Cuộc phản công chống Trại súc vật

0:00 / 0:00

Quyển tiểu thuyết Trại súc vật của văn hào Anh George Orwell được xuất bản ở Việt Nam dưới nhan đề Chuyện ở nông trại, chưa bao giờ bị chính thức kiểm duyệt. Gần đây có hai bài báo trên truyền thông nhà nước Việt Nam chỉ trích quyển sách này.

Phê bình nhà văn Orwell

Tiểu thuyết viết theo thể loại ngụ ngôn của văn hào Anh George Orwell nhan đề The Animal Farm (Trại Súc Vật) được xuất bản tại Việt Nam vào năm ngoái với tựa đề Chuyện ở Nông trại. Quyển tiểu thuyết này châm biếm mô hình cộng sản của Liên Xô trong những năm 1940, và qua đó cảnh tỉnh mối nguy khi xã hội loài người bị dẫn dắt bởi những ảo tưởng cách mạng. Những ảo tưởng sẽ dẫn đến những cơ chế xã hội quái gỡ, trong đó thay vì được bình đẳng, con người sẽ bị trói buộc khốc liệt hơn, bởi những kẻ nhân danh những lý tưởng cách mạng bình đẳng.

Các nhân vật heo, chó, ngựa, gà, vịt của Orwell đã làm một cuộc cách mạng chống lại ông chủ trang trại thành công. Các con thú đã xây dựng một xã hội mà tất cả các con thú đều bình đẳng. Cuối cùng thì giai cấp lãnh đạo là những con heo lại trở thành giai cấp thống trị mới với mọi quyền lợi, ăn trên ngồi trốc. Câu nói mỉa mai nhất trong quyển sách là, "Tất cả mọi con vật đều bình đẳng nhưng có những con vật bình đẳng hơn những con vật khác."

Đương nhiên quyển sách này bị cấm trong tất cả những quốc gia theo chủ nghĩa Marxism-Leninism, vì chủ nghĩa này được Orwell đưa vào câu chuyện, và nó chính là lý tưởng cách mạng của các con vật dẫn đầu bởi các con heo là giai cấp lãnh đạo.

Cuốn sách lại được xuất bản ở Việt Nam hồi cuối năm ngoái với nhan đề Chuyện ở nông trại. Việc xuất bản do Nhà xuất bản Hội nhà văn phối hợp cùng công ty văn hóa Nhã Nam. Việc đổi tựa sách này có vẻ được dùng để qua mặt kiểm duyệt.

Xin hỏi: họ thấy tác phẩm này "đã gây nên bức xúc to lớn trong dư luận" ở đâu? Tại cuộc họp nào hay cuộc thăm dò dư luận nào chứng tỏ điều đó. <br/> -Phạm Nguyên Trường

Nhiều người đã đón nhận tác phẩm với nhiều tình cảm. Nhà thơ Trần Mạnh Hảo, nhân một bài giới thiệu sách trên báo Quân đội nhân dân, đã viết trên blog của mình là:

"Cám ơn nhà văn Trung Trung Đỉnh, nhà thơ Hữu Thỉnh đã giới thiệu tuyệt phẩm Trại Súc vật để mà cùng nhân dân chống độc tài."

Giáo sư Tương Lai cũng nói:

“Thật khâm phục tác giả, vì từ những năm 40 mà đã mô tả chính xác thế nào là độc tài toàn trị.”

Thế rồi hồi tháng ba năm nay, có tin đồn sách bị thu hồi. Bài giới thiệu sách trên báo Quân đội nhân dân bị rút xuống. Vẫn không có tin chính thức về sự thu hồi ấy. Theo Giáo sư Tương lai và nhà thơ Trần Mạnh Hảo thì người ta ngại nếu đưa lệnh thu hồi hay cấm đoán thì vô tình lại quảng cáo cho cuốn sách, cho nên có lẽ sự thu hồi đã diễn ra âm thầm.

Dư luận viên?

Cuối tháng ba trên trang mạng cand.com.vn xuất hiện bài viết của tác giả Hoàng Oanh nhan đề, Nhà văn Anh George Orwell: Lạc đàn chuyên nghiệp. Nội dung bài báo này phê bình chỉ trích nhà văn Orwell và tác phẩm Trại súc vật của ông.

Trong tháng tư, một bài báo khác xuất hiện trên PetroTimes nhan đề Những cuốn sách gây bức xúc của Nhã Nam của tác giả Trúc Vân. Nội dung bài báo này cũng chỉ trích quyển sách Trại súc vật mà công ty Nhã Nam đã ấn hành. Điều đặc biệt là trong hai bài báo trên hai tờ báo khác nhau, hai tên tác giả khác nhau, cách nhau gần một tháng lại có một đọan bình luận giống hệt nhau tới từng dấu phẩy:

Cuốn Animal Farm của George Orwell được tái xuất bản với nhiều mẫu bìa khác nhau. (Tower/book)
Cuốn Animal Farm của George Orwell được tái xuất bản với nhiều mẫu bìa khác nhau. (Tower/book) ((Tower/book))

“Điều đặc biệt là tiểu thuyết “Trại súc vật” của George Orwell từ nhiều năm nay đã bị đánh giá như một tác phẩm chứa rất nhiều luận điểm sai trái về chủ nghĩa xã hội và nó bị cấm lưu hành ở những quốc gia theo tư tưởng này. Vì thế, mặc dù tiểu thuyết này được tạp chí Time xếp vào danh sách 100 cuốn sách hay nhất bằng tiếng Anh ở thế kỷ XX nhưng với một đất nước như Việt Nam, việc ấn hành “Trại súc vật” đã gây nên bức xúc to lớn trong dư luận.”

Chúng tôi hỏi chuyện dịch giả Phạm Nguyên Trường, tác giả của bản dịch Trại súc vật lưu hành trên mạng rất lâu trước khi quyển Chuyện ở Nông trại được nhà xuất bản Hội nhà văn và công ty Nhã nam ấn hành. Ông cho biết là vẫn chẳng thấy lệnh cấm gì. Ông cũng phê bình hai tác giả của hai bài báo trên:

“Xin hỏi: họ thấy tác phẩm này "đã gây nên bức xúc to lớn trong dư luận" ở đâu? Tại cuộc họp nào hay cuộc thăm dò dư luận nào chứng tỏ điều đó. Tôi cho là viết báo như thế là không có lương tâm, các đồng nghiệp và bạn đọc nên tẩy chay hai người này.”

Chúng tôi đã hỏi chuyện một người có trách nhiệm ở công ty văn hóa Nhã Nam thì được ông trả lời rằng:

“Tôi đã giải trình chuyện này, và tôi xin phép từ chối trả lời.”

Như vậy chuyện kiểm duyệt không công khai có khả năng có thật.

Chúng ta cũng nhớ rằng đầu năm nay khái niệm Dư luận viên lần đầu tiên được nêu lên công khai bởi các giới chức Việt nam, tức là những người được trả tiền để viết bài bảo vệ đảng cộng sản hay công kích những gì có nguy cơ ảnh hưởng đến sự đúng đắn hay chính danh của đảng cộng sản. Không rõ hai tác giả hai bài báo trên có phải là dư luận viên hay không. Nhưng qua câu chuyện Trại súc vật này thì hình như việc kiểm duyệt cứng rắn đã chuyển qua kiểm duyệt đằng sau. Và nếu như ngòi bút dư luận viên được sử dụng để hỗ trợ cho việc làm đó, thì nên chăng truyền thông nhà nước hãy mở rộng diễn đàn tranh luận để các dư luận viên được chính danh hơn mà so tài, chứ không nên múa gậy vườn hoang một mình.