Ủy ban Bảo vệ người Lao động Việt Nam hôm nay trình cho Thượng viện Australia một số đề nghị về qui định cấp visa nhập khẩu lao động cho công nhân nước ngoài, trong đó có người lao động Việt Nam sang Australia làm việc.
Bảo vệ người lao động
Gia Minh hỏi chuyện ông Đoàn Việt Trung, một thành viên của Ủy ban này, hiện đang sống tại Australia
Trước hết ông cho biết:
“Mục đích của chúng tôi là muốn bảo vệ cho người lao động ở nước khác, dĩ nhiên là trong đó có Việt Nam của mình khi từ Việt Nam đến Úc thì không bị bóc lột, không bị cư xử một cách bất công. Để đạt được mục đích đó thì chúng tôi cómột phương tiện là ở một nước tự do dân chủnhư ở nước Úc này thì luôn luôn họ có thủ tục là Quốc hội - nhất là Thượng viện trong Quốc hội - thỉnh thoảng xem xét lại các đạo luật hoặc những chương trình mà chính quyền đã có lâu nay để xem là nó có hoạt động hữu hiệu hay không. Chương trình kỳ này mà được Thượng viện xem xét lại là chương trình về visa nhập cảnh, gọi là 457, visa dành cho các giới thương nhân Úc có thể đưa người, nhân viên từ các nước khác đến Úc với lý do là ở Úc người ta không thể kiếm được những người có khả năngở những lĩnh vự này, Cái chương trình nảy, ngoài mặt thì tốt như vậynhưng thực tế thì đang có một số giới chủ lợi dụng cái này để dìm lương của người Úc xuống cũng như là để bóc lột tiền lương của người lao động từ nước khác đến.
Gia Minh: Ngoài cái việc lợi dụng như vậy thì nó còn có những tình trạng nào đã xảy ra trong thời gian vừa qua mà để cho Ủy ban Bảo vệ người Lao động phải đệ trình cho Thượng viện Úc về cái visa nhập khẩu lao đông lần này ạ; Và có những cái điểm nào để mà có thể loại trừ được những tình trạng lạm dụng lâu nay như thế ạ?
Đoàn Việt Trung: Về những người lao động từ Việt Nam qua Úc thì số người đó không nhiều và chúng tôi chỉ mới gặp một số người. Chúng tôi được họ cho biết họ bị khá ép. Ví dụ như họ được ra lệnh không được gia nhập đoàn ngũ. Cái cấm đoán đó là bất hợp pháp vì ở Úc không ai có quyền cấm ai gia nhập các hội đoàn cả. Đó là về nước Úc; Còn về Mã Lai nơi mà chúng tôi có nhiều kinh nghiệm vì Ủy ban Bảo vệ của chúng tôi đã hoạt động ở đó mấy năm .
Do vậy, chúng tôi đã thâu thập nhiều bằng chứng, tài liệu cũng như nhân chứng cho thấy những công ty môi giới của nhà nước khi đưa người lao động qua bên Mã Lai thì rất là áp bức họ. Qua đến nơi là lấy ngay sổ thông hành, hộ chiếu, không cho họ giữ mà giao ngay cho chủ. Như thế có nghĩa là bắt họ trở thành nô lệ vì cho dù tiền lương của họ có như thế nào đi nữa thì họ cũng không có thể rời Mã Lai để trở về nước. Thế thì chúng tôi đưa ra những bằng chứng đó đến với Ủy ban này ở Thượng viện. Từ đó chúng tôi đưa ra một số những đề nghị; Một đề nghị chính của chúng tôi là các công ty môi giới ở Việt Nam, và tôi tin là ở một số các nước khác nữa, họ đã lấy rất nhiều tiền của người lao động khi đưa qua các nước như là nước Úc này lên đến cả chục ngàn; Đến Mã Lai thì chưng hai, ba ngàn Mỹ kim.
Chúng tôi cho là người lao động phải trả khoản tiền đó là vô lý, bởi vì đó là phí tổn mà đáng lẽ chủ nhân ở Úc này khi họ kiếm nhân viên thì họ phải trả phí tổn. Đằng này họ lại đẩy cái phí tổn đó qua cho người lao động, nhất là những người lao động nghèo. Khi những người nghèo phải mượn khoản tiền quá nặng thì họ trở nên lo sợ nên không dám làm gì với các giới chủ nhân. Vì thế chúng tôi yêu cầu cần phải thay đổi luật để cho giới chủ nhân cần phải gánh chịu trách nhiệm về số tiền mướn người thay vì chính người lao động phải trả số tiền đó. Trong ba, bốn đề nghị của chúng tôi thì đó là đề nghị chính, thưa anh.
