Việc này đưa ra trong lúc đảng Cộng sản Việt Nam kêu gọi chỉnh đốn Đảng với hình thức “phê bình và tự phê bình” là phương pháp chính. Nhiều ý kiến phân tích cho thấy “phê bình và tự phê bình” là một điều kiện cần nhưng chưa đủ.
Hiệu quả đến đâu
Ngày 16/1/2012 vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TW - Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI): “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Nghị quyết này đưa ra bốn nhóm phương pháp để chỉnh đốn Đảng, trong đó “phê bình và tự phê bình” là nhóm phương pháp chính và đầu tiên.
Phê bình và tự phê bình từ lâu được nói đến như một hình thức “cơ bản và quan trọng” trong hoạt động của chính quyền và trong lực lượng lãnh đạo Nhà nước – đảng Cộng sản Việt Nam. Trong cuốn “Sửa đổi lối làm việc” do Chủ tịch nước Hồ Chí Minh viết vào năm 1947, ông đã đề cập phương pháp phê bình và tự phê bình như một “phương thuốc tốt nhất” để trở thành một người “cách mạng chân chính”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhiều lần khẳng định “phê bình và tự phê bình là vũ khí rất cần thiết và sắc bén”.
Dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản Việt Nam, tư tưởng này không chỉ được áp dụng trong nội bộ Đảng mà còn đối với Chính phủ, Quốc hội, Nhà nước và luôn được nhắc đến như một phương pháp chủ yếu nhằm làm trong sạch chính quyền, Đảng cũng như giải quyết những sai sót của người lãnh đạo.
Biểu hiện của hình thức phê bình và tự phê bình là việc “xem xét trách nhiệm, giải trình và nhận trách nhiệm, rút kinh nghiệm”. Tuy nhiên, có một số quan ngại cho rằng việc phê bình và tự phê bình sẽ không mang đến hiệu quả nếu không thực hiện một cách nghiêm túc. Đại tá Nguyễn Đăng Quang, cựu cán bộ công an cho biết:
“Trong thực tế cuộc sống và lịch sử đã nói rõ việc phê bình và tự phê bình rất quan trọng nhưng nó chỉ hữu hiệu khi thực sự mọi người làm điều đó một cách nghiêm túc”.
Sau kỳ họp Quốc hội thứ hai được tổ chức vào cuối năm ngoái, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có văn bản giải trình, trả lời liên quan đến xử lý trách nhiệm của những tập thể, cá nhân có liên quan đến vụ việc Vinashin và kết quả tái cơ cấu của Tập đoàn Vinashin. Trong văn bản công bố cách đây hai tháng này, Thủ tướng cho biết "Tập đoàn Vinashin đã hoàn thành việc kiểm điểm và đang xem xét để đưa ra các quyết định hình thức xử lý trách nhiệm". Như vậy, sau một năm rưỡi Vinashin công bố vỡ nợ đến gần 90 ngàn tỉ đồng, tương đương hơn 4 tỷ đô la, Vinashin chỉ mới hoàn thành việc kiểm điểm.
Trong thực tế cuộc sống và lịch sử đã nói rõ việc phê bình và tự phê bình rất quan trọng nhưng nó chỉ hữu hiệu khi thực sự mọi người làm điều đó một cách nghiêm túc.
Đại tá Nguyễn Đăng Quang
Tương tự, tháng 10/ 2011, sau khi dư luận phản ánh hiện tượng rò rỉ hóa chất ra môi trường bên ngoài xung quanh công trình bô xít Tân Rai làm ảnh hưởng đến nguồn nước khu dân cư, thì Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã “yêu cầu TĐ Công nghiệp Than - Khoáng sản VN, Ban Quản lý dự án và Nhà thầu xây dựng dự án Tổ hợp bô xít-nhôm Lâm Đồng cần kiểm điểm, rút kinh nghiệm để xảy ra sự cố rò rỉ xút ở dự án”.
Gần đây nhất, sau khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trực tiếp chủ trì phiên họp về vụ cưỡng chế đất ở Tiên Lãng, một số cán bộ địa phương sau hàng loạt những sai phạm trong quản lý và pháp luật, đã bị yêu cầu đình chỉ công tác tạm thời và làm kiểm điểm – một hình thức của việc tự phê bình.
Kiểm điểm, rút kinh nghiệm
Vụ việc tại Tiên Lãng đã đi ra ngoài quỹ đạo của một vụ cưỡng chế đất đai hay một cáo buộc chống người thi hành công vụ. Trong khi 80% dân số là nông dân và 70% các vụ kiện là liên quan đến đất đai thì vụ cưỡng chế đất đai tại Tiên Lãng mang ý nghĩa quan trọng đối với đa số người dân cả nước. Tuy nhiên, việc xử lý cũng chỉ dừng ở mức “kiểm tra, rút kinh nghiệm”. Nhà văn Võ Thị Hảo cho biết, việc kiểm điểm như thế tạo nên sự bất công giữa những người phạm tội là chính quyền và người phạm tội là thường dân:
“Chỉ tự kiểm điểm và phê bình lại rơi vào việc đối với dân thì dùng mọi biện pháp bạo lực bất chấp pháp luật để trừng phạt dân thậm chí ghép dân vào tội chết. Thế nhưng đối với chính quyền (khi phạm tội) thì được xử lý rất “xuê xoa”. Nếu mà chỉ có đình chỉ công tác hoặc cắt chức hay chuyển công tác thì đó là việc làm khuyến khích chính quyền coi dân là nô lệ và khuyến khích “bạo lực đỏ” và sẽ không bao giờ giải quyết được vấn đề tại Việt Nam hiện nay”, nữ nhà văn cho biết thêm.
