Những người tù vì đấu tranh cho quyền lợi công nhân

0:00 / 0:00

Tại Việt Nam hiện có một số người do đấu tranh cho quyền lợi của giới công nhân đang bị giam tù. Ba người đấu tranh cho quyền lợi công nhân bị bắt và đưa ra tòa xét xử với án tù nặng là Nguyễn Hoàng Quốc Hùng 9 năm tù giam, Đoàn Huy Chương và Đỗ Thị Minh Hạnh mỗi người 7 năm tù giam.

Những bản án được tuyên tại phiên xử sơ thẩm diễn ra hồi ngày 26 tháng 10 năm 2010. Họ bị bắt hồi tháng 2 trong năm đó sau khi tham gia cuộc đình công của cả chục ngàn công nhân hãng giày Mỹ Phong ở Trà Vinh, cũng như rải truyền đơn tại Đồng Nai và một số nơi ở thành phố Hồ Chí Minh với lời kêu gọi Ngàn năm Thăng Long.

Tòa kết án họ về tội ‘phá rối an ninh trật tự nhằm chống lại chính quyền nhân dân’ theo điều 89 Bộ Luật Hình sự Việt Nam. Tại phiên xử sơ thẩm họ không có được luật sư biện hộ.

Tòa phúc thẩm vào ngày 21 tháng giêng năm 2011 cũng đã y án đối với những phán quyết mà tòa tại Trà Vinh đã tuyên cho ba người.

Kêu oan

Ngay trong ngày diễn ra phiên tòa sơ thẩm, thân nhân của ba người bị kết án công khai lên tiếng cho rằng người thân của họ không làm gì có tội. Trong thư ngỏ gửi cho các nguyên thủ những quốc gia dân chủ, tiến bộ trên thế giới, các tổ chức nhân quyền và các nghiệp đoàn trên thế giới, đại diện của ba người bị đưa ra tòa là ông Đỗ Tỵ, cha của Đỗ thị Minh Hạnh, ông Nguyễn Kim Hoàng, cha của Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, và cô Chiêm thị Tường Mạnh, vợ của Đoàn Huy Chương, nêu rõ quan điểm rằng thân nhân của họ là những người yêu nước, giàu lòng nhân ái. Họ đã thể hiện qua việc làm giúp đỡ cho người nghèo, người dân bị mất đất, và công nhân bị bóc lột.

Bản thân của ba người bị bắt đưa ra tòa trong phiên xử sơ thẩm đã không có luật sư và họ phải tự bào chữa cho họ, thế nhưng tại tòa những người thân tham dự cho hay Hội đồng xét xử đã không cho phép họ phát biểu gì nhiều.

Sau khi có kháng cáo và sắp đến ngày xử phúc thẩm, thân nhân cho biết cả ba bị trại giam ở Trà Vinh ngăn cản việc mời luật sư cho họ. Trong đơn khiếu nại đề ngày 18 tháng 1 năm 2011, đại diện của cả ba người cho biết cán bộ trại giam gợi ý nếu không kháng án thì sẽ được giảm thời gian thụ án theo bản án sơ thẩm; sau đó dù bản thân ba người có viết đơn kháng cáo nhưng việc mời luật sư vẫn bị cản trở.

Vào ngày 30 tháng tư năm 2013 ông Nguyễn Kim Hoàng, thân phụ của anh Nguyễn Hoàng Quốc Hùng cho biết, sau khi tòa phúc thẩm tuyên y án đối với ba người theo như bản án mà tòa sơ thẩm đã tuyên, bản thân ông đã có khiếu nại lên đến Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và cơ quan này cũng trả lời y án không thay đổi:

Có làm đơn khiếu nại nhưng Viện Kiểm sát tại Hà Nội nói trường hợp ‘chống Nhà Nước’ như thế không có giảm án. Họ gửi cho tôi văn bản nói như vậy.

