạo như hiện nay tại Việt Nam, người ta không thể biết biện pháp dân chủ hóa liệu có thể thực hiện được? bởi đã có câu nói ‘quyền lực tuyệt đối thì tham nhũng tuyệt đối’.