Thực tế, hiện tượng ngày càng có nhiều “cán bộ biến chất” như báo động của đảng Cộng sản Việt Nam chính là biểu hiện của tính phi thực tế khi dùng phê bình và tự phê bình làm một công cụ chống lại những sai sót trong tầng lớp lãnh đạo.
TBT đảng CS Việt Nam Nguyễn Phú Trọng cũng đã phát biểu khi bế mạc Hội nghị lần thứ tư BCH Trung ương Đảng khóa XI rằng việc phê bình và tự phê bình khó thực hiện vì “Nếu không thật tự giác, chân thành, công tâm thì rất dễ chủ quan, thường chỉ thấy ưu điểm, mặt mạnh của mình nhiều hơn người khác; trong khi chỉ thấy khuyết điểm, mặt yếu của người khác nhiều hơn mình”.
Chuyên gia tư vấn kinh tế Bùi Kiến Thành vừa có bài đăng trên Tạp chí Xây dựng Đảng. Trong đó, ông cho rằng: "Về con người, nhóm giải pháp đầu tiên mà Nghị quyết Trung ương 4 nhấn mạnh là tự phê bình, phê bình, nâng cao tính tiền phong, gương mẫu của cấp trên, mà trước hết là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương. Nhưng nếu giải pháp chỉ dựa trên tinh thần tự giác, đặt hy vọng vào tự kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm bản thân, làm rõ những khuyết điểm là không thực tế".
Hình thức xử lý
Một bài viết đăng trên website Cục Văn thư Lưu trữ Nhà nước trích đăng lại một bài báo của đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định rằng tham ô, lãng phí và quan liêu theo Chủ tịch Hồ Chí Minh là “giặc nội xâm”, là “kẻ thù”. Vậy để chống giặc, chống kẻ thù thì chỉ dùng cách phê bình và tự phê bình liệu có hiệu quả? Nhà văn Võ Thị Hảo cho biết:
“Nếu gọi sự đồi bại là giặc, nếu gọi sự tàn bạo với dân là giặc thì giặc chẳng bao giờ tự phê bình cả”.
Một xã hội, một nhà nước không chỉ được vận hành bởi đạo đức. Đặc biệt, dưới một nhà nước pháp quyền thì đạo đức chỉ là một phạm trù cần nhưng không đủ. Phê bình và tự phê bình chỉ có thể phát huy hiệu quả của nó khi có những chế tài thông qua luật pháp. Nói về điều này, đại tá Nguyễn Đăng Quang cho biết:
“Tự phê bình cũng là một biện pháp rất quan trọng nhưng nó chỉ thực sự quan trọng khi sử dụng cả vấn đề pháp chế, luật pháp. Nếu những người trong chính quyền hay Đảng viên mà làm sai pháp luật thì phải căn cứ vào pháp luật để xử lý chứ không thể nói là đã nghiêm túc kiểm điểm hay nghiêm khắc rút kinh nghiệm”.
Pháp luật phải mang tính xã hội, chứa những chuẩn mực chung và được đại đa số nhân dân ủng hộ. Pháp luật phải được thực hiện và thực hiện một cách độc lập. Chính pháp luật sẽ đóng vai trò giám sát và xử lý bất kể hành vi vi phạm pháp luật nào.
Việc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì cuộc họp về vụ Tiên Lãng phần nào giải quyết được những mâu thuẩn. Tuy nhiên, rất khó nói xử lý như thế là hiệu quả vì không phải những vụ vi phạm pháp luật nào cũng được Thủ tướng đăng đàn giải quyết. Thêm vào đó, một nhà nước pháp quyền như Việt Nam không thể vận hành nhà nước theo kiểu phong kiến vì chân lý không phải do nơi người lãnh đạo cao nhất, mà do luật pháp. Nhà văn Võ Thị Hảo cho rằng cần có “biện pháp mạnh” để quản lý Nhà nước có hiệu quả:
Nếu những người trong chính quyền hay Đảng viên mà làm sai pháp luật thì phải căn cứ vào pháp luật để xử lý chứ không thể nói là đã nghiêm túc kiểm điểm hay nghiêm khắc rút kinh nghiệm.
Đại tá Nguyễn Đăng Quang
“Một trong những biện pháp có thể làm đầu tiên là sửa hiến pháp. Khi sửa hiến pháp thì phải trả lại cho dân những quyền tối thiểu nhất của con người như quyền tự do ngôn luận, quyền thành lập hội đoàn, quyền tự do báo chí, quyền làm kinh tế tư nhân, quyền thành lập đảng hay hội đoàn...”
Nhà văn Võ Thị Hảo cũng nói thêm hiến pháp và luật phải được áp dụng và thực hiện trong thực tế.
Chuyên gia tư vấn kinh tế Bùi Kiến Thành cũng khẳng định trong bài viết của mình rằng “Sở dĩ có những vi phạm này là vì trong quá khứ các nhà làm luật Việt Nam không quan tâm đầy đủ đến quy định của Hiến pháp về quyền công dân”. Ông cũng mạnh dạn đề nghị “để tránh những sai lầm tiếp diễn, lãnh đạo Đảng, Chính phủ và Quốc hội nên huy động các luật gia trong nước và ngoài nước để cùng nhau hợp tác thực hiện".
Nhà bác học, triết học Hy Lạp cổ đại Aristotle từng tuyên bố trong một di bút chính trị viết vào năm 350 trước Công nguyên rằng “điều hành bằng luật pháp sẽ thích hợp hơn điều hành bằng bất cứ một cá nhân nào”.
[ Video: Kết luận của TT về vụ Tiên LãngOpens in new window ]