Trở thành tù chính trị

Anh Nguyễn Hoàng Quốc Hùng tại TAND TP Hồ Chí Minh hôm 18-3-2011
Anh Nguyễn Hoàng Quốc Hùng tại TAND TP Hồ Chí Minh hôm 18-3-2011 (Anh Nguyễn Hoàng Quốc Hùng tại TAND TP Hồ Chí Minh hôm 18-3-2011)

Sau khi bị tuyên án tù ở tòa án Trà Vinh, cả ba người phải thụ án tại trại giam tỉnh Trà Vinh, sau chuyển đi một số nơi và nay hai anh Nguyễn Hoàng Quốc Hùng và Đoàn Huy Chương hiện ở trại giam Z30A Xuân Lộc, Đồng Nai.

Ông Nguyễn Kim Hoàng cho biết tình hình của người con hiện đang ở đó, ông cho biết:

“Thực tình mà nói sau này ‘dễ dãi’ rồi ,thăm cũng thoải mái thôi. Đồ ăn, đồ uống gửi vào cũng thoải mái rồi chứ không khó khăn như ở Trà Vinh, hồi đó bị dịch cúm nên khổ lắm. Nay mua đồ gì gửi vào cũng được, đồ chín đều được, trừ đồ sống thôi.

Gặp chỉ gặp 40 phút, làm ăn thế nào thôi, chứ không nói chuyện gì khác. Hùng bị giam chung với Thức, anh Cường. Tất cả đều là tù chính trị.”

Cô Chiêm thị Tường Mạnh, hiện phải lên Sài Gòn để tiếp tục làm công nhân kiếm sống nhằm có thể gửi tiền về quê phụ cha mẹ nuôi hai con nhỏ của cô và anh Đoàn Huy Chương, cũng cho biết thông tin mới nhất về anh này trong tù sau chuyến đi thăm mới nhất:

“Tháng rồi đi thăm. Trong tháng tùy ngày tôi đi thăm. Nay ở trại này dễ dàng hơn. Trước đây từ Tiền Giang, chuyển đi về Bình Thuận, nay về Xuân Lộc. Tôi đi thăm chỉ động viên thôi, chứ không hỏi được gì vì công an ngồi bên cạnh. Anh ở trong đó cũng lo vì vợ ở ngoài một mình lo cho con.

Một thông tin đáng buồn cho anh Nguyễn Hoàng Quốc Hùng là khi anh đang bị giam tù thì mẹ anh qua đời, tuy nhiên gia đình không dám thông tin vì sợ anh quá buồn phiền. Mẹ nó mất cả hơn năm mấy rồi mà vẫn giấu, nó hỏi thì nói má vẫn mạnh.”

Nguyễn Hoàng Quốc Hùng và Đỗ thị Minh Hạnh là một đôi yêu nhau. Đoàn Huy Chương từng là một người hoạt động trong tổ chức có tên Hiệp hội Đoàn Kết Công Nông dưới tên gọi khác là Nguyễn Tấn Hoành. Vì tham gia hiệp hội này, anh và người cha là Đoàn Văn Diên bị bắt và bỏ tù. Ra tù vào năm 2008, nhưng sau đó anh Đoàn Huy Chương tiếp tục tham gia đấu tranh cho quyền lợi người công nhân tại Việt Nam và bị bắt rồi bị tù như vừa nêu.

Hồi tháng 10 năm 2011, khi bàn về dự thảo Luật Lao động sửa đổi, chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội lúc đó là ông Phan Trung Lý nêu vấn đề tại sao hơn 5000 cuộc đình công trong khoản thời gian từ khi Luật Lao động năm 1995 có hiệu lực thi thành cho đến hết năm ngoái đều là những cuộc đình công bất hợp pháp không do công đoàn lãnh đạo. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thừa nhận là mức lương mà các doanh nghiệp trả cho công nhân chỉ đáp ứng được từ 60 đến 70% nhu cầu tối thiểu.

Đó là một trong những nguyên nhân chính khiến cho người công nhân tiếp tục phải lên tiếng đòi hỏi quyền lợi bằng cách tiến hành đình công. Thế nhưng bế tắc vẫn còn bởi luật không cho phép người lao động tiến hành đình công mà không thông qua công đoàn. Người lao động không tin đại diện công đoàn do chính công ty cử ra mà không do họ bầu lên; trong khi đó công đoàn độc lập vẫn là một điều cấm kỵ tại Việt Nam cho đến lúc này.