Hy vọng thành công
Gia Minh: Theo như Ủy ban đánh giá thì khả năng có thể được thông qua thì như thế nào ạ?
Đoàn Việt Trung: Để nói về khả năng thì cần phải nói đến tiến trình làm việc của Thượng viện. Ủy ban này của Thượng viện họ cứu xét về visa này. Khi họ cứu xét thì họ mời mọi người, mọi giới trong xã hội hãy nộp những bản đệ trình để đưa ra những quan điểm của họ. Như vậy có khoảng trên dưới 40 tổ chức đưa vào thì Úy ban Bảo vệ của chúng tôi là một trong những nhóm đó . Có một vài tổ chức khác cùng khuynh hướng là bảo vệ cho người lao động , chẳng hạn như một sốc các nghiệp đoàn ; Còn lại đa số là những tổ chức của các giới chủ. Những tổ chức của các giới chủ đương nhiên là họ muốn bảo vệ cho quyền lợi của họ.
Vậy thì phía chúng tôi, những người muốn bảo vệ cho người lao động là thiểu số thì liệu có thể chiếm được cái đa số trong Thượng viện được hay không. Điều đó còn tùy thuộc vào quan điểm của của các Thượng Nghị sĩ cũng như khi họ mời các tổ chức có bản đệ trình ra điều trần trước mặt họ thì tùy thuộc vào khả năng mình thuyết phục họ. Đó là chuyện trong tương lai không ai có thể biết chắc được. Một trong những đề nghị của chúng tôi thì được biết là có một nghiệp đoàn lớn cũng có đề nghị tương tự. Do vậy, đề nghị đó có cơ may nhiều hơn. Đề nghị đó là nếu một công ty nào vừa mới giảm nhân viên của họ tại Úc này, xong lại mướn nhân viên là người ngoại quốc cho chính những công việc đó và mang họ đến đây thì họ lại xin visa 457. Chính quyền cần phải bác các đơn đó. Rõ ràng là họ có người ở Úc để làm được việc đó, họ chỉ muốn người ngoại quốc đến để mà trả lương rẻ. Đề nghị đó tôi nghĩ là cơ may thành công của nó khá cao hơn là những đề nghị khác.
Gia Minh: Là một người lâu nay tham gia hoạt động nhằm bảo vệ người lao động, vậy lao động tại Việt Nam đi đến những nước khác như là Australia, Malaysia... và những nước khác trên thế giới để mà kiếm sống, gởi tiền để giúp cho gia đình ở Việt Nam thì ông có lời khuyên đối với họ như thế nào?
Đoàn Việt Trung: Tôi nghĩ một điều tương đối rất là dễ làm là hãy tìm những người đã từng đi đến các nước mà mình đang tính đi đến để mà hỏi họ xem kinh nghiệm của họ như thế nào. Với kinh nghiệm sống như vậy thì không có gì có thể hơn được nếu mình có thể tìm được những người đó. Và nếu nói đến những nước nghèo nghèo thì thường tương đối dễ kiếm tại vì một làng, một xã thì thường công ty môi giới đến kéo họ đi nên nhiều người đi chứ không phải chỉ có một người nên có thể hỏi người đã từng có kinh nghiệm.
Còn trường hợp không thể tìm được những người đã từng có kinh nghiệm sống cũng như kinh nghiệm bản thân thì sao? Tôi nghĩ là với ai quen với các dùng internet, Google thì hãy tìm tòi để biết kinh nghiệm của những người khác vì có rất nhiều người kinh nghiệm của họ đã được đưa lên báo chí, lên internet. Thế thì nên tìm hiểu từ những người mình nói chuyện được hoặc là những người trên internet để biết trước khi mình đi bởi vì một khi mình đã đưa tiền cho môi giới rồi thì không thể lấy lại được. Một khi đã qua các nước đó mà nếu công ty môi giới họ lấy mất passport của mình thì không có đường về.
Gia Minh: Cảm ơn ông Đoàn Việt Trung đã dành cho Đài chúng tôi cuộc nói chuyện này ạ .